Chương 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN
3.3. Một số kiến nghị để thực hiện giải pháp hoàn thiện chính sách tiền lương trong lực lượng Công an nhân dân
3.3.1. Kiến nghị với Đảng, Nhà nước
Đề nghị nghiên cứu ban hành tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu thực tế cho những người hưởng lương. Thực hiện việc bảo đảm sức mua của tiền lương tối thiểu trên cơ sở chỉ số tăng giá cả và cơ cấu nhu cầu tối thiểu, phát huy vai trò của tiền lương tối thiểu trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần điều hòa sự phân bố lao động và đầu tư hợp lý giữa các vùng, ngành.
Xác lập các cơ sở lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho các ngành nói chung, LLCAND nói riêng xác định CSTL được hợp lý, khoa học hơn, đi sát và phù hợp với cuộc sống của người lao động. Qua nghiên cứu đặc điểm, tính chất và điều kiện lao động của LLCAND, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, đề nghị Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung những tồn tại
trong các bảng lương của SQ, HSQ NV và CMKT để việc triển khai thực hiện được thuận lợi, đảm bảo các nguyên tắc của tiền lương.
Đề nghị Chính phủ giao BCA chủ trì phối hợp với các Bộ chức năng rà soát, đánh giá một cách toàn diện các chế độ phụ cấp, chế độ bồi dưỡng đối với LLCAND để có nhìn nhận tổng quát những ưu điểm, những bất hợp lý trong các chế độ này. Từ đó sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Để việc chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho SQ, HSQ, chiến sĩ, CNCA được kịp thời, đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách để việc cấp phát phải đầy đủ và kịp thời, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn. Trên cơ sở chế độ, tiêu chuẩn và biên chế, BCA tiến hành chi trả cho CBCS và thanh quyết toán với Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ ban hành quy chế phối hợp để việc tổ chức cấp phát và thanh quyết toán của BCA được nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định.
3.2.2. Về phía Bộ Công an
Trước hết, xuất phát từ quan điểm: công tác cán bộ (yếu tố con người) là quan trọng nhất, có chính sách tốt thì sẽ có cán bộ tốt. Vì vậy, cần tăng cường, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, thực hiện CSTL, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản vì chỉ có nghiên cứu được cơ bản thì việc ban hành CSTL đối với LLCAND mới khoa học và có hệ thống, tránh được tình trạng chính sách "vá víu" như hiện nay.
Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thực hiện chế độ, chính sách ở cơ quan Bộ cũng như ở các đơn vị, địa phương cũng rất quan trọng. Những người cán bộ này giúp chính sách "đi vào cuộc sống", đồng thời là người nắm bắt được những bất hợp lý của CSTL, từ đó phản biện cho những người nghiên cứu, đề xuất chính sách. Do đó, đội ngũ cán bộ này phải đủ về số lượng, nắm bắt được đầy đủ, có năng lực tổng hợp và khả năng nghiên cứu khoa học; nhạy bén, công tâm, an tâm công tác, bản lĩnh vững vàng;
đội ngũ ổn định.
Thực tế hiện nay, ít có cán BCA muốn làm công tác chính sách vì công việc này rất phức tạp, "động chạm" đến quyền lợi của từng người; công tác tập huấn CSTL thì gần như bỏ trống, cán bộ làm theo kinh nghiệm là chính, những người làm trước biết thì chỉ cho người làm sau. Do đó, để CSTL được thực hiện tốt, đề nghị BCA dành một khoản kinh phí thường xuyên để mở các lớp tập huấn về CSTL cho cán bộ làm công tác chính sách và cũng có sự ưu tiên trong việc tuyển chọn cán bộ làm công tác này.
Hai là, đề nghị lãnh đạo BCA chỉ đạo thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước quy định đối với CAND. Đồng thời, đề nghị Nhà nước ban hành thành hệ thống và ổn định, nhất quán những chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện công tác, chiến đấu riêng có của LLCAND.
Ba là, đầu tư trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác quản lý và thực hiện tiền lương trong ngành Công an.
C.Mác đã viết, công cụ lao động giúp nối dài khí quan của con người. Công cụ, phương tiện làm việc tốt sẽ giúp cán bộ làm công tác CSTL nắm bắt được chính sách có hệ thống, tổ chức thực hiện và theo dõi được việc thực hiện CSTL cho CBCS trong toàn lực lượng một cách nhanh chóng; phát hiện và điều chỉnh kịp thời khi có sai sót.
Bốn là, lãnh đạo BCA cần quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu CSTL, tổ chức các cuộc họp chuyên đề về công tác để chỉ đạo công tác này sát sao hơn, cụ thể hơn. Công tác nghiên cứu, tổ chức thực hiện CSTL là công việc của các cấp, các đơn vị, không thể "khoán trắng" cho cơ quan tổ chức cán bộ của đơn vị.
Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng quy định về phân hạng tổ chức và phân định cán bộ để thực hiện chính sách trong toàn LLCAND một cách hợp lý, công bằng, loại bỏ tính bình quân, cào bằng. Việc tuyển dụng, nâng bậc, nâng ngạch lương, xếp lương phải có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất và đúng nguyên tắc.
Tập trung chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát làm nổi bật đặc điểm, tính chất, điều kiện lao động phù hợp với thực tế chiến đấu và môi trường công tác của LLCAND hiện nay để làm sáng tỏ đặc trưng lao động công an. Trên cơ sở đó, đề xuất có sức thuyết phục cao, góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ thuộc các cơ quan chức năng của Nhà nước về lao động của LLCAND, có đánh giá, nhìn nhận đúng đắn đối với lao động đặc thù này. Từ đó, sớm báo cáo Chính phủ ban hành các chế độ phụ cấp đặc thù cho một số lực lượng chiến đấu trong LLCAND.
Năm là, tiến hành tổng kết tình hình thực hiện CSTL trong toàn lực lượng thời gian qua. Đánh giá một cách toàn diện những ưu điểm, khuyết điểm và các nguyên nhân tồn tại của các chế độ hiện hành. Bổ sung, điều chỉnh hệ thống chế độ đãi ngộ cho phù hợp với yêu cầu của CSTL.
* Kết luận Chương 3
Quán triệt các hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về mục tiêu, nguyên tắc hoàn thiện chính sách tiền lương trong LLCAND, tác giả đề xuất hệ thống giải pháp hoàn thiện việc thực hiện chính sách tiền lương đối với LLCAND. Đồng thời mạnh dạn đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Ngành,… nhằm thực hiện các giải pháp hoàn thiện chính sách tiền lương đối với LLCAND Việt Nam.
KẾT LUẬN
Quan tâm thỏa đáng đến CSTL cho người lao động là động lực phát triển của đất nước. Điều này lý giải tại sao ở những nước phát triển hay những công ty liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam đã thu hút được một bộ phận rất lớn những người lao động có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi ở các trường đại học vào làm việc, mặc dù làm việc ở đây với cường độ rất cao, thời gian lao động trong ngày khá dài. Và cũng nhờ chính sách thu hút được những người tài mà lợi nhuận lại luôn tăng lên, công ty ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó tiền lương là giá cả của lao động, hình thức biểu hiện của giá trị sức lao động. Trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cơ sở để đo lường giá trị sức lao động lại khác nhau, tức tiền lương cũng phải thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, CSTL liên tục được nghiên cứu hoàn thiện. CSTL đối với LLCAND cũng phải đổi mới để bắt kịp với sự phát triển KTXH của đất nước.
Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của CSTL đối với LLCAND và hy vọng nâng cao công tác chuyên môn của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tác giả đã chọn đề tài về hoàn thiện CSTL đối với LLCAND hiện nay để nghiên cứu và viết luận văn Thạc sĩ.
Từ những phân tích trong luận văn, có thể rút ra một số kết luận như sau:
Một là, thấy được đặc điểm lao động của LLCAND, lực lượng nòng cốt của LLVT và sự đãi ngộ Đảng, Nhà nước dành cho LLCAND trong CSTL; đồng thời giúp hiểu thêm về LLCAND, từ đó có sự nhìn nhận khách quan, công bằng hơn về CBCS công an.
Hai là, qua nghiên cứu đã hiểu được những vấn đề cơ bản của CSTL nói chung, thấy được những yêu cầu đặt ra đối với CSTL đối với LLCAND trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, tuy trong luận văn của mình, tác giả không có nhiều những đóng góp về mặt lý luận, nhưng xét trong điều kiện công tác của tác giả thì luận văn mang ý nghĩa thiết thực cao, đó là đã xác định được những điểm còn tồn tại trong CSTL của LLCAND và đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Những đề xuất, kiến nghị của tác giả có thể còn phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Song, với những gì được đề cập trong bản luận văn này, tác giả hy vọng được
đóng góp ở khía cạnh nào đó cho việc giải quyết và hoàn thiện CSTL đối với CBCS LLCAND.
Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra trong luận văn của mình, trong quá trình nghiên cứu tác giả đã phải tổng hợp rất nhiều báo cáo và tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, còn một số đánh giá về tác động của CSTL đối với LLCAND tác giả không thể cung cấp những số liệu chi tiết trong luận văn, do điều kiện đảm bảo những yêu cầu về bí mật của LLCAND.
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành các thầy giáo, các nhà khoa học và đồng nghiệp đã góp ý kiến giúp tác giả hoàn thành luận văn này. Rất mong nhận được các ý kiến tham gia xây dựng của các đồng chí CBCS trong LLCAND cũng như bạn độc giả quan tâm đến CSTL./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Kim Bảo (2004), Điều chỉnh một số chính sách kinh tế ở Trung Quốc (giai đoạn 1992-2010), Nxb. Khoa học - Xã hội, Hà Nội.
2. Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Công an (1996), Lịch sử CAND Việt Nam (1945- 1954), Nxb. CAND, Hà Nội.
3. Bộ Công an, Ban Nghiên cứu tổng kết lịch sử CAND (1998), Những văn bản của Nhà nước về an ninh trật tự (1965-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Bộ Quốc phòng - BCA (1999), Luận cứ khoa học cho việc xây dựng Đề án tiền lương mới của LLVT
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2001), Đề tài cấp Nhà nước - Luận cứ khoa học cho việc xây dựng Đề án tiền lương mới.
6. Bộ luật Lao động (2002), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Tìm hiểu về cải cách chính sách tiền lương, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.17, 24.
8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2005), Chính sách tiền lương - Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.
9. Bộ Luật lao động (2015), Quy định mới nhất về tăng lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang 2015, NXB Lao động, Hà Nội.
10. Chính phủ (2004), Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
11. Chính phủ (2014), Nghị định số 106/2014/NĐ-CP, ngày 17/11/2014 của Chính phủ, Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
12. Chính phủ (2016), Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính Phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân.
13. Hà Đình Chương (2003), Đổi mới chính sách đãi ngộ vật chất đối với đội ngũ CBCS CAND, Luận văn thạc sĩ quản lý hành chính công, Học viện Hành chính quốc gia, Hà Nội.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (1981), Văn kiện Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa V, Nxb Sự thật, Hà Nội.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị lần thứ bảy, khóa XI (2013), Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 28NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
17. Đảng ủy Công an Trung ương (2015), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI (2015 - 2020).
18. Tống Văn Đường (1995), Đổi mới cơ chế và chính sách quản lý lao động, tiền lương trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
19. Đặng Mạnh Hoàn (1992), "Mấy ý kiến về Đặc trưng của lao động công an", Tạp chí CAND(4 + 5), tr.51-53.
20. Tô Tử Hạ (1998), Công chức và vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
21. Đoàn Đức Hiếu (2003), Sự phát triển của cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (sách tham khảo),Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
22. Hồ Chí Minh (1986), Toàn tập, tập 5, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
23. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
24. TS. Thang Văn Phúc (2001), Cải cách hành chính nhà nước - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp (sách tham khảo),Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
25. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2006), Luật Công an nhân dân 2005.
26. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2014), Luật Công an nhân dân 2014.
27. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2015), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
28. Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Yêm (2016), Khoa học Công an Việt Nam, tập 7, Lý luận về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân.
29. Đỗ Tiến Triển (1992), "Đặc trưng của hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của LLCAND", Tạp chí CAND (2), tr.31-33.