Chương 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒ THƯỜNG THỆT HẠI DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT
3.2. Những khó khăn đối với việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Bên cạnh những thuận lợi đối với việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, vẫn còn những tồn tại và khó khăn đối với việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, có thể kể đến một vài điểm tồn tại, khó khăn chính dưới đây.
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm tính chất khách quan của các sự vật hiện tượng trong thế giới là luôn vận động và biến đổi không ngừng. Chính vì vậy mà xã hội cũng luôn không ngừng vận động và phát triển, các quan hệ pháp luật dân sự cũng không ngừng phát sinh, thay đổi và chấm dứt với muôn hình muôn vẻ. Có thể cùng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây ra, nhưng trong vụ việc này và vụ việc khác lại đã có những tình tiết khác nhau khiến mỗi
vụ việc có một đặc trưng tính chất riêng dẫn đến không thể có công thức giải quyết chung. Tuy nhiên các vụ việc lại quá phong phú đa dạng, không thể liệt kê từng quy định để giải quyết cho từng vụ việc. Nhưng ngược lại cũng khó có thể đưa ra được quy định chung mang tính khái quát để có thể áp dụng giải quyết cho tất cả các trường hợp.
Chính sự đa dạng, phong phú của các vụ việc đã dẫn tới khó khăn trong việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại.
Thứ hai, mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định khá bao quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường do người chưa thành niên gây thiệt hại nói riêng, tuy nhiên các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn tồn tại những bất cập nằm rải rác trong từng quy định cụ thể cần phải hoàn thiện. Bên cạnh những tồn tại đã được nêu ở chương 2, còn có một số tồn tại có thể kể đến như sau:
Một là, pháp luật chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại trong trường hợp người chưa thành niên mồ côi, cơ nhỡ, là trẻ lang thang. Những người chưa thành niên mồ côi, cơ nhỡ hay trẻ lang thang đều không có cha mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ và cũng không có người giám hộ. Người chưa thành niên trong trường hợp này không có người quản lý, trông nom chăm sóc. Các em đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn những bạn cùng trang lứa khác. Không những không được đi học, được vui chơi, được chăm lo phát triển về sức khỏe, thể chất và trí tuệ, tinh thần, các em đã sớm phải vất vả mưu sinh kiếm đủ cái ăn, cái mặc. Có thể kiếm đủ cái ăn để tự nuôi sống bản thân đối với các em đã là điều rất khó chứ đừng nói đến có tài sản riêng. Khi người chưa thành niên gây thiệt hại, thì theo quy định của pháp luật hiện hành dù là người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi hay người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đều có cha mẹ hoặc người giám hộ ở bên cạnh và chịu trách nhiệm cho/cùng người chưa thành niên gây thiệt hại. Nhưng trong trường hợp này, lại không thể xác định được chủ thể sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho người chưa thành niên mồ côi, lang thang, cơ nhỡ; bản thân người chưa thành niên về mặt thực tế hoàn toàn không có khả năng tự chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người chưa thành niên mồ côi, cơ nhỡ, lang thang gây thiệt hại sẽ thuộc về chủ thể nào? Phải chăng trường hợp này sẽ không cần phải bồi thường thiệt hại, là tình thế “hòa cả làng”; nếu như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại lại không được pháp luật bảo vệ.
Hai là, pháp luật cũng chưa có quy định giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại trong trường hợp người chưa thành niên không có tài sản riêng mà người giám hộ lại chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý người chưa thành niên. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu người chưa thành niên không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Vậy nếu theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu người chưa thành niên không có tài sản hoặc không đủ tài sản và người giám hộ lại không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về chủ thể nào? Phải chăng người bị hại sẽ không được bồi thường hoặc chỉ được bồi thường một phần, vậy quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại sẽ không được đảm bảo.
Ba là, pháp luật chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại mà sau khi đã thành niên trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn chưa hoàn thành. Theo quy định của pháp luật hiện hành, về nguyên tắc chung nếu người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại mà có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng để bồi thường, nếu không đủ tài sản thì phần còn thiếu sẽ do cha mẹ bồi thường; trong trường hợp có người giám hộ thì người giám hộ thay mặt người chưa thành niên dùng tài sản của người chưa thành niên để bồi thường, tài sản không đủ thì dùng tài sản của mình để bồi thường phần còn thiếu. Về hình thức và phương thức bồi thường thiệt hại thì thiệt hại có thể được bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Nếu thiệt hại được bồi thường một lần thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Nhưng có những trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại kéo dài rất lâu, nhất là đối với những vụ việc có phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng thì thường kéo dài đến một năm thậm chí là vài năm, chục năm. Khi trách nhiệm bồi thường thiệt hại kéo dài, sẽ đến thời điểm người chưa thành niên đã thành niên; tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trách nhiệm bồi thường thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người bị hại hoặc gia đình người bị hại. Vậy khi người chưa thành niên đã trưởng thành, đã có đầy đủ năng lực hành vi để tự mình thực hiện các giao dịch, đã có khả năng lao động thì trách nhiệm cấp dưỡng có nên được chuyển giao sang cho người chưa thành niên giờ đã thành niên hay vẫn đè nặng trên vai cha mẹ giờ đang ngày một già yếu; hoặc khi người chưa thành niên đã thành niên,
người giám hộ sẽ chấm dứt giám hộ, vậy nghĩa vụ cấp dưỡng cho gia đình người bị hại hoặc người bị hại của người giám hộ người chưa thành niên cũng chấm dứt theo quan hệ giám hộ hay nghĩa vụ của người giám hộ vẫn còn? Những vấn đề vừa nêu hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cách giải quyết.
Bốn là, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên trong trường hợp người chưa thành niên có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại mà chưa có quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên khi tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại. Theo quy định của pháp luật hiện hành và thực tế cuộc sống của xã hội hiện đại, người chưa thành niên hoàn toàn có quyền được có tài sản riêng và có khả năng có tài sản riêng từ việc được tặng cho tài sản hay tham gia lao động để tạo ra tài sản cho bản thân. Chính vì vậy mà trường hợp tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại hoàn toàn có khả năng xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên pháp luật lại chưa có quy định cụ thể riêng biệt trong trường hợp tài sản gây thiệt hại thì có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên hay không và chủ thể nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sự thiếu xót này đã tạo ra khe hổng trong quy định của pháp luật và gây lung túng trong việc giải quyết vụ việc cho chính chủ thể các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.