Chương 2: LỄ THỨC TANG MA CỦA NGƯỜI NÙNG Ở CAO BẰNG – NHỮNG KHÍA CẠNH TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
2.2. Những vấn đề đặt ra
2.2.1. Những giá trị truyền thống cần bảo tồn và phát huy trong lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng hiện nay
Trong lễ thức tang ma của người Nùng mang những đặc trưng cho người Nùng, đó là sự kết hợp tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thần của mình với sự hỗn dung của tôn giáo và một số tín ngưỡng khác đã tạo nên bản sắc riêng trong tang ma của người Nùng.
Tang ma của người Nùng ở Cao Bằng là tổ hợp các nghi lễ theo một nguyên tắc hệ thống, được thực hiện theo một trình tự có trước có sau và theo trình tự thời gian nhất định nên đã mang lại những giá trị của các lễ trong ma, và đã thể hiện những quan niệm về thời gian của mình ở trong đó.
Với sự hỗn dung tư tưởng trong học thuyết Âm Dương – Ngũ Hành, tang ma của người Nùng đã thể hiện việc áp dụng học thuyết để quan niệm về
“thế giới bên này” và “thế giới bên kia” hay “Dương” là Trời Cha; “Âm” là Đất Mẹ. Cùng với những quan niệm thô sơ, chất phác về thế giới, do sự ảnh hưởng lớn của Đạo giáo trong quan niệm về vũ trụ đã nảy sinh ra Tam giới (Trời – Đất – Người), con người sống giữa tự nhiên này, và khi chết thể xác cũng về tự nhiên, về với Đất, linh hồn sẽ sang thế giới bên kia, đó là quan niệm “hai thế giới” trong tang ma của người Nùng. Với sự tiếp thu tư tưởng của Nho, Phật và Lão đã chỉ ra rằng, những tư tưởng của người Nùng không chỉ ở cuộc sống hàng ngày, mà còn trong văn hóa, tín ngưỡng không những tạo nên những giá trị về vật chất mà còn là tinh thần của họ.
Tang ma của người Nùng ở Cao Bằng không những thể hiện những quan niệm về vũ trụ, thời gian và con người, mà còn mang lại những quan niệm về nhân sinh.
Trong tang ma của người Nùng ở Cao Bằng, đã mang trong mình những giá trị truyền thống tốt đẹp ở trong đó.
Đó là truyền thống đoàn kết, giúp đỡ giữa người với người, là của cộng đồng đối với cá nhân, trên tinh thần của dân tộc ta, đó là “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đó là sự cố kết “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sự giúp đỡ trên cả phương diện vật chất và tinh thần của làng xóm đã góp phần tạo nên tang ma của người Nùng.
Xuyên suốt những giá trị truyền thống đó trong tang ma của người Nùng còn mang “đạo làm người”, đó là chữ “hiếu”, “tình”, “nghĩa”. Hiếu thảo của con con đối với ông bà, cha mẹ, không chỉ là đối xử tốt với cha mẹ khi còn sống, mà còn là thực hiện nghiêm túc một tang lễ cha mẹ của mình. Ở trong tang ma còn thể hiện vẹn tình nghĩa phu thê của vợ với chồng, chồng đối với vợ, khi vợ hoặc chồng chết đi thì phu thê ly biệt, nhưng nghĩa ấy vẫn còn mãi. Tình nghĩa còn thể hiện ở tình anh (chị) em, bạn bè, vì “anh em như thể tay chân”, nên anh hoặc em mất đi cũng là sự mất mát lớn, anh, em có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện tốt tang ma để vẹn tình. Ở tang ma cũng hàm chứa tình cảm bạn bè dành cho nhau, đối với người Nùng thì bạn bè cũng như một người anh, em trong nhà vậy, nên cũng “xót thương” trước sự ra đi đó.
Với “đạo làm người” đã hun đúc nên truyền thống quý báu của dân tộc, chữ “hiếu” trong quá trình xuyên suốt lịch sử, đã răn dạy mỗi người Nùng phải biết yêu thương bản thân mình, yêu thương gia đình, xã hội, đó là hiếu vậy, tình yêu thương đó là một loại tình yêu vừa giản dị, vừa cao cả.
Ở trong tang ma, có những giá trị nhân văn, thể hiện bản chất người dân tộc Nùng luôn yêu văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tâm linh ...
trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, là cái đẹp trong văn hóa, trong đạo đức vừa là nghệ thuật dân gian vừa là nghệ thuật ứng xử của con người,
Xuất phát từ tình yêu thương giữa con người, văn hóa truyền thống tâm linh, tín ngưỡng, yêu chính nơi mình sinh ra, hình thành nên tình yêu dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Đó là những giá trị truyền thống cần được bảo tồn và phát huy trong thời đại ngày nay đang đứng trước những biến đổi nhanh chóng kinh tế - xã hội, đạo đức của con người. Sự biến đổi của thời đại tạo ra biến đổi trong tang ma của người Nùng, vừa mang tính tích cực vừa là tiêu cực.
2.2.2. Xu hướng biến đổi
Hiện nay, tang ma truyền thống của tất cả các dân tộc ở Việt Nam đều có sự biến đổi ít nhiều ở trong đó, mang trong mình màu sắc của thời đại mới, sắc màu hiện đại đan xen truyền thống.
Trong lễ thức tang ma của người Nùng ở Cao Bằng hiện nay có sự biến đổi khá rõ nét, những sự biến đổi trong đó là:
Sự biến đổi trong các nghi lễ và thời gian thực hiện các nghi lễ trong tang ma được rút ngắn gọn lại, bớt đi sự rườm rà, nhiều nghi lễ đã không còn được thực hiện hoặc thực hiện theo hình thức tượng trưng.
Thời gian thực hiện tang ma cũng được rút gọn lại, tang ma truyền thống là 7 ngày, bây giờ chỉ còn là 3 ngày và đoạn tang từ 3 năm giờ chỉ còn 1 – 2 năm.
Sự biến đổi trong các vật dụng, tang phục, theo truyền thống thì các vật dụng phục vụ tang ma xưa kia là các vật thủ công, có sẵn, tận dụng tối đa cây cối và những thứ có xung quanh. Hiện nay hầu như các đồ tang lễ có thể mua ở ngoài chợ hay nơi bán đồ tang, từ thuê phông bạt, bàn ghế, bát đũa, cây minh tinh, nhà táng, quan tài, nhang, vàng mã cũng có thể mua, ngày xưa là phải tự tay làm thủ công, phải tự làm hoa, cắt tiền giấy, quan tài phải thuê thợ về tận nhà làm, nên tiết kiệm được thời gian, nhanh gọn cũng như bớt đi sự rờm rà,
phức tạp, khó khăn trong việc tìm các vật dụng phục vụ tang lễ. Hay các công cụ của thầy Tào cũng mang tính hiện đại hơn, theo truyền thống thì dùng bút lông để viết sớ, phan, công văn,... ngày nay, các thầy Tào thường dùng bút mực, bút bi, bút phớt, bút chì các giấy tờ cũng được chuẩn bị sẵn khuôn mẫu, quần áo hành nghề, bộ chiêng, trống, thanh la, não bạt cũng có sẵn.
Sự biến đổi trong hình thức đóng góp cộng đồng, từ việc đóng góp truyền thống là củi và gạo, hiện nay người ta đóng góp bằng tiền để đơn giản và hiệu quả, cũng như làm nhanh gọn các thủ tục liên quan đến tài chính.
Sự thay đổi toàn diện, loại bỏ cái lạc hậu, tốn kém và phát huy những giá trị tinh hoa trong tang ma truyền thống của dân tộc, sự thay đổi này do thực hiện chủ trương và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cụ thể là Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (phụ lục kèm theo). Nhằm thực hiện tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức tang ma cũng như thay thế một số hình thức và hạn chế việc lạm dụng rắc tiền âm phủ, hoa để tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh môi trường; thực phẩm cũng như việc tổ chức các nghi lễ 3, 7, 49, 100 ngày chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, và phải có sự quy hoạch lại nơi chôn cất (nghĩa trang) ở từng địa phương.
Sự thay đổi do yếu tố giao lưu văn hóa giữa cái cũ và mơi của người Nùng ở Cao Bằng trong thời đại mới, và sự mai một trong giới trẻ hiện nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì kéo theo sự thay đổi cuộc sống, văn hóa – xã hội của người Nùng, với lối sống mới thì sẽ hướng đến cái hiện đại, tiến bộ nên những hủ tục, mê tín dị đoan bị loại bỏ, trong tang ma của mình người Nùng đã cải biến cả nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với thời đại như việc hiện đại hóa tang ma, trong sự giao lưu văn hóa mang tính toàn cầu hiện nay.
Đó là những sự biến đổi tích cực trong tang ma của người Nùng ở Cao Bằng hiện nay. Song vẫn có sự biến đổi tiêu cực trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, đó là sự suy thoái đạo đức và chưa có sự phát huy những giá trị trong tang ma người Nùng ở giới trẻ hiện nay.
Ngày nay, với sự xâm lấn của lối sống và văn hóa mới, bộ phận giới trẻ người Nùng ở Cao Bằng hiện nay hầu như không biết đến hay bỏ đi những tinh hoa trong tang ma truyền thống của dân tộc mình. Không thể hiện được chữ hiếu đối với cha mẹ, ông bà, vợ chồng của mình, cũng như lơ là không lo chu đáo tang ma.
Từ thực trạng hiện nay, chúng ta cần phải có những phương hướng, giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy tang ma truyền thống của người Nùng ở Cao Bằng.