Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
2.1. Khái lược quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam
Nho giáo được đưa vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, nhưng thời Bắc thuộc Nho giáo đã không bám rễ được vào mảnh đất Việt Nam. Nó đã được tiếp thu ngay sau khi dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập vào thế kỷ thứ X. Đối với Nho giáo, người Việt đã trải qua một quá trình từ phản ứng đến tiếp thụ, từ xa lạ đến gần gũi, từ công cụ ngoại bang trở thành công cụ của bản thân mình. Nói cách khác, Nho giáo được dung hợp và hòa đồng theo cách nghĩ của người Việt Nam thành Nho giáo Việt Nam. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Nho giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội Việt Nam, đã góp phần đáng kể vào việc tạo dựng nền văn hiến Việt Nam.
Khi được đưa lên hệ tư tưởng chính thống, Nho giáo không còn thuần nhất, đã luôn luôn dung hợp với tư tưởng Âm Dương, Phật, Đạo, lại kết hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, tư tưởng địa phương. Vì thế, khi tác động từng mặt đến đời sống ở Việt Nam, sắc thái Nho giáo của nó cũng không còn nguyên vẹn mà đậm nhạt khác nhau. Cái Nho giáo trong chế độ chính trị, trong pháp luật, trong đường lối người dùng, khác với cái Nho giáo trong văn hóa, trong giáo dục, trong đạo đức mà cũng khác với cái Nho giáo trong hành vi, trong suy nghĩ, trong cảm xúc của một người. Cái Nho giáo ở dạng nguyên sách vở - thường ít gặp trong thực tế - thì dễ nhận, nhưng cái Nho giáo khi đã trở thành nếp suy nghĩ, thành phong tục, tập quán, thành nghi thức, thành tâm lí xã hội thì khó nhận diện. Cái Nho của cuộc sống Việt Nam, cái Nho mà các nhà Nho Việt Nam để lại thuộc loại sau.
Suốt một nghìn năm Bắc thuộc, bọn phong kiến Trung Quốc luôn kiên trì theo đuổi các ý định đồng hóa nhân dân Việt Nam bằng cách truyền bá văn hóa, truyền bá Nho giáo. Tổ tiên chúng ta đã đấu tranh để giành lại tự chủ, chống lại âm mưu đồng hóa của Trung Quốc, đồng thời cũng sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng văn hóa của nước ngoài cao hơn văn hóa vốn có của dân tộc ta, biến cái của người thành cái của mình.
Dân tộc Văn Lang, Âu Lạc đã có một nền văn hóa tương đối phát triển, lại có sức bảo vệ tiếng nói, phong tục, tập quán của mình và không ngớt chiến đấu giành lại quyền tự chủ, cho mọi nền văn hóa, giáo lý từ ngoài tràn vào không làm sao xóa nổi nền văn hóa bản địa mà luôn phải thích nghi với cái mới có thể tồn tại và phát triển.
Nho giáo từ Trung Quốc vào Việt Nam phải khép mình theo quy luật đó mới trở thành quốc giáo Việt Nam dưới thời Lê và thời Nguyễn.
Đền thời Tây Hán (206 TCN – 8 SCN), đầu công nguyên, hai quan thái thú là Thích Quan và Nhâm Diêm đã dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa tại quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nói dạy lễ nghĩa tức là truyền bá Nho giáo và ép nhân dân theo phong tục Hán (Nho giáo bắt đàu vào Việt Nam chính thức từ đây).
Thời Vương Mãn (8 – 25 SCN), đông đảo kẻ sĩ Trung Quốc di cư sang Giao Chỉ lánh nạn, góp phần truyền bá đạo Nho bằng cách mở trường dạy học kiếm sống.
Sang thời Đông Hán (25 – 220 SCN), số trường học nhiều hơn trước, không chỉ cho con em của bọn thống trị ngoại quốc được đi học mà còn có con em của người bản địa giàu có hoặc cộng tác với quân đô hộ.
Đến thời Đường, chính sách đồng hóa phương Bắc bắt đầu phát triển lên một trình độ mới. Việc học nhân đó mà phát triển, nhiều người xứ ta du học tận Trường An, thi đỗ Tiến sĩ được bổ làm quan tại triều đình.
Vào thời Đinh (968 – 980) Tiền Lê (980 -1009), sau khi giành được độc lập, các triếu Ngô (939 – 967), Đinh, Tiền, Lê vì phải chăm lo củng cố chính quyền và thời gian cai trị của mỗi triều đại quá ngắn nên không có điều kiện để tổ chức giáo dục.
Việc giáo dục Nho học với mầm mống từ thời Bắc thuộc chỉ phát triển lẻ tẻ chưa có vị trí đáng kể.
Đến thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), chấp thuận việc xây dựng Văn Miếu ngay tại kinh thành Thăng Long vào năm 1070. Năm 1075 nhà Lý đã mở khoa thi Nho giáo đầu tiên. Năm 1076, nhà Lý cho xây cất Quốc Tử Giám. Những sự kiện đó chứng tỏ Nho giáo đã có chổ đứng ngày càng vững.
Nho giáo càng phát triển hơn dưới thời Trần khi nhà Trần đặt ra học vị đầu tiên vào năm 1232 cho thi cử Nho giáo đó là vị “Thái học sinh” (về sau đổi thành Tiến sĩ) là học vị thuộc hàng cao nhất. Năm 1247, nhà Trần đặt ra lệ Tam Khôi. Năm 1304, nhà
Trần đặt thêm một học vị mới là Hoàng giáp. Từ đó, Nho giáo cung cấp ngày càng đông viên chức cho bộ máy nhà nước phong kiến.
Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly nắm quyền binh đã chú trọng phát triển văn học. Đời Trần và Hồ đã tổ chức được mười sáu kì thi. Cũng chính trong thời kì này, Nho học đã đào tạo ra một số nhà văn hóa lớn của dân tộc như: Chu Văn An, Lương Khải Siêu, Lê văn Hươu.
Từ thời Lê trở đi, Nho giáo đã trở thành quốc giáo của Việt Nam góp phần đắc lực trong công cuộc chống quân Minh giải phóng dân tộc. Khi Nho giáo trở thành quốc giáo, trong triều đình cũng như trong hàng sĩ phu, nhiều tập tục ngàn năm khá tốt đẹp của dân tộc lắm khi bị khinh rẻ và ruồng bỏ để thay thế bằng tập tục gọi là tốt đẹp của văn hóa phương Bắc mà Nho giáo gọi là mẫu mực vì gốc ở lời dạy của thánh hiền “tiên vương”. Nhà Lê phát triển nhanh về giáo dục theo kiểu Trung Quốc, năm 1428, Lê Thái Tổ lập Quốc Tử Giám ở kinh thành và nhiều trường học ở các đạo. Còn Lê Thánh Tông thì cho xây dựng lại Văn Miếu và lập nhà Thái học ở sau Văn Miếu. Năm 1442, nhà Lê đã cho đổi tên học vị Thái học sinh thành Tiến sĩ và người ta quen gọi là Tiến sĩ kể từ đó. Cũng từ năm này, nhà vua đã cho soạn bia và dựng bia để khắc ghi tên của những người đỗ Tiến sĩ, bia Tiến sĩ bắt đầu có từ đây. Cũng thời kì này, nhiều thầy đồ và quan hưu mở trường ở thôn ấp. Sĩ tử ngày càng đông. Kẻ sĩ trở thành một tầng lớp quan trọng trong xã hội. Điều đó chứng tỏ Nho học đang phồn vinh. Nhưng dần dần, xã hội phong kiến nhà Lê gặp nhiều mâu thuẫn làm cho nó giậm chân, phân liệt, lòng dân ly tán, nhiều nhà Nho học giỏi chán ngán lui về quê ở ẩn.
Vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chia cắt đất nước ta ra Đàng Ngoài và Đàng Trong nhưng Nho giáo vẫn được xem là nền tảng tư tưởng của thiết chế chính trị - xã hội của hai miền. Tuy nhiên, do sự suy thoái của chế độ phong kiến, ảnh hưởng của quan hệ hàng hóa – tiền tệ nên ý thức hệ Nho giáo cũng ngày một suy đồi. Tuy giáo dục vẫn được xem là phương tiện để tuyển chọn nhân tài, được nhân dân tôn trọng và đề cao, nhưng chất lượng về văn hóa, phẩm chất đạo đức của người thi và người chấm thi dần dần xuống cấp.
Đến khi nhà Tây Sơn chiến thắng quân Mãn Thanh xâm lược, mặc dù còn nhiều việc cấp bách cần được giải quyết nhưng vua Quang Trung cũng rất chú ý đến sự
nghiệp giáo dục. Vua ban chiếu lập học quy định tổ chức học tập đến tận cấp xã, giao cho xã chọn những người có học và đức hạnh, tâu lên triều đình để bổ dụng làm thầy dạy ở các trường xã. Vua cũng chú ý chấn chỉnh việc thi cử đã bị xáo trộn ở thời trước.
Quang Trung cũng giao cho Nguyễn Thiếp dịch gấp các sách Tiểu học, Tứ thư, Ngũ kinh. Tuy triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại được 5 năm nhưng những việc làm kể trên đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà Tây Sơn đối với sự nghiệp giáo dục Nho học trong nhân dân.
Sau khi nhà Nguyễn đánh thắng Tây Sơn lập nền thống trị trên cả nước Việt Nam.
Các vua đầu triều Nguyễn cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế, nên đã lấy Nho giáo làm quốc giáo, tổ chức và phát triển nền giáo dục Nho học. Các vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều là những người trực tiếp truyền bá Nho giáo và đào tạo Nho sĩ. Các nội dung Mệnh trời, tam cương, ngũ thường, trung hiếu, tiết nghĩa… của Nho giáo được đề cao theo hướng duy tâm.
Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Sau hàng ước 1884, giai cấp phong kiến triều Nguyễn trở thành tay sai cho Pháp và tiếp tục kết cấu với bọn đế quốc để nô dịch nhân dân ta. Trong thời kì này, Pháp vẫn tiếp tục duy trì Nho học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Còn ở Nam Kỳ thì bị Pháp bãi bỏ từ rất sớm. Đến 1915, Pháp cũng đã bãi bỏ Nho học ở Bắc Kỳ và năm 1919 bãi bỏ Nho học ở Trung Kỳ.
Dưới thời Pháp thuộc, với chính sách xóa dần giáo dục Nho học, Nho học bước vào thời kì suy tàn. Sự phân hóa mạnh mẽ đã xảy ra trong lớp người Nho học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Một bộ phận trở nên tha hóa, sẵn sàng thích nghi với việc mới trở thành tay sai trong Bộ máy chính quyền của bọn thực dân, một bộ phận mất phương hướng trở nên bất lực. Một bộ phận nhỏ tiếp tục được ảnh hưởng của những cuộc vận động ở Nhật và Trung Quốc đã nhận ra nền giáo dục Nho học đã làm cho “dân ngu nước yếu”
không thể duy trì được nữa cần phải bỏ.
Tóm lại, Nho giáo đã tồn tại ở Việt Nam có thể nói tới gần hai nghìn năm và đã từng là quốc giáo trong cả một chặng đường dài của lịch sử. Đây là cơ sở để có thể lí giải vì sao nhân dân ta lại chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo một cách sâu sắc đến vậy,
không chỉ ở thời phong kiến mà hiện nay, ở con người Việt Nam vẫn còn mang đậm dấu ấn của truyền thống Nho giáo.