Sau khi đã có những giải pháp xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, hoàn chỉnh thì vấn đề được đặt ra ở đây là việc phải xây dựng được hệ thống các biện pháp để có thể thực hiện các quy định đó trên thực tế, hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu phát sinh đến mức tối đa. Sau đây, em xin được đề xuất một số kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của hoạt động cho vay đối với KHCN như sau:
Kiến nghị với Chính Phủ
Chính phủ cần có những biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Cần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến trên sách, báo, các phương tiện thông tin truyền thông về các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động cho vay của NHTM để người dân có thể nắm bắt được kịp thời và tuân thủ theo.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những sửa đổi, hoàn thiện kịp thời các quy định của pháp luật về đổi mới hoạt động cho vay đối với KHCN nói riêng và cho vay nói chung của NHTM. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện những thay đổi, đổi mới cần xem xét làm sao cho phù hợp nhất với thực tế, tránh trường hợp chồng chéo pháp luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng của bên cho vay cũng như bên đi vay.
Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước cần có những sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý, tạo điều kiện cơ sở cần thiết để hoạt động cho vay KHCN phát triển hơn nữa. Trong thời gian sớm nhất, NHNN cần phải ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn cụ thể về các loại hình sản phẩm, dịch vụ của NHTM. Bên cạnh đó, cần đưa ra các văn bản để hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động cho vay của NHTM, tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ nhằm bảo vệ cho quyền lợi của các ngân hàng phát triển hoạt động này.
Ngân hàng Nhà nước cần tích cực hơn trong việc tổ chức ra các buổi tập huấn đối với cán bộ tín dụng của các NHTM. Giúp tạo điều kiện cho các cán bộ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời cũng tăng cường được sự hiểu biết cho các cán bộ ngân hàng về các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật khi tiến hành nghiệp vụ ngân hàng.
Kiến nghị với Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Hà Nội
Ngân hàng TMCP Tiên Phong – CN Hà Nội trong thời gian tới phải luôn kịp thời đưa ra những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ khi có các quy định mới
nhất của NHNN, của Chính phủ ban hành xuống có liên quan đến nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Từ đó, xây dựng các quy chế đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ ngân hàng, hạn chế tối đa những vi phạm về nghiệp vụ của CBTD như:
sai phạm, thực hiện thiếu hoặc không đầy đủ theo quy trình tín dụng hiện nay, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng của khoản vay.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoàn thiện các quy định nội bộ Ngân hàng TMCP Tiên Phong – CN Hà Nội cần đưa ra những biện pháp cụ thể, có hiệu quả để giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Dựa trên cơ sở những vấn đề lý luận được đưa ra ở chương 1, thực trạng và thực tiễn vấn đề được nêu ra ở chương 2, có thể thấy hoạt động về cho vay đối với KHCN rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đã có các quy định nhằm điều chỉnh hoạt động này nhưng vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, vẫn còn thiết sót trong các quy định quan trọng dẫn đến những hạn chế không đáng có. Vì vậy, ở chương 3, em nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện pháp luật đối với vấn đề này. Từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động cho vay đối với KHCN tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong hiện nay.