Nguyên nhân của những biến đổi tiêu cực trong đạo đức gia đình mới ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG của đạo đức NHO GIÁO đến GIÁO dục GIA ĐÌNH VIỆT NAM từ TRUYỀN THỐNG đến HIỆN đại (Trang 48 - 53)

Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ

2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến giáo dục gia đình Việt Nam

2.2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay

2.2.2.2. Nguyên nhân của những biến đổi tiêu cực trong đạo đức gia đình mới ở nước ta hiện nay

Nguyên nhân của tình trạng suy thoái về đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay là rất phức tạp, trong đó vừa có nguyên nhân chủ quan vừa có nguyên nhân khách quan tồn tại đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau và tác động đến tình trạng suy thoái đạo đức gia đình ở nước ta.

Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, do sự tác động của nền kinh tế thị trường

Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới với đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI. Đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Đổi mới về kinh tế là chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Đường lối đổi mới đã làm thay da đổi thịt toàn bộ nền kinh tế xã hội của đất nước ta. Nền kinh tế thị trường một mặt tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, cho việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhất là việc tiếp thu nền khoa học công nghệ tiên tiến, nhờ vậy mà sau hơn hai mươi năm đổi mới kinh tế nước ta phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá cao, thu nhập quốc dân cũng tăng mạnh, từ đó đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, các công trình phúc lợi xã hội cũng được đáp ứng tốt hơn.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên thì nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái của nó tác động không nhỏ đến đời sống xã hội trong đó có đạo đức của gia đình.

Kinh tế thị trường đặt mọi đối tượng dưới quan hệ hàng hóa hoặc tính chất hàng hóa kể cả sức lao động của con người, tình cảm thân tộc, nó đặt mọi mối quan hệ trong đó có mối quan hệ đạo đức, lối sống vào mối tương quan mua bán sòng phẳng lạnh lùng.

Chính điều đó đã tạo ra một lối sống thực dụng đến mức cực đoan, tôn thờ đồng tiền quá đáng. Người ta có thể làm mọi việc tán tận lương tâm, phi pháp để có tiền, đồng tiền tác oai tác quái làm cho giá trị thang đạo đức bị đảo lộn, nhân cách mù quáng trước đồng tiền tội lỗi, người ta quên đi tất cả lý tưởng, ước mơ và nhân bản. Đồng tiền làm đảo lộn những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, hủy hoại mối quan hệ truyền thống trong gia đình, con cái hất hủi cha mẹ già, anh em đâm chém lẫn nhau tranh giành quyền lợi, vợ chồng lục đục, tình trạng ly hôn xảy ra ngày càng nhiều, mọi người đều lao theo việc kiếm tiền và làm giàu mà dẫn đến tình cảm gia đình ngày càng mờ nhạt, cha mẹ, con cái thiếu sự quan tâm chăm sóc và thời gian dành cho nhau, trách nhiệm và nghĩa vụ giành cho nhau thì có thể dùng tiền để giải quyết.

Chính vì vậy mà người ta mới nói thị trường là chiến trường, những truyền thống quý báu, những giá trị đạo đức tốt đẹp bị xem nhẹ, nhường chỗ cho sự mưu lợi, tranh

giành quyền lợi lẫn nhau làm cho người ta quên đi tình cảm thân tộc dẫn đến đạo đức gia đình bị suy thoái trầm trọng.

Thứ hai, sự du nhập của nền văn hóa bên ngoài vào nước ta.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, ký kết hợp tác làm ăn với nhiều nước trên thế giới, với các nước ASEAN, các nước châu Á, EU, Mỹ, … Vì vậy, đang diễn ra nhiều sự thay đổi, nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh tế của nhân dân ta. Chính những thay đổi này ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình.

Sự du nhập của nền văn hóa bên ngoài đã tạo nên sự giao lưu hợp tác về kinh tế rộng rãi giữa các gia đình ở thành phố và nông thôn, kể cả với nước ngoài. Thu thập của các gia đình tăng lên, tiêu dùng cũng tăng theo, không chỉ trong ăn uống mà nhiều nhu cầu giải trí, văn hóa của những gia đình có điều kiện cũng được thỏa mãn tốt hơn trước. Đối với con cái, việc đào tạo nghề nghiệp đa dạng hơn, kể cả du học ở nước ngoài.

Trong cơ chế thị trường với quy luật cạnh tranh khốc liệt, các gia đình phải tìm mọi cơ hội, điều kiện kinh doanh có lợi nhất, tốt nhất để kiếm được lợi nhuận tối đa;

thậm chí, có một số trường hợp còn bất chấp cả luật pháp nhà nước và chà đạp lên đạo đức thông thường. Đồng thời, cạnh tranh cũng làm nảy sinh nhiều sáng kiến ở người lao động, nhà kinh doanh để đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường tiêu thụ. Sự thay đổi về công việc, về nghề nghiệp của một bộ phận lao động diễn ra liên tục, kịp thời tạo điều kiện cho họ và gia đình có thể sống và làm việc có hiệu quả nhất.

Song song đó là các trào lưu văn hóa của hóa của thế giới đã du nhập vào nước ta cùng với sự bùng nổ của thông tin liên lạc, mạng Internet. Một mặt nó có thể giúp chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa tiên tiến của nhân loại, loại bỏ những hủ tục lạc hậu tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta, một mặt nó làm đảo lộn, thay đổi trong tâm lý, ý thức trong đời sống đạo đức của gia đình. Đó là sự du nhập của những luồng văn hóa đồi trụy, lối sống phương Tây.

Ở nước ta, nhất là giới trẻ học đòi lối sống phương Tây ngày càng nhiều và nó đang trở thành một trào lưu lớn trong xã hội. Hiện tượng này đã và làm mai một đi rất nhiều truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc. Biểu hiện của nó là lối sống tự do, phóng khoáng qua mức. Như trước đây hôn nhân là một vấn đề rất nghiêm túc và trọng đại của một đời người, nhưng hiện nay, một hiện tượng rất phổ biến ở giới trẻ đó là hiện tượng “sống thử”. Nam nữ yêu nhau chưa kết hôn nhưng vẫn sống chung với nhau sau một thời gian không hợp nhau thì họ sẵn sàng chia tay nhau mà không hề nghĩ tới hậu quả của nó. Lối sống tự do phóng khoáng còn thể hiện ở việc rất nhiều người không muốn bị ràng buộc bởi gia đình, con cái sống tự lập từ rất sớm ít cần sự quan tâm chăm sóc, giáo dục từ cha mẹ. Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn thì nhanh chóng ra ở riêng, kiểu gia đình tam tứ đại đồng đường ngày càng ít. Hiện nay, tư tưởng sống độc thân không lập gia đình của giới trẻ phương tây đang có những ảnh hưởng nhất định trong xã hội nước ta, nhiều người không muốn lập gia đình để không phải ràng buộc vào cuộc sống gia đình.

Ngoài ra, sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng Internet đã đưa vào nước ta những luồng văn hóa đồi trụy tác động không nhỏ đối với đạo đức xã hội trong đó có đạo đức gia đình nhất là đối với trẻ em như: phim ảnh đồi trụy, những trang Web xấu đã góp phần làm cho đạo đức xã hội trong đó có đạo đức gia đình ngày càng suy thoái.

Nguyên nhân chủ quan

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như đã nêu trên thì vấn đề đạo đức gia đình còn chịu sự tác động của một số nguyên nhân chủ quan sau đây:

Thứ nhất, Lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đã chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đạo đức gia đình trong sự phát triển kinh tế - xã hội

Trong một thời gian dài, nhất là từ khi bước vào nền kinh tề thị trường, ta đã xem nhẹ đạo đức truyền thống dân tộc, bỏ ngỏ vấn đề rất cốt yếu, hệ trọng là giáo dục đạo đức, truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình, truyền thống đạo đức dân tộc cho mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội.

Thứ hai, công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức xã hội, đạo đức gia đình còn chưa kịp thời với tình hình mới.

Trong khi đất nước và xã hội ta đang từng bước biến đổi nhanh chóng, trải qua biết bao sự kiện lịch sử. Gia đình cũng đang chuyển đổi từ cũ sang mới, các thành viên trong gia đình cũng có những yêu cầu mới khác trước về tình cảm, đạo đức, xây dựng những quan điểm mới về tình yêu, hôn nhân, gia đình, việc truyền bá những kiến thức khoa học về cuộc sống gia đình, việc xây dựng những quy tắc, tập quán tiến bộ trong quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, việc hướng dẫn nội dung, phương pháp nuôi dạy con…chưa được đặt ra trong công tác giáo dục công dân có hệ thống và trên quy mô lớn, việc chuẩn bị cho thanh niên có ý thức và kiến thức trước khi kết hôn chưa được đặt ra một cách rõ ràng; hoạt động của một số cơ quan, tổ chức xã hội tuy có cố gắng nhưng còn phân tán, chưa có hiệu quả cao. Do vậy, nhiều quan điểm hay nhận thức không đúng về gia đình vẫn còn tồn tại khá sâu đậm trong lãnh đạo, cán bộ, nhân dân.

Mặt khác, khi đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, việc mở rộng các chính sách và hoạt động của các cơ sở dịch vụ xã hội thì có xu hướng coi nhẹ vai trò, trách nhiệm của gia đình.

Bên cạnh đó, chúng ta còn đơn giản, chủ quan thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được về bình đẳng nam nữ, gia đình văn hóa, chưa nhận thức được đầy đủ tính chất phức tạp, dai dẳng của những vấn đề thường xuyên phát sinh trong gia đình đòi hỏi phải thường xuyên quan tâm và có những chính sách giải quyết thỏa đáng những vấn đề mâu thuẫn gia đình ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, còn lúng túng trong việc chỉ đạo, chưa đưa ra được những chuẩn mực đạo đức gia đình trong tình hình mới.

Việc chỉ đạo những chính sách đã có sự thiếu chặt chẽ, liên tục. Ngày nay khi chúng ta đang thực hiện đường lối mở cửa, thức hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó khuyến khích tư nhân, cá thể kêu gọi mọi người hãy tự cứu lấy mình, khuyến khích làm giàu hợp pháp… thì đạo đức không thể như trước được, không chỉ vì mọi người mà còn phải vì mình, vì lợi ích chính đáng của cá nhân.

Với chế độ sở hữu hiện nay, chúng ta chưa hoàn toàn xóa bỏ chế độ tư hữu. Trong điều kiện tranh đua để kiếm tiền, tranh đua làm giàu thì mối quan hệ giữa người với người chưa trở trở thành mối quan hệ tương trợ, hợp tác và giúp đỡ nhau trong quá

trình lao động sản xuất phục vụ nhu cầu của mình và của xã hội. Vì vậy, cần làm rõ những nguyên tắc của đạo đức mới của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta trong giai đoạn còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, cần xác định những quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức gia đình.

Thứ tư, chưa có chính sách xã hội gắn liền với chính sách gia đình

Một trong những nguyên nhân làm cho các mối quan hệ trong gia đình có phần lỏng lẻo hơn là do để có công ăn việc làm, có thu nhập cao hơn, đặt ra vấn đề di chuyển chỗ ở, rời khỏi gia đình thường xuyên hoặc tạm thời của các thành viên, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hoặc nam giới. Điều đó làm cho mối liên kết gắn bó thường xuyên giữa các thành viên trong gia đình đang có nguy cơ lỏng lẻo.

Trong sự phát triển và bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình không còn là nơi duy nhất để trao đổi tin tức, thông tin.

Thứ năm, còn thiếu những điều luật điều chỉnh hành vi trái pháp luật trong mối quan hệ đạo đức gia đình.

Thiếu sơ kết, đánh giá những tác động tích cực, hạn chế đối với đạo đức xã hội, đạo đức gia đình của một số chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội. Để thông qua đó đúc kết kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời những chủ trương mà xã hội còn nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG của đạo đức NHO GIÁO đến GIÁO dục GIA ĐÌNH VIỆT NAM từ TRUYỀN THỐNG đến HIỆN đại (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)