Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Một phần của tài liệu Các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu theo hiệp định thương mại tự do EU việt nam (Trang 48 - 52)

Chương 2: CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU

2.4. Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng được quy định cụ thể tại Điều 5.4 Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên Hiệp định lại không đưa ra bất kỳ định nghĩa nào về nhãn

hiệu nổi tiếng cũng như các tiêu chuẩn để một nhãn hiệu được công nhận và bảo hộ như một nhãn hiệu nổi tiếng mà chỉ dẫn chiếu đến các Hiệp định đa phương mà cả Việt Nam và EU đều là thành viên, cụ thể là Điều 6bis Công ước Paris và Điều 16(2) và 16(3) của Hiệp định TRIPS; Khuyến nghị chung được thông qua bởi Hội đồng Liên hiệp Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Đại hội đồng WIPO vào tháng 9 năm 1999 (dưới dây gọi chung là Khuyến nghị chung của WIPO).

2.4.1. Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo Công ước Paris

Mặc dù không làm rõ khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng Công ước Paris có đưa ra một căn cứ duy nhất để xác định một nhãn hiệu trở nên nổi tiếng, đó là sự chấp nhận hay thừa nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia nơi nhãn hiệu được đăng ký hay quốc gia nơi sản phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, căn cứ này chỉ áp dụng với nhãn hiệu hàng hóa mà không áp dụng với nhãn hiệu dịch vụ.

Điều 6bis Công ước Paris còn cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng được quyền ngăn chặn việc đăng ký hoặc sử dụng một nhãn hiệu nếu nhãn hiệu đó ―cấu thành một sự sao chép, bắt chước, hoặc biên dịch, có khả năng gây nhầm lẫn, về một nhãn hiệu do cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nhãn hiệu được sử dụng xem xét là nổi tiếng tại nước đó vì nhãn hiệu đã thuộc về người có quyền đối với các lợi ích của Công ước Paris và dùng cho hàng hóa giống nhau hoặc tương tự. Các quy định này cũng sẽ được áp dụng khi phần chính yếu của nhãn hiệu hợp thành hành vi sao chép đối với bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng đó hoặc một sự sao chép có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng‖.

Theo Công ước, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có 5 năm để yêu cầu hủy bỏ việc đăng ký một nhãn hiệu sao chép, bắt chước, hoăc biện dịch, hoặc có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình.

Đối với trường hợp gian dối hay có dụng ý xấu thì các chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có thể yêu hủy bỏ hoặc ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu được đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu của bên thứ ba đối với bất kỳ nhãn hiệu tương tự nào tại bất kỳ thời điểm nào miễn là họ có bằng chứng tích cực

chứng minh rằng việc đăng ký hoặc sử dụng đó đã được thực hiện gian lận do lợi dụng sự nổi tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng.

2.4.2. Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo Hiệp định TRIPS

Nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điều 16 Hiệp định TRIPS. Điều 16 đã bổ sung Điều 6bis Công ước Paris một cách hiệu quả bằng các quy định sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc ghi nhận một số căn cứ chung để xác định một nhãn hiệu nổi tiếng, Hiệp định cũng mở rộng phạm vi các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ, bao gồm cả các nhãn hiệu được coi là rất nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng giống như Công ước Paris, Hiệp định TRIPs cũng không đưa ra bất kỳ một định nghĩa chính thức nào về ―nhãn hiệu nổi tiếng‖.

Thứ hai, khái niệm ―nhãn hiệu nổi tiếng‖ có thể được áp dụng cho cả hàng hóa và dịch vụ. Việc mở rộng này là một trong các quy định quan trọng nhất của Hiệp định TRIPS bởi các nhãn hiệu dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng trong thương mại quốc tế và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống thương mại toàn cầu. Có thể kể tên một số nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng như Rolex, Audi, Apple, Heineken… hay các nhãn hiệu dịch vụ nổi tiếng như HSBC, KPMG, Ernst & Young,…

Thứ ba, để xác định một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, quốc gia thành viên phải xem xét đến việc có được sự biết đến của công chúng về nhãn hiệu đó trong lĩnh vực liên quan, bao gồm việc có được sự biết đến của quốc gia thành viên có liên quan từ hệ quả của việc quảng bá rộng rãi nhãn hiệu.

Thứ tư, việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cũng có thể được áp dụng đối với nhãn hiệu kể cả trường hợp nhãn hiệu áp dụng là hàng hóa hoặc dịch vụ không giống hoặc tương tự với hàng hóa hoặc dịch vụ đối với nhãn hiệu được đăng ký. Theo đó, các Bên phải từ chối hoặc hủy bỏ đơn hoặc đăng ký nhãn hiệu đối với hàng hóa hoặc dịch vụ nếu việc đăng ký đó có khả năng gây thiệt hại đến lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng ngay cả trường hợp không có bất kỳ điểm giống hoặc tương tự giữa hàng hóa hoặc dịch vụ đó.

2.4.3. Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo khuyến nghị chung của WIPO Hiệp định EVFTA khuyến nghị các Bên cân nhắc Khuyến nghị chung của WIPO. Theo Khuyến nghị chung của WIPO, cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia khi đánh giá một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không cần dựa vào các tiêu chí đánh giá như:

- Mức độ nhận thức hay nhận ra nhãn hiệu trong bộ phận công chúng.

- Thời gian, phạm vi và khu vực địa lý của việc sử dụng nhãn hiệu.

- Thời gian, phạm vi và khu vực địa lý của khu vực quảng cáo nhãn hiệu.

- Thời gian, khu vực địa lý của bất kỳ việc đăng kí nhãn hiệu và/hoặc bất kì đơn xin đăng ký trong phạm vi mà họ sử dụng hoặc được công nhận nhãn hiệu.

- Hồ sơ của việc thực thi quyền đối với nhãn hiệu thành công, đặc biệt là phạm vi mà nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng bởi các cơ quan có thẩm quyền.

- Giá trị liên quan đến nhãn hiệu.

Theo Khuyến nghị, một nhãn hiệu để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng không nhất thiết phải đáp ứng đủ các yếu tố này phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể. Trong một số trường hợp, tất cả các yếu tố đều có thể có liên quan. Trong các trường hợp khác, chỉ có một số yếu tố có liên quan. Các quốc gia có thể căn cứ vào các yếu tố khác không được liệt kê ở trên.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến bộ phận công chúng (Relevant Sector of the Public) cũng cần được xem xét nhưng không nhất thiết phải giới hạn trong các yếu tố sau:

- Người tiêu dùng hiện có/tiềm năng loại hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu xin đăng ký;

- Các cá nhân liên quan đến kênh phân phối loại hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu xin đăng ký;

- Chu trình kinh doanh liên quan tới loại hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu xin đăng ký.

Khi một nhãn hiệu được xác định là nổi tiếng trong ít nhất một bộ phận công chúng có liên quan ở một nước thành viên, thì nhãn hiệu đó sẽ được nước thành viên đó coi là nhãn hiệu nổi tiếng.

Bên cạnh đó, một nước thành viên sẽ không đòi hỏi các trường hợp sau như một điều kiện để xác định nhãn hiệu có nổi tiếng hay không:

- Nhãn hiệu đã và đang được sử dụng, đăng ký hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp ở một nước hoặc có chỉ định nước thành viên đó;

- Nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi hoặc được đăng ký hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp tại hoặc có chỉ định bất kỳ hệ thống tài phán nào ngoài nước thành viên;

- Nhãn hiệu đó được biết đến một cách rộng rãi bởi bộ phận lớn công chúng ở nước thành viên.

Tuy nhiên, một nước thành viên có thể yêu cầu nhãn hiệu phải được biết đến rộng rãi trong một hoặc nhiều hệ thống tài phán khác không thuộc các nước thành viên.

Một phần của tài liệu Các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu theo hiệp định thương mại tự do EU việt nam (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)