1.2. Lý luận về pháp luật quy hoạch sử dụng đất
1.2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật quy hoạch sử dụng đất
Pháp luật quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xây dựng, quản lý, thực hiện hoạt động quy hoạch sử dụng đất, mà quy hoạch sử dụng đất lại mang trong mình những đặc điểm riêng biệt như đã trình bày tại phần 1.1.1 của luận văn này, pháp luật quy hoạch sử dụng đất vì vậy chịu sự tác động, chi phối của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, lịch sử và đặc biệt là chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
1.2.2.1. Yếu tố chính trị
Mối liên hệ giữa chính trị và pháp luật thể hiện tập trung nhất trong quan hệ với đường lối chính sách của đảng cầm quyền với pháp luật của nhà nước. Pháp luật về đất đai nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng mang đậm nét tính giai cấp, thể hiện rõ nét yếu tố chính trị. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, Nhà nước thể hiện quyền lực, thể hiện quyền định đoạt đối với đất đai bằng việc quy định mục đích sử dụng đất cho từng diện tích đất, từng vùng đất cụ thể. Việc quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo cân đối nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân không ngoài mục tiêu ổn định quan hệ xã hội, giữ vững thể chế chính trị với những mục
tiêu, chiến lược sử dụng đất phù hợp. Có thể khẳng định: pháp luật quy hoạch sử dụng đất chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố chính trị. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, quan điểm, đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng được cụ thể hóa, như quan điểm bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, quan điểm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, quan điểm đầu tư xây dựng và phát triển nguồn nhân lực như thế nào, định hướng phát triển từng vùng kinh tế trọng điểm ra sao21.
1.2.2.2. Yếu tố kinh tế
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, nước ta xây dựng mô hình kinh tế “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với định nghĩa “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.Với vai trò vừa hàng hóa đặc biệt, đất đai được tiền tệ hóa để tham gia vào nền sản xuất hàng hóa với tính chất vừa là tư liệu sản xuất, vừa là tư liệu sinh hoạt, vừa là nguồn vốn đầu tư phát triển. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất ngày càng có ý nghĩa to lớn trong việc điều phối quan hệ cung, cầu đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới hiện nay ở nước ta, nhằm sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển kinh tế của đất nước22.
Quy hoạch sử dụng đất tối đa hóa giá trị của bất động sản, theo đó việc sử dụng đất được quyết định trên cơ sở động lực của thị trường, quy hoạch sử dụng đất trở thành sản phẩm của thị trường23. Căn cứ quy hoạch sử dụng đất sẽ làm thay đổi giá trị của mỗi thửa đất trong vùng quy hoạch. Trong khi quy hoạch sử dụng đất phản ảnh kinh tế vùng thì đồng thời kinh tế là một trong các yếu tố đầu vào của quyết định quy hoạch thành phố hay một vùng rộng hơn. Do vậy, yếu tố kinh tế tác động mạnh mẽ đến quy hoạch, đặt ra yêu cầu đối với quy hoạch sử dụng đất phải làm sao để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, địa phương nói riêng nhằm giải quyết thỏa đáng vấn đề đất đai, giúp hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế.
21Lê Thị Phúc (2014), Pháp luật về quy hoạch sử dụng đất qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, luận án Tiến sĩ Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.55
22Hội Khoa học đất Việt Nam (2007), Hội thảo khoa học về Quy hoạch sử dụng đất, Kỷ yếu, ngày 24/8/2007, Hà Nội, tr.56.
23Hội Khoa học đất Việt Nam (2007), Hội thảo khoa học về Quy hoạch sử dụng đất, Kỷ yếu, ngày 24/8/2007, Hà Nội, tr.56.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, quy hoạch sử dụng đất càng phát huy vai trò quan trọng của nó. Quy hoạch sử dụng đất có thể xem là yếu tố góp phần không nhỏ trong công cuộc thay đổi “diện mạo” của Việt Nam trên trường Quốc tế24. Quy hoạch sử dụng đất trong cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế sẽ được tiếp cận theo hướng đưa đất đai trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra lợi nhuận bằng các hoạt động phát triển25.
Pháp luật quy hoạch sử dụng đất vì thế cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố kinh tế, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay của nước ta.
1.2.2.3. Yếu tố văn hóa - xã hội
Với mục tiêu phát triển bền vững, quy hoạch sử dụng đất cần phải cân đối để dung hòa và thỏa mãn các nhu cầu sử dụng đất của những nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Một trong các yêu cầu của quy hoạch sử dụng đất còn là nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Với những đặc trưng của đất đai, để quy hoạch sử dụng đất đạt được những yêu cầu, mục tiêu thì quy hoạch sử dụng đất còn phải căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán của từng vùng lãnh thổ. Từ yếu tố tâm lý, tín ngưỡng, văn hóa phong tục, tập quán mà các nhà quy hoạch đất quyết định các chỉ tiêu đất đai cho từng ngành, từng nhu cầu khác nhau.
Pháp luật quy hoạch sử dụng đất lúc này không chỉ bị chi phối bởi ý chí chủ quan của Nhà nước mang yếu tố chính trị và tình hình phát triển kinh tế, yếu tố hội nhập mà còn bị chi phối bởi các yếu tố văn hóa - xã hội. Từ những đặc trưng kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau sẽ có chiến lược quy hoạch sử dụng đất khác nhau ví như đều là thành phố đô thị loại đặc biệt nhưng rõ ràng quy hoạch sử dụng đất thành phố Hồ Chí Minh phải đặt ra yêu cầu, định hướng khác quy hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội, đồng thời cùng là các quận ngoại thành nhưng quy hoạch của quận Long Biên phải khác với quy hoạch của quận Nam Từ Liêm.
1.2.2.4. Yếu tố lịch sử
Đất đai ngoài vai trò tư liệu sản xuất, hàng hóa thì còn mang ý nghĩa thể hiện chủ quyền quốc gia. Đặc biệt với một quốc gia như Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử chính là quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ lãnh thổ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hàng nghìn năm qua nhận thức vai trò quan trọng của nguồn tài nguyên
24Doãn Hồng Nhung (2012), Pháp luật về quy hoạch không gian xây dựng đô thị, Nxb Xây dựng, Hà Nội, tr.40.
25Tôn Gia Huyên, Nguyễn Đình Bồng (2006), Quản lý đất đai và thị trường bất động sản, Nxb Bản đồ, Hà Nội, tr.47.
này nên vấn đề đất đai luôn được toàn xã hội quan tâm26. Để có được vốn đất như hiện nay là công sức xương máu của không biết bao thế hệ, từng thửa đất, vùng đất, lãnh thổ đều là những thành quả lao động của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử.
Quy hoạch sử dụng đất là ý đồ sử dụng đất, là việc sắp xếp, bố trí việc sử dụng đất cho tương lai, vì vậy việc tính toán lựa chọn phương án sử dụng đất không thể tách rời hiện trạng sử dụng đất hiện tại với nhiều dấu ấn lịch sử. Vì vậy, pháp luật quy hoạch sử dụng đất cũng bị chi phối, tác động mạnh mẽ bởi yếu tố lịch sử.
1.2.2.5. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai
Ở Việt Nam pháp luật quy hoạch sử dụng đất là phải đảm bảo nguyên tắc:
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Đối với quy hoạch sử dụng đất của cả nước, cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội trực tiếp xét duyệt và quyết định trên cơ sở quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng về quy hoạch sử dụng đất. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, Nhà nước phân bố sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên diện tích đất hợp lý cho nhu cầu bảo đảm an toàn lương thực quốc gia và diện tích đất cho an ninh - quốc phòng. Khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu thì việc lập quy hoạch, kế hoạch cũng cần lấy ý kiến nhân dân – những người chủ sở hữu, có quyền và trách nhiệm liên quan trực tiếp giúp cho quy hoạch, kế hoạch thực sự hợp lý và khả thi.