“CNH, HĐH nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.
CNH, HĐH nông thôn là quá trình chuyển dịch CCKT nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái;
tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ở nông thôn.” [9, tr.93 -94].
1.2.3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp - Thứ nhất, nhóm nhân tố địa lý, tự nhiên
Mức độ ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, địa lý đến chuyển dịch CCKT nông nghiệp nhiều hay ít phụ thuộc vào cơ sở vật chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất càng thấp kém thì sự tác động của điều kiện tự nhiên càng lớn. Nhóm các điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến chuyển dịch CCKT trên những mặt chủ yếu sau:
+ Sự lựa chọn cơ cấu sản xuất, CCKT phù hợp với vùng sinh thái để tạo lợi thế trong cơ chế thị trường.
+ Việc xây dựng nền nông nghiệp lâu bền vừa tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Ảnh hưởng đến quá trình phân công lao động ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.
- Thứ hai, nhóm nhân tố kinh tế - xã hội
Trình độ phát triển lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định tốc độ chuyển dịch CCKT nông thôn. Lực lượng sản xuất theo nghĩa rộng bao gồm: con người, tư liệu sản xuất và KHCN.
Nhân tố con người có vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Với tư cách lao động, con người được biểu hiện tập trung ở sức lao động. Con người với tư cách là chủ thể quản lý sẽ tạo ra khả năng thay đổi CCKT và phát triển kinh tế.
Tư liệu sản xuất luôn được coi là nhân tố năng động. Tư liệu sản xuất với tư cách là những công cụ lao động sẽ góp phần tăng năng suất lao động, nhờ đó thúc đẩy quá trình phân công lao động ở nông thôn. Tư liệu sản xuất với tư cách là cơ sở
vật chất kỹ thuật sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy chuyển dịch CCKT nhanh hơn.
KHCN tác động thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, làm biến đổi sức lao động, công cụ lao động và đối tượng lao động. Dưới tác động của KHCN, sức sản xuất được nâng lên, cơ cấu ngành nghề thay đổi dẫn đến cơ cấu lao động thay đổi.
KHCN góp phần tạo ra năng suất lao động cao hơn, cho phép người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng ai giỏi nghề gì thì làm nghề đó. Từ đó sẽ phân công lại lao động trong xã hội theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ.
Thị trường là mục tiêu của sản xuất hàng hóa và thị trường có tác động trở lại đối với sản xuất hàng hóa. Tác động của thị trường đến kinh tế nông thôn có tính hai mặt: nếu giải quyết tốt sẽ thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, hoặc ngược lại sẽ làm hạn chế sự phát triển kinh tế nông thôn.
Thị trường kích thích nông dân thay đổi cách làm ăn, suy nghĩ, tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Các chính sách của Nhà nước là nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp nông thôn. Chủ trương coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tự do hóa trong lưu thông, thừa nhận hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, chính sách ruộng đất, chính sách kinh tế nhiều thành phần... đã tác động trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra, cần có sự điều tiết của Nhà nước để góp phần hạn chế tính tự phát theo cơ chế thị trường một cách thái quá.
Quá trình chuyển dịch CCKT cần quan tâm đến những định hướng chung với quy hoạch tổng thể của cả nước. Mỗi vùng đều có quy hoạch phát triển nhưng không thể vượt ra ngoài quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể của cả nước và chuyển dịch CCKT nông nghiệp cả nước và CCKT nông nghiệp từng vùng phải gắn bó chặt chẽ với nhau.
Chương II