CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
Nhìn chung, các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong HĐCTD nhằm phòng ngừa, dự phòng và xử lí rủi ro trong suốt quá trình CTD trên là tương đối chi tiết và bao hàm rất nhiều nội dung, mỗi quy định pháp luật lại tồn tại những vấn đề riêng biệt khi được áp dụng trong thực tế. Trong phạm vi luận văn, mỗi nhóm quy định pháp luật về phòng ngừa, dự phòng và xử lí rủi ro tác giả sẽ lựa chọn một thực trạng nổi bật cho một quy định tiêu biểu của mỗi nhóm trên để đảm bảo dung lượng của bài viết.
2.2.1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
Phòng ngừa rủi ro là biện pháp cơ bản để đảm bảo an toàn trong HĐCTD, gồm các quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng, các trường hợp bị cấm cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng và kiểm tra tính khả thi, hợp pháp của mục đích vay vốn. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số trường hợp “lách luật”, lợi dụng sự sơ hở của quy định pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội, có thể kể đến vụ án của bầu Kiên. Khoản 1 Điều 126 Luật Các TCTD năm 2010 quy định không được cấp tín dụng đối với “các chức danh tương đương”, nhưng chưa có sự
hướng dẫn hoặc giải thích về các chức danh tương đương này. Trong vụ án của Nguyễn Đức Kiên, theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, “Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 1994 - 2008. Cuối năm 2007, Nguyễn Đức Kiên không tham gia HĐQT ACB nhưng đề nghị HĐQT thành lập Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, do Kiên làm Phó chủ tịch. Hội đồng sáng lập có chức năng tư vấn cho HĐQT, thành viên Hội đồng sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp HĐQT, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB. Như vậy, tuy không giữ chức danh do NHNN chuẩn y nhưng với các vị trí như trên đồng thời đại diện nhóm cổ đông sở hữu 9,03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB. Thông qua việc làm Chủ tịch HĐQT của 6 công ty và với vai trò chỉ đạo, chi phối Ngân hàng ACB” (Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 2013), Tuy vụ án của bầu Kiên có thể nhận thấy, những quy định của pháp luật về phòng ngừa rủi ro tín dụng mà cụ thể là tại điều 126 Luật CTCTD 2010 trên thực tế vẫn tồn tại những lỗ hổng đáng kể, chính “lỗ hổng” này đã tạo tiền đề cho “bầu Kiên”
thực hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình kinh doanh ngân hàng tại ngân hàng ACB, gây thất thoát hàng tỷ đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của ngân hàng.
Ngoài ra, từ thực tế các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng cũng một phần xuất phát từ việc các cán bộ tín dụng thẩm định sơ sài, không tuân thủ quy định nội bộ của các NH về thẩm định cấp tín dụng như: đánh giá không đúng tính khả thi phương án kinh doanh của khách hàng, không điều tra tư cách của bên vay và khả năng tài chính của họ dẫn đến quyết định cấp vốn sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát hàng tỷ đồng nguồn vốn của ngân hàng…minh chứng là bản án hình sự số 30/2015/HSST ngày 03/8/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng:
“Căn cứ tài liệu điều tra tại 05 ngân hàng có hợp đồng tín dụng chưa tất toán với Công ty thủy sản Phương Nam gồm LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng, Vietcombank Sóc Trăng, ABbank Bạc liêu cho thấy: trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, quản lý tài sản là hàng tồn kho đã thế chấp cho ngân hàng, giải ngân và kiểm tra sau giải
ngân, các cán bộ ngân hàng đã thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định dẫn đến hậu quả cho 05 ngân hàng không thu hồi được số tiền là 825.552.511.549 đồng. Cụ thể: cán bộ ngân hàng chỉ dựa vào hồ sơ báo cáo không trung thực của Công ty Phương Nam, không thực hiện đầy đủ các yêu cầu kiểm tra, xác minh để chứng mình tình hình tài chính; khi thẩm định tài sản bảo đảm, cán bộ NH không kiểm đếm chi tiết từng loại hàng hóa và cũng không kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán...; hợp đồng thế chấp không chặt chẽ...; phần lớn các NH đều không giải ngân trực tiếp cho người thụ hưởng, mà chủ yếu chuyển vào tài khoản tiền gửi của Công ty Phương Nam tại các NH, sau đó Công ty Phương Nam sử dụng tiền này để trả nợ nên các NH không giám sát được sử dụng vốn vay...” ( Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, 2015)
Bên cạnh đó, qua kết luận của kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ các NH và thanh tra giám sát của NHNN cho thấy, nhiều món vay kém chất lượng, tồn đọng không có khả năng thu hồi và có nguy cơ mất trắng đều có nguyên nhân thẩm định sơ sài, hồ sơ có vấn đề, thiếu kiểm tra kiểm soát đối với nguồn vốn vay.
Như vậy, có thể thấy trong quá trình áp dụng các quy định về phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của NHTM vẫn tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến việc rủi ro tín dụng xuất hiện gây hậu quả nghiêm trọng cho các NHTM.
2.2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về dự phòng rủi ro tín dụng trong quá trình cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
Để hạn chế tối đa rủi ro tín dụng xuất hiện trong hệ thống ngân hàng, pháp luật đã có những quy định các biện pháp bảo đảm tiền vay và quy định về phân loại nợ, lập dự phòng rủi ro nhằm tạo ra nguồn thu thứ hai phòng trừ trường hợp không đòi được đầy đủ các khoản nợ đã đến hạn của khách hàng. Trên thực tế, trường hợp nợ quá hạn, nợ xấu đã không còn là vấn đề hiếm gặp, đây cũng là điều ngân hàng buộc phải lường trước, dự phòng trước khi quyết định cho vay, vì vậy các ngân hàng luôn có yêu cầu về tài sản bảo đảm song thực tế một vài vụ đại án tiêu biểu trong lĩnh vực ngân hàng đã chứng minh điều ngược lại. “Trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp sử dụng 12 pháp nhân thuộc tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân là Công ty Nhà Quốc Cường và Công ty Nhà Hưng Thịnh, lập 16 bộ hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh và
trả nợ khống, không tiến hành thẩm định thực tế hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm lên gấp nhiều lần so với giá trị thực tế. Hệ quả là Ngân hàng VNCB không thu hồi được số tiền là hơn 2 nghìn tỷ đồng” (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, 2016) có thể nói chính những sai lỗ hổng trong quy định về tài sản bảo đảm đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá trị tài sản bảo đảm gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Tuy nhiên, sau vụ đại án này, nhận thấy sự quan trọng của tài sản bảo đảm, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu có tài sản bảo đảm khi tiến hành vay vốn tại ngân hàng. “Theo tính toán của Nhadautu.vn, cho đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của 29 ngân hàng lớn nhất là 8,43 triệu tỷ đồng với tổng tài sản bảo đảm là 17,56 triệu tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 208%/tổng dư nợ. Trong đó, tài sản bảo đảm là bất động sản là 8,69 triệu tỷ đồng tương đương 50%/tổng tài sản bảo đảm.” (N.THOAN, 2021)
N.THOAN (2021)
Đây là một dấu hiệu đáng mừng bởi với tỷ lệ tổng tài sản bảo đảm/ tổng dư nợ là 208%, các ngân hàng đã có được thu nợ thứ hai khá vững chắc.
2.2.3. Thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lí rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam
Pháp luật đã quy định về những biện pháp xử lí rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng, bao gồm hai nhóm: nhóm biện pháp khắc phục hậu quả rủi ro trong HĐCTD; nhóm biện pháp mang tính răn đe hành vi vi phạm pháp luật trong HĐCTD.
Thứ nhất, về nhóm biện pháp khắc phục hậu quả của rủi ro trong DHCTD bao gồm các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, chấm dứt cấp tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, mua bán nợ. Nhìn chung nhóm biện pháp này đều nhằm mục tiêu hạn chế tối đa rủi ro đã xảy ra với ngân hàng, nhất là các biện pháp về miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ tạo cơ hội để các chủ thể vay vốn có thêm thời gian, tăng khả năng trả nợ của các chủ thể này cho ngân hàng. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây sụt giảm mạnh doanh thu và kéo theo khả năng không trả đủ gốc và lãi cho ngân hàng theo đúng thời hạn quy định. Nếu các biện pháp về xử lí rủi ro không được áp dụng, hàng loạt các doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu, gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vay vốn sau này của các doanh nghiệp, trong tình hình đó, các biện pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất được xem là biện pháp “cứu cánh” không chỉ hạn chế tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu xảy ra đồng loạt tại các NHTM mà còn góp phần trong việc hạn chế hậu quả của dịch bệnh Covid – 19, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Theo tinh thần của thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19,
“Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; 16 ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam; 04 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100%
phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng đến nay là gần 26.000 tỷ đồng.” (Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2022)
Thứ hai, nhóm biện pháp mang tính răn đe hành vi vi phạm pháp luật trong HĐCTD: chủ yếu quy định tại điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định tại điều 206, tội phạm vi phạm quy định tại điều này sẽ phải chịu biện pháp xử lí về cả kinh tế, cấm đảm nhiệm chức vụ và hình phạt tù với hình phạt cao nhất lên 20 năm. Song do lợi ích quá lớn mà hành vi phạm tội đem lại, các đối tượng vẫn tìm mọi cách thực hiện hành vi phạm tội, hậu quả là gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng, tiêu biểu là đại án BIDV do Trần Bắc Hà là chủ mưu. “Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011- 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cùng chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng - là công ty sân sau của Trần Bắc Hà vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.672 tỉ đồng. Ông Hà đã chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Trong khi đó, 2 công ty "sân sau" của ông Hà là Công ty Bình Hà và Trung Dũng không đủ năng lực tài chính vốn tự có để thực hiện dự án; cũng không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là 799 tỉ đồng. Tương tự khi thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng, mặc dù biết rõ công ty này đang gặp khó khăn nhưng các bị can Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỉ đồng. Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị can Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỉ lệ tài sản đảm bảo, 1 khoản giải ngân cho vay để đảo nợ. Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị can đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay dẫn đến còn dư nợ trên 600 tỉ đồng, không có khả năng thanh toán. VKSND quy kết hành
vi cho vay trái quy định của các bị can thuộc BIDV gây thiệt hại cho ngân hàng gần 1.700 tỉ. Sau khi ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo thu nợ, hiện còn hơn 260 tỉ doanh nghiệp không có khả năng thanh toán.” (Thân Hoàng&Danh Trọng, 2020)
Có thể nhận thấy, vụ đại án này đã vi phạm hàng loạt các quy định về cấp tín dụng của các NHTM như cấp tín dụng cho chủ thể không đủ năng lực tài chính vốn tự có để thực hiện dự án; không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV; cấp tín dụng nhưng không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay dẫn đến còn dư nợ trên 600 tỉ đồng, không có khả năng thanh toán,… và hậu quả để lại là gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1700 tỷ đồng. Trước những hành vi coi thường pháp luật đó, để đảm bảo an toàn trong HĐCTD cũng như để tạo tính răn đe, các chủ thể phạm tội đã phải chịu những hình phạt thích đáng:
“Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án 8 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", gồm: Trần Lục Lang: 8 năm tù; Đoàn Ánh Sáng: 6 năm 6 tháng tù;
Kiều Đình Hòa: 5 năm tù; Lê Thị Vân Anh: 36 tháng tù, cho hưởng án treo; Ngô Duy Chính: 7 năm tù; Nguyễn Xuân Giáp: 6 năm tù; Phạm Hồng Quang: 4 năm tù;
Đặng Thanh Nam: 3 năm 6 tháng tù.” (Nguyễn Hường, 2020). Riêng bị can Trần Bắc Hà đã qua đời khi đang trong quá trình điều tra vụ án nên đã đình chỉ điều tra bị can.
Từ thực tế thực trạng pháp luật áp dụng các quy định về phòng ngừa, dự phòng và xử lí rủi ro trong HĐCTD của NHTM có thể thấy những quy định của pháp luật về lĩnh vực này còn tồn tại nhiều vấn đề cần được đưa ra xem xét, đánh giá nhằm tìm ra ưu điểm để phát huy, nhược điểm để sửa đổi với mong muốn cuối cùng là hoàn thiện quy định pháp luật và góp phần thực thi pháp luật về đảm bảo an toàn trong HĐCTD hiệu quả hơn.