Chương 2. QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003, NĂM 2015 VÀ THỰC TIỄN THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ
3.2. Giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Nam Định
3.2.1. Giải pháp về pháp luật
Theo Điều 104 BLTTHS năm 2003 (tương ứng Điều 146 BLTTHS 2015) quy định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều, khoản của BLHS đang áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định. Quyết định này khó thực hiện được đầy đủ vì thời điểm khởi tố vụ án hình sự trong nhiều vụ án trộm cắp tài sản chưa thể xác định chính xác hành vi phạm tội thuộc khoản nào của điều luật. Nếu chỉ căn cứ vào tài liệu ban đầu khởi tố vụ án đã xác định khoản áp dụng thì tình trạng ban đầu khởi tố xác định tội phạm cấu thành khoản 1 nhưng quá trình điều tra chứng minh tội phạm cấu thành khoản 2, khoản 3 và ngược lại thì lại phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự cho phù hợp. Do vậy, cần sửa đổi theo hướng trong quyết định khởi tố vụ án hình sự chỉ nên quy điều luật áp dụng là phù hợp còn Khoản của Điều luật thì được ghi rõ trong quyết định khởi tố bị can.
- Về áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn
Khoản 3 Điều 119 BLTTHS 2015 đã quy định: “Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã”. Như vậy, với quy định này các cơ quan tiến hành tố tụng đã có căn cứ pháp lý để có thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với trường hợp này. Tuy nhiên, tình tiết “bỏ trốn” hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau nên cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết này để xác
định bỏ trốn là như thế nào để tạo cơ sở vững chắc, rõ ràng, áp dụng thống nhất pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2003, bị can thuộc đối tượng phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: bị can bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
Bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố; Bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Quy định dễ dẫn đến hiểu rằng các đối tượng này bao gồm các trường hợp theo khoản 1 Điều 88 BLTTHS và cả trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà khung hình phạt từ 2 năm tù trở xuống. Vì vậy, theo tinh thần của BLTTHS về căn cứ áp dụng tạm giam, cần hướng dẫn thống nhất cách hiểu những đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTHS có các căn cứ quy định tại các điểm a, b, c nhưng phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 88 BLTTHS thì mới tạm giam.
- Về thu thập chứng cứ:
Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản là một trong những chứng cứ quan trọng trong tội trộm cắp tài sản để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định người đó có phạm tội hay không? Thuộc Khoản nào? Ngày 02/3/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều bất cập như quy định về: Thành phần hội đồng định giá tài sản; cách thức xác định thành viên của Hội đồng định giá tài sản. Do đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện và đồng bộ, đồng thời nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về định giá tài sản là cơ sở đảm bảo cho họat động này được khách quan, kịp thời, góp phần
quan trọng vào việc nâng cao chất lượng họat động, tránh làm oan, sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
3.2.1.2. Tăng cường hướng dẫn, giải thích các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự 2015
BLHS năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) tuy đã có nhiều tiến bộ so với BLHS năm 1985 và được coi là một bước tiến vượt bậc về kỹ thuật lập pháp. Điểm khác biệt cơ bản giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 1985 trong quy định về các tội xâm phạm sở hữu là đã nhập cả hai chương các tội xâm phạm sở hữu XHCN và các tội xâm phạm sở hữu của công dân thành một chương. Sự thay đổi này xuất phát từ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, được bảo hộ như nhau. Đối với tội trộm cắp tài sản trong BLHS hiện hành không quy định cụ thể dấu hiệu cấu hành tội phạm dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau, gây khó khăn trong việc định tội danh, vì vậy cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện theo hướng sau:
Tại Điều 138 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) về tội trộm cắp tài sản chưa quy định cụ thể dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản gây khó khăn cho việc định tội danh. Để bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện pháp luật, cần phải bổ sung quy định mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của các tội phạm nêu trên. Theo đó, trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút.
Mặc dù BLHS năm 1999 đó được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với những thay đổi rất cơ bản trong quy định tội trộm cắp tài sản mà cụ thể ở đây là “ định lượng” tài sản trong cấu thành cơ bản đó tăng lên nhưng trong hoạt động thực tiễn các cơ quan tố tụng vẫn phải áp dụng Thông tư liên tịch số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 để giải quyết
do chưa có văn bản thay thế. Do vậy, các cơ quan tư pháp Trung ương cần tập trung nghiên cứu, ban hành văn bản mới hướng dẫn áp dụng cho phù hợp.
BLHS 2015 ra đời, trên cơ sở chuyển hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Nhà nước và công dân, kế thừa những quy định của BLHS năm 1999 đã bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; tăng mức phạt tiền bổ sung; đồng thời, cụ thể hóa hành vi phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với tội trộm cắp tài sản, nhất là cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu 02 triệu đồng nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo.
Hoạt động hướng dẫn áp dụng pháp luật của ngành kiểm sát nhân dân và các cơ quan nhà nước ở Trung ương chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thực thi pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật còn hạn chế, một số văn bản ban hành chưa kịp thời, còn chồng chéo, mâu thuẫn trong cách hướng dẫn, giải thích…Do vậy, trong thời gian tới, công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật cần phải được tiếp tục tăng cường theo các hướng sau:
Thứ nhất: Sau khi Bộ luật hình sự, Luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần kịp thời ban hành văn bản giải thích pháp luật để thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật.
Thứ hai: Các cơ quan tư pháp Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong việc ban hành các văn bản liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với các cơ quan cấp dưới vì văn bản hướng dẫn của từng ngành rất dễ dẫn đến tình trạng cùng một vấn đề nhưng mỗi ngành lại hướng dẫn một đường lối xử lý khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.
Cần tập hợp hệ thống văn bản hướng dẫn pháp luật hình sự đóng thành tập ban hành định kỳ sáu tháng hoặc một năm để các cơ quan tố tụng ở địa phương làm căn cứ áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đã hết hiệu lực hoặc được thay thế, huỷ bỏ cũng cần được tập hợp và thông báo để tránh nhầm lẫn, sai sót khi áp dụng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân về những điểm mới của BLHS và BLTTHS năm 2015 về THQCT trong giai đoạn điều tra và về cấu thành tội trộm cắp tài sản để cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân áp dụng các quy định pháp luật một cách thống nhất, khoa học.