Mục đích của giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và thực tiễn thi hành tại tỉnh hải dương (Trang 27 - 30)

Mục đích của giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thể hiện ở một vài khía cạnh pháp lý như sau:

Một là, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện một trong những nội dung quản lý nhà nước bảo đảm quyền khiếu nại tố cáo của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước, thông qua hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định có trách nhiệm giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, những bất đồng, mâu thuẫn của người có đất bị thu hồi đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền ra các quyết định có liên quan trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, GPMB. Những băn khoăn, vướng mắc, những bất đồng của người có đất bị thu hồi có thể đúng, có thể chưa đúng do nhiều nguyên nhân khác nhau, song trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bất đồng đó.

Hai là, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất góp phần vào việc duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Khi những băn khoăn, vướng mắc, những mâu thuẫn, bất đồng được giải quyết bằng một quyết định của cơ quan có thẩm quyền, quyền lợi hợp pháp của các bên đã được bảo đảm, các bên sẽ hạn chế được các xung đột phát sinh. Đây là điều quan trọng có tác dụng đẩy lùi và ngăn ngừa các khiếu nại khác xảy ra. Thông qua đó, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đất đai; đồng thời tăng cường tính pháp chế XHCN trong lĩnh vực đất đai.

Ba là, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất góp phần vào việc nâng cao ý thức pháp luật đất đai cho người dân nói chung và của người sử dụng đất nói riêng. Đồng thời, cũng là cơ chế bảo đảm trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ thực thi công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất;

Bốn là, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất góp phần vào việc củng cố chế độ sở hữu toàn dân về đất đai;

đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Mặt khác, thông qua hoạt động này góp phần vào việc tăng cường pháp chế;

đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đất đai ...

Năm là, đây cũng là phương thức nhằm giám sát hoạt động của Nhà nước, kiểm soát quyền lực của nhân dân. Thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, chúng ta lại một lần nữa kiểm tra tính đúng đắn của các quyết định hành chính của các cán bộ quản lý nhà nước về đất đai; kiểm tra năng lực, trình độ, trách nhiệm và thậm chí là đạo đức nghề nghiệp của cán bộ đối với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

1.2. Lý luận pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

1.2.1. Khái niệm và đặc điểm pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Bất cứ một lĩnh vực nào, một quan hệ xã hội nào phát sinh trong đời sống xã hội cũng rất cần đến sự điều chỉnh của pháp luật, nhằm định hướng

các quan hệ này đi theo một trật tự chung thống nhất, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, của các bên tham gia quan hệ và vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Pháp luật được xem là một trong những phương thức hiệu quả để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Hệ thống pháp luật được chia thành những bộ phận cấu thành khác nhau để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội riêng biệt, nhưng có sự tác động qua lại với nhau, bảo đảm cho các quan hệ này tồn tại, phát triển hợp quy luật. Trên phương diện lý luận: Chế định pháp luật là một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một quan hệ xã hội có đặc điểm chung, có mối liên hệ mật thiết với nhau thuộc cùng một loại”7 . Như vậy, có thể hiểu: Pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khiếu kiện đối với quyết định hành chính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất hoặc hành vi hành chính của cán bộ, công chức thực hiện công tác này, nhằm bảo đảm quyền của người khiếu nại, bảo đảm pháp chế XHCN.

Pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất có một số đặc điểm pháp lý như sau:

Thứ nhất, pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cụ thể hóa quyền khiếu nại là một trong những quyền lợi cơ bản của công dân đã được được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điều 30). Khiếu nại trong lĩnh vực bồi thườg khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng nếu được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân, phát huy được quyền dân chủ của công dân trong việc tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, chống các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, buôn lậu

7 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, Hà Nội, 2012.

tr 358.

và các biểu hiện tiêu cực khác, góp phần bảo vệ kỷ cương pháp luật, mở rộng thiết chế XHCN, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Thứ hai, pháp luật về giải quyết khiếu nại khi Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi

Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai nên Nhà nước có quyền phân bổ và điều chỉnh đất đai cho các mục tiêu kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở đó, Nhà nước có quyền thu hồi đất của người này để chuyển giao cho người khác, song cũng chính với vai trò là chủ sở hữu đại diện duy nhất đối với đất đai, nên để tránh sự lạm quyền, độc quyền, tùy tiện trong thu hồi và bồi thường khi thu hồi đất; đồng thời, thể hiện vai trò của Nhà nước là “đại diện” cho toàn thể nhân dân. Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải quy định rõ và chặt chẽ về căn cứ thu hồi đất, các nguyên tắc, điều kiện bồi thường, nội dung bồi thường và trình tự thủ tục thực hiện việc bồi thường. Chính bởi lẽ đó mà pháp luật giải quyết khiếu nại khi Nhà nước thu hồi đất cũng cần bảo đảm xem xét trong quy trình giải quyết toàn diện những nội dung nêu trên.

Thứ ba, ở mỗi địa phương khác nhau, khi thực hiện việc giải quyết khiếu nại khi Nhà nước thu hồi đất thì bên cạnh việc tuân thủ pháp luật chung thì cần thiết phải chú trọng tới đặc điểm của yếu tố vùng miền, địa phương để có những định hướng và giải pháp cho phù hợp, linh hoạt và hiệu quả, bởi giữa các địa phương có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên văn hóa xã hội, dân trí cũng như là năng lực của cán bộ thực thi chính sách.

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và thực tiễn thi hành tại tỉnh hải dương (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)