Chương 1: LỄ THỨC TANG MA CỦA NGƯỜI NÙNG Ở CAO BẰNG - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.3. Khái quát cấu trúc, quy trình và đặc điểm lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng
1.3.1. Cấu trúc, quy trình thực hiện lễ thức tang ma của người Nùng ở
Với quan niệm người Nùng ở Cao Bằng, việc thực hiện tang ma (phi thai) là thực hiện lòng hiếu đạo, tức thể hiện lòng kính yêu với cha mẹ, ông bà của mình, nên trong khi thực hiện tang ma, không nên có sự thiếu sót nghi thức nào.
Về cấu trúc tang ma của người Nùng ở Cao Bằng là một hệ thống, quy trình nghi lễ truyền thống, tang ma của người Nùng ở Cao Bằng cũng giống người Tày và các nhóm Nùng địa phương khác, bao gồm nhiều nghi lễ được thực hiện theo đúng chuẩn mực quy trình tiến hành tang ma đó là: Lễ “khảu phi”
(phát tang), lễ “lẩu” (các lễ tế rượu), lễ “oóc phi” (đưa tang) và các lễ sau tang.
Để tiếp cận các nghi lễ này, luận văn sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu, trực tiếp phỏng vấn các thầy Tào, các cụ cao tuổi và những người có hiểu biết sâu về lễ tang của người Nùng. Đồng thời, luận văn còn sử dụng phương pháp phỏng vấn tham dự trong quá trình tang lễ diễn ra để làm rõ bản chất của đối tượng nghiên cứu. Cụ thể, cấu trúc và quy trình thực hiện tang ma của người Nùng ở Cao Bằng được tổng quát lại như sau:
1.3.1.1.Các nghi lễ trước khi phát tang
Lễ rửa thi thể, mặc quần áo( “nùng slửa khóa, áp đang” ), Trong gia đình vừa có người chết, thì những người trong gia đình vuốt mắt cho nhắm hẳn, rồi nắm cho chân tay duỗi thẳng, Sau đó, đặt thi thể người chết ở giữa nhà (hoặc ở nguyên giường ngủ), con cháu đun nước sôi rồi vò lá bưởi để rửa thi hài, cắt ít tóc, sắp xếp quần áo mới, người chết được bỏ trang sức người chết ra, để nguyên vẹn trở về với đất “đối với nhà không có điều kiện thì bỏ trang sức người chết ra, còn nhà giàu – có điều kiện thì trang sức vẫn để (để vòng tay, hoa tai), nếu những người chết đã làm thọ 61, 73 tuổi thì để “xắng cáng” (trang sức bằng đồng) – vòng tay thọ, phúc, sinh mệnh” 1, nếu là thầy Tào, Mo, Pụt thì mặc quần áo nghề và xếp sách vở bên cạnh. Con cháu tắm rửa cho người chết bằng nước lá bưởi để loại bỏ ô uế, bụi trần và quan niệm rằng, người chết thơm tho, sạch sẽ khi qua thế giới bên kia. Sau đó cắt một ít tóc để dành, tiến hành mặc quần áo, “nam 7 áo, 3 quần; nữ 9 áo, 3 quần”, đi
1Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 11 tháng 5 năm 2018, tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
đầy đủ tất, mũ, giày dép,… và che mặt người chết bằng vải trắng, hoặc giấy màu trắng. Cuối cùng là thông báo cho làng xóm biết bằng ba tiếng súng kíp, hoặc mõ, kẻng, hoặc báo với hội trưởng hội hiếu để họ thông báo thay. Sau đó gia đình người quá cố bắt đầu đeo khăn tang trắng.“ gia đình tắm rửa bằng nước lá bưởi để loại bỏ các ô uế, bụi trần, để cho thân thể thi hài thơm tho sạch sẽ, sau đó sẽ tiến hành mặc quần áo đi đầy đủ tất; mũ; giày dép cho người chết,. và người thân trong gia đình sẽ mang bông lúa nếp đi xin tro họ để lấy về rang cho khô để chuẩn bị cho rải tro nhập quan, người con gái trong gia đình rang tro, gạo nếp, chè để chuẩn bị rải quan với tác dụng hút ẩm, mùi hôi thối từ quan tài và thân thể người chết, sau đó sẽ bắn ba tiếng súng kíp, hoặc thông báo bên hội hiếu) ba hồi để thông báo cho Trời – Đất, làng xóm biết rằng gia đình có người thân đã mất, sau đó gia đình cùng anh em họ hàng, và bên hội hiếu bàn bạc tìm thầy Tào”2.
Lễ mời thầy Tào (thẳng slay), Sau khi anh em họ hàng, và người thuộc hàng phe, hội hiếu biết tin có người chết, mọi người bàn bạc với gia chủ xem chọn “thầy nào có uy tín, pháp lực cao và “lình” (linh thiêng) và “chắc sưởng đay” (biết đọc văn tế tốt – nếu thầy Tào làm dở thì sẽ làm hỏng tang ma), ưu tiên chọn “slay ké” (thầy già) hoặc có quan hệ họ hàng với gia đình”3, những người được cử đi mời thầy Tào mang theo ba nén nhang, ba tờ giấy (tiền) vàng quỳ trước nhà Thầy và báo nơi này có gia đình này, ông (bà) này vừa chết, xin thầy về làm ma giúp. Thầy nhận lấy lễ vật và dâng bàn thờ thánh xin phép được đi làm ma, và mong thần trông giữ nhà cửa hộ khi đi vắng và thầy dẫn âm binh của mình đi cùng, đoàn thầy gồm thầy cả, thầy thư ký và hai người đệ tử đi cùng.
2 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày ngày 5 tháng 2 năm 2018, tại , xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
3 Tư liệu thông qua trò chuyện trực tiếp cộng đồng thông qua lời ông Hoàng Văn Đô vào tháng 3 năm 2018, tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
Lễ gánh tội (căm tội), Khi thầy Tào về đến nhà thì con trai trưởng và con cháu trong nhà quỳ trước nhà đón thầy Tào, thầy làm phép buộc sợi chỉ bằng giấy bản vào tóc cho người con trai trưởng, với ý nghĩa là người này có tội và để mất cha mẹ, nên phải gánh tội cho đến khi hết tang, “trong lúc “căm tội” thì tang chủ(người trai trưởng) phải ngậm khăn tang khi giao tiếp với khách khứa, vì người Nùng quan niệm rằng, nếu không ngậm khăn thì thi thể sẽ thối rữa không được nguyên vẹn.”4. Khi thầy Tào vào đến trong nhà thì đầu tiên là nghỉ ngơi và xem xét việc chuẩn bị tang lễ của gia chủ, rồi thầy lập bàn thờ thánh, treo các bức thập điện Diêm Vương, bức tranh Tổ (Đạo giáo);
viết các sớ; câu đối công văn, các tờ “phan”,... để phục vụ cho đám tang.
Lễ báo thổ công (pao thổ công), Thầy Tào cùng gia đình đi ra miếu thổ công ở làng để báo cáo rằng “gia đình người này có ông (bà) này, (làng) xóm này vừa chết, xin phép thổ công cho thầy Tào pháp lực để cùng gia đình thực hiện tang lễ”5, lễ vật gồm gà, xôi, bánh trái và thắp nhang khấn xin phép.
Lễ tắm rửa (slào đang, nả), Sau khi thầy Tào và gia đình trình báo thổ công về thì tiến hành lễ “rào đang, rào nả” (tắm rửa, rửa mặt) cho người chết, ở lễ này thì thầy Tào cùng con cháu trong gia đi ra mỏ nước, bở suối để xin nước Long Vương với lễ vật như con gà, bát xôi, nhang, treo tờ “mình tinh”
(mệnh tinh – vải trắng ghi tên tuổi, ngày, giờ, tháng, năm mất), ở dưới là đặt một chiếc bánh dày, và thầy cầm tờ “phan” vái lạy bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây cùng các thần, và thầy trình báo họ và tên, ngày, giờ tháng, năm sinh và mất của người chết để xin Long Vương lấy nước trong sạch về rửa thi thể”6. Sau đó con cháu cùng thầy về nhà đặt chậu nước đã được phù phép, lần
4 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 11 tháng 5 năm 2018, tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
5 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 5 tháng 2.năm 2018, tại , xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
6 Tư liệu phỏng vấn thầy Tào Long Văn Du (48 tuổi) ngày 15 tháng 2,năm 2018 tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải huyện, tỉnh Cao Bằng.
lượt con cháu được thầy Tào đọc tên đến rửa mặt (tượng trưng) cho người chết đến khi hết toàn bộ con cháu trong gia đình
Lễ khâm liệm (quắn phải), Trước khi khâm liệm con cháu đặt đồng bạc vào miệng người chết và “dặn dò rằng, bố mẹ đi về nơi trong sạch ở thiên đàng, đừng đi xuống nơi địa ngục ô uế”7. Cũng theo tác giả Chu Thái Sơn cho rằng: “Pác mì khang, mì lếch” (miệng có gang, cằm có sắt), xuất phát từ quan niệm rằng để người chết “nặng miệng”, không thể phát ngôn một cách tùy tiện về gia đình ảnh hưởng đến con cháu về sau‟‟ [32; tr. 93 – 94] . Gia đình cùng sự giúp đỡ của hàng phe tiến hành lễ khâm liệm, đối với người chết là nam sẽ được quấn 7 tấm vải “phượn” bên ngoài được thắt 7 nút (nút áo), nữ là 9 tấm vải, ngoài thắt 9 nút – thường là rộng 1m – 1,2m và dài từ 2m – 2,2m, đây là hình thức “đắp chăn, chiếu” cho người chết. Những tấm vải này được con cháu trong gia đình, dòng họ mang đến để đóng góp, sau khi đã thực hiện đủ số tấm vải như trên thì con cháu sẽ quấn thêm số vải “phượn”
còn lại cho người chết, có thể hiểu rằng thực hiện đúng số lượng là đại liệm chính, còn tiểu liệm là quấn số tấm vải còn lại do con cháu họ hàng mang đến.
Khi kết thúc lễ khâm liệm này thì người chết được đặt ở giữa nhà, mắc màn 3 góc, tượng trưng cho việc người chết không thể thấy được sự đau buồn, thương xót của người thân, và cũng để phân biệt giữa người sống 4 góc màn (tượng trưng cho 4 hướng của nhân gian) và người chết, trên màn đặt một tấm vải màu trắng.
Lễ đại siêu (hồi slay), Đây là nghi lễ đặc biệt thường thực hiện dành cho thầy Tào, những nhà có điều kiện hoặc nguyện vọng của các cụ già (tang ma bình thường không có lễ này). Nghi lễ nói phản ánh nguyện vọng của các cụ già mong muốn được con cháu làm lễ đại siêu (trước khi nhập quan) cho
7 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 11 tháng 5, năm 2018, tại , xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
mình nhằm mục đích cho linh hồn được “siêu sinh tĩnh độ”. Bằng cách vực người chết dậy ngồi trên ghế tựa, đầu đội nón, hai chân đi giày, đặt trên vải trắng, và thầy Tào tụng kinh, dâng sớ nhằm đưa người chết đi đến thiên đàng, về với Phật [36; tr. 51]. Và lễ này “thực ra ai chết làm cũng được, nhưng với người Nùng thường chỉ dành cho người làm thầy Tào chết mới vực dậy ngồi trên ghế, mặc quần áo, thường gọi làm hoàn thầy, tức là từ nay sẽ dứt kiếp thầy ở nhân gian và được lên thiên đàng”8. Lễ đại siêu là trường hợp riêng biệt dành cho tang ma của thầy Tào người Nùng ở Cao Bằng.
Lễ nhập quan (khảu quan tài), Với lễ này, đầu tiên đươc thầy Tào xem xét thời gian, xem ngày, giờ có bị “trùng tang” (có thể đã được xem xong trước bởi thầy Tào trước khi thầy đến làm), nếu chưa đúng giờ, ngày tốt thì chưa được nhập quan, thầy Tào sẽ về trước rồi đúng ngày, giờ đó sẽ tiến hành, trong trường hợp đã có thể nhập quan, nhưng chưa chọn được ngày, giờ phát tang (khẩu phi), thầy Tào cũng sẽ dừng lại và đợi đến ngày tốt để phát tang. “Việc lựa chọn ngày, giờ tốt thường được thầy Tào lựa chọn trước, trường hợp nếu thầy Tào chưa chọn được giờ nhập quan thì sẽ lùi lại và đợi đến giờ tốt mới nhập, cũng như nếu chưa chọn được ngày phát tang thì sẽ để lùi lại sau đó”9. Việc chọn thời gian nhập quan rất quan trọng vì vừa để tránh
“trùng tang”, vừa để tiến hành mọi sự thuận lợi và sau này của con cháu trong gia đình.
Việc nhập quan được cử hành như sau: Dưới quan tài được lót một lớp tro bếp, ở trên có một lớp gạo nếp khô (bỏng nếp) – được gia đình xin từ anh em họ hàng, làng xóm từ khi có người mất, được con gái, dâu trong gia đình sấy khô, sàng mịn, hoặc thêm trong đó chè khô, việc rải tro bếp nhằm để hút
8 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 25 tháng 3 năm 2018, tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
9 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) và thầy Tào – Hoàng Vĩnh Lạc (47 tuổi) ngày 10 tháng 2, năm 2018 tại , xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
ẩm, mùi hôi thối và tránh cho thi thể bị thối rứa trong thời gian diễn ra tang lễ, trên cùng là tấm vải trắng (thường có kích thước lớn hơn quan tài). Đầu tiên, thầy Tào làm lễ ở bàn thánh (kiêm thầy thư ký người Nùng không có sự phân biệt “slay cốc” và “slay thư ký” tức thầy Cả, thầy thư ký như người Tày), viết các sớ để trình báo tổ tiên, Ngọc Hoàng, và thu phục hồn bằng các bùa chú vào áo quan, rồi làm lễ kính các vị thần như Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân, Long Vương, Thổ Công, Thập điện Diêm Vương để về soi sáng cho linh hồn được nhập xác, thấy rõ được đường lên thiên đàng, vừa đọc cúng vừa dùng kiếm, hoặc tay, dụng cụ của mình xúc tro vào quan tài trước, cầu cho linh hồn được siêu thoát nơi thiên đàng và chúc cho gia đình được bình an, và lần lượt con gái hoặc con dâu rắc bột tro, chè lên quan tài và ôm thi thể vào trong quan tài và phủ bằng vải trắng kín toàn bộ thi thể của người chết, thầy Tào dùng phù phép thu linh hồn vào áo quan, hơ nhang lần nữa rồi con cháu sẽ bỏ vào quan tài các vật dụng của người chết và được thầy ghi lại vào sớ cùng tên con cháu, và Ấn của Ngọc đây coi như việc bàn giao lại của người sống và người chết. Và nắp quan tài được đóng và chốt lại, quan tài được phủ bằng vải màu vàng, và được thầy Tào làm phép và thực hiện chạy bốn vòng, chỉ kiếm vào bốn góc để khóa chặt linh hồn, ma quỷ, và thầy cấp giấy “thông hành” để lên đường. Sau đó thì thầy Tào tiến hành lập bài vị
Lễ lập bài vị, Sau khi nhập quan xong, thì thầy Tào làm lễ quét trước quan tài với mong muốn được nơi người chết nằm trong quan tài được sạch sẽ, và cúng cơm để thỉnh linh hồn và các thần, ma quỷ ăn cùng để về trời và
“thầy làm lễ buộc con gà kẹp lại bằng hai cây (hoặc đũa) vắt chéo nhau lại và bóp cổ chết (gà này dùng để chôn lúc hạ huyệt) và thắp hương lên gà để phong ấn linh hồn”10. Sau đó dùng lệnh bài làm phép lên chữ Phúc và Thọ
10 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 10 tháng 5, năm 2018, tại , xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
mỗi đầu quan tài với mong muốn linh hồn được hưởng phúc trên thiên đàng và được trang trí lại bởi hang phe, hoặc con cháu. Và con cháu đặt một đèn dầu lên đầu quan tài sau đó "làm bài vị bằng giấy màu vàng ghi họ tên, ngày giờ mất, trước bài vị được đặt di ảnh, cúng một quả trứng, bát gạo nếp, đũa và đèn dầu thắp sáng và hoa quả bánh trái cúng"11.
1.3.1.2. Các nghi lễ trong quá trình phát tang (Khảu phi)
Lễ phát tang, ăn chay (khảu phi), Khi tiến hành lễ này thì con cháu dưới sự hướng dẫn của thầy Tào mặc tang phục đến quỳ lạy trước linh cữu rồi mặc tang phục. Tang phục của người Nùng ở Cao Bằng rất đơn giản, người con trai thì mặc quần tang vải xô với hai hàng nút ở trước, đầu đội mũ tre được bọc bằng giấy bản, có thắt lưng màu trắng, bên hông được dắt thêm dao, và chống gậy tre . Còn con gái và con dâu thì tang phục về cơ bản là áo tang có nút chéo nách và mũ tam giác trùm đầu, có thắt lưng và cũng chống gậy tương tự. Thầy đọc sớ phát tang và con cháu vái lạy đủ ba lần. Sau khi phát tang thì con cháu ăn chay và bắt đầu khóc.
Lễ trao nhà táng (slườn phi), Lễ này được thực hiện sau khi phát tang (khảu phi), "thầy Tào thay mặt tang gia dâng sớ trao tặng cho linh hồn người chết “slườn phi”(nhà táng)"12 mong muốn ông bà, bố mẹ sẽ nhận được nhà cửa để an cư nơi thiên đàng, đó cũng là việc báo hiếu của con cháu. Sau khi chụp nhà táng lên thì con cháu tiến hành quỳ lạy mong người chết thụ hưởng, con cháu cũng phủ, buộc lên trên nhà táng những tấm vải đen và trắng (đen ở giữa).
Lễ dâng cơm (chàu ngài), Trong lễ này con cháu cúng tổ tiên bằng lợn, báo cho tổ tiên tiếp nhận người chết và con cháu làm lễ “thư khảu” tức
11 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi) ngày 10 tháng 5 năm 2018, tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
12 Tư liệu phỏng vấn ông Hoàng Văn Inh (49 tuổi)) ngày 10 tháng 5 năm 2018, tại xóm Bó Mèo, xã Hoàng Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.