Quy định về mức lãi suất là rất quan trọng bởi nó quyết định lợi nhuận của ngân hàng và mức chi phí vay vốn mà khách hàng phải bỏ ra, cụ thể quy định về lãi suất tại Điều 468 BLDS năm 2015 có nội dung như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Quy định trên đã có sự thay đổi tích cực so với BLDS năm 2005 khi quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm của khoản vay trong trường hợp “luật khác có liên quan quy định khác”. Theo đó, luật khác ở đây được hiểu là các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực nhất định nào đó, cụ thể: Căn cứ theo Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Khoản 2,3 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định trong điều kiện bình thường, sẽ không có trần lãi suất mà mức lãi suất này sẽ do NHTM và khách hàng thoả thuận trong HĐTD phù hợp với quy định của NHNN. Chỉ trong trường hợp đặc biệt cần sự can thiệp thì NHNN mới quy định cơ chế lãi suất trong đó có trần lãi suất cho vay.
Pháp luật cũng quy định về lãi suất tại khoản 1 Điều 13 thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng như sau:
“Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này”.
Theo quy định này, ngân hàng và khách hàng sẽ được tự do thoả thuận lãi suất phù hợp miễn là không vượt quá mức lãi suất tối đa theo quy định của NHNN, điều này vừa giúp Nhà nước có thể quản lý về giới hạn lãi suất vừa đảm bảo được quyền lợi của khách hàng vay vốn.
Ngoài ra tại khoản 4 Điều 13 thông tư này cũng chỉ rõ trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, khoản vay bị chuyển nợ quá hạn:
“Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn”.
Như vậy, pháp luật về ngân hàng cho phép các bên trong quan hệ cho vay là ngân hàng và khách hàng được tự thoả thuận về lãi suất vay, loại trừ việc áp dụng trần lãi suất vay 20%/năm theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015.
Tại TPBank lãi suất cho vay cụ thể đối với từng đối tượng khách hàng được chi nhánh xác định, sao cho phù hợp với quy định hiện hành của NHNN và TPBank. Về thời hạn điều chỉnh lãi suất thực hiện theo quy định của ngân hàng theo từng thời kỳ. Đối với những khách hàng thân thiết, độ tín nhiệm cao, chi nhánh áp dụng lãi suất cho vay theo chính sách ưu đãi cụ thể của TPBank theo từng thời kỳ.
Như vậy, việc quy định của NHNN là chỉ đề ra mức lãi suất cơ bản mà không quy định mức lãi suất cụ thể đã tạo ra điều kiện thuận lợi trong việc xác định mức lãi suất phù hợp cho từng sản phẩm vay của NHTM.
NHNN quy định cơ chế xác định lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM đối với trường hợp mà hoạt động ngân hàng có những biến động bất thường. Lãi suất cho vay có thể cố định trong suốt quá trình vay hoặc biến đổi tuỳ thuộc vào sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, nền kinh tế lạm phát, hoạt động kinh doanh diễn biến thất thường thì hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất biến đổi theo từng thời kỳ.
Trước sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu đời sống của con người ngày càng cải thiện, nhu cầu sử dụng vốn cũng tăng lên đáng kể, dẫn đến việc lãi suất cho vay KHCN cũng có sự biến động. Cụ thể, theo thống kê từ báo cáo nội bộ mức lãi suất đến tháng 4/2022 tại Ngân hàng TPBank – Chi nhánh Hà Nội: Khách hàng vay thế chấp mua nhà sẽ áp dụng mức lãi suất 6,9%/năm cố định 6 tháng đầu, trả nợ gốc linh hoạt tăng hoặc giảm theo thu nhập, hạn mức cho vay lên đến 85% giá trị nhà và thời hạn tới 20 năm. Hay cho vay mua ô tô có mức lãi 7,6%/năm, hạn mức vay đến 80% giá trị xe, thời hạn vay đến 7 năm. Đối với vay tín chấp, TPBank sẽ cho khách hàng vay theo mức lương hay hợp đồng trả góp, lãi suất vay từ khoảng 1,3 – 1,8%/
tháng, vay trả góp là 2,89%/ tháng. Mức lãi suất cho vay khách hàng cá nhân có sự
tăng lên đáng kể so với thời điểm năm 2020 với khoản vay mua ô tô thì mức lãi suất là 6,9%/năm cố định trong 6 tháng đầu, thời hạn vay tối đa đến 6 năm. Như vậy, lãi suất của TPBank có sự thay đổi không nhiều qua các năm nhưng vẫn phù hợp với quy định chung của pháp luật.