Khái niệm, đặc điểm hợp đồng môi giới thương mại

Một phần của tài liệu Hợp đồng môi giới thương mại theo pháp luật việt nam hiện hành (Trang 20 - 24)

Hợp đồng là công cụ pháp lý quan trọng và phổ biến để con người thực hiện các giao dịch nhằm thỏa mãn hầu hết nhu cầu của mình. Trong hoạt động môi giới thương mại, các bên thực hiện các hoạt động môi giới thông qua hợp đồng môi giới. Chúng ta có thể đi từ những đặc tính cơ bản của hợp đồng môi giới để làm rõ sáng tỏ khái niệm hợp đồng môi giới.

Một là, hợp đồng môi giới thương mại trước hết là hợp đồng thương mại. Hợp đồng là một khái niệm xuất hiện khá lâu và cũng có khá nhiều khái niệm về hợp đồng. Ví dụ, Bộ Luật Thương mại thống nhất của Hoa Kỳ quy định “Hợp đồng là sự tổng hợp các nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên”, Luật Hợp đồng năm 1999 của Trung Quốc quy định “Hợp đồng là sự thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể bình đẳng, tự nhiên của các tổ chức” [4].

LTM 2005 không đưa ra khái niệm hợp đồng thương mại nhưng căn cứ vào khái niệm hoạt động thương mại (khoản 1 Điều 3 LTM năm 2005) và khái niệm hợp đồng dân sự (Điều 388 BLDS năm 2005) có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm

dứt các quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện hoạt động thương mại với mục đích sinh lợi.

Hợp đồng môi giới thương mại là hợp đồng thương mại. Vì vậy, hợp đồng môi giới thương mại cũng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện hoạt động môi giới thương mại. Mặc dù được quy định ở nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau nhưng bản chất của hợp đồng môi giới thương mại đều thể hiện ở mục đích cuối cùng là sinh lợi.

Hai là, hợp đồng môi giới thương mại là hợp đồng cung ứng dịch vụ.

Nếu như đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa – các sản phẩm hữu hình thì đối tượng của hợp đồng cung ứng dịch vụ là dịch vụ - các sản phẩm vô hình, “là những thứ mà khi đem bán không thể rơi vào chân bạn”

[7, tr.6].

LTM 2005 định nghĩa cung ứng dịch vụ tại khoản 9 Điều 3 “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận”. Khái niệm này đã nhìn nhận cung ứng dịch vụ dưới góc độ là một hoạt động thương mại, có nghĩa là có ít nhất một bên tham gia có mục đích sinh lợi, mặt khác luật cũng quy định rõ bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán hay nói cách khác là trả tiền sử dụng dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Hợp đồng môi giới thương mại cũng là hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại, có đối tượng là dịch vụ môi giới, gồm hai bên, bên cung ứng dịch vụ (bên môi giới) và bên sử dụng dịch vụ (bên được môi giới) và ít nhất bên môi giới phải có mục đích sinh lợi.

Từ cách hiểu trên, có thể đưa ra khái niệm hợp đồng môi giới thương mại như sau: Hợp đồng môi giới thương mại là sự thỏa thuận giữa một bên là thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và bên được môi giới có nghĩa vụ trả thù lao cho bên môi giới theo thỏa thuận.

1.2.2. Đặc điểm của hợp đồng môi giới thương mại

Là một hợp đồng dịch vụ thương mại, hợp đồng môi giới thương mại mang các đặc điểm của hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại nói chung, ngoài ra hợp đồng môi giới thương mại còn có các đặc điểm riêng:

Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng môi giới thương mại gồm bên môi giới và bên được môi giới. Bên môi giới phải là thương nhân, đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 6 LTM 2005, các điều kiện thực hiện hoạt động môi giới thương mại theo các văn bản pháp luật chuyên ngành. Bên môi giới không nhất thiết phải đăng ký kinh doanh cùng ngành nghề với ngành nghề kinh doanh của bên được môi giới. Pháp luật hiện hành không quy định bên được môi giới bắt buộc phải là thương nhân. Khi giao kết và thực hiện hợp đồng môi giới thương mại, bên môi giới sử dụng danh nghĩa của chính mình.

Thứ hai, đối tượng của hợp đồng môi giới là công việc môi giới nhằm kết nối các mối quan hệ giữa các bên với nhau, mục đích cuối cùng là giúp các bên đi đến ký kết hợp đồng. Công việc môi giới trong từng lĩnh vực môi giới có sự khác nhau phụ thuộc vào nội dung của từng hoạt động môi giới cụ thể và theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng môi giới. Các công việc môi giới theo hợp đồng có thể là tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu khách hàng; giúp khách hàng đàm phán, soạn thảo hợp đồng với bên thứ ba; giúp khách hàng thực hiện một số giao dịch theo yêu cầu và vì lợi ích của họ... Vì đối tượng

của hợp đồng môi giới là dịch vụ môi giới nên khi thực hiện hợp đồng, bên môi giới cung cấp dịch vụ nhưng không chuyển giao quyền sở hữu dịch vụ cho bên được môi giới. Đặc điểm này khác so với hợp đồng mua bán hàng hóa, khi thực hiện hợp đồng, bên bán hàng chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua.

Thứ ba, mục đích mà bên môi giới hướng tới trong hợp đồng là một khoản thù lao dịch vụ. LTM 2005 quy định bên môi giới sẽ được hưởng thù lao môi giới khi thực hiện việc chắp nối các giao dịch thành công. Mục đích mà bên được môi giới hướng tới trong hợp đồng môi giới là một cơ hội giao kết hợp đồng với bên thứ ba, qua đó cũng hướng tới mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong trường hợp bên được môi giới là thương nhân.

Thứ tư, nội dung của hợp đồng môi giới là tổng hợp các điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng môi giới. Để đảm bảo nguyên tắc tự do thỏa thuận khi giao kết hợp đồng, pháp luật thường không có quy định cụ thể về nội dung của hợp đồng môi giới mà để các bên tự thỏa thuận dựa trên các quy định chung của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ của hợp đồng môi giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên khi thực hiện hợp đồng, trong hợp đồng môi giới, các bên sẽ phải thỏa thuận rất kỹ các nội dung của hợp đồng, đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng môi giới.

Thứ năm, hình thức của hợp đồng môi giới thương mại có thể được xác lập bằng văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Tùy từng hợp đồng môi giới cụ thể, pháp luật có quy định về hình thức của hợp đồng môi giới. Ngoài ra, cũng giống như các hợp đồng cung ứng dịch vụ khác, trong các lĩnh vực môi giới thương mại các bên thường sử dụng khá phổ biến hình thức hợp đồng mẫu, trong đó, bên cung cấp dịch vụ môi giới đã soạn thảo sẵn các điều khoản của hợp đồng, trên cơ sở đó, nếu bên được môi giới ký vào hợp đồng

đồng nghĩa với việc bên được môi giới chấp nhận tất cả các điều khoản trong hợp đồng.

Một phần của tài liệu Hợp đồng môi giới thương mại theo pháp luật việt nam hiện hành (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)