KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Một số giải pháp góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH tại huyện Ý Yên
Căn cứ vào điều kiện, tiềm năng của huyện (tự nhiên, kinh tế, xã hội); thực trạng chuyển dịch CCKT nông nghiệp huyện Ý Yên những năm qua; quan điểm chỉ đạo chuyển dịch CCKT nông nghiệp nông thôn huyện Ý Yên, đưa ra các nhóm giải pháp góp phần đẩy mạnh chuyển dịch CCKT nông nghiệp huyện Ý Yên như sau:
- Đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng và định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, huyện cần tiến hành công tác quy hoạch các vùng chuyên canh hàng hoá theo hướng phát huy lợi thế và tiềm năng của mỗi vùng gắn với thị trường. Tiến hành quy hoạch chi tiết cấp xã như sau:
+ Quy hoạch vùng chuyên canh lúa đặc sản với diện tích 700 ha ở các xã Yên Bình, Yên Trị. Tiếp tục tiến hành quy hoạch vùng lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng cánh đồng 70 triệu đồng/ha ở một số xã như Yên Phú, Yên Quang….
+ Quy hoạch phát triển vùng thâm canh rau sạch với diện tích 400 ha ở các xã Yên Nhân, Yên Hồng, Yên Chính.
+ Quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn quả như vải ở Yên Phú, nhãn ở Yên Dương.
+ Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi: nuôi lợn ở xã Yên Đồng, Yên Trị, đànbò ở xã Yên Trung, Yên Chính.
+ Quy hoạch vùng thuỷ sản tập trung ở Đông Nam Ý Yên. Quy hoạch chia nhỏ đầm ở xã Yên Trung, Yên Thành, Yên Thọ, Yên Khánh.
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
Cùng với khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng là nhân tố đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn huyện Ý Yên.
Vì vậy, trong 5 năm tới, huyện cần tranh thủ thu hút vốn gấp 3,5 lần so với vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 để tập trung xây dựng, nâng cấp và chuẩn bị đầu tư các công trình trọng điểm:
+ Về giao thông: Triển khai nâng cấp tuyến đường 57A, 57B, 57C, 486, 486B, 484 và các tuyến đường liên xã, liên thôn. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành việc nhựa hoá và bê tông hoá các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển sản xuất.
+ Về thuỷ lợi, đê điều: Hoàn thành thi công và đảm bảo chất lượng các công trình: Xử lý trọng điểm đê tả Đáy, bê tông hóa 100% mặt đê Hữu Đào. Xây dựng dự án xử lý sạt lở kè Đống Cao, kè Quán Khởi; tiếp tục triển khai việc nâng cấp trạm bơm Quỹ Độ, trạm bơm sông Chanh, hệ thống tưới trạm bơm Cổ Đam, sửa chữa trạm bơm Yên Quang. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án nạo vét sông Sinh, sông Sắt...
+ Về điện: tăng cường đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống điện nông thôn vừa phục vụ đời sống và nhu cầu sản xuất cho nhân dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng một số trạm có công suất lớn (khoảng từ 750 KVA) phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản ở Vùng I Bắc Ý Yên, xã Yên Trung, Yên Thành, Yên Thọ. Đảm bảo 100% số hộ dân được dùng lưới điện quốc gia với giá bán điện hợp lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch trong toàn huyện nhằm cung cấp nước sạch cho nông thôn và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư.
+ Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông rộng rãi trên địa bàn huyện tạo thuận lợi cho nhân dân liên lạc, trao đổi thông tin, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.
- Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp
Tăng ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác chuyển giao KHCN và khuyến nông (cả khuyến lâm, khuyến ngư), quản lý, sử dụng có hiệu quả và đúng quy định các nguồn vốn khuyến nông đầu tư trên địa bàn.
Tập trung xây dựng các điểm khảo nghiệm, thử nghiệm, trình diễn để tuyển chọn các giống cây con có năng suất, chất lượng tốt và thích nghi với từng vùng sinh thái. Từng bước hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ kịp thời cho sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường. Trong công tác giống cần tập trung các định hướng sau:
+ Về cơ cấu giống lúa: huyện tiến hành chỉ đạo mô hình khảo nghiệm một số giống lúa có năng suất cao và tuyển chọn để đưa gieo cấy đại trà như: lúa lai 2 và 3 dòng, Bắc ưu, lúa lai F1 903, ngoài ra còn giống lúa TH3-3 được mua tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Nam Định), đã được đưa vào trồng thí điểm, đây là giống lúa lai cho năng suất cao 6 - 8 tấn/ha với thời gian sinh trưởng ngắn 105 - 125 ngày, chịu được mọi loại đất trên mọi địa hình, chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo trắng thơm ngon.
+ Triển khai dự án chăn nuôi công nghiệp theo hình thức trang trại vườn ao chuồng và chăn nuôi tại gia đình. Thực hiện chuyển giao và chăn nuôi những giống vật nuôi có chất lượng cao, tăng trọng nhanh như: lợn siêu nạc, gà Arập, ngan Pháp, bò Lai sind….
+ Hỗ trợ và củng cố hoạt động của các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn huyện. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức quảng canh, tạo điều kiện để các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản chuyển
sang nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ nuôi thay ít nước, sử dụng chế phẩm Biotex cho hiệu quả kinh tế cao.
- Ứng dụng công nghệ sạch để triển khai quy hoạch các vùng trồng rau sạch, trái cây sạch… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
- Đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản
Đưa nhanh công nghệ mới phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao trình độ thâm canh, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm hàng hoá. Trong đó, chú ý lựa chọn chuyển giao các loại máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ khâu thu hoạch như các loại máy gặt, đập; khâu sau thu hoạch như: máy sấy long nhãn, công nghệ bảo quản sơ chế trái cây….
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
+ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý: trong tổng số lao động của huyện chỉ có 3.717 nhân lực đã qua đào tạo (chiếm 5,18% tổng nhân lực toàn huyện), trong đó có khoảng 320 nhân lực có trình độ đại học và trên đại học. (xem phụ biểu 2)
Đến năm 2010, toàn huyện có 18 khuyến nông viên nhưng chỉ có 6 người có trình độ đại học, chiếm 33,3%, 8 người có trình độ trung cấp và còn 4 người chưa qua đào tạo. Vì vậy, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông viên tại huyện là rất cấp thiết nhằm đạt được hiệu quả cao trong công việc.
+ Đào tạo nghề cho nhân dân: tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông - lâm - thuỷ sản cho người dân nhằm trang bị cho họ những hiểu biết cần thiết giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất. (xem phụ biểu 2)
- Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản
Thị trường tiêu thụ nông sản là vấn đề quan trọng cần có sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Để thực hiện tốt chính sách về thị trường tiêu thụ nông sản nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện, cần tiến hành một số giải pháp sau:
+ Chính quyền huyện phải thường xuyên theo dõi và nắm bắt thông tin thị trường để quyết định các phương án quy hoạch, kế hoạch; xác định cơ cấu sản xuất phù hợp, gắn với thị trường và sản xuất để sản phẩm có khả năng tiêu thụ được.
+ Định hướng phát triển những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao như:
đặc sản, sản phẩm chất lượng cao, an toàn…
+ Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành nông sản để nâng cao khả năng cạnh tranh.
+ Đầu tư nâng cấp, xây dựng chợ trung tâm huyện và mạng lưới chợ nông thôn, phát triển mạnh mạng lưới giao thông đường thuỷ, đường bộ để mở rộng khả năng tiêu thụ hàng hoá.
+ Đẩy mạnh việc xây dựng các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hoá đối với hộ nông dân.
Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh về chế biến và thương mại thuộc các thành phần kinh tế thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ với các HTX hoặc ký trực tiếp với nông dân, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.