Chương 2: Đời sống và nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào Chăm ở Việt Nam
2.2 Nét đặc sắc trong văn hóa Chăm ở Việt Nam
2.2.3 Nếp sống gia đình và xã hội
Trong lịch sử, tộc Chăm là một trong những tộc có trình độ phát triển xã hội khá cao. Họ đã hình thành Nhà nước riêng từ rất sớm. Với một cơ cấu tổ chức xã hội khá chặt chẽ, từ lâu, người Chăm đã xác lập cho mình một hệ thống các khuôn mẫu ứng xử tương đối hoàn chỉnh. “Bộ luật Chăm” do Dương Tấn Phát, soạn thảo năm 1950, đơn vị trú tiêu biểu cho xã hội truyền thống Chăm không phải là những công xã huyết tộc, bởi nó bao gồm nhiều dòng họ. Mỗi dòng họ cư trú trên một khuôn viên nhất định, có bờ tường hay bờ rào bao quanh. Cũng như các tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo, làng của người Chăm được xác định bằng các đường ranh giới tự nhiên có tính quy ước, được các thành viên trong làng cũng như láng giềng công nhận. Mọi thành viên trong làng đều có quyền khai thác đất trong phạm vi lãnh thổ của làng ; đồng thời họ cũng có trách nhiệm bảo vệ đất, rừng thuộc phạm vi sở hữu của làng. Có thể nói, quyền chiếm hữu và sử dụng đất canh tác của mỗi gia đình trong các làng người Chăm đã được xác định từ rất lâu (theo tập quán pháp và truyền lại cho con). Những người trong cùng một làng có thể chuyển nhượng, mua bán đất đai cho nhau. Tuy nhiên, nếu người nào tự ý rời bỏ làng, họ sẽ mất quyền sở hữu đất đai của mình. Người nào xâm phạm đất đai của người khác, người đó phạm trọng tội, phải xử theo luật tục.
Làng của người Chăm được tổ chức như một đơn vị hành chính. Người đứng đầu làng thường là một tu sĩ do dân bầu hoặc một bô lão có uy tín trong làng. Tu sĩ là người có kiến thức rộng, am hiểu giáo lý và tập tục hơn mọi người. Chủ làng theo dõi
các việc hành đạo trong làng và giải quyết các vụ tranh chấp, tố tụng dựa trên cơ sở của giáo luật. Đương nhiên, mọi quyết định mà tu sĩ chủ làng đưa ra đều dựa trên sự bàn bạc với tập thể các tu sĩ và các bô lão có uy tín trong làng, hoặc ban lãnh đạo Thánh đường (với người Chăm Bà Ni)…những người có uy tín và kiến thức nhất định.
Nhìn chung, ở xã hội người Chăm truyền thống, các hệ thống ứng xử đều do tầng lớp tu sĩ, với tư cách là giai cấp lãnh đạo, sở đắc và đại diện thực hiện. Do đó hệ thống ứng xử của người Chăm chịu ảnh hưởng sâu sắc đậm đà của những giáo lý tôn giáo mà họ là tín đồ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó chủ yếu chỉ là sự ảnh hưởng về mặt thể chế. Còn trong hình thái thể hiện của từng khôn mẫu ứng xử, người ta lại thấy chúng mang những sắc thái của những yếu tố văn hóa bản địa. Đặc biệt ở những khuôn mẫu ứng xử trong gia đình của họ, sắc thái này thể hiện rất rõ.
Cũng phải nói thêm rằng, ngày nay, do sự cư trú không tập trung, thường là sống đan xen với tộc khác, nên gia đình truyền thống của người Chăm (gọi là Mưnggavô) được coi là nơi bảo lưu nhiều tập tục cổ truyền nhất của người Chăm.
“Mưnggavô” mang đặc điểm nổi bậc của chế độ mẫu hệ, một đặc điểm đặc trưng không chỉ của Việt Nam xưa mà còn là của toàn khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, mọi hình thái biểu hiện của khuôn mẫu ứng xử trong gia đình truyền thống Chăm đều mang những yếu tố văn hóa của chế độ mẫu hệ.
Truyền thuyết giải thích về nguồn gốc của tộc Chăm có kể đến một nữ thần có tên là Inư Nưgar (hay còn gọi là Pô Nưgar). Đây là vị thần sáng thế đầu tiên, là tạo hóa đã sinh ra đất đai, con người của tộc Chăm. Chính bà là người sinh ra lúa gạo, sinh ra gỗ trầm hương và hoa Chămpa, biểu tượng của dân tộc Chăm. “Nưgar” – theo ông Ngô Văn Doanh có nghĩa là xứ sở, đất nước nên vị thần này còn được gọi là “Thần Mẹ Xứ Sở” [9, tr 33]. Trong những cuộc tế lễ để tưởng nhớ công ơn của Bà, được tổ chức tại các lăng, tháp,… nơi thờ cúng Bà, người dân Chăm hát rằng:
“Ngài là nữ thần mẹ của vương quốc Ngày tạo dựng vùng đất cho cây cối
Ngài tạo ra giống lúa và dạy dân trồng lúa”
Đối với người Chăm, Inư Nưgar cũng giống như vua Hùng của tộc Việt. Rất nhiều nơi thờ cúng Bà ngày nay được coi là những di tích văn hóa nổi tiếng như Tháp
Bà (Nha Trang), Lăng Bà ở Hữu Đức, Lạc Tri… Người Chăm thờ Bà, không chỉ Bà là vị thần tổ tiên đã tạo ra cộng đồng Chăm. Mà Bà còn là tổ mẫu của nghề nông, nghề dệt, những nghề sản xuất chính của người Chăm.
Người Chăm tôn sùng vị nữ thần này cũng tương tự như người Việt xưa thờ cúng vua Hùng vậy. Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, người Chăm thường đến những nơi thờ Bà, cầu mong Bà che chở. Có lẽ xuất phát từ nguồn gốc nói trên, mà chế độ mẫu hệ đã tồn tại rất dai dẳng ở các xã hội tộc Chăm. Và gia đình với tư cách là đơn vị hợp thành xã hội cũng chịu ảnh hưởng lâu dài của chế độ ấy.
Với nền tảng của chế độ mẫu hệ, các khuôn mẫu ứng xử trong gia đình Chăm có nhiều khác biệt so với các khuôn mẫu ứng xử được xây dựng từ nền tảng của chế độ phụ quyền. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây chủ yếu chỉ là sự khác biệt giữa các vai trò xã hội, được thiết lập trên cơ sở của sự phân lập, đối lập và bổ túc giữa hai giới:
Nam – Nữ, trong đó, vị trí của người nữ được khẳng định và quan trọng hơn. Còn về nội dung của các ứng xử thì không có gì khác biệt.
Cũng như người Kinh xưa, gia đình truyền thống của người Chăm còn bảo lưu nhiều yếu tố của gia đình lớn. Các yếu tố của gia đình lớn được phản ánh thông qua việc cư trú của những người trong cùng dòng họ. Như đã nói ở trên, mỗi dòng họ người Chăm đều cư trú trong một khuôn viên nhất định, được giới hạn bởi bờ tường hay rào. Trong khuôn viên này có những ngôi nhà của các gia đình nhỏ, được xây đắp xung quanh ngôi nhà tục (thang yơ), là ngôi nhà đầu tiên được xây dựng (gồm 2 gian, 1 chái, có đòn dông quay về hướng Đông – Tây). Gian phía Đông là kho thóc, còn chái phía Tây là nơi tổ chức lễ trải chiếu khi trong họ có đám cưới và là nơi ở đầu tiên của vợ chồng cô con gái nhà chủ). Giữa các gia đình nhỏ cũng có những hàng rào bao bọc và có cửa thông với lối đi chung.
Ngược hẳn với người Kinh, người đứng đầu dòng họ của các gia đình truyền thống ở tộc Chăm bao giờ cũng là một phụ nữ. Quan hệ dòng tộc của người Chăm được dựa trên cơ sở huyết thống của người mẹ. Nếu ở tộc người Kinh, họ hàng trên bố thuộc họ nội, họ hàng bên mẹ thuộc họ ngoại, thì ở tộc người Chăm, họ hàng bên mẹ được coi là họ nội, còn bên bố là họ ngoại. Con cái trong gia đình người Chăm lấy họ mẹ (ngày nay đã có thay đổi chút ít: con gái lấy họ mẹ, con trai lấy họ bố). Đối với gia đình người Chăm, sẽ là bất hạnh nếu không có con gái (tương tự như quan niệm không
có con trai bị coi là “tuyệt tự” ở người Kinh). Gia đình nào càng sinh nhiều con gái thì dòng họ càng được bành trướng hơn, có phúc hơn, bởi cũng như người Việt, người Chăm rất coi trọng dòng họ. (Nghĩa trang của dòng họ chỉ cho phép chôn cất những người có quan hệ huyết thống với mẹ, tức những người mang họ mẹ. Những người con trai đã lấy vợ, sau khi chết cũng được đưa về nghĩa trang của dòng họ mẹ đẻ).
Trong gia đình Chăm, người vợ - người mẹ nắm toàn quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến đời sống gia đình, và là người nắm giữ kinh tế, quản lý tài sản trong gia đình. Mọi công việc tổ chức trong gia đình đều được sắp đặt dưới sự “chỉ huy” của người mẹ. Do đó, người mẹ bao giờ cũng được mọi người trong gia đình coi trọng. Khi người vợ mang thai, bà ta hầu như không phải làm bất cứ một công việc nặng nhọc nào. Trong khi đó, người chồng, ngoài những công việc ruộng vườn, anh ta còn phải có trách nhiệm đi tìm kiếm các rễ cây thuốc phơi khô, để sẵn chờ khi vợ sinh nở làm thuốc uống, đồng thời anh ta phải đi tìm một bà mụ vườn đến cùng anh chăm sóc người vợ. Nếu bỏ bê những công việc này, anh ta sẽ bị không chỉ gia đình mà cả cộng đồng chê trách, gần ngày sinh, anh ta phải sửa soạn một lể cúng Nữ Thần Xứ Sở Inư Nưgar để bà mụ vườn cúng xin “mẹ tròn con vuông”.
Mặc dù lao động của người đàn ông – người chồng – đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế gia đình người vợ. Phong tục cư trú trong hôn nhân ở nhà vợ, đã làm cho người chồng hầu như không có quyền giải quyết vấn đề gì của gia đình.
Người chồng chỉ được coi như là một người khách của gia đình, chứ không phải là người chủ, là trụ cột như ở các gia đình người Kinh. Tuy nhiên, do công sức lao động đáng kể của anh và do sự duy trì nòi giồng, anh vẫn được vợ và gia đình vợ kính trọng.
Cho đến nay, việc thừa kế tài sản ở các gia đình Chăm vẫn thuộc về người con gái. Ngoại trừ cô con gái út bao giờ cũng được ưu tiên hơn trong việc chia tài sản; bởi cô có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già. Còn các cô chị được chia đều như nhau.
Tài sản được chia thường là ruộng đất và trâu bò. Những đồ dùng phục vụ cho việc cúng tế, được coi là tài sản quý như áo quần, nồi đồng, mâm đồng,… thì không được chia mà giao cho cô gái út, để cô ta thờ cúng cha mẹ lúc về già.
Khi người con gái cả lập gia đình, cha mẹ nhường căn nhà tục cho vợ chồng trẻ và xây một ngôi nhà khác ở gần đó ở cùng với những người con chưa lập gia đình.
Người chị cả được thừa hưởng căn nhà tục là nhà cất đầu tiên trong khuôn viên gia
đình dòng họ. Nhưng sự thừa hưởng ấy chỉ là tạm thời. Khi cô em gái kế lấy chồng, chị cả phải trả lại ngôi nhà tục cho vợ chồng người em và vợ chồng chị cả sẽ xây một ngôi nhà khác cho mình kề cận ngôi nhà tục. Nếu khuôn viên của bố mẹ quá hẹp, vợ chồng chị cả phải ra ngoài (nhưng gần đó) cất ngôi nhà khác cho mình. Cứ thế, đến cuối cùng, cô em gái út khi lấy chồng sẽ được ở ngôi nhà tục.
Vào những ngày đầu tiên của các lễ, tết, giỗ,…mọi người trong gia đình thường tụ tập tại nhà chị cả để cúng tổ tiên. Đến ngày thứ hai thì ở nhà chị kế…cứ thế đến nhà cô em gái út.
Con trai trong gia đình truyền thống của người Chăm không có quyền thừa kế tài sản của gia đình mặc dù họ được xem là người thay mặc cho dòng họ, thực hiện giáo luật của đạo và thực hiện các cuộc tế lễ trong gia đình của mình. Tuy nhiên, khi những người con trai đi lấy vợ, anh ta có thể được bố mẹ đẻ cấp cho một ít vốn là ruộng đất hay trâu bò. Anh ta được quyền mang những tài sản đó về nhà vợ. Nhưng khi anh ta mất, người vợ hoặc gia đình người vợ phải có trách nhiệm hoàn trả phần tài sản đó cho bố mẹ đẻ hoặc chị em gái ruột của anh ta.
Riêng bộ phận Chăm ở An Giang, do ảnh hưởng của đạo Hồi, chế độ gia đình đã được xác lập. Giáo luật đạo Hồi rất khắc khe đối với phụ nữ, địa vị của họ trong xã hội bị xem nhẹ. Khi ra đường họ phải che mặt và chỉ được đi vào buổi chiều hoặc phải có người giám hộ. Người phụ nữ bị cấm đoán không được đến những chỗ linh thiêng như thánh đường, nghĩa địa. Trong gia đình, vai trò quyết định là người đàn ông.
Do bị chi phối bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ nên những người Chăm theo đạo Hồi mong muốn sinh con trai và xem đây là điềm lành. Tài sản phần lớn thuộc về con trai. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt trong hôn nhân, những yếu tố mẫu hệ vẫn còn tồn tại: tục đưa rể, tục cư trú ba hôm đầu ở nhà vợ, con gái cũng được hưởng một phần tài sản.
Hiện nay ở tộc Chăm, mô hình gia đình truyền thống vẫn là mô hình phổ biến.
Những ứng xử được thực hiện ở các gia đình ấy chủ yếu vẫn là những ứng xử truyền thống. Những ứng xử ấy luôn chứa đựng một ý nghĩa xã hội nào đó. Bởi thế, chúng được coi là những khuôn mẫu ứng xử, tức những khuôn mẫu văn hóa của người Chăm.
Một mặt, chúng biểu phát những nét đặc thù trong văn hóa gia đình, và cũng là văn hóa của cộng đồng người Chăm. Mặc khác, chúng cũng cho thấy tầm quan trọng đặc
biệt của chúng đối với đời sống của mỗi cá nhân, cũng như mỗi gia đình của người Chăm.
Ở một chuẩn mực nhất định, hệ thống các khuôn mẫu ứng xử truyền thống đã góp phần ổn định và phát triển của các gia đình cũng như xã hội trong lịch sử. Và trong tương lai, với một truyền thống vững chắc như thế, các khuôn mẫu ứng xử truyền thống chắc chắn sẽ đóng vai trò tích cực trong việc điều chỉnh các mối quan hệ hiện hành của xã hội người Chăm đương đại.
Trên cơ sở những tập quán cổ truyền, nhưng không đi ngược lại với các hệ thống các khuôn mẫu ứng xử hiện hành của xã hội Việt Nam đương đại, hệ thống ứng xử các khuôn mẫu truyền thống của tộc Chăm chính là những đảm bảo duy trì sự ổn định và sự phát triển liên tục của các gia đình và xã hội người Chăm nói riêng, xã hội Việt Nam nói chung trong thời kỳ có nhiều biến động hiện nay.
Việc kế thừa những khuôn mẫu truyền thống của tộc Chăm, với tư cách là kế thừa những khuôn mẫu văn hóa truyền thống, là một việc làm thiết thực để xây dưng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.