Chương 1: LỄ THỨC TANG MA CỦA NGƯỜI NÙNG Ở CAO BẰNG - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Điều kiện, cơ sở hình thành lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng
1.2.1. Điều kiện tự nhiên – xã hội, văn hóa tác động đến sự hình thành lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng
- Khái quát về con người, nguồn gốc dẫn đến hình thành lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng
Ở Cao Bằng người Nùng có 157.607 người chiếm 31,075%, phân bố hầu hết ở các huyện và thành phố Cao Bằng, nhưng tập trung chủ yếu ở các làng, xã nông thôn. Người Nùng ở Cao Bằng bao gồm các nhóm: Nùng Phàn Slình; Nùng Lòi (Nùng Lôi; Nùng Inh; Nùng An; Nùng Skít và Nùng Hảm Sich (chiếm tỷ lệ rất ít và chỉ có ở huyện Thông Nông – Cao Bằng); Nùng Khen Lài; Nùng Piảng; Nùng Xuồng; Nùng Giang;…
Nguồn gốc và ngôn ngữ: Người Nùng ở Cao Bằng phần lớn di cư từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang cách đây khoảng 200 – 300 năm trước cùng với người Tày. Người Nùng Cao Bằng có cùng nhóm ngôn ngữ Tày – Thái,
hệ Thái – Ka Đai, cùng nhóm ngôn ngữ với dân tộc Tày, Thái và người Choang ở Quảng Tây (Trung Quốc)
- Tình hình nơi cư trú: Người Nùng ở Cao Bằng sống chủ yếu tập trung ở các ven đồi núi, thung lũng những nơi gần sông suối, có điều kiện đi lại khá thuận lợi, nơi đan xen sống hòa nhập với người Tày cùng với các dân tộc khác.
- Văn hóa trồng trọt: Vì chưa có điều kiện khai phá nhiều đất canh tác nên người Nùng ở Cao Bằng hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng lúa nước. Và làm nương rẫy họ trồng ngô là chính ngoài ra còn trồng một số loại củ quả.
- Nghề thủ công: Ở Cao Bằng có 21 nghề truyền thống, người Nùng làm các nghề như: Đan lát, thổ cẩm, dệt, hương nhang, làm giấy bản, làm gương, đường phên, làm gỗ mộc, chạm khắc đồ đá, làm ngói. Từ truyền thống lâu đời, người Nùng An ở Phúc Sen (Quảng Uyên – Cao Bằng) có nghề rèn nổi tiếng, và nghề làm ngói Âm Dương, ngói bán viên thuộc bộ phận người Nùng An vì họ có truyền thống lâu đời.
Về hoạt động trao đổi, mua bán: Chợ của người Nùng thường là 5 ngày một lần, người Nùng mua bán các sản phẩm hàng hóa, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp và các đồ dùng phục vụ cuộc sống hàng ngày khác.
- Nhà ở: Theo truyền thống, người Nùng Cao Bằng sống chủ yếu ở nhà sàn, hoặc nhà đất có mái ngói, vách đất, thường để gia súc, gia cầm và các vật dụng nông nghiệp ở dưới gầm nhà sàn, hay bên cạnh nhà đất.
- Ăn uống: Các loại lương thực như gạo, ngô, các loại củ quả và các loại gia súc, gia cầm hoặc thông qua săn bắt, hái lượm.
- Trang phục: Quần áo nữ giới và nam giới khác nhau ở cạp quần, nữ giới cạp màu xanh khâu đáp thân quần, còn nam giới cạp quần là vải trắng.
Nam giới có cổ đứng, xẻ ngực và có hàng cúc bằng vải còn nữ giới mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, tà xẻ cao, cổ đứng, áo ngắn chỉ đến thắt lưng, nhuộm chàm màu đen.
− Về phong tục tang ma: người Nùng quan niệm rằng việc lo chu đáo tang ma cho ông bà, cha mẹ là một hình thức báo hiếu quan trọng nhất.
1.2.2. Cơ sở tín ngưỡng, thế giới quan, nhân sinh quan hình thành lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng
Từ những cơ sở về nguồn gốc dân tộc, về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc, điều kiện sinh hoạt, sản xuất vật chất thực tiễn tang ma người Nùng còn dựa trên cơ sở tín ngưỡng, những quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của mình để nhìn nhận, ứng dụng vào tang ma.
Quan niệm thế giới gồm ba cõi là Trời cha, Đất mẹ, và Người, con người được sinh ra ở giữa trời đất này, nên người Nùng quan niệm, khi chết thể xác về với đất mẹ, linh hồn về với trời cha, về với tổ tiên, chết là con người giã từ cõi dương để về cõi âm, nơi dành cho ma quỷ, các linh hồn.
Cùng với đó, người Nùng cũng có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bàn thờ tổ có “Mẹ Va”, “Mẹ Bjoóc” và tổ tiên, ông bà tổ tiên theo quan niệm là người có vai trò giúp canh giữ nhà cửa thường hay gọi với tên tục là “phi slườn”
(ma nhà) [32; tr.100 – 101].
Bên cạnh việc thờ các loại ma quỷ siêu nhiên, còn có tục thờ các vị thần, như thần “Mẹ Chao” (thần bếp), thần Thổ công, thổ địa là nơi canh giữ và bảo vệ mọi người trong làng khỏi ma quỷ, và làm cho mọi người yên lành, mọi sự như ý. Bên cạnh đó người Nùng còn thờ vị thần dân tộc, anh hùng dân tộc có sức mạnh siêu nhiên nhất là thần dân tộc Nùng Trí Cao (gốc tích ở xóm Bó Mèo, Hoàng Hải, Quảng Uyên, Cao Bằng, quê ngoại huyện Hòa An, Cao Bằng).
Người Nùng với sự tiếp thu tinh hoa trên tinh thần của Tam giáo, chủ yếu là Đạo giáo, với những quan niệm của mình trong cuộc sống hàng ngày, họ tồn thờ các đồ đệ dưới trần gian của Thái Thượng Lão Quân, đó là các vị thầy Tào, Mo, Pụt. Thầy Tào là bậc thầy cao nhất, có đầy đủ sách vở, công cụ hành nghề, chuyên làm tang ma, và thầy Tào có thể kiêm luôn cả Mo và Pụt.
Còn Mo là người chữa bệnh cho người dân với chiếc chiêng nhỏ của mình, Pụt là người có vai trò bói toán, làm lễ cầu an, chuộc hồn, cả Mo và Pụt đều là đệ tử của thầy Tào. Những người này có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, cũng như đời sống tâm linh, họ được coi là những người thông thiên nhãn, là chiếc cầu nối thế giới tâm linh, có sức mạnh thông linh giữa trời đất và con người, vì vậy mà họ có vị trí nhất định.
Người Nùng thể hiện quan niệm về thế giới và con người qua những câu chuyện dân gian, thần thoại. Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia Trời và Đất vẫn giao nhau, chỉ cần với tay là có thể chạm được trời.
Từ những cơ sở đó, có thể thấy được người Nùng ở Cao Bằng có những quan niệm chất phác về thế giới quan, cũng như nhân sinh quan được thể hiện qua những hình ảnh giản dị, mộc mạc gắn liền với cuộc sống lao động truyền thống bao đời.
Từ những cơ sở này làm nảy sinh ra lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng, từ những tư tưởng của Nho, Phật, Lão được tiếp thu một cách chọn lọc kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dân gian, quan niệm về thế giới, về con người, và vai trò của thầy Tào đã xuất hiện nghi thức tang ma truyền thống của dân tộc.