Luật Thương mại không quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng môi giới thương mại, vì vậy việc chấm dứt hợp đồng môi giới thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 424 BLDS 2005. Theo đó, hợp đồng môi giới thương mại được chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Hợp đồng môi giới đã hoàn thành;
- Theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng môi giới;
- Cá nhân giao kết hợp đồng môi giới chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng môi giới phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
- Hợp đồng môi giới bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
- Hợp đồng môi giới không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Theo đó, một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng môi giới là hợp đồng môi giới bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện. LTM 2005 quy định các căn cứ hủy bỏ hợp đồng thương mại tại Điều 312 và các căn cứ này được áp dụng cho tất cả các hợp đồng thương mại. Theo đó, các bên trong quan hệ hợp đồng môi giới thương mại được hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp sau: (i) Xẩy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định tại khoản 13 Điều 3 LTM 2005 là “sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích giao kết hợp đồng”. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích rõ nội hàm của khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nói trên. Thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra đến mức nào thì được coi là vi phạm cơ bản? Và bởi khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong LTM 2005 còn khá trừu tượng nên việc xác định các căn cứ hủy bỏ hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng môi giới còn rất khó khăn.
LTM hiện hành không quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của các bên tham gia hợp đồng môi giới thương mại. Tuy nhiên, vì hợp đồng môi giới thương mại là hợp đồng dịch vụ nên căn cứ Điều 525 BLDS 2005, bên được môi giới có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng môi giới trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện dịch vụ không có lợi cho bên được môi giới nhưng phải báo cho bên môi giới được biết trong thời gian hợp lý và thanh toán tiền công cho phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Bên môi giới có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên được môi giới không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận.
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam hiện hành về hợp đồng môi giới thương mại đã quy định tương đối cụ thể các vấn đề liên quan đến hợp đồng môi giới thương mại: chủ thể của hợp đồng, đối tượng của hợp đồng, nội dung của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng, hình thức của hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng... Những quy định này đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia quan hệ hợp đồng môi giới thương mại, đồng thời có nhiều điểm tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập, đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ của bên môi giới. Để đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và yêu cầu của hội nhập quốc tế, những hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam hiện hành về hợp đồng môi giới thương mại cần được tiếp tục hoàn thiện và bổ sung.
CHƯƠNG 3