Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
2.3. Vấn đề khai thác, kế thừa hợp lý đạo đức Nho giáo trong việc xây dựng nền đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay
2.3.2. Những nhân tố hợp lý của đạo đức Nho giáo cần được kế thừa trong việc xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay
Nho giáo kể từ khi du nhập vào Việt Nam đã ăn sâu bám rễ vào đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, đặc biệt nó ngự trị suốt thời gian dài của xã hội phong kiến Việt Nam. Tuy ngày nay cơ sở kinh tế - xã hội của Nho giáo đã bị xoá bỏ nhưng không có nghĩa là những tư tưởng của Nho giáo đã biến mất, mà những yếu tố trong tư tưởng của Nho giáo vẫn tồn tại, và đang ảnh hưởng, tác động đến nhiều mặt của xã hội ta. Những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ của nó đã gây những tác hại xấu đến nhiều mặt và để lại nhiều hậu quả nặng nề trong đời sống xã hội, gây nhiều trở ngại cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bên cạnh mặt hạn chế đó, những quan điểm của Nho giáo có chứa đựng nhiều yếu tố hợp lý và phù hợp với văn hoá Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm truyền thống của dân tộc ta. Chính vì lẽ đó, một trong nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, đó là chúng ta biết kế thừa những yếu tố tốt đẹp, tích cực, phù hợp của Nho giáo, đồng thời khơi dậy trong xã hội nói chung, trong nhà trường nói riêng những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo, một nét đẹp trong văn hoá người Việt Nam.
Vai trò của Nho giáo trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam và tàn dư của nó tiếp tục có ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình Việt Nam hiện nay. Đây là một sự thật không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra là trên cơ sở khoa học tiếp tục tìm hiểu xem cần gạt bỏ những gì và khai thác những gì của Nho giáo để phục vụ cho sự phát triển của gia đình và xã hội ở nước ta hiện nay.
Đặt vấn đề khai thác và kế thừa những yếu tố còn có giá trị của đạo đức Nho giáo có thể dựa trên những cơ sở sau:
Thứ nhất, về mặt lý luận theo quan điểm biện chứng mácxit thì đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, do đó nó có sự kế thừa trong sự phát triển, một mặt nó ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình Việt Nam. Song mặt khác nó có thể ra đời trên cơ sở của nền đạo đức truyền thống, là sự tiếp nối và phát huy giá trị của đạo đức truyền thống lên một tầm cao mới. Với ý nghĩa này, sự hình thành và phát triển nhân cách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không thể không kế thừa những giá trị đạo đức trước đây để lại, trong đó có đạo đức Nho giáo.
Thứ hai, về mặt thực tiễn, mặc dù Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc, song nó đã thâm nhập vào Việt Nam hàng ngàn năm, góp phần đáng kể tạo nên bộ mặt văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Vì vậy, không thể không xem nó là một bộ phận của văn hóa truyền thống dân tộc. Bên cạnh những mặt hạn chế, tiêu cực, bảo thủ thì đạo đức Nho giáo vẫn chứa đựng những nhân tố tích cực, hợp lý nên cần được tiếp thu, cải tạo, kế thừa và phát triển theo tinh thần phủ định biện chứng. Làm được như vậy sẽ đảm bảo được mối liên hệ giữa cái truyền thống và cái hiện đại. Vì vậy,
“Phê phán hệ thống lý luận đã lỗi thời của Nho giáo, kế thừa và cải tạo các yếu tố tích cực của nó là hai mặt của vấn đề khai thác truyền thống” [18, tr.35]. Như vậy, bên cạnh những mặt hạn chế, tiêu cực, bảo thủ thì đạo đức Nho giáo vẫn thực sự có ảnh hưởng to lớn trong sự phát triển của gia đình Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
“tuy Khổng Tử là phong kiến và học thuyết của ông có nhiều điểm không đúng, song những điều hay trong đó thì ta nên học”. Đây là một trong những chỉ dẫn quý báu của Người đối với việc khai thác những nhân tố tích cực, hợp lý của Nho giáo nói chung và vấn đề đạo đức trong học thuyết đó nói riêng để xây dựng đạo đức mới, hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam hiện nay.
Từ những quan điểm của Hồ Chí Minh và cách đặt vấn đề trên đây thì chúng ta có thể tìm thấy và khai thác được nhiều nhân tố tích cực, hợp lý của đạo đức Nho giáo để góp phần vào sự phát triển của gia đình Việt Nam nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Những nhân tố hợp lý của đạo đức Nho giáo cần được kế thừa trong việc xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay là:
Đề cao vai trò của gia đình và giáo dục gia đình
Luận thuyết của Nho giáo về gia đình có nhiều ý nghĩa sâu xa, tích cực và tiêu cực đan xen. Chủ nghĩa gia tộc, đầu óc gia trưởng, thói bè cánh họ hàng bà con o bế, bao che lẫn nhau…, những tiêu cực ấy tồn tại dai dẳng và vẫn gây tác hại đến bây giờ.
Phần tích cực còn lại tuy rất hạn chế, nhưng nếu được phân tích, chọn lọc thì cũng có nhiều điều phù hợp có thể vận dụng một cách có lợi cho việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới hiện nay.
“ Phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ” (cha nên cha, con nên con, anh nên anh, em nên em, chồng nên chồng, vợ nên vợ) (Kinh Dịch); một lời thâu
tóm hết cái “gia đạo chính”, Nho giáo kêu gọị mọi thành viên trong gia đình, người nào vị trí nấy, hãy làm tròn bổn phận của mình. Nho giáo mong muốn một gia đình êm ấm, thuận hòa: “Vợ chồng hảo hiệp, như đàn sắc đàn cầm hòa nhịp, anh em cùng nhau hòa thuận, cảnh ấy vui vẻ hòa nhã xiết bao!” và “Cô gái về nhà chồng, ăn ở cho hợp ý mọi người trong nhà”.
Nếu hiếu được Nho giáo đặc biệt đề cao, ở đó có nhiều điều sai lệch đi đến cực đoan, mù quáng, nhưng lại cũng có nhiều điều chí lý, chí tình, đạt tới mức uyên thâm thấu đáo. “Bậc đại hiếu, trọn đời lúc nào cũng luyến mộ cha mẹ. Đến 50 tuổi, vẫn luyến mộ cha mẹ như hồi còn nhỏ” (Đại hiếu chung than mộ phụ mẫu) (Mạnh Tử). Khi phụng dưỡng cha mẹ thì phải hết lòng tôn kính; “Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là có hiếu. Nhưng những con thú như chó ngựa thì ta vẫn nuôi. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật?” (Luận ngữ). Làm con đối với cha mẹ “chớ để cho thiên hạ chê mình là riết nóng” (Bất dĩ thiên hạ kiệm kỳ thân) (Mạnh Tử). Lúc nào cũng tỏ vẻ hòa nhã, vui vẻ, giữ được vậy mới khó, mới đáng gọi là hiếu, chứ khi anh em có việc mà mình chịu khó đỡ đần, khi mình có món ăn ngon với rượu bèn mời anh đến đãi, làm những việc ấy há đã gọi là hiếu?” ( Luận ngữ). Con phải biết tuổi cha mẹ, một là để vui mừng (mừng cha mẹ sống lâu); một là để lo sợ (lo cha mẹ già yếu) (Luận ngữ). Đi đâu xa, phải cho cha mẹ biết để khỏi lo.
Ham mê cờ bạc, sắc đẹp làm cho cha mẹ phải tủi hổ, hoặc ưa làm những việc bạo tợn khiến cho cha mẹ lâm vào nguy khốn… đều là bất hiếu. Và dù phải “ăn gạo xấu, uống nước lã, mà làm cho cha mẹ được hết mức vui, ấy gọi là hiếu”. Tốt nhất là: “Lập thân hành đạo, nêu cao thanh danh đến đời sau để làm vinh hiển cho cha mẹ (Hiếu Kinh).
Đạo làm người
Nếu gạt bỏ những hạn chế có tính cốt lõi trong đạo đức Nho giáo, thì ở trong đó tư tưởng đó vẫn còn có nhiều điều hay mà chúng ta nên học tập. Đó là “đạo làm người”, là cái đức tính trung thứ, hiếu đễ; là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trong đó, nhân được coi là trung tâm của đạo đức Nho giáo.
Từ xưa đến nay, làm người ai cũng có đạo nhân. Nhân trong Nho giáo với nghĩa là tu thân, vừa là ái nhân, vừa xử kỷ, vừa tiếp vật, vừa hàm ý: cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác và một người muốn đứng vững thì làm cho người khác
đứng vững, muốn công việc của mình thành đạt thì cũng làm cho công việc của người khác thành đạt. Những quan niệm về đạo “nhân” của Khổng Tử về sau này được một nhân vật sống cách ông cả trăm năm nhưng vô cùng ngưỡng mộ, Ông đã tiếp tục phát triển, mà người sau gọi là Á Thanh, đó là Mạnh Tử. Mạnh Tử với câu nói nổi tiếng của mình được đời sau ghi lại: “Dân vi quý, quân vi khinh, xã tắc thứ chi,” (Coi dân là trọng, là trên hết rồi mới đến vua,đến của cải xã tắc).
Quan niệm về đức “nhân” như vậy của đạo đức Nho giáo đã xuyên qua thời gian, thấm sâu vào đời sống, tâm lý của con người Việt Nam suốt mấy ngàn năm cho đến tận hôm nay. Ở một khía cạnh nào đó, đạo nhân chính là chủ nghĩa nhân đạo, là tình thương yêu đối với con người. Ngày nay, chúng ta đề cao chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, coi con người là giá trị cao nhất, là thước đo mọi vật chất. “Thương người như thể thương thân” câu nói đó của người Việt Nam phải chăng cũng bắt nguồn từ quan niệm đạo đức trong Nho giáo?
Nho giáo chủ trương “đạo người thì lấy chính trị là lớn” (nhân đạo chính vi đại) và “chính trị thì lấy đức mà thi hành” (Vi chính dĩ đức)
Về cơ bản, đường lối đức trị là tiêu cực. Nhưng nếu gạt đi những cái gì là ảo tưởng và giả dối, bảo thủ và lạc hậu, thiên lệch và không dân chủ…, thì chúng ta vẫn có thể rút ra được những điều bổ ích.
- Khi Nho giáo đặc biệt chú trọng chính sách tôn hiền đãi sĩ và xây dựng phẩm chất thanh liêm của những người có bổn phận chăm lo cho dân và quản lí đất nước, những người “đem đạo lý mà thi hành cho đến lúc lìa bỏ thân xác mới thôi” (dĩ đạo tuẫn thân) (Mạnh Tử).
- Khi Nho giáo luôn xác định rằng “dân là gốc nước” (Kinh Thư), “dân vi quý”
(Mạnh Tử), “vua bởi dân mà còn, cũng bởi dân mà mất” (quân dĩ dân tồn, diệc dĩ dân vong), “thiên thời chẳng bằng địa lợi, địa lợi chẳng bằng nhân hòa”…
- Khi Nho giáo đòi hỏi ở họ: “hãy làm tốt phận sự của mình sau mới nghĩ đến lương bổng” (Luận ngữ ), “chớ lo mình không có chức vị, chỉ lo mình không đủ tài đức để lĩnh chức vị” (Luận ngữ ), tiến hành việc cai trị thì phải “tự mình làm trước, chịu khó mà làm, làm không mỏi” (tiên chi, lao chi, vô quyện) (Luận ngữ), “làm quan nếu không làm tròn chức vụ của mình thì nên thôi” (bất đắc kỳ chức, tắc khứ) (Mạnh Tử ),
“làm quan lớn trong triều mà để đạo lớn không thể thi hành, đó là điều sỉ nhục” (lập hồ nhân chi bản triều nhi đạo bất hành, sỉ dã) (Mạnh Tử)…
- Đối với bọn tham ô quan lại, Nho giáo bảo : “nổi trống lên mà vạch tội” (minh cố nhi công) , những kẻ vì chiều lòng cấp trên mà “đã thu thóc của dân nhiều hơn gấp đôi” (Luận ngữ), những kẻ “coi rẻ mạng người và làm hại lê dân”, những kẻ “nịnh hót, luồn lọt để tiến thân” (Mạnh Tử) thì tất cả những điều như vậy lại chẳng đáng để những người hôm nay suy ngẫm hay sao?
Tư tưởng tu thân
Như chúng ta đã biết, Nho giáo là một học thuyết xã hội và đạo đức, trong đó vấn đề tu thân được đặt lên hàng đầu. Về tu thân, Nho giáo có hàng loạt những lời răn dạy.
Muốn tu thân, phải giữ lòng mình ngay thẳng, ý mình thành thật (chính tâm, thành ý).
Lại phải có tri thức chu đáo và nghiên cứu sự vật (trí chi, cách vật). Lại phải gắng công, bền chí, sửa mình hằng ngày, “người ta ra công một lần mà thành, mình hãy ra công một trăm lần, người ta ra công một trăm lần, mình hãy ra công một nghìn lần”
(Trung dung).
Lời khuyên nhiều khi khá cặn kẽ, ân cần, thiết thực. “Tự mình có điều chẳng phải mà không hay sửa chữa, đó là việc đáng lo” (Luận Ngữ), “ đã lầm lỗi mà không chịu sửa chữa như vậy mới thật là lỗi”, “đừng muốn những việc chẳng nên muốn, đừng làm những việc chẳng nên làm” (Mạnh Tử), “điều mình chẳng muốn làm thì chớ làm cho người” (Luận ngữ). Phải rất thận trọng trong việc chọn nghề nghiệp làm ăn, vì thói quen nghề nghiệp ảnh hưởng đến tâm tính con người, chọn xóm nhân hậu mà ở, biết rèn mình trong gian khó, và đừng bao giờ ngồi rỗi mà sinh hư. Hãy nên đến những bậc có đạo đức mà học hỏi và sửa chữa mình.
Khổng Tử coi tu thân là cái gốc của tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Khổng Tử nói: “Mọi vật đã xét kỹ sau tri thức mới xác đáng… cái thân đã sửa thì sau nhà mới tề;
nhà đã tề thì sau này nước mới trị; nước đã trị thì sau này thiên hạ mới bình. Từ thiên tử cho đến thứ thân đều phải lấy sửa mình làm gốc, gốc loạn mà ngọn trị là điều chưa hề có; cái gốc mình đáng hậu mà lại bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà lại hậu là điều chưa hề có” [12, tr.145].
Lời khuyên của Khổng Tử không chỉ có ý nghĩa giáo dục đối với vua chúa, những người có trọng trách trong xã hội mà còn đối với cả dân thường nữa, ai ai cũng phải
“sửa mình”, cũng phải “tu thân”, nói theo cách nói bây giờ là “tự kiểm điểm”, “tự phê bình”, “tự giáo dục”… cho đến nay quan niệm này vẫn còn giá trị lịch sử của nó.
Chúng ta biết rằng quá trình hình thành và phát triển yếu tố đạo đức trong nhân cách bao giờ cũng là sự kết hợp chặt chẽ của giáo dục và tự giáo dục. Trong đó, tự giáo dục, tự kiểm tra, đánh giá, thẩm định, điều chỉnh các hành vi đạo đức cá nhân, đánh thức lương tâm trong mỗi con người, hình thành ra những phẩm chất cần thiết theo yêu cầu của xã hội là yếu tố quyết định. Một tác giả đã nói đúng rằng, khi nào giáo dục là tự giáo dục thì mới là giáo dục chân chính. Tư tưởng này cũng phù hợp với chiến lược giáo dục của UNESCO khi bước vào thế kỷ XXI: “Đạo đức mới của giáo dục mới nhằm làm cho mỗi người trở thành người dạy và người kiến tạo nên sự tiến bộ văn hóa của bản thân mình” [6, tr.122]
Trong điều kiện hiện nay, khi tệ nạn quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác đang tồn tại trong không ít cán bộ, đảng viên, thì việc xây dựng chế độ phê bình và tự phê bình ở các cấp, trước hết là trong cán bộ chủ chốt; lấy tự phê bình là chính trở thành một yêu cấp bách. Hồ Chí Minh cho rằng: phê bình và tự phê bình là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát huy ưu điểm. Người còn nhắc: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa mình như việc phải rửa mặt hàng ngày. Người cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta làm cách mạng nhằm mục đích cải tạo thế giới, cải tạo xã hội. Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân chúng ta”[ 26, tr.498]. Cải tạo bản thân ở đây cũng có nghĩa là mỗi cá nhân, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên, phải phấn đấu trở thành những con người vừa có tài, vừa có đức. Có tài mà không có đức thì dễ dẫn đến tham ô hủ hóa, làm hại cho nước. Có đức mà không có tài thì không giúp ích gì được ai.
“Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Song, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” [27,tr.303].
Chúng ta không thể xây dựng được một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi mỗi chúng ta lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân, khi mỗi cán bộ lúc