Nhóm khuyến nghị liên quan đến thẩm định khách hàng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh huyện hoằng hóa, bắc thanh hóa (Trang 76 - 81)

3.2. Một số khuyến nghị nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Hoằng Hóa, Bắc Thanh Hóa

3.2.1. Nhóm khuyến nghị liên quan đến thẩm định khách hàng

3.2.1.1. Khuyến nghị khai thác thông tin Lịch sử vay vốn của khách hàng vay

- Mục tiêu: Giúp người thẩm định khách hàng đưa ra quyết định đề xuất cho vay chính xác hơn từ thông tin về lịch sử vay vốn của khách hàng.

- Nội dung: Như kết quả nghiên cứu ở chương hai, nếu xác suất khả năng

xảy ra rủi ro tín dụng ban đầu là 5%, khi các nhân tố khác không thay đổi và chỉ xem xét riêng biệt từng nhân tố thì nhân tố Lịch sử vay vốn của khách hàng vay có sự tác động mạnh nhất và làm cho xác suất khả năng xảy ra rủi ro tín dụng tăng nhiều nhất và lịch sử vay vốn của khách hàng vay có ảnh hưởng cùng chiều với khả năng xảy ra rủi ro tín dụng. Điều này có nghĩa là đối với khách hàng vay nếu như lịch sử vay vốn có phát sinh nợ quá hạn thì cũng có khả năng xảy ra rủi ro tín dụng nếu như cấp tín dụng cho khách hàng. Để có thể kiểm tra chính xác được lịch sử vay vốn của khách hàng tại các tổ chức tín dụng thì chúng ta phải thông qua kết quả vấn tin CIC. Nếu kết quả vấn tin CIC cho thấy khách hàng không có nợ xấu hoặc chưa từng vay nợ thì chúng ta có thể đánh giá về lịch sử vay vốn của khách hàng tại các tổ chức tín dụng là tốt. Ngược lại, nếu kết quả vấn tin CIC cho thấy khách hàng đang có nợ xấu hoặc có lịch sử nợ xấu tại ngân hàng khác thì chúng ta có thể đánh giá là khách hàng đã hoặc đang không thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ. Đây là khâu rất quan trọng do vậy ngân hàng cũng cần phải duy trì việc vấn tin CIC cho toàn bộ hồ sơ vay, bảo lãnh và trong suốt quá trình vay nợ tại ngân hàng chứ không chỉ vấn tin riêng các hồ sơ vay lớn. Cho dù việc vấn tin hồ sơ vay là tốn phí phải thanh toán cho Trung tâm thông tin tín dụng CIC tuy nhiên số tiền này là không đáng kể so với việc để xảy ra rủi ro tín dụng. Việc vấn tin CIC như là yếu tố phòng ngừa, thanh loại những khách hàng đã có lịch sử tín dụng không tốt trong quá khứ và cũng để kiểm chứng độ chính xác thông tin trong hồ sơ hiện tại khách hàng cung cấp cho ngân hàng. Thực tế tại chi nhánh, khi giải quyết khoản vay đối với những khách hàng có lịch sử nợ xấu trước đây thì hầu hết sau một thời gian thì khoản vay cũng sẽ phát sinh nợ xấu.

Hiện tại, tại Agribank chi nhánh huyện Hoằng Hóa Bắc Thanh Hóa, việc vấn tin CIC 100% vẫn chưa được thực hiện đối với các khách hàng cho vay vốn qua tổ vay vốn, vì vậy có nhiều trường hợp khách hàng vay bị quá hạn CIC tại các tổ chức tín dụng khác, gây ảnh hưởng đến tình hình tín dụng tại chi nhánh. Vì vậy qua nghiên cứu này tác giả đề nghị chi nhánh thực hiện vấn

tin 100% đối với tất cả các khách hàng trước khi cấp tín dụng kể cả đối với các khách hàng nhỏ và khách hàng vay qua tổ vay vốn.

3.2.1.2. Khuyến nghị khai thác thông tin Uy tín sử dụng vốn của khách hàng vay

- Mục tiêu: Giúp người thẩm định khách hàng đưa ra quyết định đề xuất cho vay chính xác hơn từ thông tin về uy tín sử dụng vốn vay của khách hàng.

- Nội dung: Như kết quả nghiên cứu trong chương hai, vấn đề về uy tín sử dụng vốn vay của khách hàng có ảnh hưởng trái chiều đến rủi ro tín dụng tại chi nhánh. Điều này có thể hiểu là trong trường hợp khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích thì sẽ giảm rủi ro tín dụng đối với khoản vay của khách hàng. Ngược lại trong trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích vay vốn ban đầu sẽ làm tăng khả năng xảy ra rủi ro tín dụng. Nếu khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích thì xác suất xảy ra rủi ro tín dụng là rất cao. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động ngắn hạn nhưng tiền vay thực tế lại dùng đề đầu tư vào tài sản cố định thì vốn đã được sử dụng cho dài hạn hoặc dùng tiền đầu tư vào ngành kinh doanh không thường xuyên của khách hàng và có tính rủi ro cao thì tiềm ẩn gây ra rủi ro tín dụng rất cao.

Để có thể đảm bảo việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích thì vai trò của người cán bộ tín dụng là quan trọng nhất. Trong khâu thẩm định mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng cần phải nâng cao chất lượng thẩm định phương án sử dụng vốn. Cần đánh giá được cụ thể, chi tiết hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Vốn của ngân hàng khi được giải ngân cho khách hàng sẽ được sử dụng đầu tư vào khâu nào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng có đúng thực tế hay không, vốn đầu tư có thừa so với nhu cầu hay không. Đây là một vấn đề quan trọng nhằm hạn chế rủi ro đối với hoạt động cho vay. Việc không thẩm định, đánh giá được phương án sử dụng vốn của khách hàng sẽ dẫn đến tình trạng khách hàng dựng hồ sơ để vay vốn sử dụng cho mục đích khác, dẫn đến sử dụng vốn

sai mục đích gây ra rủi ro đối với khoản vay.

Sau khi cấp tín dụng cho khách hàng, ngân hàng cần kiểm soát các khoản giải ngân cho khách hàng đảm bảo đúng với đối tượng sử dụng vốn như trong phương án sử dụng vốn. Kiểm tra sau khi giải ngân để đảm bảo khách hàng thực hiện đúng mục đích sử dụng vốn như đã cam kết với ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích cần lập biên bản làm việc, yêu cầu thu hồi nợ trước hạn nhằm tránh rủi ro đối với khoản vay.

3.2.1.3. Giải pháp khai thác thông tin Kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của khách hàng

- Mục tiêu: Giúp người thẩm định khách hàng đưa ra quyết định đề xuất cho vay chính xác hơn từ thông tin về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của khách hàng.

- Nội dung: Như kết quả nghiên cứu ở chương hai, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của khách hàng vay tác động ngược chiều đến khả năng xảy ra rủi ro tín dụng tức là khi khách hàng vay có kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn thì khả năng xảy ra rủi ro tín dụng giảm đi và ngược lại khi khách hàng có ít kinh nghiệm trọng hoạt động sản xuất kinh doanh thì khả năng xảy ra rủi ro tín dụng tăng lên.

Khi công tác thẩm định tín dụng khách hàng có chất lượng, ngân hàng càng có nhiều căn cứ và cơ sở vững chắc để đưa ra các quyết định đúng đắn hơn, tránh gây tổn thất và mang lại lợi ích cho ngân hàng cũng như khách hàng.

Nhưng nếu công tác thẩm định sơ sài, thiếu thông tin và mắc phải sai sót chủ quan và khách quan thì thiệt hại đầu tiên ngân hàng phải chịu là không thu hồi được khoản vay, giảm uy tín, ảnh hưởng đến nguồn vốn của ngân hàng. Các dự án cho vay dù lớn hay nhỏ thường bắt đầu từ việc khách hàng nộp hồ sơ vay ở các ngân hàng. Trong thẩm định tín dụng các nhà thẩm đinh chủ yếu sẽ đi sâu vào thực chất của dự án kinh tế nhằm giúp các ngân hàng quyết định cho vay hay không. Khác với việc lập dự án đầu tư, thẩm định tín dụng cố gắng phân

tích và hiểu được tính chất khả thi thật sự của dự án về kinh tế đứng trên góc độ của ngân hàng.

Thực tế cho thấy, khi làm việc với đối tác có kinh nghiệm, bất cứ ai cũng đều tin. tưởng hơn, tự tin hợp tác với nhau hơn, và sự kỳ vọng về hiệu quả hợp tác bắt nguồn từ vốn kinh nghiệm đó. Trong hoạt động ngân hàng, khách hàng vay kinh doanh nhưng chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực hoạt động của mình thì khoản vay chắc chắn sẽ khó thuyết phục được người cho vay, bởi đầu tư vốn như vậy là mạo hiểm. Nếu quá trình thẩm định lựa chọn được những khách hàng đã có lâu năm kinh nghiệm hoặc mới tham gia vào ngành nhưng đã có rất nhiều kinh nghiệm quản lý và thành công ở lĩnh vực tương tự thì rủi ro sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc lựa chọn những khách hàng chưa có kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm. Những khách hàng có kinh nghiệm tốt hơn sẽ có khả năng quản lý hoạt động kinh doanh tốt hơn và ngân hàng sẽ yên tâm hơn.

3.2.1.4. Giải pháp khai thác thông tin Khả năng tài chính của khách hàng vay

- Mục tiêu: Giúp người thẩm định khách hàng đưa ra quyết định đề xuất cho vay chính xác hơn từ thông tin về khả năng tài chính của khách hàng.

- Nội dung: Như kết quả nghiên cứu ở chương hai, ta thấy khả năng tài chính của khách hàng vay tác động ngược chiều đến khả năng xảy ra rủi ro tín dụng, tức là khi khả năng tài chính của khách hàng tốt lên thì khả năng xảy ra rủi ro tín dụng giảm đi. Khả năng tài chính của khách hàng ở đây được thể hiện qua tỷ lệ vốn tự có tham gia vào phương án, vào hoạt động kinh doanh của mình. Một khách hàng có tỷ lệ vốn tự có tham gia vào phương án cao sẽ là một cơ sở để ngân hàng đánh giá khả năng tài chính của người vay, tạo sự thuyết phục cho cán bộ tín dụng vào khách hàng khi cho vay. Điều đó tạo được tiềm lực tài chính của người vay, tạo sự an tâm cho ngân hàng khi cho vay.

Để có đủ tỷ lệ tham gia vốn tự có theo qui định của ngân hàng là rất khó dù dự án hoạt động của khách hàng có thể rất hiệu quả. Các ngân hàng không nên áp dụng tất cả các ngành nghề kinh doanh với cùng một tỷ lệ qui định về vốn tự có tham gia vào dự án mà cần căn cứ vào mức độ rủi ro của từng khoản vay trên nguyên tắc ngành nghề, lĩnh vực nào rủi ro cao thì tỷ lệ vốn tự có tham gia cần yêu cầu cao hơn. Đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản, chứng khoán thì đòi hỏi vốn tự có tham gia không quá thấp, hệ số nợ vay không có ba lần vốn tự có, những ngành nghề thương mại thần túy thì vốn tự có tham gia không yêu cầu quá cao so với khách hàng hoạt động sản xuất.

Ngân hàng cần quan tâm thêm tùy đối tượng vay, mục đích vay thì có thể linh động điều chỉnh tiêu chí để lựa chọn một tỷ lệ vốn tự có tham gia an toàn. Với những khách hàng có ít kinh nghiệm thì đòi hỏi tỷ lệ vốn tự có ở mức cao, những khách hàng vay đầu tư tài sản cố định thì đòi hỏi vốn tự có tối thiểu ở mức 30% so với tổng nguồn vốn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh huyện hoằng hóa, bắc thanh hóa (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)