Chương 2: Đời sống và nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào Chăm ở Việt Nam
2.3 Nét đặc sắc qua các di tích của văn hóa Chăm ở Việt Nam
2.3.1 Những đặc điểm của kiến trúc Chăm – Tháp và di tích
Nói đến văn hóa Chăm không thể không nói các tháp Chăm. Tháp Chăm đứng sừng sững uy nghi trước sóng gió, chúng có mặt rải rác suốt dọc miền Trung vào Nam, từ ven biển đến Tây Nguyên – khắp những nơi nào có những người Chăm cư trú.
Thống kê cho biết hiện còn 19 khu tháp với 40 kiến trúc lớn nhỏ. Số lượng các phế tháp Chăm bị bom đạn chiến tranh tàn phá và hủy diệt là chưa thể xác định.
Trong số các khu tháp còn sót lại, tập trung nhất là khu thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một số thung lũng hẹp được bao bọc bởi núi non hiểm trở thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), cách Đà Nẵng 70km về hướng tây – nam. Vào năm 1898, một học giả người Pháp M.C.Paris đã phát hiện ra di tích Mỹ Sơn. Theo khảo sát và thống kê năm 1904 – 1909 của một học giả người Pháp là H.Parmentier – giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội lúc bấy giờ, người đã tiến hành kiểm kê và phân loại các đền tháp ở Mỹ Sơn theo phong cách thành các nhóm A, B, C, D…thì riêng khu lòng
chảo Mỹ Sơn này đã trên 70 kiến trúc. Bị chiến tranh tàn phá đến năm 1975. Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó chỉ có khoảng 20 công trình là còn giữ được dáng vẻ tương đối nguyên vẹn. Thật tiếc là công trình lớn nhất của công trình này là tháp A1 cao 24m, có 6 tháp phụ vây quanh, được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chăm, đã bị bom Mỹ đánh sập cuối năm 1969. Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di Sản thế giới của UESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 1 tháng 12 năm 1999.
Về độ tinh tế
Tháp Chăm được thừa nhận về độ tinh tế B.Goslier (1961) từng nhận xét : “Về cấu trúc tháp Chăm đẹp hơn các đền tháp Khơmer”; sở dĩ như vậy là vì “Chắc chắn là do người Chăm giữ được ý thức về chất liệu (gạch) và biết tôn trọng bản chất của nó;
trong khi đó, người Khơmer có xu hướng dựng lên một khối bằng bất cứ vật liệu nào rồi chạm khắc lên nó. Nghệ thuật kiến trúc Chăm cân bằng, có nhịp điệu và sáng sủa hơn, nó tạo cho tháp Chăm một vẻ đẹp không thể bỏ qua” [6, tr 143]. Từ thế kỉ thứ V - VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận người Chăm là bật thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch.
Đặc điểm nổi bậc trong kỹ thuật xây dựng tháp Chăm là chúng được xây dựng bằng những viên gạch đỏ chồng khích lên nhau không thấy mạnh hở. Các viên gạch ấy kết dính với nhau chắc chắn tới mức trải qua hàng chục thế kỷ, chịu đựng không biết bao nhiêu là chấn động của bom đạn, sự tàn phá của thiên nhiên, vậy mà tháp có chăng chỉ bị nứt dọc, các viên gạch có chăng chỉ bị gãy đôi, chứ khe nối giữa các viên gạch không hề bị hỏng ra.
Việc các tháp Chăm được làm từ những viên gạch đỏ chồng khích lên nhau không thấy mạch hồ đã tạo nên huyền thoại cho rằng: người Chăm xây tháp bằng gạch mộc, đẽo gọt lên đó, rồi nung cả tháp trong một ngọn lửa khổng lồ. Các chuyên gia Ba Lan cho rằng người Chăm đã dùng gạch nung sẵn gắn với nhau bằng vữa đất sét rồi sau đó toàn bộ tháp được nung lại. Một số nhà nghiên cứu thì nêu ra giả thuyết rằng người Chăm đã dùng keo chiết từ thực vật (nhựa xương rồng trộn với mật mía, hoặc nhựa cây dầu rái) để dán các viên gạch lại với nhau. Những nghiên cứu gần đây cho thấy người Chăm đã sử dụng kết hợp một số biện pháp kỹ thuật khác nhau để xây tháp: dùng những viên gạch có độ lỡm ở mặt tiếp xúc, nên khi xây, nhìn từ phía ngoài và trong đều không thấy vữa giữa các viên gạch, còn ở giữa (nơi không nhìn thấy) thì
có lớp vữa dày. Mày các viên gạch trong nước cho thật khích vào nhau rồi xếp lại để cho bột gạch ở giữa tự kết dính với sức nặng trọng lực của phần trên tháp. Dùng các viên gạch có hình dáng góc khuyết góc lồi theo kiểu mộng âm dương để khi xếp vào tự thân chúng đã tạo nên sự liên kết với nhau.
Sự tinh tế của tháp Chăm còn thể hiện ở vô số những hình chạm khắc tỉ mỉ, chao chuốt do nghệ nhân đục đẽo trực tiếp trên tường tháp, việc đục đẽo phải được thực hiện sau cho làm đến đâu chính xác tới đó; tường gạch đã xây sẵn không thể vì một sai sót mà phá đi xây lại. Học giả Pháp H. Parmentier hoàn toàn có lý khi ông nhận xét rằng người Chăm chạm gạch như chạm gỗ, đẽo đá như đẽo gỗ.
Về cấu trúc quần thể
Về cấu trúc quần thể, các tháp Chăm được tập hợp thành hai loại:
Loại thứ nhất là các quần thể kiến trúc bộ ba gồm ba tháp song song thờ ba vị thần Brahma, Visnu và Siva. Điển hình cho loại kiến trúc bộ ba này là các nhóm: tháp Chiên Đàn ở phía bắc thị xã Tam Kỳ, Tháp Khương Mỹ ở phía nam thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam); tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn (Bình Định; tháp Hưng Thạnh ở ngoại ô thành phố Quy Nhơn (hiện nay tháp Hưng Thạnh chỉ còn lại hai tháp nên dân gian gọi là tháp Đôi); tháp Hòa Lai ở gần thị xã Phan Rang (Ninh Thuận).
Loại thứ hai là các quần thể kiến trúc có một tháp trung tâm thờ Siva và các tháp phụ vây quanh. Loại này thường xuất hiện muộn hơn (khoảng thế kỉ thứ VI về sau); có những nơi trước đây là quần thể kiến trúc bộ ba, về sau, khi tu chỉnh, đã chuyển thành loại quần thể kiến trúc có một tháp trung tâm. Thuộc trường hợp này là nhóm tháp Đồng Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nhóm tháp Mỹ Sơn A1 (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), nhóm tháp Bà (Nha Trang). Riêng ở nhóm tháp Đồng Dương thì tháp chính thờ Phật (thay vì thờ Siva) – đây là một loại Phật – Siva, kết quả sự hỗn dung của Bàlamôn giáo với Phật giáo.
Như vậy, qua sự phát triển của cấu trúc quần thể tháp Chăm, ta thấy rằng trong khi Ấn Độ, thần Brahma được coi là chúa tể, còn Visnu và Siva chỉ là những hóa thân của ngài (chính vì vậy tôn giáo này được gọi là “Brahmaism”, nghĩa là “Brahma giáo”), thì khi vào đến tháp Chăm, tình hình đã thay đổi hẳn. Sự thay đổi này diễn ra qua hai giai đoạn:
Giai đoạn một: Khi Bàlamôn giáo mới du nhập vào Chăm, Brahma đã bị hạ xuống ngang hàng với hai hóa thân của mình, và dân Chăm coi trọng cả ba vị thần ngang nhau, thể hiện ở việc thờ ba vị thần trong những tháp bộ ba dựng song song.
Giai đoạn hai: Dần dần thế cân bằng bộ ba vị phá vỡ, người Chăm suy tôn Siva thành chúa tể (ngay cả những cụm tháp bộ ba còn giữ được thì tháp nào lớn và cao hơn cũng được dành để thờ Siva).
Nguyên nhân của sự chuyển hướng này là do tính bản địa của văn hóa Chăm thiên về dương tính cho nên trong ba vị thần thì dễ hiểu là thần Siva (hủy diệt, dương tính) gần gũi với người Chăm hơn. Như vậy, thực chất, người Chăm đã biến Bàlamôn giáo thành Siva.
Hình dáng tháp
Vai trò của yếu tố bản địa còn thấy rõ qua hình dáng tháp. Về hình dáng, do bắt nguồn từ một loại kiến trúc Bàlamôn giáo Ấn Độ biểu tượng cho ngọn núi Mêru gọi là sikhara, phần lớn tháp Chăm đều có dạng hình ngọn núi (“sikhara” có nghĩa là đỉnh núi nhọn). Tháp gồm nhiều tầng, xếp nếp, tầng trên lặp lại tầng dưới nhưng nhỏ dần và tụ lại thành đỉnh nhọn vươn lên cao. Trên các tầng tháp có thể có các tháp con ở góc (hai tháp hai bên) biểu tượng cho các ngọn núi nhỏ. Tuy dạng hình núi có nguồn gốc từ dãy Mêru truyền thuyết trong Bàlamôn giáo Ấn Độ, nhưng đối với người dân Chăm, chúng lại là biểu tượng của thiên nhiên miền Trung hùng vĩ trùng điệp núi non và do vậy, phản ánh đúng chất dương tính trong tính cách bản địa văn hóa Chăm.
Chất dương tính bản địa này còn bộc lộ ở chỗ trong số các tháp Chăm, có một số tháp được xây dựng không theo hình ngọn núi mà lại có dạng hình tròn và múp ở đầu – đó là những tháp mô phỏng hình sinh thực khí nam mà lát cắt bổ đôi cho thấy rất rõ. Điển hình cho loại tháp này là tháp Bằng An ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Bên cạnh các tháp chính hình ngọn núi, ta còn có thể gặp những tháp phụ có mái cong thuyền – dấu hiệu đặc thù trong kiến trúc nhà cửa cư dân Đông Nam Á. Điển hình cho loại này là các tháp mái hình thuyền ở khu Mỹ Sơn và trong nhóm tháp Pô Klaung Gerai. Đến đây, kiến trúc đền tháp Chăm mang đậm thêm ảnh hưởng của văn hóa khu vực. Như vậy, từ chỗ khởi đầu vay mượn dạng tháp hình núi sikhara Ấn Độ, người Chăm đã đi đến chỗ sáng tạo ra những kiểu tháp mới mang dấu ấn ảnh hưởng của tính
cách văn hóa bản địa Chăm (dạng tháp linga) và văn hóa nông nghiệp khu vực (dạng tháp mái cong hình thuyền).
Ta theo hình thức mà quen gọi các kiến trúc này là “tháp” nhưng người Chăm thì gọi chúng là kalăn, có nghĩa là “lăng”: Hầu hết chúng đều là những lăng mộ thờ các vị vua. Ngoài chức năng lăng mộ thờ vua, Tháp Chăm còn có chức năng là đền thờ thần, thánh đường thờ vị thần bảo trợ của nhà vua. Chính vì mang chức năng lăng mộ và đền thờ, nên nội thất tháp Chăm rất chật hẹp, nó chỉ có chỗ các pháp sư hành lễ chứ không phải là nơi cho các tín độ hội tụ và cầu nguyện…
Tháp và di tích
Mặc dù, nếu so sánh với những gì đã mất, số lượng tháp Chăm còn lại quá ít, nhưng chúng vẫn là những bằng chứng đầy thuyết phục về một nền nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo của dân tộc Chăm thời xưa – một trong những dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tháp chàm; đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và kỹ thuật chạm khắc trên gạch của các tháp chàm, cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn, là một thành tựu độc đáo của người Chăm thời xưa. Chính kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật chạm khắc gạch mang đầy tính bí ẩn đó đã làm cho tháp Chăm trở thành một trong những thành tựu nghệ thuật kiến trúc độc đáo và đem lại cho tháp chăm một vẻ đẹp có một không hai trong khu vực Đông Nam Á.
Dưới đây tôi xin kể tên các tháp Chăm trong toàn bộ 19 cụm tháp hiện còn:
1. Mỹ Sơn 2. Bằng An 3. Khương Mỹ 4. Chiên Đàn 5. Phước Lộc 6. Cánh Tiên 7 Bánh Ít 8. Bình Lâm 9. Thủ Thiện 10. Dương Long
11. Hưng Thịnh 12. Nhạn tháp 13. Pô Nagar 14. Hòa Lai
15. Pô Klaung Garai 16. Pô Rômê
17. Pô Đam 18. Phú Hài 19. Yang Prong
Tháp Chăm là biểu hiện tài năng với những kỹ thuật độc đáo thể hiện trình độ thẩm mỹ trong kiến trúc dân tộc Chăm đã phát triển ở mức cao, là bản sắc độc đáo của văn hóa Chăm trong hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam.
Giá trị kiến trúc đền tháp Chămpa.
Giá trị lịch sử, văn hoá, khảo cổ học.
Kiến trúc đền tháp Chămpa đã được các học giả người Pháp sắp xếp trong một khung niên đại và các phong cách khác nhau. Dựa vào các di tích hiện còn, có thể thấy lịch sử xây dựng các đền tháp Chămpa kéo dài trong khoảng mười thế kỷ, từ đầu thế kỷ VI đến thế kỷ XVI. Những đền tháp còn lại cho đến đầu thế kỷ XX đều là những đại diện tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chămpa.
Những công trình này đủ để cho thấy một chuỗi phát triển liên tục về kiến trúc, văn hoá, phản ánh chân thực về lịch sử và xã hội Chămpa trong suốt chiều dài lịch sử.
Thực chất, Chămpa là một phức thể các tiểu quốc, mỗi giai đoạn lịch sử đều có dấu ấn riêng. Tuy nhiên, có một điểm chung là, mỗi vương triều Chămpa khi lên ngôi và định đô thì đều chọn một vùng để xây dựng tập trung các công trình kiến trúc nghệ thuật để biểu trưng cho thời đại của các vua trị vì. Các đền tháp Chămpa hiện còn phản ánh đầy đủ diễn trình lịch sử Chămpa, và hơn hết, các đền tháp còn lại đến ngày nay sau nhiều thế kỷ, có ý nghĩa và giá trị lịch sử, nghệ thuật nổi bật. Bên cạnh đó, các đền tháp còn lại cũng mang đậm nét dấu ấn văn hoá.
Như vậy, các đền tháp Chămpa phản ánh đầy đủ và chân thực hoàn cảnh văn hoá Chămpa từ những giai đoạn đầu tiếp thu những ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ cho đến những giai đoạn thích nghi, tiếp biến và trỗi dậy mạnh mẽ tính bản địa và giao lưu thường xuyên về mặt văn hoá bên cạnh các mặt kinh tế - chính trị với các dân tộc liền kề. Tất cả tạo nên một sắc thái văn hoá Chămpa phong phú và đa dạng trong sự thống nhất, góp phần không nhỏ vào nền văn hoá chung của đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Về mặt khảo cổ học, việc phát lộ các phần di tích còn nằm dưới mặt đất hay cấu trúc mặt bằng của các công trình đã trở thành phế tích sẽ góp phần cho những hiểu biết đầy đủ hơn về kiến trúc đền tháp Chămpa. Có thể nói, ở góc độ khảo cổ học, các đền tháp Chămpa còn tiềm ẩn nhiều giá trị, trong đó có những giá trị đặc biệt về nghiên cứu tổng thể. Các khu đền tháp nếu được phát lộ và làm rõ mặt bằng tổng thể có thể cho biết nhiều thông tin quý về mô hình, chức năng, về triết lý của kiến trúc mà những người Chăm xưa đã gửi gắm vào các công trình của mình.
Giá trị quy hoạch, kiến trúc, nghệ thuật.
Về quy hoạch
Các đền tháp Chămpa thường được xây dựng ở những vị trí quan trọng trong liên kết với vùng đô thị, cảng biển, giao thông thuỷ, hoặc thánh địa; trên khu đất cao hơn xung quanh theo hai dạng bố cục chính: dạng thứ nhất gồm 3 tháp đặt liền nhau trên trục Bắc- Nam, dạng thứ hai gồm 1 tháp thờ thần Siva ở vị trí trung tâm hoặc ở một cao điểm trên trục trung tâm và các tháp khác. Dạng bố cục tổng thể này thường xuất hiện hơn khi mà vai trò của thần Siva trở thành chủ đạo trong nền văn hoá Chămpa.
Việc nghiên cứu từ góc độ khảo cổ học các dạng tổng thể kiến trúc đền tháp Chămpa có thể cho biết tính triết lý kiến trúc, nó mang trong mình những thông tin về tôn giáo, tín ngưỡng.
Như vậy, giá trị của việc nghiên cứu quy hoạc tổng thể các đền tháp Chămpa được làm sáng tỏ thông qua việc nhìn nhận và hiểu biết tính triết lý văn hoá của tổng thể kiến trúc đền tháp Chămpa.
Về kiến trúc
Cả khối hình của tháp là một sự hoàn hảo về hình khối, từ đế tháp lên thân rồi đỉnh tháp. Tất cả tạo lên sự hài hòa cân đối đối với những người ngắm tháp Chăm có thể choáng ngợp trước vẻ uy nghi của tháp nhưng bản thân tháp lại không hề tạo sự xa lạ. Có một điều gì đó thật gần gũi với tính chất của văn hoá dân gian chứ không phải là thần linh nữa. Các tỉ lệ kiến trúc, hoa văn trang trí, kỹ thuật xây dựng… gắn kết với nhau chặt chẽ, bổ sung cho nhau làm nên một thực thể hoàn chỉnh. Ở tháp ta còn thấy sự phát triển hoàn mỹ hơn về tỉ lệ kiến trúc thông qua các thủ pháp chi tiết kết hợp với kỹ thuật xây dựng. Bên cạnh đó các yếu tố nghệ thuật trang trí cũng tôn thêm vẻ đẹp của các đền tháp.
Về nghệ thuật
Một trong những yếu tố không thể không nhắc đến trong văn hoá và kiến trúc tháp Chăm là các giá trị nghệ thuật điêu khắc. Các loại hình điêu khắc như hoa văn chạm, tượng tròn…thường mang tính biểu tượng, nó thể hiện ý nghĩa văn hoá của kiến trúc.
Trong kiến trúc tôn giáo thì hoa văn trang trí thường có vai trò thể hiện giáo lý của tôn giáo và cả tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ điêu khắc.
Những hình ảnh điêu khắc trên kiến trúc đền tháp Chămpa đều có nguồn gốc văn hoá và thường thấy là các vị thần như: Brama, Siva, Visnu và một số thần vật, hoa lá khác như: Kala, Makara, Apsara… Hình ảnh các thần thường thấy ở nhiều dạng phù điêu, trên ô khám hay lá nhĩ trên trán tường, trên các đài thờ trong lòng tháp.
Các loại hình hoa văn điêu khắc khác như hoa lá, cỏ cây, muông thú,…luôn luôn được khắc tạc có chủ ý và tương đối thống nhất về kiểu dáng trên các đền tháp Chămpa đã làm cho các đền tháp vốn có tỉ lệ kiến trúc hài hoà, đăng đối lại tăng thêm được vẻ đẹp thẩm mỹ và tính biểu trưng của kiến trúc.
Tóm lại, giá trị nghệ thuật của các đền tháp Chămpa mang tính nổi bật. Các loại hình trang trí ngoài việc giúp cho các đền tháp đẹp hơn còn có ý nghĩa văn hoá đặc biệt, nó có thể giúp cho việc nghiên cứu sâu hơn về niên đại, phong cách và chức năng của các đền tháp. Và thực tế, thì hoa văn cũng là một trong những tiêu chí quan trọng giúp các nhà nghiên cứu định niên đại và phong cách kiến trúc tháp Chămpa.
Giá trị tổng thể kiến trúc cảnh quan