Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
2.3. Vấn đề khai thác, kế thừa hợp lý đạo đức Nho giáo trong việc xây dựng nền đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay
2.3.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh đối với việc tiếp thu, kế thừa đạo đức
2.3.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh đối với việc tiếp thu, kế thừa đạo đức Nho giáo
Theo học giả Đào Duy Anh, tư tưởng Hồ Chí Minh sở dĩ có những sắc thái độc đáo là do trong đó có: “…những tư tưởng mácxit, Lênin đã được xây dựng trên miếng
đất của những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc, mà trong số những truyền thống tốt đẹp ấy yếu tố Nho giáo chiếm một vị trí không nhỏ”[1,tr26].
Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho, sống giữa một quê hương đã bao đời theo Nho học, từng chứng kiến những hành vi yêu nước và chống giặc đầy nhiệt tình và khí phách của nhân dân. Trong hoàn cảnh ấy, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những truyền thống đạo đức của nhân dân thể hiện trong sinh hoạt gia đinh và xã hội của nhân dân.
Trên con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh không thể không gạt bỏ Nho giáo, nhưng Người đã không: “đổ chậu nước bẩn cùng đứa trẻ em”. Người đã cương quyết gạt bỏ đi những cốt lõi lạc hậu của Nho giáo để rồi sau đó giữ gìn và phát huy những nhân tố hợp lý của Nho giáo nhằm phục vụ cho việc xây dựng đạo đức cách mạng của con người Việt Nam và cũng để gạt bỏ những tiêu cực của Nho giáo, cũng có nghĩa là “đập lưng Nho giáo bằng chính ngay cái gậy của Nho giáo”
[10,tr.91].
Hồ Chí Minh đã gạt bỏ những gì? Gạt bỏ cái cốt lõi nhất trong Nho giáo là lòng trung thành tuyệt đối với chế độ phong kiến. Sự khác nhau căn bản giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh, giữa học thuyết Nho giáo và mục tiêu cách mạng Việt Nam là ở chỗ mà Nho giáo tôn thờ nhất chính là cái cách mạng lên án và đánh đổ. Hồ Chí Minh không thể chấp nhận cái chữ “trung” của Nho giáo, không thể chấp nhận lòng trung thành tuyệt đối của nhân dân bị áp bức đối với chính kẻ áp bức mình,
“Trung hiếu” là phạm trù đạo đức, coi như chuẩn mực cao nhất trong hành vi của con người. Hồ Chí Minh thấy không thể gạt bỏ từ ngữ đó và chỉ cần tước gọt đi nội dung cũ của Nho giáo để đưa vào đó nội dung mới của cách mạng. Chữ “trung” ở Nho giáo là trung thành tuyệt đối với vua và chế độ phong kiến, còn ở Hồ Chí Minh “trung”
là trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, lên án chế độ phong kiến và lật đổ nhà vua.
Với tinh thần trên, Hồ Chí Minh đã lật ngược lại học thuyết của Nho giáo như trước đây Các Mác đã lật ngược lại học thuyết của Hêghen. Ở Nho giáo, vua là bậc trí tôn đứng trên đầu của xã hội, còn nhân dân chỉ là tầng lớp thấp kém đáng khinh rẻ và cần được chăn dắt. Hồ Chí Minh thì làm ngược lại, Người cùng nhân dân làm cuộc
cách mạng, lật đổ tầng lớp vua chúa đi và đưa quần chúng nhân dân lên địa vị người chủ của đất nước.
Không phải Đảng ta là người đầu tiên mà chính Nho giáo đã coi “nhân dân là gốc”. Nho giáo cũng nhìn thấy sức mạnh của nhân dân: “Nhân dân có thể đẩy thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền”. Tuy nhiên, cái điều quan trọng nhất đối với nhân dân thì Nho giáo lại không thừa nhận. Đó là quyền dân chủ của quần chúng, quyền bình đẳng của xã hội; quyền tự do của mỗi con người. Đặc biệt là Nho giáo không thể coi nhân dân như lực lượng chính làm nên lịch sử.
Hồ Chí Minh đã đặt vị trí của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng cho Tổ quốc và giải phóng cho bản thân mình. Ngược lại, Nho giáo vốn coi nhân dân là những người nghèo hèn cần được bề trên chăn dắt và sai khiến. Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ phải là “đầy tớ của nhân dân”, phải học hỏi ở nhân dân và yêu quý nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã sử dụng rất nhiều câu chữ của Nho giáo, nhiều kinh nghiệm giáo dục và tu dưỡng của Nho giáo, nhiều biện pháp động viên tinh thần và ý chí của Nho giáo để động viên nhân dân đứng lên chiến đấu giành độc lập tự do với một khí phách kiên cường, tinh thần mưu trí và sáng tạo.
Để thực hiện một xã hội lý tưởng theo mô hình Nho giáo với sự thống trị của “vua hiền, tôi giỏi”. Nho giáo đặt vấn đề tư dưỡng đạo đức lên hàng đầu “từ bậc thiên tử xuống tới người bình dân, ai nấy điều phải lấy tu thân làm gốc. Cái gốc mà hư hoại mà cái ngọn lại tốt, đâu có thể như vậy”.
Trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cũng coi “đạo đức làm gốc” và đòi hỏi người cách mạng phải có bản lính đạo đức. “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo…người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [25, tr.467].
Nho giáo coi thực hiện lý tưởng của mình là một nhiệm vụ rất khó khăn. Hồ Chí Minh cũng coi nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề, phức tạp và gian khổ. Nho giáo nói:
“Kẻ sĩ cần phải có chí khí rộng lớn và cương nghị. Là vì gánh thì nặng mà đường thì xa, đức nhân là trách nhiệm mà phải gánh há không phải nặng sao? Đã làm điều nhân thì phải làm cho đến chết mới thôi, như vậy chẳng là đường xa sao?”. Hồ Chí Minh cũng mượn tinh thần ấy để răn dạy cán bộ của mình: “Sức có mạnh thì mới gánh được
nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang” [27, tr.236].
Qua hai cuộc kháng chiến đầy gian lao thử thách, có thể nói Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng nhiều những kinh nghiệm của Nho giáo trong việc giáo dục đào tạo và phát động tinh thần của nhân dân. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin Người đã phân tích cho nhân dân rõ được những khó khăn và thuận lợi của kháng chiến, động viên mọi người trước những thắng lợi ngày một lại gần, cổ vũ mọi người bằng những tấm gương kiên cường, bất khuất từ trong lich sử của dân tộc. Trong quá trình lịch sử này không thể qua sự đóng góp những lời răn dạy rút ra từ trong Nho giáo. Cố nhiên, không phải là để thực hiện mục tiêu của Nho giáo mà để đi ngược lại mục tiêu ấy, hướng vào sự nghiệp giải phóng Tổ quốc và đồng bào.
Xuất phát từ yêu cầu cách mạng của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã kế thừa nội dung
“Ngũ thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) của nho giáo để đề ra năm chuẩn mực:
Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Qua năm tiêu chuẩn này, người ta tưởng Hồ Chí Minh đã sao chép một cách giản đơn những phẩm chất của Nho giáo. Nhưng thực ra, những khái niệm trên đã mang nội dung mới coi như một bản phác thảo những giá trị đạo đức cơ bản nhất của nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhân ở Hồ Chí Minh là lòng yêu nước vô hạn đối với Tổ quốc và đồng bào, đối với nhân dân lao động toàn thế giới, đối với độc lập của mỗi dân tộc, đối với tự do và hạnh phúc của mỗi con người. “Nhân” ở Hồ Chí Minh là một chủ nghĩa nhân văn hoàn chỉnh thể hiện không chỉ ở tấm lòng yêu quý ở nhân dân mà còn ở niềm tin vô hạn đối với sức mạnh của quần chúng khi quần chúng tự giác đứng lên để tự giải phóng cho mình. Nhân là lòng tận tụy vô hạn đối với sự nghiệp của nhân dân. Ở Nho giáo lòng tận tụy ấy phục vụ cho nhà nước phong kiến và thể hiện ở lòng trung với vua kết hợp với lòng hiếu đối với bố mẹ. Ở Hồ Chí Minh, Trung và Hiếu hướng về Tổ quốc và nhân dân, là lật đổ chế độ vua quan, là quan tâm đến bố mẹ của nhân dân như bố mẹ mình.
Nghĩa là thể hiện tinh thần trách nhiệm nhằm thực hiện kỳ được những việc cần phải làm để phục vụ Tổ quốc và nhân dân, là làm thế nào để động cơ vì Tổ quốc và nhân dân phải biến thành hiệu quả.
Trí là không ngừng học tập nâng cao hiểu biết, phát triển tài năng, nhận thức được đúng đắn quy luật của lịch sử, tiền đồ của Tổ quốc và nhiệm vụ của cá nhân. Trí là phải có tinh thần mưu trí và sáng tạo, giải quyết được mọi công việc khó khăn, sáng suốt vượt qua mọi thử thách.
Dũng là thể hiện ý chí cách mạng, quyết tâm thực hiện kỳ được lý tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hôi, là không sợ chết, không sợ khổ, không sợ khó trước sự việc đấu tranh cách mạng với tinh thần “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Liêm là giữ gìn phẩm chất cá nhân, thực hiện tinh thần chí công vô tư, chống tham ô lãng phí, sống một cuộc sống trong sạch, khiêm tốn, giản dị.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, trong quá trình đẩy mạnh kinh tế thị trường, những chuẩn mực đạo đức nói trên vẫn giữ nguyên giá trị.
Trong việc kế thừa những tư tưởng Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta một bài học lớn. Người đã phê phán rất triệt để những tư tưởng lạc hậu, ấu trĩ của Nho giáo. Song, người cũng rất tài tình, khoa học và cách mạng trong việc gạn lọc những hạt nhân hợp lý của nó.
Qua phần phân tích trên chúng ta thấy rằng: nhận thức, thái độ và quan điểm của Hồ Chí Minh đối với Nho giáo nói chung và đạo đức Nho giáo nói riêng có mấy điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, Hồ Chí Minh là một người am hiểu rất sâu sắc đạo Nho, có cốt cách của một nhà Nho chân chính.
Thứ hai, đạo đức Hồ Chí Minh là sự tiếp nối giữa đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, trong đó có những đạo đức của Nho giáo.
Thứ ba, Hồ Chí Minh tiếp thu đạo đức Nho giáo trên cơ sở phủ định hệ thống lý luận đã lạc hậu nhưng kế thừa và cải tạo những yếu tố tích cực, hợp lý của nó để phục vụ cho sự nghiệp của cách mạng.
Thiết nghĩ, quan điểm của Hồ Chí Minh đối với đạo đức Nho giáo là những định hướng quan trọng giúp chúng ta có thể khai thác, kế thừa những yếu tố còn có tác dụng tích cực, hợp lý của nó vào giáo dục đạo đức, lối sống mới, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong điều kiện chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay.