CHƯƠNG 3: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
3.1. Kinh nghiệm nước ngoài về hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao tính thực thi quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
Để hình thành hành lang pháp lý cho việc đảm bảo an toàn trong HĐCTD, các quy định này không những phải phù hợp với hoàn cảnh trong nước mà còn có sự tiếp thu, chọn lọc từ các nước trên thế giới.
Thứ nhất, trên toàn thế giới, các NHTM đang dần hướng tới chuẩn mực về Basel III, theo đó “Basel III là một trong những nỗ lực liên tục của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng nhằm tăng cường khung pháp lý ngân hàng. Trọng tâm của Basel III là thúc đẩy khả năng phục hồi cao hơn ở cấp ngân hàng riêng lẻ để giảm nguy cơ các cú sốc trên toàn hệ thống và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Basel III cũng đưa ra các yêu cầu về đòn bẩy và thanh khoản nhằm bảo vệ chống lại việc vay quá hạn mức, đồng thời đảm bảo rằng các ngân hàng có đủ thanh khoản trong thời kỳ căng thẳng tài chính.” (sotaydoanhtri.com).
Nội dung Basel III là quy chuẩn mới nhất mà toàn bộ các NHTM trên thế giới hướng đến, vì vậy, pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn trong HĐCTD khi sửa đổi cũng cần sửa đổi theo hướng của Basel III, tức trọng tâm phải có những quy định pháp luật nhằm cải thiện năng lực của ngành ngân hàng, cải thiện quản lý rủi ro nhất là trước các cú sốc lớn của nền kinh tế
Thứ hai, quy định về việc đánh giá năng lực ngân hàng trên cơ sở đó yêu cầu mức dự trữ đối với các ngân hàng là linh hoạt phụ thuộc vào tình hình tài chính và rủi ro của ngân hàng, điều này đã được áp dụng thành công tại Mỹ. “Theo đề xuất hồi tháng 4/2018 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), việc nới lỏng những quy định của Đạo luật Dodd-Frank sẽ giúp các ngân hàng chỉ phải đáp ứng 14 yêu cầu về vốn, thay vì 24 yêu cầu như trước kia. Yêu cầu về vốn dự trữ sẽ được điều chỉnh linh hoạt phù thuộc vào tình hình tài chính cũng như những rủi ro đối với từng ngân hàng. Nhằm tránh những rủi ro về tài chính, hàng năm FED tiến hành
đánh giá năng lực của các ngân hàng có giá trị tài sản hơn 50 tỷ USD.” (MK, 2018)
Có thể thấy, những quy định trên thế giới về đảm bảo an toàn trong HĐCTD đều hướng đến việc, vừa đảm bảo an toàn vừa tăng cường sự phát triển của ngành ngân hàng bằng cách sửa đổi quy định pháp luật về đánh giá năng lực ngân hàng trên cơ sở đó xác định năng lực, khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng trước những cú sốc kinh tế, từ đó đề xuất linh hoạt mức dự trữ với các ngân hàng để vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của ngành ngân hàng.
Những quy định trên thế giới là một trong những yếu tố quan trọng để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật Việt Nam về hạn chế rủi ro tín dụng, đám bảo an toàn trong HĐCTD của NHTM Việt Nam.
3.2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và các cơ quan có thẩm quyền về hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao tính thực thi quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của Ngân hàng thương mại Việt Nam
Đảng Cộng Sản Việt Nam là Đảng chính trị giữa vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vì vậy chủ trương của Đảng là kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội. Trong Nghị quyết Đại hội XIII được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm của đất nước là:
“ Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững;
hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.” ( Điện tử chính phủ, 2021)
Thứ nhất, về kinh tế, nghị quyết của Đảng chỉ ra phải phục hồi, phát triển kinh tế. Để quá trình này diễn ra, pháp luật về kinh tế cần phải đi tắt đón đầu nhằm tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực kinh tế phục hồi, phát triển trong điều kiện mới, trong quá trình đó pháp luật về ngân hàng là trọng tâm bởi ngành ngân hàng nắm giữ phần lớn nguồn vốn của nền kinh tế.
Thứ hai, nghị quyết cũng xác định cần thực hiện chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế, trong đó có cả ngành ngân hàng, quá trình chuyển đổi số toàn diện ở lĩnh vực kinh tế mà tiên phong là ngành ngân hàng với sự chuyển đổi bước đầu của HĐCTD sang hình thức trực tuyến sẽ kéo theo sự sửa đổi của quy định pháp luật về ngân hàng số, giao dịch điện tử,…nhất là trong hoàn cảnh Luật giao dịch điện tử 2005 đã bộc lộ nhiều yếu điểm, không còn theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội – cơ quan quyền lực nhà nước đã có những bước đi đúng đắn nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể Quốc hội khoá 15 đã ban hành nghị quyết số 43/2022/QH15 nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó quy định tại khoản 2, điều 3 về chính sách tiền tệ nêu rõ:
“ a) Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên;
b) Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng;
c) Điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất;
(Quốc hội, 2022)
Được sự chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội, Ngân hàng nhà nước đã:
Thứ nhất, “triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới,....” ( Quang Tùng, 2021)
Thứ hai, “Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng chống rửa tiền để nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế: Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro và tăng cường tính minh bạch thông tin hoạt động theo quy định của pháp luật.” ( Trung tâm báo chí Đại hội XIII)
Thứ ba, “NHNN được giao nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.” (M.P, 2021)
Dưới sự chỉ đạo của Đảng và các cơ quan có thẩm quyền, vấn đề pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm là phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19
Thứ hai, hướng tới chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng
Những yêu cầu trên là cơ sở để hoàn thành mục tiêu “kép”: hoàn thiện, đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật về đảm bảo an toàn trong HĐCTD đồng thời gắn liền với sự phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam cũng như xu hướng trên thế giới.