Chương 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒ THƯỜNG THỆT HẠI DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT
3.4. Định hướng và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
3.4.2 Một số giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại và xác định phương hướng hoàn thiện pháp luật, tác giả đưa ra một vài ý kiến hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại như sau:
Thứ nhất, về khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại. Có thể xây dựng khái niệm như sau “trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất và bù đắp tổn thất về tinh thần cho chủ thể bị thiệt hại do người chưa thành niên gây ra”.
Thứ hai, trên cơ sở quy định tài sản gây thiệt hại cũng là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như Điều 611 Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, trong trường hợp tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại cũng sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cần có những điều luật quy định về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại. Theo ý kiến tác giả, điều luật cần quy định theo hướng: xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại thì tài sản đang chịu sự quản lý, sử dụng của chủ thể nào. Nếu người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản có lỗi trong việc quản lý sử dụng tài sản thì chủ thể đó phải chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại, người chưa thành niên mặc dù là chủ sở hữu của tài sản nhưng không có lỗi trong việc chiếm hữu và sử dụng tài sản nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu trong thời điểm tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại mà chính người chưa thành niên đang chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc người đang chiếm hữu sử dụng tài sản (không phải là chủ sở hữu tài sản) không có lỗi trong việc quản lý sử dụng tài sản thì sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên. Khi đó, trong trường hợp tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại, chủ thể thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được xác định như đối với trường hợp người chưa thành niên có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Theo đó, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường có thể là chính người chưa thành niên, cũng có thể là cha mẹ hoặc người giám hộ người chưa thành niên hay trường học đang trực tiếp quản lý người chưa thành niên có tài sản gây thiệt hại đó.
Thứ ba, về quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005, để quy định theo hướng mở rộng và xác định cụ thể hơn trách nhiệm của trường học trong trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại, khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005 nên sửa đổi theo hướng của Dự thảo Bộ luật dân sự đang được lấy ý kiến, cụ thể thay thế cụm từ “học tại trường” bằng cụm từ “trường học trực tiếp quản lý”. Theo đó, Khoản 1 Điều 621 sẽ được sửa lại như sau: “Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thệt hại xảy ra”. Với quy định này của pháp luật, chỉ cần xác định thời điểm người chưa thành niên gây thiệt hại có thuộc sự quản lý của trường học hay không là có thể xác định được trách nhiệm của trường học bất kể lúc đó người chưa thành niên dù đang không học tập tại trường mà học tập tại khu vực do trường học tổ chức hay đang tham gia các buổi ngoại khóa của trường thì khi người chưa thành niên gây thiệt hại, trách nhiệm của trường học được đưa ra xem xét trước tiên.
Thứ tư, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại cho trường học. Ở đây chỉ đặt ra trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại cho trường học bởi theo quy định của pháp luật, trách nhiệm của trường học chỉ đặt ra trong trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, còn trong trường hợp người chưa thành niên đã từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mà gây thiệt hại thì các chủ thể có thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ gồm người chưa thành niên, cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên mà không bao gồm trường học. Theo ý kiến của tác giả, cần phải xem xét thời điểm
người chưa thành niên gây thiệt hại có do trường học đang quản lý hay không để xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, theo đó có hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, người chưa thành niên gây thiệt hại trong trường hợp không thuộc trách nhiệm quản lý của trường học. Khi đó, mối quan hệ giữa người chưa thành niên và trường học là mối quan hệ giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại, trường hợp này sẽ giải quyết theo các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại. Theo đó quy định tại Khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005 sẽ được áp dụng, cha mẹ của người chưa thành niên có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho trường học; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường thiệt hại mà con chưa thành niên có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Trường hợp thứ hai, người chưa thành niên gây thiệt hại tại thời điểm thuộc trách nhiệm quản lý của trường học. Trong trường hợp này, quan hệ giữa người chưa thành niên gây thiệt hại và trường học vẫn là quan hệ giữa một bên chủ thể gây thiệt hại và một bên bị thiệt hại có xuất hiện yếu tố lỗi của bên bị thiệt hại. Khi đó, nếu trường học hoàn toàn có lỗi trong việc quản lý người chưa thành niên thì người chưa thành niên gây thiệt hại không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho trường học; theo đó cha mẹ của người chưa thành niên hoặc người giám hộ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra không phải hoàn toàn do lỗi của trường học thì người chưa thành niên gây thiệt hại sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Từ những trình bày trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại cho trường học có thể được quy định như sau:
“Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại cho trường học thì chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình, trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của trường học thì không phải bồi thường”.
Thứ năm, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại cho người giám hộ. Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và có yêu cầu; thì người chưa thành niên đó sẽ được giám hộ. Để đảm bảo quan hệ giám hộ công khai, minh bạch nhằm hướng tới tạo môi trường sống an toàn, thuận lợi nhất cho người chưa thành niên phát
triển toàn diện về thể chất và tinh thần, các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên được bảo vệ tối đa nhất có thể, pháp luật còn quy định cả về việc giám sát giám hộ. Theo quy định tại Điều 59 Bộ luật dân sự năm 2005 thì người giám sát giám hộ là người thân thích gần gũi nhất của người chưa thành niên. Đó có thể là ông, bà, anh ruột, chị ruột của người chưa thành niên. Hoặc là bác, chú, cậu, cô, dì của người chưa thành niên. Những người này đều có quan hệ huyết thống với người chưa thành niên, “máu chảy thì ruột mềm” đương nhiên họ sẽ là những người quan tâm tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất cho người chưa thành niên. Trong trường hợp người chưa thành niên không còn người thân thích giám sát việc giám hộ thì người giám sát việc giám hộ sẽ do Ủy ban nhân dân xã, phường nơi người chưa thành niên cư trú cử ra. Những người này đại diện cho nhà nước và có trách nhiệm bảo vệ sự công bằng trong thực thi pháp luật, do đó họ cũng có trách nhiệm trong việc giám sát giám hộ để hướng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên luôn được bảo vệ. Chính vì vậy, khi người chưa thành niên gây thiệt hại cho người được giám hộ, lúc này sẽ không xét đến mối quan hệ một bên là bên giám hộ còn một bên là được giám hộ mà quan hệ lúc này sẽ là quan hệ giữa một bên là bị hại và một bên là bên gây thiệt hại. Do bên gây thiệt hại là người chưa thành niên nên người giám sát việc giám hộ sẽ đại diện cho người chưa thành niên dùng tài sản của người chưa thành niên để bồi thường thiệt hại cho người được giám hộ. Trong trường hợp tài sản của người chưa thành niên không đủ để bồi thường thì xem xét đến việc miễn hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại. Sở dĩ như vậy bởi rõ ràng người giám sát việc giám hộ không phải là người giám hộ cho người chưa thành niên nên họ không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Theo lẽ đương nhiên sẽ không thể lấy tài sản của họ để bồi thường toàn bộ hoặc bồi thường phần còn thiếu trong trường hợp tài sản của người chưa thành niên không đủ để bồi thường. Bên cạnh đó, xét về khả năng kinh tế của người chưa thành niên và lợi ích lâu dài của họ thì tài sản không đủ để bồi thường nên cần phải được miễn hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại. Việc miễn hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại sẽ căn cứ vào việc tài sản của người chưa thành niên còn để sử dụng cho việc chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người chưa thành niên. Từ những phân tích trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại cho người giám hộ có thể được quy định như sau:
“Người chưa thành niên gây thiệt hại cho người giám hộ thì người giám sát việc giám hộ được dùng tài sản của người chưa thành niên để bồi thường, nếu người
chưa thành niên không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì được miễn hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Thứ sáu, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại và người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ. Theo quy định của pháp luật, khi người chưa thành niên gây thiệt hại thì về nguyên tắc lấy tài sản của người chưa thành niên để bồi thường, nếu người chưa thành niên không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì lấy tài sản của người giám hộ để bồi thường nếu người giám hộ có lỗi. Như vậy, ở phần này sẽ chỉ đặt ra giải quyết trong trường hợp người chưa thành niên không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường, trong khi người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ, như vậy người giám hộ sẽ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Vậy trong trường hợp không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường cho bên bị hại thì giải quyết như thế nào?
Theo ý kiến của tác giả, cần xem xét đến yếu tố lỗi của người chưa thành niên khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Trong trường hợp người chưa thành niên vô ý mà gây thiệt hại thì được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi người chưa thành niên chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, chưa thể có đầy đủ nhận thức và làm chủ hành vi của mình, hơn nữa thiệt hại xảy ra lại hoàn toàn do vô ý, người chưa thành niên không thấy trước được hậu quả có thể xảy ra. Vì vậy miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người chưa thành niên để giảm bớt gánh nặng kinh tế và cũng là khuyến khích người chưa thành niên có ý thức sửa sai, học tập tốt và biết chú ý cân nhắc trong hành xử để tránh những hậu quả đáng tiếc lại có thể xảy ra.
Trong trường hợp người chưa thành niên cố ý, nếu người chưa thành niên từ đủ mười năm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu người giám hộ của người chưa thành niên là người thân thích của người chưa thành niên thì khuyến khích người giám hộ dùng tài sản của mình để bồi thường thiệt hại. Với tinh thần đạo đức tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, người trong cùng gia đình, có quan hệ huyết thống yêu thương nhau đùm bọc nhau “anh em như thể tay chân” và “máu chảy ruột mềm” thì tin rằng người giám hộ sẽ dùng tài sản của mình để bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra. Tuy nhiên tác giả xin nhắc lại việc người giám hộ dùng tài sản của mình để bồi thường là khuyến khích chứ không mang tính chất bắt buộc, hoàn toàn khác với trường hợp người giám hộ có lỗi trong việc giám hộ. Nếu người chưa thành niên được cử người giám hộ, vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo hướng người chưa thành niên vẫn
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người giám hộ sẽ bảo lãnh cho người chưa thành niên vay tài sản tại quỹ xã hội của Ủy ban nhân dân phường đã cử người giám hộ, không tính lãi suất vay, để bồi thường thiệt hại và người chưa thành niên có nghĩa vụ hoàn trả lại khoản vay cho Ủy ban nhân dân phường. Nếu quy định như vậy sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chưa thành niên cũng như nâng cao ý thức quản lý của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Thứ bảy, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên mồ côi, lang thang cơ nhỡ gây thiệt hại. Đối với trường hợp này, tác giả cho rằng người chưa thành niên mồ côi, lang thang cơ nhỡ vốn đã thiệt thòi hơn những người khác. Họ không được chăm lo phát triển thể chất, tinh thần, lại càng phải chịu thiệt thòi hơn khi không được như bao người khác được hưởng sự thương yêu giáo dục của cha mẹ, được cắp sách tới trường học tri thức tăng vốn hiểu biết. Bên cạnh đó, xét về khả năng kinh tế thì rõ ràng người chưa thành niên mồ côi, lang thang cơ nhỡ không có khả năng bồi thường thiệt hại xảy ra. Vì vậy, theo ý kiến chủ quan của tác giả nên miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ. Như vậy thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, đồng thời khuyến khích người chưa thành niên có hành vi trái pháp luật biết sai mà sửa, phấn đấu cố gắng sống tốt hơn. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi phát hiện hoặc giải quyết tranh chấp có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan để gửi người chưa thành niên mồ côi, lang thang cơ nhỡ vào các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện nơi mà các em sẽ được hưởng sự chăm sóc giáo dục, có điều kiện sống tốt hơn; hoặc có thể cử người giám hộ để quản lý, chăm sóc các em.
Thứ tám, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại thuộc về chủ thể không phải là chính người chưa thành niên gây thiệt hại đã được thực hiện mà đến khi người chưa thành niên đã đủ mười tám tuổi nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó vẫn chưa được hoàn thành. Theo quy định của pháp luật, khi người chưa thành niên đã thành niên thì quan hệ giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên có người giám hộ chấm dứt, theo đó các quyền và nghĩa vụ của người giám hộ cũng chấm dứt. Còn đối với trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ, khi người chưa thành niên đã thành niên thì cha mẹ cũng ngày càng già yếu, con đã thành niên lúc này phải tự ý thức lao động và chăm lo cho cuộc sống của bản thân mình bên cạnh đó còn phải chăm lo và báo hiếu cho công ơn sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ.
Chính vì vậy, khi này người đã có hành vi gây thiệt hại trước đây không thể để người giám hộ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người bị hại, hay cha mẹ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người bị hại. Nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại