CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
2.1. Thực trạng các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
2.1.3. Thực trạng pháp luật về xử lí rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
Tuy pháp luật đã có những quy định cụ thể về phòng ngửa rủi ro, dự phòng rủi ro trong quá trình cấp tín dụng, song vì những nguyên nhân khác nhau, một số rủi ro tín dụng vẫn phát sinh trong thực tế, đứng trước tình hình đó để hạn chế thấp nhất những thiệt hại mà TCTD gặp phải, đồng thời tránh lặp lại những hạn chế có nguyên nhân chủ quan từ phía cán bộ ngân hàng/ khách hàng ở tương lai, pháp luật đã quy định về những biện pháp xử lí rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng với hai nhóm: nhóm biện pháp khắc phục hậu quả rủi ro trong HĐCTD; nhóm biện pháp mang tính răn đe hành vi vi phạm pháp luật trong HĐCTD.
Thứ nhất, về nhóm biện pháp nhằm khắc phục hậu quả do rủi ro. Đối với nhóm này, dựa trên quy định của pháp luật, các NHTM sẽ căn cứ vào thực tế để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng rồi sử dụng những biện pháp thích hợp.
Đối với những khoản nợ có rủi ro song ngân hàng thông qua các biện pháp nghiệp vụ đánh giá vẫn còn khả năng thu hồi nợ có thể sử dụng các biện pháp sau đây:
Cơ cấu kì hạn nợ, theo quy định tại điều 19 thông tư 39/2016/NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
“Điều 19. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
1.Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
2.Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng;
thời hạn cho vay không thay đổi.
3.Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
4.Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.” (Ngân hàng nhà nước, 2016)
Đối với những món nợ ngân hàng đánh có mức độ rủi ro thấp, tạm thời chưa thể thu hồi đầy đủ gốc và lãi vì một lí do khách quan nhưng có thể thu hồi khoản tiền này ở tương lai, các ngân hàng được pháp luật cho phép áp dụng các quy định vể cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ bao gồm điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ. “Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả
nợ đã thỏa thuận) trong phạm vi thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, mà thời hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi.” (Ngân hàng Nhà nước, 2019), biện pháp này được áp dụng với khách hàng không có khả năng trả nợ, lãi vay đúng kì hạn này song vẫn có khả năng trả nợ trong các kì tiếp theo thì NHTM có thể xem xét điều chỉnh kì hạn trả nợ.
“Gia hạn nợ là việc chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ
gốc và/hoặc lãi vượt quá thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp.” (Ngân hàng nhà nước, 2019), biện pháp này được áp dụng với các khách hàng không có khả năng trả nợ trong khoảng thời gian đã thoả thuận trước đó, song NHTM đánh giá các khách hàng này sẽ hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi nếu có thêm một khoảng thời gian so với khoảng thời gian đã thoả thuận thì có thể xem xét áp dụng biện pháp này.
Đối với những món nợ chưa thể hoàn trả do những lí do khách quan bất khả kháng như dịch bệnh, để hỗ trợ khách hàng trong sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng thu hồi đầy đủ nguồn vốn đã cấp, ngân hàng có thể áp dụng biện pháp miễn giảm lãi suất. Theo quy định tại khoản 4 điều 95 Luật CTCTD 2010,
“Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.” (Quốc hội, 2010). Quy định về miễn giảm lãi suất được áp dụng linh hoạt nhất là trong thời thời kì dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ, đứng trước hoàn cảnh đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, tại khoản 2 điều 3 nghị quyết này quy định:
“Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng;” (Quốc Hội, 2022)
Đối với những khách hàng tiềm ẩn rủi ro cao hơn, biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi suất là không phù hợp, ngân hàng có thể xem xét đến biện pháp chấm dứt cấm tín dụng quy định tại khoản 1 điều 130 LCTCTD 2010,
“Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.” (Quốc hội, 2010). Xét về bản chất, chấm dứt cấp tín dụng là việc NHTM đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo Điều 428 BLDS năm 2015. Ngân hàng có quyền yêu cầu khách hàng thanh toán tiền gốc và lãi theo thoả thuận.
Nếu khách hàng thực hiện không đúng việc thanh toán thì ngân hàng có quyền xử lý nợ, trong đó phổ biến là xử lý tài sản bảo đảm. Biện pháp xử lý rủi ro này được áp dụng đối với những trường hợp rủi ro cao, có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng đối với NHTM. Các trường hợp được xử lí tài sản bảo đảm được quy định cụ thể tại điều 299 BLDS 2015:
“ 1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.” (Quốc Hội, 2015)
Từ điều 299 BLDS có thể thấy, pháp luật cho phép được xử lí tài sản bảo đảm trong 3 trường hợp quy định cụ thể ở khoản 1,2,3 điều luật này đặc biệt là tại khoản 1 quy định tài sản bảo đảm sẽ được xử lí nếu đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà được bảo điểm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện không thực hiện không đúng nghĩa vụ, hay nói cách khác, nếu đến hạn thanh toán mà chủ thể đi vay vốn không thể thực hiện việc trả nợ đầy đủ cả gốc lẫn lãi thì ngân hàng hoàn toàn có quyền xử lí tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ nói trên. Với mục tiêu bảo đảm nguồn vốn của bên cho vay, góp phần đảm bảo quyền lợi của bên này trong quan hệ vay mượn nói chung và quan hệ tín dụng nói riêng. Quy định về xử lí tài sản bảo đảm là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng có khả năng chủ động xử lí tài sản bảo đảm khi phát sinh rủi ro.
Ngoài ra, với những khoản nợ đã trở thành nợ xấu, nợ không đòi được, để đảm bảo hoạt động bình thường của NHTM, hạn chế tối đa ảnh hưởng mà nợ xấu đem lại, pháp luật có quy định về mua bán nợ. Theo quy định tại khoản 1 điều 3 thông tư 09/2015/ TT-NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài “Mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.”( Ngân hàng nhà nước, 2015). Như vậy, về bản chất mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cho bên mua nợ để nhận tiền, còn bên mua nợ thanh toán cho bên bán nợ để nhận quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ theo thỏa thuận. Nhìn chung, mua bán nợ được áp dụng đối với các khoản nợ khó thu hồi và khách hàng có rủi ro cao.Mua bán nợ được xem là biện pháp cuối cùng của ngân hàng để thu hồi nguồn vốn đã cho vay.
Thứ hai, nhóm biện pháp mang tính răn đe hành vi vi phạm pháp luật trong HĐCTD. Từ thực tế đã chứng minh, một số khoản nợ xấu của NHTM xuất phát từ những sai phạm của các cán bộ ngân hàng khi quyết định cấp tín dụng mà không có tài sản bảo đảm, cam kết tài trợ vốn sai quy định, cho vay các chủ thể không đủ năng lực tài chính vì mục đích tư lợi gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Nhằm răn đe các hành vi này, tránh những sai phạm này tiếp diễn ở tương lai, pháp luật có quy định về tội phạm trong hoạt động của các TCTD, cụ thể tại điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1.Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a.Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b.Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c.Vi phạm các hạn chế để bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng;
d.Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
đ. Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
e.Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng hoặc mua bán tài sản;
f.Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2.Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3.Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4.Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” (Quốc hội, 2015)
Từ quy định tại điều này, có thể thấy, người phạm tội này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng. Bằng hiểu biết và kinh nghiệm của mình cố ý thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng, cấp tín dụng cho các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng, cố ý khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đống với trường hợp phải có tài sản bảo đảm, tiến hành hoạt động
ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép....Như vậy, nhà làm luật đang đánh vào các sai phạm đến từ phía cán bộ ngân hàng – đối tượng mà nếu phạm tội sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ của ngân hàng.
Trên cơ sở làm rõ về hoạt động tín dụng, sự tất yếu cần đảm bảo an toàn trong HĐCTD bằng pháp luật, tác giả đã trình bày nội dung pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng theo hướng phòng ngừa, dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực này quy định tương đối cụ thể, chặt chẽ không chỉ xuất phát từ vai trò của NHTM trong nền kinh tế mà còn xuất phát từ thực trạng đáng báo động trong HĐCTD của các NHTM khi các sai phạm trong HĐCTD liên tục diễn ra trong thời gian qua, xuất hiện cả những vụ đại án ngân hàng, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.