Để pháp luật về hợp đồng môi giới nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, bên cạnh việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về vấn đề này, chúng ta cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại. Vì vậy, cần có một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại, bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại.
Nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động môi giới thương mại nói chung và hợp đồng môi giới thương mại nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của hoạt động trung gian thương mại này, từ đó có thể hiểu đúng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, nghề môi giới chưa thực sự được coi là một nghề mang tính chuyên nghiệp, nhiều người dân vẫn gọi những người làm nghề môi giới là “cò” như: cò nhà đất, cò bất động sản, cò bảo hiểm ... chính vì quan niệm này cùng với thói quen kinh doanh, giao dịch trực tiếp không thông qua các tổ chức trung gian đã hạn chế sự phát triển của các hoạt động môi giới thương mại và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bên khi
tham gia giao kết các hợp đồng môi giới thương mại. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động môi giới thương mại phải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của hoạt động môi giới thương mại, từng bước thay đổi tư duy và thói quen kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, qua đó giúp cho người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật có thể được thực hiện thông qua các hình thức đa dạng phong phú:
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về môi giới thương mại; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chương trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về môi giới trong từng lĩnh vực môi giới cụ thể tại các cơ sở đào tạo ...
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thực hiện đa dạng hóa, công khai, minh bạch các thông tin về pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các biểu mẫu liên quan đến hoạt động môi giới thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin điện tử của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực cụ thể ...
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.
Để hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới đối với từng lĩnh vực môi giới, Nhà nước cần cho phép các cơ sở đào tạo mở các mã ngành đào tạo bài bản, chuyên sâu về ngành nghề môi giới như: môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm ... Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chứng chỉ hành nghề môi giới. Theo báo cáo tổng hợp các kiến nghị sửa đổi các điều khoản cụ thể tại Luật kinh doanh bất động sản của Sở xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, các cơ sở đào tạo chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn đào tạo mang tính đại trà, nhiều cơ sở đào tạo không tổ chức thực hành cho học viên hoặc tổ chức thực hành
mang tính chiếu lệ, thời gian đào tạo không đảm bảo, đội ngũ giảng viên chưa đủ năng lực ... Hoạt động đào tạo chứng chỉ hành nghề môi giới trong các lĩnh vực khác cũng có những điểm hạn chế tương tự. Những hạn chế này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực thực hiện hoạt động môi giới bất động sản. Việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới có thể giúp Nhà nước xây dựng được nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực môi giới có chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và không còn mang tính chất tự phát như hiện nay.
Thứ ba, thành lập Hiệp hội các nhà môi giới trong từng lĩnh vực môi giới cụ thể.
Hiện nay, hoạt động môi giới thương mại ở Việt Nam đã bước đầu phát triển, các công ty môi giới bất động sản và nguồn nhân lực thực hiện hoạt đồng môi giới trong lĩnh vực dịch vụ môi giới thương mại khá lớn.
Trong khi đó, đến nay chỉ có lĩnh vực môi giới hàng hải là có Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (được Chính phủ cho phép thành lập năm 1994), còn lại các lĩnh vực khác đều chưa có Hiệp hội của những người môi giới. Vì vậy, hoạt động môi giới diễn ra không có nề nếp, hiện tượng người làm môi giới lừa đảo, tranh giành khách hàng vẫn diễn ra thường xuyên. Việc thành lập Hiệp hội các nhà môi giới sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà môi giới cũng như ngăn chặn các cá nhân hành nghề lừa đảo, không nghiêm túc và đưa hoạt động môi giới vào nề nếp
Thứ tư, xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề môi giới.
Hoạt động môi giới mang tính chuyên môn, nghề nghiệp rất cao và ảnh hưởng lớn đến tính công khai, minh bạch của thị trường dịch vụ. Vì thế, bên cạnh việc điều chỉnh hoạt động môi giới bằng hệ thống pháp luật, pháp luật một số nước trên thế giới còn quan tâm đến việc xây dựng các quy chế, quy
tắc về đạo đức nghề nghiệp của người môi giới. Điều này có nghĩa là với tư cách là một nghề chuyên nghiệp, những người hành nghề môi giới bên cạnh việc chấp hành pháp luật và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Các quy tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ từng bước đưa hoạt động môi giới đi vào nề nếp, công khai, minh bạch và nâng cao uy tín, hình ảnh, vị thế của người làm môi giới trong xã hội.
Hiện nay, Việt Nam chưa có các quy tắc ứng xử về đạo đức của người làm nghề môi giới. Vì vậy, Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong từng lĩnh vực môi giới cụ thể.
Nói tóm lại, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của thương nhân và hiệu lực của quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới thương mại, pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại cần được tiếp tục hoàn thiện. Việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại phải phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường của Việt Nam, phải đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất và phù hợp trong toàn bộ hệ thống pháp luật về hợp đồng, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, việc triển khai một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại dựa trên các quan điểm, phương hướng được đề xuất nêu trên là hoàn toàn cần thiết.