Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay

Một phần của tài liệu Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và thực tiễn thi hành tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam – phòng giao dịch lục ngạn tỉnh bắc giang (Trang 33 - 38)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM TIỀN VAY VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM – PHÒNG

2.1. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay

Pháp luật Việt Nam quy định xử lý TSBĐ trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng được áp dụng chung với các quy định về xử lý TSBĐ trong lĩnh vực dân sự. Đây là điểm gặp gỡ giữa pháp luật Việt Nam với một số quốc gia điều chỉnh xử lý TSBĐ trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng chung trong lĩnh vực dân sự như Pháp, Nhật. Theo UniLaw (2019) nhận xét rằng: “Pháp luật nhiều nước trên thế giới không có sự tách biệt giữa xử lý tài sản bảo đảm trong giao dịch dân sự, kinh tế với xử lý tài sản bảo đảm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng”12.

Hiện tại pháp luật không còn điều khoản điều chỉnh riêng về nguyên tắc xử lý TSBĐ như trước đây được quy định tại Điều 58 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm bị thay thế bởi Nghị định số 21/2021//NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Mặc dù không còn điều khoản quy định riêng về nguyên tắc xử lý TSBĐ tiền vay nhưng những nguyên tắc cơ bản này vẫn được thể hiện xuyên suốt qua các quy định pháp luật về xử lý TSBĐ. Do đó, căn cứ BLDS năm 2015, Điều 49 Nghị định số 21/2021//NĐ-CP của Chính phủ về quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và Điều 3 Nghị định số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD thì TCTD, khách hàng vay vốn và các bên liên quan khác cần tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản sau:

12 UniLaw (2019), Khái niệm về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, truy cập ngày 07 tháng 04 năm 2022, lúc 15 giờ 35 phút.

Nguyên tắc 1: xử lý TSBĐ tiền vay thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận Nguyên tắc này thể hiện pháp luật ưu tiên và tôn trọng quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong xử lý TSBĐ tiền vay giữa bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và các bên có liên quan. Nguyên tắc thỏa thuận được thể hiện tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan”. Theo đó, khi xác lập, giao kết hợp đồng tín dụng hay hợp đồng bảo đảm tài sản, TCTD và cá nhân, tổ chức vay vốn cần thỏa thuận biện pháp bảo đảm, phương thức xử lý TSBĐ, thời gian xử lý, địa điểm tiến hành thu giữ, xử lý… Và nghĩa vụ của các bên là phải thực hiện chính xác những gì đã cam kết được ghi nhận trong hợp đồng. Pháp luật ưu tiên thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng bảo đảm tài sản nhằm tạo tính linh hoạt trong việc giải quyết TSBĐ tiền vay. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được trái với quy định pháp luật và đạo đức xã hội.

Nguyên tắc 2: xử lý TSBĐ tiền vay phải tuân theo nguyên tắc công khai, minh bạch và khách quan và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm và các chủ thể khác có liên quan

Tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã quy định nguyên tắc trên: “Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”13.

Thứ nhất, về nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể:

bao gồm bên nhận bảo đảm là TCTD, bên bảo đảm là khách hàng vay vốn hoặc bên bảo lãnh cho khách hàng và các bên có liên quan đến TSBĐ. Như đã bàn luận ở phần khái quát, dù đích đến của xử lý TSBĐ tiền vay hướng tới là bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD, giúp TCTD thu hồi nợ và giảm thiểu tổn thất kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm được pháp luật bảo vệ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử

13 Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”14. Không chỉ vậy, việc xử lý TSBĐ tiền vay ngoài thu hồi nợ, bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Nguyên tắc này một lần nữa được thể chế hóa tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD: “Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống”.

Việc cân bằng quyền lợi chính đáng, hợp pháp giữa các chủ thể tham gia quan hệ xử lý TSBĐ là cực kỳ quan trọng bởi chỉ khi quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ được hài hòa thì quy định pháp luật mới thực sự có ý nghĩa.

Thứ hai, về nguyên tắc xử lý TSBĐ tiền vay phải công khai, minh bạch và khách quan là cực kỳ quan trọng. Pháp luật bảo vệ, cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Vì TSBĐ vốn dĩ thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và pháp luật tôn trọng quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Dù nghĩa vụ bảo đảm thuộc về bên bảo đảm nhưng bên nhận bảo đảm cũng không được phép thực hiện các hành vi xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm.

Chẳng hạn như trường hợp thông báo xử lý tài sản, nếu TCTD không thực hiện thông báo cho bên bảo đảm dẫn tới tổn thất cho bên bảo đảm thì TCTD phải bồi thường thiệt hại cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác nếu có15.

Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp cũng thể hiện nguyên tắc bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên nhận bảo đảm (chủ nợ) và bên bảo đảm (con nợ). Theo TS. Đoàn Thị Phương Diệp và ThS. Lưu Minh Sang (2021) cho rằng nguyên tắc này khẳng định ý nghĩa của xử lý TSBĐ là “giải pháp tối ưu cho các bên trong chừng mực có thể, điều này có nghĩa là, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi của chủ nợ (bên nhận bảo đảm) thì việc xử lý tài sản bảo đảm không thể đẩy bên bảo đảm vào cảnh khốn cùng”. Thật vậy, xử lý TSBĐ phải dựa trên nguyên tắc công bằng, đảm bảo cân bằng cán cân quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ. Xử lý TSBĐ phải tiến hành một cách công khai, minh bạch mới đạt được ý nghĩa mà pháp luật và xã hội hướng đến: xây

14 Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

15 Khoản 2 Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015.

dựng pháp luật công bằng, bảo vệ, hài hòa quyền lợi hợp pháp của các chủ thể, phát triển kinh tế một cách bền vững, giữ gìn và duy trì an toàn, ổn định xã hội.

Nguyên tắc 3: xử lý TSBĐ tiền vay phải đảm bảo giải quyết kịp thời, nhanh chóng nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh thêm cho TCTD, khách hàng vay vốn

Nguyên tắc này xuất phát từ thực trạng xử lý nợ xấu từ trước đến nay trong hệ thống TCTD Việt Nam: tăng trưởng tín dụng nhưng các ngân hàng lại không thu hồi được các khoản cho vay, chậm trễ xử lý TSBĐ tiền vay được dẫn đến tổn thất lớn. Vì vậy, nguyên tắc này đặt ra nhằm giảm tối đa chi phí, tránh kéo dài thời gian thu hồi nợ cho TCTD. Bởi lợi ích vật chất này được bảo đảm bằng lợi ích vật chất khác. Tín dụng chỉ thực sự tăng trưởng bền vững khi vấn đề thu hồi nợ được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, nguyên tắc yêu cầu khẩn trương xử lý tài sản bởi giá trị TSBĐ là một vấn đề cực kỳ quan trọng bởi tài sản là biện pháp bảo đảm vật chất tốt nhất.

TSBĐ tùy từng loại mà có đặc tính khác nhau, thời gian khấu hao, mức độ ảnh hưởng bởi thị trường cũng khác nhau. Vì vậy để tránh trường hợp khấu hao tài sản hoặc tài sản có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến mất giá trị và tuân thủ theo nguyên tắc trên, tại khoản 1 Điều 300 BLDS năm 2015 quy định cho phép bên nhận bảo đảm được tiến hành xử lý ngay TSBĐ đồng thời phải thông báo xử lý tài sản cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác có liên quan. Quy định pháp luật là hoàn toàn hợp lý vì thực tế trong nhiều trường hợp, ban đầu khoản vay được bảo đảm bởi tài sản có giá trị tương ứng hoặc hơn giá trị khoản vay. Tuy nhiên vào thời điểm xử lý nợ, giá trị tài sản lại chịu tác động bởi giá thị trường hay khấu hao tài sản… dẫn tới số tiền từ việc phát mại tài sản để thu hồi nợ là không đủ, không tương ứng với giá trị khoản vay ban đầu gây tổn thất nặng nề cho TCTD.

Nguyên tắc 4: xử lý TSBĐ không phải hoạt động kinh doanh của bên nhận bảo đảm (TCTD)16

Nguyên tắc trên được giữ nguyên đến nay, ngay từ những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên17 điều chỉnh hoạt động xử lý TSBĐ tiền vay của TCTD. Vì bản

16 Khoản 4 Điều 49 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

17 Điều 31 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.

chất của việc xử lý TSBĐ tiền vay là để thu hồi khoản cho vay, bù đắp tổn thất cho ngân hàng nên không hề phát sinh thêm khoản lợi nhuận nào. Nguyên tắc trên cũng góp phần đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi của bên bảo đảm, tránh trường hợp TCTD lạm quyền xử lý TSBĐ nhưng thu lời bất chính.

Dựa vào nguyên tắc được luật hóa trong quy định BLDS và các văn bản hướng dẫn thi hành18, BIDV đã ban hành tới các chi nhánh quy định nội bộ: “Quy định số 7347/QyĐ-BIDV về yêu cầu bàn giao và thu giữ tài sản bảo đảm”. Quy định đưa ra nguyên tắc trong hoạt động thu giữ TSBĐ của khách hàng, cụ thể:

“1. Việc thu giữ TSBĐ phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, quy định nội bộ của BIDV và các thỏa thuận đã ký kết giữa Bên vay/Bên bảo đảm và Bên nhận bảo đảm.

2. Quá trình thu giữ phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người thực hiện thu giữ TSBĐ.

3. Không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ (ví dụ: Lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự…).

4. Việc thu giữ phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của BIDV, các đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thu giữ TSBĐ.

5. Các chi phí trong quá trình thu giữ, quản lý, xử lý TSBĐ được thanh toán từ khoản tiền bán TSBĐ”.

Quy định số 7347/QyĐ-BIDV do Khối Quản lý rủi ro soạn thảo, Tổng Giám đốc duyệt và ban hành ngày 17 tháng 12 năm 2021, hướng dẫn các chi nhánh nói chung và PGD Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang nói riêng về thu giữ TSBĐ. Ngoài quy định các nguyên tắc thu giữ như phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, quy định nội bộ của BIDV còn yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự xã hội khi thu giữ vì giai đoạn thu giữ khách hàng thường bất hợp tác và có những hành vi quá khích ảnh hưởng đến an

18 Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

ninh khu vực. Các cán bộ xử lý nợ BIDV không được có hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quy định của Ngân hàng và tiến hành thu giữ, xử lý tài sản minh bạch.

Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của chính ngân hàng, BIDV còn cần bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng và các bên có liên quan theo quy định pháp luật. Trong thực tế, BIDV – PGD Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt nguyên tắc này. Các cán bộ tín dụng, cán bộ xử lý nợ phối hợp với nhau để thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng thuộc trường hợp phải xử lý, căn cứ vào hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay mà PGD Lục Ngạn ký kết với khách hàng vay vốn. Có thể thấy, BIDV thực hiện tốt trong việc thể chế hóa nguyên tắc pháp luật vào quy định nội bộ để các chi nhánh có thể được hướng dẫn kịp thời, thực hiện đúng tinh thần pháp luật và quy định của BIDV trong việc thu giữ tài sản. Giai đoạn thu giữ tài sản phải bảo đảm thực hiện thành công vì đây là tiền đề để xử lý nợ.

Một phần của tài liệu Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và thực tiễn thi hành tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam – phòng giao dịch lục ngạn tỉnh bắc giang (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)