CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY BẰNG TÀI SẢN, XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM TIỀN VAY VÀ KHUNG PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM TIỀN VAY
1.2. Khái quát về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay
Cho vay có TSBĐ và xử lý TSBĐ tiền vay có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau. Các khoản vay có TSBĐ chỉ thực sự phát huy tác dụng thu hồi vốn khi TSBĐ đó được xử lý để bù đắp lại khoản vay và các chi phí tổn thất phát sinh cho TCTD. Khi đến hạn hoặc quá thời gian gia hạn trả nợ, khách hàng vay vốn vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình thì dựa trên hợp đồng tín dụng hay hợp đồng bảo
đảm đã ký kết, ngân hàng tiến hành xử lý TSBĐ. Dựa trên thỏa thuận xử lý TSBĐ mà hai bên đã cam kết thì bên vay phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với TCTD.
Về bản chất cần phải hiểu xử lý TSBĐ tiền vay là biện pháp nhằm thu hồi nợ, hoàn toàn không phải là hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Xử lý TSBĐ tiền vay là vấn đề mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động cấp tín dụng và trong thực tiễn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, khó giải quyết làm cho việc xử lý nợ của TCTD diễn ra hết sức chậm chạp ảnh hưởng đến giá trị của TSBĐ. Dựa vào mục đích, ý nghĩa và mối liên hệ giữa bảo đảm tiền vay với xử lý TSBĐ tiền vay trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại có thể đưa ra khái niệm xử lý TSBĐ tiền vay như sau:
Xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là việc tổ chức tín dụng sử dụng các phương thức xử lý đối với tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc áp dụng quy định của pháp luật để thu hồi khoản vay và chi phí thiệt hại phát sinh trong trường hợp bên vay vốn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn trả khoản nợ dựa trên cơ sở hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm.
1.2.2. Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay
Pháp luật Việt Nam không phân tách xử lý TSBĐ trong giao dịch dân sự với lĩnh vực ngân hàng. Biểu hiện qua việc trước đây có Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định về bảo đảm tiền vay của TCTD.
Nghị định số 178/1999/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể điều chỉnh riêng cho lĩnh vực bảo đảm tiền vay và cả xử lý TSBĐ tiền vay của TCTD. Tuy nhiên đến ngày 29 tháng 12 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 165/1999/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, đồng thời bãi bỏ Nghị định số 178/1999/NĐ- CP về bảo đảm tiền vay của các TCTD. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã hợp nhất giao dịch bảo đảm dân sự và giao dịch bảo đảm tiền vay của TCTD.
Nguyên tắc xử lý TSBĐ tiền vay4 không còn được quy định riêng tại Nghị định số 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của TCTD. Do đó, nguyên tắc xử lý
4 Điều 31 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng.
TSBĐ tiền vay trong lĩnh vực ngân hàng được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự và phù hợp với đặc trưng của hoạt động tín dụng ngân hàng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, xử lý TSBĐ tiền vay phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm phải thực hiện chính xác những gì đã cam kết trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trường hợp thỏa thuận không rõ hoặc không có thỏa thuận về việc xử lý TSBĐ tiền vay thì được tiến hành theo phương thức, trình tự thủ tục được quy định rõ trong BLDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nguyên tắc này đặt ra để ưu tiên sự tự nguyện giao kết, thỏa thuận và tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên tham gia.
Thứ hai, nguyên tắc xử lý công khai, minh bạch, khách quan và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD (bên nhận bảo đảm) và khách hàng vay vốn (bên bảo đảm) trong quá trình xử lý TSBĐ tiền vay. Nguyên tắc này dựa trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”5. Mặc dù mục đích của xử lý TSBĐ tiền vay là bảo vệ quyền chủ nợ, thu hồi nợ và giảm thiệt hại cho TCTD nhưng trong hoạt động xử lý tài sản không được làm mất cân bằng giữa quyền và lợi ích của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Nguyên tắc này đòi hỏi không được gây hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên tham gia trong quan hệ này. Việc xử lý TSBĐ tiền vay phải tuân thủ cân bằng lợi ích, bình đẳng, tiến hành giải quyết công khai và minh bạch giữa TCTD và khách hàng vay vốn.
Thứ ba, nguyên tắc xử lý nhanh chóng, kịp thời trong quá trình xử lý TSBĐ tiền vay. Xuất phát từ mục đích thu hồi nợ để bù đắp tổn thất cho TCTD, nguyên tắc này đòi hỏi việc xử lý TSBĐ cần tiến hành kịp thời, nhanh chóng nhằm giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh nhưng vẫn phải đảm bảo tuân theo trình tự thủ tục xử lý tài sản mà pháp luật quy định.
Thứ tư, xử lý TSBĐ tiền vay phải dựa trên căn cứ do hai bên thỏa thuận và tuân theo quy định pháp luật. Không phải bất cứ lúc nào thì các TCTD cũng có quyền
5 Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
xử lý TSBĐ tiền vay. TCTD chỉ được xử lý TSBĐ trong các trường hợp sau: đến hạn bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng không thực hiện, thực hiện không đúng; vi phạm hợp đồng tín dụng; khách hàng vay và người bảo đảm không trả được nợ do phá sản.