Xuất phát từ quan niệm hợp đồng môi giới thương mại là dạng hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại qua trung gian, trong đó, thương nhân môi giới đóng vai trò là cầu nối giúp các bên trong đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại được hiểu là một bộ phận của pháp luật hợp đồng điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động môi giới thương mại.
Ở Việt Nam, pháp luật hiện hành điều chỉnh hợp đồng môi giới thương mại được đề cập trong nhiều văn bản như: BLDS 2005, LTM 2005, Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2010, Bộ luật hàng hải năm 2005 ... và trong rất nhiều văn bản dưới luật.
Các văn bản này đã tạo nên một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh quy định về hợp đồng môi giới thương mại. Ngoài ra, quan hệ hợp đồng môi giới thương mại có thể còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế và các điều ước quốc tế trong trường hợp ít nhất một bên là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thỏa thuận lựa chọn. Chẳng hạn, Bộ luật hàng hải năm 2005 quy định “các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong các quan hệ hợp đồng ...”. Hay Luật Chứng khoán năm 2006 quy định “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng
theo quy định của điều ước quốc tế”. Như vậy, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng môi giới thương mại bao gồm: các văn bản pháp luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế và các điều ước quốc tế. Nguyên tắc xác định thứ bậc văn bản pháp luật áp dụng điều chỉnh các hoạt động thương mại nói chung và hợp đồng môi giới thương mại nói riêng được quy định tại Điều 4, Điều 5 của LTM 2005. Theo đó, mọi hoạt động thương mại phải tuân theo LTM và các văn bản pháp luật có liên quan, hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó, hoạt động thương mại không được quy định trong LTM và trong các luật khác thì áp dụng quy định của BLDS. Trong trường hợp, quy định của LTM và văn bản pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế mà các bên lựa chọn áp dụng trái với quy định của điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
1.3.2. Nội dung pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại
Pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại là một bộ phận của pháp luật về hợp đồng nói chung, bởi vậy, nội dung pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại cũng bao gồm các quy định chung như: điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, các căn cứ chấm dứt hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng... Ngoài ra, pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại còn bao gồm các nội dung điều chỉnh trực tiếp hoạt động này như: điều kiện, năng lực chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng, đối tượng của hợp đồng, hình thức của hợp đồng và nội dung của hợp đồng.
Pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại có thể phân chia theo nhiều cách, dựa trên những tiêu chí khác nhau:
* Căn cứ vào tính chất của quy phạm pháp luật điều chỉnh có:
- Nhóm quy phạm pháp luật quy định chung về hợp đồng môi giới thương mại như: nguyên tắc giao kết hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, chế tài do vi phạm hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ
hợp đồng, chủ thể của hợp đồng môi giới, nội dung của hoạt động môi giới, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia quan hệ hợp đồng môi giới thương mại ... Các nội dung này được quy định trong BLDS 2005 và LTM 2005.
- Nhóm quy phạm quy định riêng đối với từng hợp đồng môi giới cụ thể: quy định về hợp đồng môi giới chứng khoán, quy định về hợp đồng môi giới bất động sản, quy định về hợp đồng môi giới bảo hiểm, quy định về hợp đồng môi giới hàng hải ... Các quy định này được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật kinh doanh bất động sản, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Bộ luật hàng hải, ...
* Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật điều chỉnh hợp đồng môi giới thương mại có:
- Quy định về chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định về nội dung của hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định về hình thức của hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định về chấm dứt hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định chế tài xử lý vi phạm trong hợp đồng môi giới thương mại;
- Quy định về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng môi giới.
Qua các nội dung đã phân tích trên, có thể thấy hoạt động môi giới thương mại là một trong những hoạt động trung gian thương mại có vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Đặc thù của hoạt động môi giới thương mại là hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại trên cơ sở hợp đồng, trong đó bên môi giới thực hiện các công việc nhằm chắp nối và tạo điều kiện cho bên được môi giới và
bên thứ ba đi đến giao kết hợp đồng, do đó điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ phát sinh trong hợp đồng môi giới thương mại là yêu cầu khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia quan hệ hợp đồng môi giới, đồng thời bảo đảm cho hoạt động này được thực hiện một cách nề nếp và ổn định. Vì vậy, có thể nói, pháp luật về hợp đồng môi giới thương mại là một trong những nội dung không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về hoạt động môi giới thương mại và hệ thống pháp luật về hợp đồng thương mại.
CHƯƠNG 2