Chương 2: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT HẠI
2.1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây
2.1.2 Có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại
Để đánh giá một hành vi có được coi là trái pháp luật hay không, không thể nhìn qua "lăng kính" chủ quan đánh giá của bất kỳ cá nhân nào mà phải căn cứ vào quy định của pháp luật, pháp luật có quy định hành vi đó là được thực hiện hay không, quy định thực hiện như thế nào và nếu không thực hiện hoặc thực hiện như nào thì sẽ bị coi là đã thực hiện không phù hợp với quy định của pháp luật.
Một hành vi có thể theo đánh giá của nhiều người dưới góc độ xã hội, đạo đức thì đã bị lên án nhưng hành vi đấy nếu không được quy định trong luật là không được thực hiện, cấm thực hiện thì cũng không thể coi là trái pháp luật. Từ trước cho tới nay, pháp luật nước ta cũng đã có những quy định giải thích hành vi như thế nào được coi là trái pháp luật. Trước đây, ở thời kỳ nước ta vừa mới giành độc lập, miền Bắc đang trong giai đoạn kiến thiết và chi viện cho miền nam trong cuộc cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đã có Thông tư số 173/UBTP tại tiểu mục 2 mục A phần II quy định về hành vi trái pháp luật, theo đó, “Hành vi trái pháp luật có thể là một việc phạm pháp về hình sự, một vi phạm pháp luật về dân sự, một vi phạm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoặc một vi phạm quy tắc sinh hoạt xã hội”. Có thể thấy: quy định về hành vi được coi là trái pháp luật thiên về dạng liệt kê, mặc dù nằm trong văn bản
pháp luật dân sự nhưng những phạm pháp về hình sự, hành chính cũng được liệt kê trong quy định này. Sở dĩ như vậy bởi đây là giai đoạn đất nước vẫn đang tập trung vào thống nhất và xây dựng đất nước, người dân theo nếp sống của các quy tắc chung trong xã hội và trong sự định hướng từ các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong pháp luật dân sự hiện hành, hành vi trái pháp luật đã được quy định lại, thay thế cho các văn bản pháp luật điều chỉnh cùng vấn đề trước đây. Cụ thể, tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần I của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định: “Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật”. So với quy định trước đây của Thông tư số 173/UBTP ngày 23/03/1972, quy định của pháp luật hiện hành đã ngắn gọn hơn, giải thích mang tính chất khái quát hơn là liệt kê.
Từ quy định cho thấy “hành vi trái pháp luật” sẽ có hai đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, hành vi trái pháp luật phải do con người thực hiện, không thể được thực hiện bởi một chủ thể không phải là con người. Bởi pháp luật được hình thành, xây dựng trong xã hội loài người và áp dụng cho con người.
Khi lặp luận như vậy, không ít người sẽ phản bác rằng: như vậy trong trường hợp tổ chức, pháp nhân có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ thể khác thì không phải bồi thường vì tổ chức, pháp nhân không phải là con người nên không thỏa mãn điều kiện hành vi trái pháp luật được quy định tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần 1 của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP nói trên, vì vậy không đủ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đối với lập luận này, tác giả cho rằng quy định hành vi do con người thực hiện không nên hiểu bó hẹp chỉ có thể máy móc con người đại diện cho chính mình thực hiện hành vi. Tổ chức, pháp nhân được cấu thàn từ các cá nhân, những con người cụ thể cùng làm việc, hoạt động nhất định theo một quy tắc hoạt động chung. Mọi hoạt động của tổ chức, pháp nhân đều chỉ có thể thực hiện thông qua hành vi của từng cá nhân cụ thể. Trong trường hợp tổ chức, pháp nhân có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho các chủ thể khác thì hành vi đó của tổ chức, pháp nhân vẫn phải thông qua hành vi của cá nhân cụ thể trong tổ chức đấy. Chính vì vậy, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, pháp nhân gây thiệt hại cho chủ thể khác sẽ vẫn thuộc hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, vì vậy vẫn được coi là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, phát nhân có phát sinh hay không.
Có ý kiến khác lại cho rằng, trong trường hợp súc vật, vật nuôi gây thiệt hại thì chủ của súc vật, vật nuôi đó không phải bồi thường vì không có hành vi trái pháp luật
của con người gây thiệt hại nên không có đủ căn cứ phát sinh trách nhiệm, dẫn đến trách nhiệm bồi thường không phát sinh. Theo ý kiến tác giả, bản thân chủ của súc vật, vật nuôi không có hành vi trực tiếp gây thiệt hại, hành vi gây thiệt hại là do gia súc vật nuôi gây ra; nhưng chủ của vật nuôi đã có những hành vi liên quan đến quản lý, chăn nuôi vật nuôi mà vi phạm quy định chung, tạo cơ sở cho súc vật vật nuôi có điều kiện để gây thiệt hại. Chính vì vậy, chủ súc vật vật nuôi vẫn có hành vi trái phát luật là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ, một con chó cắn người đi đường thì chủ của con chó đó vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bởi lẽ chủ của vật nuôi đã vi phạm quy định về chăm sóc quản lý nuôi dưỡng vật nuôi. Theo quy định, chủ nuôi phải có trách nhiệm nhốt chó trong phạm vi khu vực quản lý của mình, chó phải được đeo rọ nhất là khi ra đường để đảm bảo không cắn người. Nhưng người chủ đã không tuân thủ đúng quy định thì khi chó do mình nuôi cắn người, người chủ nuôi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, hành vi gồm hai dạng là hành động và không hành động. Hành vi trái pháp luật có thể là hành động trái pháp luật cũng có thể là không hành động trái pháp luật. Hành động trái pháp luật là chủ thể thực hiện hành động nhất định nhưng hành động đó pháp luật không cho phép thực hiện, hoặc pháp luật có quy định nhưng thực hiện không đúng như quy định. Không hành động trái pháp luật có thể hiểu là pháp luật buộc chủ thể trong điều kiện hoàn cảnh nhất định phải thực hiện hành động đó, nhưng chủ thể lại không thực hiện nên đã trái quy định của pháp luật. Dù hành vi trái pháp luật có thể được biểu hiện dưới dạng nào, hành động hay không hành động thì đều có đặc điểm chung là gây tổn thất cho chủ thể khác. Tổn thất có thể là tổn thất về vật chất, tổn thất về tinh thần hoặc vừa tổn thất về vật chất vừa tổn thất về tinh thần.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống và áp dụng quy định pháp luật thì hành vi biểu hiện dưới dạng hành động gây thiệt hại sẽ dễ nhận diện, xác định hơn hành vi biểu hiện dưới dạng không hành động. Bởi lẽ, hành vi trái pháp luật biểu hiện dưới dạng hành động là trực tiếp tác động đến tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm uy tín của người khác và gây ra thiệt hại. Chẳng hạn như trong trường hợp một người gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác thì người gây thiệt hại đã có hành vi đâm, đập, chém… là những hành vi tác động trực tiếp đến cơ thể của người bị thiệt hại. Ngược lại, hành vi trái pháp luật biểu hiện dưới dạng không hành động lại không trực tiếp tác động đến người bị thiệt hại, nên trong nhiều trường hợp chứng minh hành vi biểu hiện dưới dạng không hành động đã dẫn đến thiệt hại xảy ra là điều rất khó khăn.
Quy định “hành vi trái pháp luật” là một trong những căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là hết sức cần thiết. Không chỉ dừng lại được quy định trong Nghị định, thông tư là các văn bản dưới luật như trước đây, quy định “hành vi trái pháp luật” là căn cứ pháp sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định vào trong luật là Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể: “Điều 607. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
2.1.3 Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, cụ thể là tiểu mục 1.3 mục 1 Phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, có quy định: “Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại”. Như vậy mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra là mối quan hệ nhân quả.
Trong triết học Mác- Lênin, quan hệ nguyên nhân kết quả có mối quan hệ tương tác qua lại. Từ nguyên nhân sẽ sinh ra kết quả. Lẽ dĩ nhiên của quy luật, nhân nào thì quả ấy, nguyên nhân này sẽ sinh ra kết quả này và nguyên nhân kia lại sinh ra một kết quả khác. Vì nguyên nhân sinh ra kết quả nên nguyên nhân sẽ có trước và kết quả sẽ có sau. Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả và một kết quả cũng có thể được sinh ra từ nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân không phải lúc nào cũng có thể sinh ra kết quả mà đôi khi còn do điều kiện và hoàn cảnh tác động để thúc đẩy kết quả xảy ra. Trong thực tế cuộc sống và xã hội, mọi sự vật hiện tượng vận động và phát triển, các sự vật hiện tượng có khi có những mối liên quan với nhau nhất định, nên đôi khi để xác định nguyên nhân này có đúng là đã quyết định đến kết quả kia hay không cũng không phải dễ. Trong quan hệ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng vậy, để nhận diện hành vi trái pháp luật có phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hay không cũng không phải dễ. Có những trường hợp có một hành vi trái pháp luật được thực hiện, thiệt hại đã xảy ra, khẳng định mối liên hệ giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả đó trở nên dễ dàng. Nhưng có những trường hợp có nhiều hành vì trái pháp luật cùng được thực hiện đối với một đối tượng chủ thể, các hành vi trái pháp luật này có thể đồng thời xảy ra, cũng có thể là tiếp diễn xảy ra, hành vi này xảy ra trước hành vi kia xảy ra sau, sau đó hậu quả mới xuất hiện thì việc xác định hành vi trái pháp luật
nào mới là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lại trở nên khó khăn. Thông thường, để xác định hành vi trái pháp luật là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, thường hay dựa vào một số dấu hiệu nhận diện cơ bản sau:
Một là, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra nên hành vi và thiệt hại thường xảy ra trong một phạm vi không gian nhất định. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết này không phải là bất di bất dịch áp dụng cho mọi trường hợp bởi lẽ còn phụ thuộc vào yếu tố thời gian xảy ra thiệt hại, nhất là trường hợp có sự di chuyển về mặt địa lý không gian của chủ thể bị thiệt hại (nếu là thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe, danh dự uy tín của chủ thể bị thiệt hại), của tài sản bị thiệt hại (nếu chủ thể bị thiệt hại về tài sản)…. Có những trường hợp hành vi trái pháp luật được thực hiện và ngay sau đó thiệt hại xảy ra, tuy nhiên cũng có những trường hợp hành vi trái pháp luật đã diễn ra nhưng thiệt hại lại chưa xảy ra mà tại một vị trí địa lý không gian khác thiệt hại mới xảy ra. Ví dụ người A đâm giao vào người B. Người B được đưa đi cấp cứu, trên đường đi cấp cứu thì B đã mất mạng. Có thể tại thời điểm hành vi trái pháp luật: đâm người của A diễn ra, thiệt hại sức khỏe của B đã xảy ra và cùng không gian tại nơi mà hành vi “đâm B” được thực hiện, nhưng thiệt hại về tính mạng của B lại không xảy ra tại không gian diễn ra hành vi trái pháp luật mà tại một không gian khác- trên đường B được đưa đi cấp cứu.
Hai là, hành vi trái pháp luật xảy ra trước và thiệt hại thực tế xảy ra sau. Trong mối quan hệ nhân quả, vì nguyên nhân sinh ra kết quả nên nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau nguyên nhân. Chính vì vậy mà thiệt hại bao giờ cũng xuất hiện khi hành vi trái pháp luật đã được thực hiện.
Ba là, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp quyết định đến thiệt hại.
Trong thực tế không phải cứ hành vi trái pháp luật xảy ra thì thiệt hại xấu nhất sẽ ngay lập tức xuất hiện, có thể có rất nhiều hành vi trái pháp luật đồng thời xảy ra hoặc liên tiếp xảy ra sau đó hậu quả xuất hiện. Chỉ hành vi trái pháp luật đã trực tiếp quyết định đến thiệt hại mới được coi là nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại. Những hành vi trái pháp luật xảy ra cùng lúc đó hoặc sau đó mà không có yếu tố trực tiếp quyết định đến thiệt hại có thể đóng vai trò là điều kiện để thúc đẩy hoặc kìm hãm thiệt hại xảy ra. Trong mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, không phải lúc nào có nguyên nhân cũng có thể xuất hiện ngay hậu quả, hậu quả chỉ xuất hiện khi có sự tác động của điều kiện và đôi khi điều kiện góp phần quyết định mức độ của thiệt hại. Do vậy, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân chính khiến cho thiệt hại xảy ra nhưng mức độ thiệt hại xảy ra và xảy ra theo chiều hướng nào thì lại phụ thuộc vào điều kiện cụ
thể. Ví dụ, A đâm B, B đã được C đưa đi cấp cứu. Trên đường đi do lo sợ vết thương của B quá sâu và mất máu nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng, C đã liên tục vượt đèn đỏ đi tắt vào đường một chiều. Nhờ được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời mà B đã qua cơn nguy hiểm. Trong ví dụ này, hành vi đâm B của A là hành vi trực tiếp quyết định thiệt hại cho B xảy ra. Tuy nhiên mức độ thiệt hại của B lại chưa xác định chính thức. Ở thời điểm A đâm B, B có thể bị thương nặng cũng có thể mất mạng. Nhưng rõ ràng hành vi vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều của C là hành vi trái pháp luật về quy định giao thông nhưng nhờ vậy mà C đã kịp thời đưa B vào bệnh viện cấp cứu, B đã không mất mạng. Việc C đưa B đi cấp cứu nhanh chóng kịp thời dù có hành vi trái pháp luật giao thông nhưng đã là điều kiện để hạn chế mức thiệt hại xấu nhất cho B.