Chương 2: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY THIỆT HẠI
2.4. Những trường hợp loại trừ, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại
2.4.1 Trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Tại Mục 3 Chương XXI Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài đồng của Bộ luật dân sự năm 2005, pháp luật có quy định về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể. Trong đó có những quy định người gây thiệt hại không phải bồi thường cho người bị thiệt hại trong những trường hợp nhất định, những trường hợp này được hiểu là loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2.4.1.1 Gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng
Khoản 1 Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Pháp luật dân sự đã khẳng định người gây thiệt hại nếu trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên điều luật nói riêng cũng như pháp luật dân sự nói chung chưa có một quy định cụ thể trường hợp như thế nào thì được coi là phòng vệ chính đáng trong pháp luật dân sự.
Mặc dù vậy, các ngành luật của Việt Nam có mối quan hệ mật thiết, bổ sung và hỗ trợ nhau trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Vì vậy, có thể dẫn chiếu quy định của pháp luật hình sự Việt Nam để hiểu về phòng vệ chính đáng.
Khoản 1 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Trong xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, tổ chức đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, không phải lúc nào pháp luật cũng có thể ngay lập tức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Để quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội luôn được bảo vệ, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra, mỗi cá nhân đều phải tự ý thức bảo vệ mình và bảo vệ chủ thể khác khi có dấu hiệu đang bị xâm phạm quyền và lợi ích. Khi
tự bảo vệ mình, cá nhân có thể gây thiệt hại cho người khác, và trong trường hợp này pháp luật quy định không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hành vi tự bảo vệ sẽ chỉ được coi là phòng vệ chính đáng để là căn cứ không phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi đấy là chống trả tương xứng với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi đang xâm phạm đến các quyền và lợi ích cần được pháp luật bảo vệ.
Hành vi chống trả phải nhằm vào đối tượng đang có hành vi trái pháp luật, diễn ra vào trước hoặc sau khi hành vi trái pháp luật kết thúc. Ngược lại, nếu hành vi chống trả vượt mức cần thiết mà gây thiệt hại thì người có hành vi chống trả vẫn phải bồi thường thiệt hại đối với phần thiệt hại do mức độ vượt quá mức cần thiết gây ra.
Ví dụ: A đột nhập vào nhà B để trộm cắp tài sản. B đang ngủ thấy có tiếng động lạ liền tỉnh giấc, định hình lại biết đang có trộm, B vùng dậy bật đèn và hô trộm. A thấy bị phát hiện liền lao vào B và dùng dao nhọn để đâm B. B đẩy mạnh A ngã xuống đất và chạy ra sân hô trộm. A vùng dậy đuổi theo B, khi ra đến sân A xô ngã B xuống sân và ngồi trên người B dùng dao để đâm B. B trong lúc đó một tay thì giữ tay đang cầm dao đâm xuống của A, một tay quờ quạng trên sân. Vớ được viên gạch trên sân, B cầm lấy và đập mạnh vào đầu A, khiến A chảy máu và ngất tại chỗ. Trong tình huống vừa nêu, B đã gây tổn hại về sức khỏe cho A, nhưng do hành vi của B thực hiện để bảo vệ bản thân mình, lúc đó B không có lựa chọn khác bởi nếu không nhanh chóng tìm cách bảo vệ bản thân và thoát khỏi lưỡi dao của A, B sẽ bị A đâm. Do vậy, hành vi gây thiệt hại của B được thực hiện trong trường hợp phòng vệ chính đáng, B không phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho A.
2.4.1.2 Gây thiệt hại trong trường hợp tình thế cấp thiết
Khoản 1 Điều 614 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Theo khoản 1 Điều 16 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 tình thế cấp thiết được hiểu “là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.
Trong quy định về gây thiệt hại trong trường hợp tình thế cấp thiết, người gây thiệt hại vì muốn bảo vệ những lợi ích lớn hơn đang có nguy cơ xảy ra mà buộc phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn. Thiệt hại nhỏ hơn thực tế đã xảy ra, còn thiệt hại cần ngăn ngừa thực tế chưa xảy ra, nhưng nếu không có thiệt hại nhỏ hơn đã xảy ra thì thiệt hại cần ngăn ngừa chắc chắn sẽ xảy ra. Vì vậy, trong trường hợp này người đã
gây ra thiệt hại nhỏ hơn nhằm bảo vệ lợi ích lớn hơn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ: một con tàu lớn đang di chuyển trên biển bị rò nước. Thuyền trưởng, thuyền viên đã tìm cách bịt chỗ rò rỉ nước nhưng không có tác dụng. Với tình trạng rò rỉ nước và sức nặng hiện tại của con tàu, con tàu sẽ bị chìm trước khi kịp cập cảng. Vì để bảo vệ tính mạng của những người trên tàu, thuyền trưởng đã quyết định vứt các tài sản nặng xuống biển để cứu con tàu không bị chìm trước khi kịp cập cảng. Trong trường hợp này, mặc dù thuyền trưởng đã gây thiệt hại về tài sản nhưng so với tính mạng của bao nhiêu con người trên tàu thì thiệt hại về tài sản này nhỏ hơn rất nhiều, biện pháp của thuyền trưởng là biện pháp hữu hiệu cần áp dụng để ngăn cho việc chìm tàu xảy ra vì việc bịt chỗ rò rỉ đã không thể thực hiện. Vì vậy, thuyền trưởng sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho những người bị thiệt hại về tài sản.
2.4.1.3 Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại
Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “… nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”. Trong trường hợp này, rõ ràng người gây thiệt hại không hề mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra nằm ngoài ý chí chủ quan của người gây thiệt hại. Người bị thiệt hại là người có lỗi để cho thiệt hại xảy ra, người có hành vi gây thiệt hại hoàn toàn không có lỗi. Quay trở lại quy định của pháp luật về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong trường hợp quy định tại Điều 617 vừa nêu, có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại, tuy nhiên người gây thiệt hại lại hoàn toàn không có lỗi. Như vậy, căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại không đủ, người gây thiệt hại không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Khi nói về những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đối với những trường hợp vừa kể trên, nhiều người thường gọi đây là những trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo ý kiến của tác giả, nếu gọi như vậy sẽ không phù hợp; những trường hợp vừa kể trên nên được gọi là trường hợp loại trừ trách nhiệm thay vì gọi là miễn trách nhiệm.
Trong quan hệ bồi thường thiệt hại, bên bị thiệt hại và bên bồi thường thiệt hại hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại, hình thức và phương thức bồi thường thiệt hại và pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận đó. Theo lẽ đương nhiên, hai bên cũng có thể thỏa thuận không phải bồi thường thiệt hại, bên gây
thiệt hại sẽ không phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Xét về mặt bản chất, rõ ràng bên gây thiệt hại có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhưng trên cơ sở sự đồng ý của bên bị thiệt hại mà bên gây thiệt hại đã không phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Như vậy trong trường hợp này bên gây thiệt hại đã được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vậy, “miễn” trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là trường hợp có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng không phải bồi thường thiệt hại.
Còn đối với các trường hợp được quy định tại các Điều 613, 614, 617 Bộ luật dân sự năm 2005, các bên không thể thỏa thuận không phải bồi thường thiệt hại bởi vốn dĩ về mặt bản chất pháp luật đã quy định đấy là những trường hợp không phải bồi thường thiệt hại, và những trường hợp này được gọi là loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Như vậy, “loại trừ” trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là trường hợp không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.