Chương 1.MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN TRỘM CẮP TÀI SẢN
1.3. Nội dung của thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án trộm cắp tài sản
Hoạt động thực hành quyền công tố của VKS rất dễ bị nhầm với hoạt động kiểm sát tư pháp. Vì vậy, việc xác định nội dụng của thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hoạt động nào là hoạt động THQCT, hoạt động nào là hoạt động kiểm sát điều tra. Nội dung thực hành quyền công tố là việc Viện kiểm sát nhân dân sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Về nội dung của THQCT trong giai đoạn điều tra, có quan điểm cho rằng nội dung THQCT trong giai đoạn điều tra bao gồm cả hoạt động khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các hoạt động bắt, tạm giữ…., quyết định truy tố bị can.18 Với quan điểm này thì nội dung của THQCT trong giai đoạn điều tra đã lấn sang một phần của giai đoạn khởi tố vụ án và giai đoạn truy tố. Vì vậy, các hoạt động liên quan đến khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định truy tố thì thuộc giai đoạn khởi tố và giai đoạn truy tố chứ không nằm trong giai đoạn điều tra. Trong giai đoạn điều tra, VKS chỉ xem xét quyết định khởi tố vụ án chứ không phải là xem xét quá trình khởi tố vụ án. Theo đó, nội dung thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra bao gồm: Khởi tố bị can, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong các trường hợp pháp luật quy định; đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra; Yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra thay đổi điều tra viên nếu thuộc một trong những trường hợp quy định của BLTTHS năm 2003; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; phê chuẩn,
18 Lê Hữu Thể, Đỗ Văn Đương, Nông Xuân Trường (2005) “Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra” Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 66.
không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra; hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu tôi xin chú trọng trình bày nội dung thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án trộm cắp tài sản, cụ thể như sau:
+ Khởi tố bị can, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong các trường hợp pháp luật quy định; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn khởi tố bị can, thay đổi quyết định khởi tố bị can:
VKS là cơ quan duy nhất trong TTHS có quyền quyết định việc có hay không khởi tố bị can để điều tra: Có quyền phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, các quyết định thay đổi và bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can của Cơ quan điều tra… Các quyết định khởi tố bị can của các chủ thể khác được pháp luật giao cho thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đều phải chịu sự giám sát và phụ thuộc vào quyết định của VKS: Sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các quyết định khởi tố của các cơ quan đó phải được gửi đến VKS cùng các tài liệu có liên quan để VKS xem xét quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn; trong trường hợp không được sự phê chuẩn của VKS thì các quyết định đó bị triệt tiêu về hiệu lực.
Ngoài ra, VKS còn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khi có dấu hiệu của tội phạm, yêu cầu khởi tố bị can trong trường hợp phát hiện người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố; khi thấy có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra thì yêu cầu cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố vụ án, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố thì yêu cầu cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố bị can.
+ Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra:
Trong TTHS, Cơ quan điều tra được giao trách nhiệm điều tra tội phạm, có quyền áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để điều tra làm rõ vụ án, làm rõ hành vi phạm tội cũng như các tình tiết có liên quan như động cơ, mục đích của tội phạm, nhân thân của người phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, các thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra….
Nhưng bởi việc đưa một con người vào vòng tố tụng và xử lý họ về hình sự là vấn đề không hề đơn giản, động chạm đến rất nhiều quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo hộ cho nên cần phải đảm bảo tính thận trọng và chính xác cho nên cần phải có sự chế ước giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong TTHS nhằm đảm bảo tất cả mọi hành vi phạm tội đã được phát hiện phải được khởi tố, xử lý kịp thời và nghiêm minh nhưng phải có căn cứ và đúng pháp luật. Vì vậy, pháp luật quy định giao cho một cơ quan nhà nước trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc chứng minh hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội phải được thu thập đầy đủ, toàn diện, khách quan và hợp pháp - Cơ quan đó là VKS.
VKS là cơ quan duy nhất có quyền can thiệp trực tiếp vào quá trình điều tra, đề ra yêu cầu điều tra để Cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Việc đề ra yêu cầu điều tra kịp thời giúp cho hoạt động điều tra tội trộm cắp tài sản được đúng hướng, tránh bỏ sót các chứng cứ quan trọng của vụ án không được thu thập. Cơ quan điều tra mà cụ thể là các Điều tra viên có trách nhiệm phải thực hiện tất cả các yêu cầu của VKS; trường hợp không nhất trí, Cơ quan điều tra có quyền được kiến nghị đến VKS cấp trên nhưng trong thời gian chờ đợi kết quả vẫn phải thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu đó. Ngoài ra, VKS còn có quyền tự mình trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nếu xét thấy cần thiết như ghi lời khai của bị hại, nhân chứng, thực nghiệm điều tra, hỏi cung bị can…
+ Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của BLTTHS, nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố hình sự
Để bảo đảm việc điều tra vụ án trộm cắp tài sản được khách quan, toàn diện và đầy đủ, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên khi có căn cứ cho rằng Điều tra viên đó không vô tư trong quá trình tiến hành tố tụng. Trong trường hợp hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm như tiêu hủy, đánh tráo vật chứng của vụ án, làm sai lệch hồ sơ vụ án đang điều tra... thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Điều tra viên đó. Nếu như Điều tra viên không vô tư trong quá trình tiến hành tố tụng mà VKS không kịp thời yêu cầu thay đổi Điều tra viên thì sẽ dẫn đến hậu quả là kết quả điều tra không khách quan, đầy đủ và còn có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
+ Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra.
Trong quá trình điều tra, pháp luật tố tụng đã quy định cho cơ quan điều tra có quyền ra các quyết định bắt, tạm giữ, ra lệnh tạm giam hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hạn chế một số quyền của người phạm tội nhằm phục vụ cho việc điều tra thu thập tài liệu chứng cứ, ngăn chặn người phạm tội tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ. Nhưng cơ quan điều tra không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam hạn chế quyền tự do của con người khi không có xét phê chuẩn của Viện kiểm sát. Trong mọi trường hợp, khi thực hiện các quyền năng này pháp luật cũng yêu cầu Viện kiểm sát cần quán triệt tư tưởng nhanh chóng, chính xác và khách quan để đáp ứng được các yêu cầu đối với quá trình điều tra vụ án hình sự tránh oan, sai, lọt tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ quyền tự do dân chủ của
công dân. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt là các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do (bắt, tạm giữ, tạm giam) là trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do của con người được ghi nhận trong Hiến pháp. Vì vậy, việc quy định áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam cần có sự phê chuẩn của VKS có ý nghĩa lớn trong việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi, đồng thời bảo đảm sự dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định.
+ Hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật.
VKS có quyền hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra như quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra không có căn cứ. Điều này này đòi hỏi VKS phải kiểm sát chặt chẽ các quyết định của cơ quan điều tra, đồng thời phải nghiên cứu, xem xét tính có căn cứ và tính hợp pháp các quyết định của cơ quan điều tra; kịp thời hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra.
Trong quá trình điều tra các vụ án trộm cắp tài sản, Viện kiểm sát phải chủ động bám sát các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra như trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, khám xét... Phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động thu thập, bảo quản, đánh giá các chứng cứ của vụ án; kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và các quyết định khác của cơ quan điều tra như quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra vụ án... thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát ra được các quyết định công tố kịp thời, chính xác như hủy các quyết định không có căn cứ của cơ quan điều tra.
Như vậy, VKS thực hiện hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án trộm cắp tài sản, nhằm bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can có căn cứ và đúng pháp luật. Hoạt động này của Viện kiểm sát chỉ đúng đắn khi kết quả điều tra của cơ quan điều tra được bảo đảm bởi hoạt động THQCT của Viện kiểm sát một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Kết luận chuơng 1
Ở chương 1, Luận văn tập trung phân tích một số vấn đề lý luận về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án trộm cắp tài sản. Từ lý luận chung, đi đến phân tích khái niệm quyền công tố, thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án trộn cắp tài sản, đối tượng, phạm vi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và chủ thể thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra; tập trung phân tích khái niệm, nội dung và đặc điểm của hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án trộm cắp tài sản. Với các quyền năng của mình trong thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, VKS đảm bảo mọi tội phạm trộm cắp tài sản đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Vì vậy, cơ sở lý luận thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án trộm cắp tài sản là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống các tội phạm trộm cắp tài sản ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Nam Định nói riêng trong giai đoạn hiện nay.