Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến giáo dục gia đình Việt Nam
2.2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay
2.2.2.1. Thực trạng tình hình đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay
Đi vào hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong văn hóa, đạo đức xã hội cũng như quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình. Những đợt sóng biến đổi nhiều mặt của xã hội đã dội vào gia đình, tác động đến đạo đức gia đình. Không ít những giá trị đạo đức gia đình đang bị vi phạm, thể hiện lệch lạc. Nghiên cứu về đạo đức gia đình hiện nay có thể nêu ra một số vấn đề mới nảy sinh như sau:
Thứ nhất, hiện tượng coi thường giáo dục gia đình đang xảy ra ngày càng nhiều đã góp phần đáng kể phá vỡ nền tảng đạo đức gia đình.
Có gia đình đã thu hẹp phạm vi giáo dục gia đình vào việc nuôi cho con ăn học, chỉ chú ý đến thành tích học tập hay sức khỏe thể lực mà bỏ qua việc giáo dục phẩm chất cá nhân, nhân cách ứng xử trong mối quan hệ với người khác. Hiện tượng buông lỏng giáo dục phẩm chất đạo đức và cách ứng xử đúng đắn, tình nghĩa đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Có những gia đình đã dung túng cho tính tham lam, ích kỷ, ngang ngược của con cái. Họ đã để cho quan niệm tư lợi, “đồng tiền trên hết” ngự trị, lưu hành trong mọi hoạt động sống của gia đình. Thậm chí có gia đình bố mẹ sống buông thả, có hành vi thất đức, không ý thức được rằng đó là những bài học tự nhiên đối với con cái. Sự lúng túng, bất lực trong việc giáo dục đạo đức gia đình của cha mẹ, sự coi thường, phủ định sạch trơn những nội dung và hình thức giáo dục đạo đức truyền thống cho con cái đã dẫn đến mối liên kết tinh thần của tổ ấm gia đình.
Thứ hai, trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, có nơi còn phát triển cùng với sự khôi phục của dòng họ.
Đảng và Nhà nước ta đã có quan điểm rõ ràng về bình đẳng nam nữ, cải cách pháp luật, đề ra các cơ chế nhằm thúc đẩy sự bình đẳng nam nữ đã có tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có sự phân biệt đối xử với con cái, đối với phụ nữ trong một số tập quán, một số dòng họ.
Trong các gia đình phổ biến ở nông thôn miền núi con gái thường phải lao động nhiều hơn con trai, điều đó được thể hiện qua tỷ lệ trẻ em nữ bỏ học nhiều hơn các em nam.
Quan hệ bạo lực trong gia đình: theo tài liệu nghiên cứu của Trung Ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện có xu hướng giảm đi đối với hành vi bạo lực xâm phạm thân thể trong gia đình đối với phụ nữ. Nếu trước đây 7 % phụ nữ bị chồng đánh đập, 39% phụ nữ bị chồng mắng chửi thì năm 2000 còn 3,2% còn phụ nữ bị đánh đập và 16,4% phụ nữ bị mắng chửi. Mặc dù con số này không phải là lớn so với một số nước trên thế giới, nhưng tỷ lệ 3,2% cũng nói lên ở Việt Nam hiện nay vẫn còn phụ nữ thường xuyên bị đánh đập, ngược đãi. Nghiên cứu cho thấy, bạo lực gia đình là một vấn đề rất phức tạp và có vô số hình thức biểu hiện. Tỷ lệ hành vi bạo lực gia đình cao đặc biệt với những ông chồng có trình độ học vấn thấp, là nông dân hoặc là những người không có nghề nghiệp ổn định, mắc phải các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh đẻ nhiều, cơ cấu gia đình phức tạp.
Trong một số hoàn cảnh gia đình nhất định, chẳng hạn như nhận thức không đầy đủ về bình đẳng giới, bạo lực đối với phụ nữ gia tăng khi phụ nữ có vai trò kinh tế cao hơn và người chồng cảm thấy địa vị truyền thống của mình trong gia đình bị đe dọa. Mặt khác, do nhận thức của xã hội còn mang nặng quan niệm phong kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình truyền thống: người phụ nữ phải lo nội trợ, đảm đang bếp núc trong nhà, phải phục tùng chồng.
Tất cả những hành vi thô bạo dã man trong đời sống gia đình trên đây, ngày nay không còn là việc riêng, việc trong nhà của mỗi gia đình mà nó là một hành vi trái với lợi ích của xã hội, vi phạm pháp luật, vừa trái với tính chất trong mối quan hệ đạo đức giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái hoặc giữa con cái với cha mẹ.
Thứ ba, thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ với con cái và ngược lại.
Trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (thường là ở thành phố) chủ nghĩa thực dụng có chiều hướng gia tăng. Mỗi người chỉ biết chăm lo đến công việc,
lợi ích riêng của mình, mà giảm đi thời gian dành cho nhau, giảm đi sự chăm sóc cho nhau giữa các thành viên trong gia đình. Một số gia đình tuy cuộc sống giàu sang hơn nhưng mối quan hệ vợ chồng, cha, mẹ, con cái lại thiếu tình thương với nhau, thiếu sự quan tâm, chăm sóc đến đời sống tinh thần, tình cảm của nhau, ít quan hệ gắn bó tình nghĩa, thương yêu đùm bọc có tính truyền thống giữa các thành viên trong gia đình, còn nếu có thì chỉ quan tâm hình thức, chiếu lệ.
Trong những trường hợp này người ta thường lấy lý do là công việc bận rộn, vì phải lo làm ăn, kiếm tiền vất vả. Họ lạm dụng hoặc ỷ lại tiền bạc để thay thế tình cảm, sự quan tâm gia đình. Trong một số gia đình vẫn còn tồn quan điểm sống “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”, cho nên gia đình tập trung vào làm ăn bất cứ nghề gì miễn là kiếm được nhiều tiền, rời xa các quan niệm đạo đức truyền thống, dẫn đến thiếu quan tâm, kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn cần thiết và kịp thời đối với con cái nên nhiều em đã sa vào tệ nạn xã hội mà gia đình không hay biết.
Trong một số gia đình thành phố xuất hiện tình trạng lấy đồng tiền thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ bổn phận với gia đình. Chẳng hạn như thuê gia sư, thuê mướn người giúp việc, phó mặc cho người giúp việc chăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, trông coi người già, hoặc phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, cũng chính vì thế mà các bậc cha mẹ ít quan tâm đến việc phải làm gương cho con cháu noi theo.
Hiện nay, tình trạng ly hôn cao đã dẫn đến việc gia tăng số trẻ em chỉ sống với bố hoặc mẹ, phải sống với bố dượng hay mẹ kế, với ông bà già…Những gia đình như vậy bị ảnh hưởng, khả năng của gia đình trong việc hỗ trợ, nuôi dưỡng con cái bị giảm sút, buộc các em phải tự bảo vệ mình và còn nghiêm trọng hơn khi các em bị khủng hoảng tinh thần, dẫn đến tâm lý chán nản, bi quan dễ bị lôi kéo bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội
Thứ tư, tính thực dụng, vụ lợi trong hôn nhân
Ngày nay, nam nữ yêu nhau đi đến quyết định kết hôn và quá trình chung sống của gia đình vẫn thường được coi là một vấn đề hệ trọng của đời người. Nhưng hiện
nay, một số người quan niệm đạo đức hôn nhân đang trở nên lộn xộn. Ở họ, tính nghiêm túc ở hôn nhân đang bị xem thường. Với quan niệm “Tình yêu bốc lửa, yêu nhanh, cưới nhanh” mà từ đó đã không ít trường hợp kết thúc với kết quả “cưới nhanh, tan vỡ ngay”. Từ lập luận kết hôn khi yêu nhau và ly hôn không còn tình yêu vợ chồng.
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao năm 2007, số lượng vụ ly hôn năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2002 có 54.324 vụ ly hôn thì đến năm 2007 con số này đã lên đến 67.124 vụ [29].Họ đã bỏ qua tất cả các khía cạnh ràng buộc của mối quan hệ cha mẹ - con cái. Biểu hiện xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của việc ly hôn đôi khi còn có nguyên do là: Lấy việc kết hôn làm “bàn đạp” để đạt được một mục đích nào đó như tình trạng lấy chồng nước ngoài không trên cơ sở tình yêu. Trong thời gian gần đây, tình trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài tăng cao. Một số chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài là để cải thiện cuộc sống gia đình nhưng bên cạnh đó, không ít những chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài với xu thế chạy theo danh vọng, đồng tiền, mong muốn được đổi đời với bạn bè. Trong đó chủ yếu là kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Bên cạnh đó là tình trạng tảo hôn của một số gia đình người dân tộc đã nói lên sự phát triển đạo đức không lành mạnh, đó là kiểu hôn nhân, gia đình không xuất phát trên cơ sở tình yêu mà trên cơ sở của sự tính toán, của lợi nhuận, vì tiền của, vì được ra nước ngoài, vì có người làm nương rẫy. Đó không phải là thứ tình yêu trên cơ sở đạo đức của hôn nhân hiểu biết, quý mến nhau, gắn liền với trách nhiệm.
Bên cạnh những biểu hiện không nghiêm túc về hôn nhân, còn có hiện tượng đạo đức tình dục bị vi phạm. Hành vi tình dục diễn ra trước hôn nhân hoặc không dẫn tới hôn nhân kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” bắt đầu được một số người tán thưởng, dư luận xã hội cho qua. Lâu nay, chúng ta thường quan niệm tình dục là cái chỉ có sau kết hôn và tình dục phải gắn với hôn nhân. Nhưng hiện nay, không ít những người quan niêm tách biệt giữa tình dục và hôn nhân. Do đó, đã có không ít những đôi nam nữ chấp nhận việc có quan hệ tình dục với nhau nhưng không đi đến kết hôn.
Quan niệm đạo đức hôn nhân trở nên lộn xộn còn thể hiện ở một số người có hành vi phạm pháp do ngoại tình hay mại dâm. Sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình đã phát sinh nhiều hiện tượng phạm tội dã man, nghiêm trọng.
Thứ năm, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có những biểu hiện lạm dụng quan niệm tự do, dân chủ.
Những biểu hiện trên đã dẫn đến sự lỏng lẻo, thiếu nề nếp, kỷ cương “kính trên, nhường dưới”, “kính già, yêu trẻ”, “con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ” có khi là những nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn, căng thẳng, sự đổ vỡ các mối quan hệ tình cảm thân thiết trong gia đình.
Thứ sáu, đối lập giữa lợi ích gia đình và lợi ích xã hội
Khi nước ta đang phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, có những người mong muốn làm giàu bằng con đường bất chính, miễn là có tiền, có lợi nhuận, vi phạm pháp luật, trái với lợi ích xã hội, có hại đến sức khỏe tinh thần, tình mạng của người khác. Thậm chí có người tìm cách kiếm tiền với ngay cả người thân trong gia đình như:
bán vợ, bán con, bán con làm gái mại dâm, gả bán con cho người nước ngoài. Để làm giàu, họ lôi kéo vợ chồng, con cháu vào đường làm ăn trái pháp luật như: cờ bạc, buôn bán ma túy, mại dâm… và cho đó là cách sống bình thường, không thấy sai phạm, không thấy lương tâm bị cắn rứt. Họ có quan niệm sống sai trái là: “khôn thì sống,vống thì chết”, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hay “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Một số quan niệm đạo đức khác đang bị chi phối cách sống của không ít gia đình, tuy không đối lập với lợi ích của xã hội nhưng cũng không có ý nghĩa tích cực đối với xây dựng xã hội “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người” hay “đèn nhà ai nấy rạng”.
Dù là những quan niệm đạo đức rất sai trái, vị kỷ, đã đối lập lợi ích của cá nhân, của gia đình với lợi ích của xã hội, trái với đạo đức xã hội và có ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của từng thành viên trong gia đình. Nhưng đáng tiếc những quan niệm đạo đức đó chưa được xã hội lên án mạnh mẽ. Không ít thành viên trong gia đình khác
đồng tình và cho rằng quan niệm đó là đúng với thực tế và ngấm ngầm thực hiện. Điều đó không những làm hại cho xã hội mà còn có tác động nghiêm trọng đến việc giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng xấu đến đạo đức của con cháu, tạo thành truyền thống xấu cho gia đình và đối với xã hội.
Qua đó cho thấy xã hội ta còn tồn tại loại tình yêu, gia đình, mà tình yêu đó không phù hợp với lợi ích xã hội và làm cho con người không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với xã hội. Thực chất đó là tình yêu không có đạo đức. Chúng ta cần phê phán đúng mức hiện tượng đó.
Tình hình trên cho thấy vấn đề đạo đức gia đình chịu tác động rất lớn của các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Cơ chế thị trường đối với gia đình bên cạnh mặt tích cực cũng có những tác động xấu đến tâm hồn, đạo đức, ảnh hưởng đến vai trò giáo dục gia đình đối với hình thành đạo đức, nhân cách của con cháu cũng như các thành viên trong gia đình.
Điều đáng quan tâm là những quan niệm hành vi, đạo đức sai trái trên đây không phải tồn tại một cách riêng biệt trong một gia đình nào cố định. Nó biểu hiện có lúc công khai lộ liễu, có lúc ngấm ngầm nhưng có tính lây truyền, lan tỏa, lôi kéo, phát triển từ một gia đình thành quan niệm, hành vi đạo đức của nhiều gia đình, rồi của cộng đồng, của xã hội. Nếu chúng ta không phân tích, đấu tranh, giáo dục cho mọi người, mọi gia đình để biết ngăn chặn kịp thời những quan niệm đạo đức không lành mạnh, khi nó đã phát triển rộng rãi thì sẽ công khai thách thức với đạo đức xã hội và pháp luật của Nhà nước, lúc đó việc uốn nắn, xây dựng là việc vô cùng khó khăn và lâu dài.