Chương 2: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT HẠI
2.2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên
2.2.1 Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại
2.2.1.1 Cha mẹ có trách nhiệm bồi hường
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005 thì đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người dưới 15 tuổi gây ra thì sẽ do cha mẹ của họ có
trách nhiệm bồi thường bằng tài sản của cha mẹ. Trong trường hợp này, người gây ra thiệt hại trực tiếp và chủ thể có trách nhiệm bồi thường là khác nhau. Những người ở độ tuổi này không có năng lực hành vi tố tụng dân sự và không thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự. Vì vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người ở độ tuổi này tại Tòa án phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
Trên cơ sở đó, cha mẹ của những người gây thiệt hại trong độ tuổi này có tư cách bị đơn dân sự, cha mẹ là những người đại diện hợp pháp đương nhiên cho con, đồng thời có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của con.
Trong khi đó, cá nhân người chưa thành niên dưới 15 tuổi là hoàn toàn không có năng lực hành vi tố tụng dân sự trước Tòa án. Tuy nhiên, luật cũng quy định thêm trường hợp nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà người con dưới 15 tuổi đó có tài sản riêng thì lấy tài sản của người con đó để bồi thường phần còn thiếu. Người con trong độ tuổi chưa thành niên này gây ra không có trách nhiệm phải bồi thường, mà trách nhiệm bồi thường thuộc về cha mẹ của người đó. Xung quanh vấn đề xác định lỗi trong trường hợp người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều nhau với những lập luận riêng. Chẳng hạn, Ths. Nguyễn Minh Thư trong công trình nghiên cứu của mình khẳng định rằng: “Cha mẹ của người chưa thành niên dưới 15 tuổi phải bồi thường thiệt hại do con gây ra là căn cứ vào yếu tố lỗi của cha mẹ đã không quản lý, giám sát con mình mà để họ vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường. Hiểu như vậy là không đúng bản chất của những quy định pháp luật và chỉ dựa trên sự suy đoán. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ cho người dưới 15 tuổi gây ra là một loại trách nhiệm pháp lý, không cần điều kiện lỗi của cha mẹ trong việc quản lý, giám sát hành vi của con mình” [22].
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Minh Thư lại không chỉ rõ căn cứ và cũng không giải thích vì sao không đặt ra điều kiện lỗi cho cả người chưa thành niên gây thiệt hại và cha, mẹ người chưa thành niên.
Có quan điểm cho rằng, đây là trách nhiệm bồi thường không cần dựa trên yếu tố lỗi của người gây thiệt hại - người chưa thành niên theo Khoản 2 Điều 604 BLDS năm 2005: Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. Vậy, phải chăng đây là một trường hợp ngoại lệ của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tương tự trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay trách nhiệm bồi thường do làm ô nhiễm môi trường? Liệu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra trong trường hợp này có cần yếu tố lỗi không? Nếu
người chưa thành niên không có lỗi thì cha, mẹ người chưa thành niên có lỗi không?
Quan điểm này chưa phản ánh đúng nội dung quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 604 BLDS đề cập tới trường hợp trách nhiệm bồi thường không cần điều kiện lỗi là đối với người gây thiệt hại chứ không phải đối với người không có hành vi gây thiệt hại. Theo hướng dẫn khoản 1 Mục I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là “phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại”. Như vậy, pháp luật chỉ mới dừng lại ở lỗi của người gây thiệt hại mà chưa đề cập lỗi của người thứ ba không gây thiệt hại. Do đó, không thể khẳng định trách nhiệm bồi thường của cha mẹ trong trường hợp này là trách nhiệm không cần đến yếu tố lỗi.
Theo quan điểm cá nhân, trong trường hợp này đã có lỗi mang tính “suy đoán” từ phía nhà làm luật đối với cha mẹ người chưa thành niên và lỗi không đặt ra đối với người chưa thành niên. Hơn ai hết, cha mẹ người chưa thành niên là người có trách nhiệm giáo dục, quản lý và giám sát người dưới 15 tuổi, việc tham gia các giao dịch dân sự của người chưa thành niên hầu như đều thông qua hoặc có sự đồng ý của cha mẹ. Nếu cho rằng, lỗi thuộc về người chưa thành niên thì sẽ mâu thuẫn với lý luận về lỗi. Lỗi là trạng thái tâm lý, nhận thức của chủ thể đối với hành vi và hậu quả do hành vi mà chủ thể đó gây ra. Lỗi chỉ được thể hiện và có ý nghĩa khi người thực hiện hành vi có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, họ có khả năng đánh giá và lựa chọn cách thức xử sự sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Người chưa thành niên đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi với khả năng nhận thức rất ít, chưa có năng lực hành vi dân sự thì khó có thể đặt ra yếu tố lỗi với nhóm đối tượng này? Hơn nữa, người chưa thành niên dưới 15 tuổi, về lý thuyết, việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải thông qua người đại diện, trừ một số giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, pháp luật quy định người chưa thành niên dưới 15 tuổi phải có người giám hộ (Khoản 3 Điều 58 BLDS năm 2005), hay Khoản 3 Điều 606 quy định trách nhiệm bồi thường của người giám hộ “nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu có lỗi trong việc giám hộ”. Theo Khoản 3 Điều 606 hoặc Điều 621 thì lỗi được đặt ra cho những người có trách nhiệm quản lý trực tiếp người chưa thành niên đó là người giám hộ hoặc bệnh viện, trường học hoặc tổ chức khác. Những quy định này thể hiện rằng pháp luật thừa nhận trách nhiệm quản lý, giám sát của người có trách nhiệm đối với người chưa thành niên trong đó đầu tiên và quan trọng nhất chính là cha
mẹ. Do đó, lỗi trong trường hợp này thuộc về cha mẹ người chưa thành niên mà không thuộc về bản thân người chưa thành niên và trách nhiệm bồi thường của cha mẹ phát sinh cũng cần điều kiện lỗi.
Nói tóm lại, theo tinh thần của Điều 606 BLDS 2005 thì không phải con dưới 15 tuổi là chủ thể có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn luôn trực tiếp thuộc về cha mẹ. Trong quan hệ bồi thường thiệt hại thì cha mẹ của người dưới 15 tuổi có trách nhiệm bồi thường, còn người trực tiếp gây thiệt hại không phải là chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này. Việc lấy tài sản của người con dưới 15 tuổi trực tiếp gây thiệt hại để khắc phục cho phần còn thiếu là nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại theo đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là toàn bộ và kịp thời. Cha mẹ với tư cách là người quản lý tài sản của người con chưa thành niên dùng tài sản của con để bồi thường phần còn thiếu không có nghĩa là trách nhiệm bồi thường được chuyển sang cho con, đồng thời cũng không làm chấm dứt trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha mẹ. Dù cha mẹ có dùng tài sản của con để bồi thường cho phần còn thiếu, thì cha mẹ vẫn là chủ thể có trách nhiệm bồi thường, trong trường hợp này cũng không có nghĩa là triệt tiêu trách nhiệm của cha mẹ và người con cũng không có tư cách là thực hiện nghĩa vụ bổ sung. Giả sử nếu người con không có tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ cho phần còn thiếu đó thì trách nhiệm pháp lý vẫn luôn thuộc về cha mẹ.
2.2.1.2 Trường học trực tiếp quản lý người chưa thành niên dưới 15 tuổi có trách nhiệm bồi thường
Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhà trường. Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”. Với quy định này của pháp luật, đã ràng buộc thêm trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục và quản lý học sinh của mình. Việc giáo dục dạy dỗ quản lý người chưa thành niên không những thuộc trách nhiệm của gia đình mà còn của nhà trường. Khi quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà trường trong trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại đang học tại trường đã nâng cao trách nhiệm của nhà trường; nhà trường tự có ý thức sát sao hơn trong việc quản lý, giáo dục học sinh của mình. Sự phối hợp quản lý giáo dục của cha mẹ trong thời gian người chưa thành niên không học ở trường và của nhà trường trong thời gian người chưa thành niên học tại trường học sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn người chưa thành niên, hạn chế những trường hợp
người chưa thành niên vì không có người quản lý nhắc nhở thường xuyên mà có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác hoặc thậm chí cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Theo quy định của khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005, trách nhiệm của nhà trường chỉ phát sinh khi thỏa mãn hai điều kiện: độ tuổi của người chưa thành niên gây thiệt hại và thời gian gây thiệt hại. Về độ tuổi, người chưa thành niên gây thiệt hại phải ở độ tuổi dưới mười lăm tuổi. Về thời gian gây thiệt hại, người chưa thành niên gây thiệt hại trong thời gian đang học tại trường. Khi thỏa mãn hai điều kiện này thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chính là trường học. Theo nguyên tắc suy luận logic, nếu người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mà gây thiệt hại trong thời gian học tại trường học thì nhà trường vẫn sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại được xác định theo đoạn 2 khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005.
Pháp luật cũng đã quy định thêm trường hợp loại trừ trách nhiệm cho trường học trong trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại. Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005 thì nếu người chưa thành niên gây thiệt hại thỏa mãn hai yếu tố vừa nêu ở trên về độ tuổi và thời gian gây thiệt hại nhưng nếu nhà trường chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý người chưa thành niên thì khi đó chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại được chuyển sang cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Tuy nhiên trên thực tế, để chứng minh trường học không có lỗi trong quản lý học sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mặc dù vậy, quy định của pháp luật vẫn tạo điều kiện cho trường học có “cơ hội” được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cứ thử tưởng tượng, nếu học sinh cứ gây thiệt hại trong thời gian học tại trường, bất kể trường học có lỗi hay không có lỗi trong quản lý học sinh đó đều phải bồi thường thiệt hại thì vì sợ trách nhiệm sẽ không có trường học nào còn giám “mở cửa” dạy học bởi nhà trường không thể đủ kinh phí chi trả cho các khoản bồi thường dù trường học không có lỗi, cha mẹ thì đẩy trách nhiệm cho phía nhà trường, phó mặc cho con em mình cho trường học quản lý.
Từ quy định về bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra trong thời gian trường học quản lý, có hai vấn đề sau được đặt ra:
Một là, tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005 có sử dụng cụm từ “học tại trường”. Cụm từ này được hiểu là điều kiện hoàn cảnh để xét đến trách nhiệm bồi thường của trường học khi người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại.
Trường học có chức năng giáo dục, dạy dỗ học sinh các kiến thức và địa điểm là tại
trường học. Như vậy nếu hiểu theo đúng bản chất của cụm từ vừa nêu, trong thời gian học sinh đang ở tại trường để học kiến thức mà gây thiệt hại thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ngày này nhà trường không những dạy học sinh kiến thức mang tính lý thuyết mà còn dạy cả kiến thức về thực hành bởi học phải đi đôi với hành. Do điều kiện cơ sở vật chất của trường học không đáp ứng nhu cầu thực hành, nhà trường đã liên hệ với cơ sở đủ điều kiện để thực hành ngoài trường học; tại địa điểm không thuộc trường học này, học sinh đã gây thiệt hại vậy trách nhiệm của nhà trường có phát sinh hay không? Một trường hợp khác, bên cạnh rèn luyện về kiến thức sách vở, trường học còn chú ý giáo dục học sinh về các kỹ năng sống, yêu lao động, yêu thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường đều là những kỹ năng sống rất có ích cho các em học sinh. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh các buổi ngoại khóa đi thăm quan du lịch, cắm trại hay tổ chức các buổi lao động tập thể. Trong những buổi ngoại khóa này học sinh đã gây thiệt hại, vậy trách nhiệm của nhà trường có phát sinh theo quy định của khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự hay không khi rõ ràng những cái học sinh đang tiếp xúc không phải là kiến thức sách vở toán, lý, hóa, sinh, sử, địa?
Theo ý kiến của tác giả, không riêng gì nhà trường mà bất kỳ tổ chức, cá nhân, hay pháp nhân nào khi tổ chức một chương trình, một sự kiện thì phải có trách nhiệm với những hoạt động và chương trình mà mình đã tổ chức ra, với những người mà mình đã huy động tham gia.
Một trường hợp khác có thể xảy ra, hiện nay ở nhiều nơi giáo viên xuất phát từ ý định muốn bổ túc thêm kiến thức cho những học sinh yếu kém, đã thuê hoặc mượn phòng học tại nhà trường sau đó mở lớp dạy thêm cho học sinh. Trong thời gian học sinh học thêm đã gây thiệt hại, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Có ý kiến cho rằng học sinh gây thiệt hại khi đang học tại trường, do vậy trường học có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhưng có ý kiến lại phản bác rằng nhà trường không có kế hoạch và không tổ chức dạy thêm, nhà trường chỉ cho giáo viên trong trường mượn phòng, tự giáo viên đã mở lớp nên nhà trường không có lỗi trong việc quản lý học sinh nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Phải chăng nên áp dụng quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra được quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2005; theo đó trường học có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau đó yêu cầu giáo viên đã có lỗi phải hoàn trả lại cho trường học. Tuy nhiên, pháp luật quy định pháp nhân chỉ phải bồi thường khi người của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ được giao; trường học không hề giao cho giáo viên tổ chức dạy thêm học hêm, do vậy mà không đủ căn cứ để buộc trường học phải bồi thường thiệt hại.
Để khắc phục những vướng mắc, tình huống có thể xảy ra do quy định của pháp luật khi sử dụng cụm từ “học tại trường” Dự thảo bộ luật dân sự sửa đổi đã quy định lại trường hơp này như sau:
“Điều 622. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, cơ quan khác trực tiếp quản lý
1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra” [18].
Như vậy, dự thảo đã thay cụm từ “học tại trường” bằng “trường học trực tiếp quản lý”.
Hai là, quy định của pháp luật mới chỉ dừng lại ở trách nhiệm của nhà trường trong trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường gây thiệt hại cho người thứ ba. Pháp luật lại chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết nào cho trường hợp người chưa thành niên trong thời gian học tại trường học gây thiệt hại cho chính trường học. Phải chăng nếu áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp trường học không thể chứng minh trường học không có lỗi trong quản lý người chưa thành niên thì sẽ phải tự lấy tài sản của mình bồi thường cho chính mình, như vậy thiệt hại thực tế vẫn xảy ra và hoàn toàn không hề được bù đắp, vậy tình trạng “hòa cả làng” lại được lặp lại? Trường học cũng là một chủ thể trong xã hội, có tư cách pháp nhân và tự mình tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự.
Chính vì vậy, trường học cũng phải được hưởng đầy đủ các quyền và có các nghĩa vụ pháp lý như những chủ thể khác theo đúng quy định của pháp luật. Theo lẽ dĩ nhiên, khi trường học bị chủ thể khác gây thiệt hại thì cũng có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trên cơ sở thiệt hại thực tế đã xảy ra do hành vi trái pháp luật gây nên và được bồi thường toàn bộ, kịp thời thiệt hại đã xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ.