CHƯƠNG 2: XÂY DỰNG MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.4. Phân tích kết quả nghiên cứu
2.4.1. Tính thanh khoản
Biến tính thanh khoản (LIQ) có hệ số là -0.0051477 với p-value bằng 0.0070 <
mức ý nghĩa 1% nên ta khẳng định tính thanh khoản có tác động đến HQTC xét theo
63 ROA. Cụ thể là tác động ngược chiều và đúng với giả thuyết H1 đã đưa ra. Điều này phù hợp với kết quả trong nghiên cứu của Khalifa & Zurina (2013), Manh Dung Tran và cộng sự (2019). Kết quả của mô hình cho biết khi thanh khoản của công ty (hay chính là khả năng thanh toán ngắn hạn) tăng 1% thì HQTC giảm 0.0051477%. Điều này có thể giải thích được khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa giữ khả năng thanh toán ngắn hạn ở mức quá cao sẽ gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực. Ví dụ như CTCP nhựa Đà Nẵng (DPC) có tỷ số khả năg thanh toán ngắn hạn năm 2018 lên đến 17.3, hay CTCP dệt lưới Sài Gòn trong suốt 7 năm từ 2015-2021 đều giữ tỷ số khả năng thanh toán ngắn hạn ở mức trên 8. Các doanh nghiệp ngành nhựa nước ta có đặc điểm là phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do chưa thể tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm nhựa. Vì vậy, các doanh nghiệp thường sẽ dự trữ số lượng nguyên liệu lớn để đảm bảo cho khâu sản xuất luôn được liên tục, phòng tránh những trường hợp bất ngờ xảy ra khi giá nguyên vật liệu lên cao hoặc nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn. Vì thế số nguyên vật liệu tồn kho của các công ty thường rất lớn. Từ đó, khiến cho tài sản ngắn hạn trong các doanh nghiệp có giá trị lớn và hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn theo đó cũng rất cao. Khi lượng hàng tồn kho lớn sẽ thể hiện doanh nghiệp đang tồn kho nhiều khiến cho chi phí quản lí, chi phí lưu kho tăng lên. Điều đó có thể tác động làm HQTC của doanh nghiệp giảm xuống. Mặc dù đó là đặc trưng riêng của ngành nhưng các doanh nghiệp vẫn nên điều chỉnh khả năng thanh toán ở một mức hợp lí hơn đối với tình hình tài chính của từng doanh nghiệp để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả.
Đối với mô hình biến phụ thuộc ROE, hệ số hồi quy của mô hình là -0.0049 giá trị p-value là 0.1460> mức ý nghĩa là 0.1 cũng đồng nghĩa rằng biến LIQ không có mối liên hệ với biến phụ thuộc ROE. Tính thanh khoản tác động ngược chiều lên ROA nhưng lại không có ý nghĩa với ROE.
2.4.2. Hiệu quả sử dụng tài sản
Kết quả từ cả hai mô hình đều cho thấy hệ số hồi quy đều lớn hơn 0 thể hiện mối quan hệ giữa hiệu quả sử dụng tổng tài sản và cả hai biến ROA, ROE là cùng chiều.
64 Điều này cũng có nghĩa là khi hiệu quả sử dụng tổng tài sản tăng lên thì HQTC cũng sẽ tăng và ngược lại. Cụ thể, khi hiệu suất sử dụng tổng tài sản tăng 1 đơn vị thì ROA tăng 0.0326034 đơn vị, ROE tăng 0.063525 đơn vị. Giá trị p-value là 0.0000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 1% nên độ tin cậy của mô hình là 99%. Có thể dễ dàng nhận thấy khi hiệu suất sử dụng tài sản trong doanh nghiệp cao đồng nghĩa rằng việc đầu tư vào tài sản đang tác động tốt đến việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận, nâng cao hiệu quả tài chính. Hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp ngành nhựa như đã phân tích ở trên nằm ở một mức tương đối cao điều đó tác động tích cực đến HQTC. Kết quả này đúng với giả thuyết H2 mà tác giả đã đề xuất và cũng ủng hộ kết luận trong một số nghiên cứu của Mr. Mou Xu (2015), Trần Mạnh Dũng và cộng sự (2020).
2.4.3. Đòn bẩy tài chính
Đối với biến đòn bẩy tài chính, nghiên cứu chỉ ra tác động ngược chiều của đòn bẩy tài chính đến ROA với độ tin cậy 99%. Cụ thể khi tỷ lệ đòn bầy tài chính trong doanh nghiệp tăng 1% thì ROA tương ứng sẽ giảm 0.0326034%. Tuy nhiên, đối với ROE thì biến đòn bẩy tài chính lại không mang nghĩa thống kê do giá trị p-value bằng 0.7870 lớn hơn mức ý nghĩa 10%. Khi các doanh nghiệp vay nợ để đầu tư cho các tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đến một mức nào đó thì cơ cấu nợ vay sẽ là tối ưu có nghĩa là sử dụng nợ ở mức này sẽ giúp cân bằng giữa lợi ích và chi phí, cân đối được giữa rủi ro và lợi nhuận từ đó tối đa hoá lợi nhuận cho công ty. Nhưng khi mức vay nợ ngày càng tăng vượt quá cơ cấu tối ưu sẽ làm gia tăng chi phí sử dụng nợ, rủi ro tăng lên và gây ra tác động ngược chiều đến HQTC. Các doanh nghiệp trong nghiên cứu có tỷ số đòn bẩy tài chính trung bình ở mức 47,52% và có rất nhiều doanh nghiệp hệ số này trong suốt giai đoạn 7 năm đều trên mức 50% như: CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG), CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), CTCP sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP),… Tác động âm của đòn bẩy tài chính ở mô hình này giống với kết luận về mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và HQTC trong nghiên cứu của một số tỏc giả như: H Gửkỗehan Demirhan & Waseem Anwar (2014), Trần Mạnh Dũng và cộng sự (2020).
65 2.4.4. Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp
Kết quả mà nghiên cứu đem lại phù hợp với giả thuyết H4 mà tác giả đã đề xuất về tác động cùng chiều của tốc độ tăng trưởng đến HQTC. Biến GROWTH có mối liên hệ ý nghĩa với cả hai biến phụ thuộc ROA và ROE. Với độ tin cậy của mô hình là 95%, khi tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tăng lên 1% thì ROA tăng 0.0154798% và ROE tăng 0.035867%. Ta thấy, các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu tài sản hàng năm thường có xu hướng tăng lên hay tốc độ tăng trưởng qua các năm thường là các giá trị dương. Các tài sản được đầu tư và sử dụng với mục đích hợp lí, tận dụng tối đa công suất sử dụng của tài sản để đem lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp tăng lợi nhuận cho công ty, hơn nữa tốc độ tăng của lợi nhuận có thể nhanh hơn so với tốc độ tăng của tài sản khiến cho HQTC ngày càng được nâng cao hơn. Kết luận về tác động thuận chiều của tốc độ tăng trưởng đến hiệu quả tài chính từ các nghiên cứu của Pouraghajan và cộng sự (2012), Gatsi và cộng sự (2013), Đặng Ngọc Hùng (2015) đều phù hợp với kết quả trên.
2.4.5. Quy mô doanh nghiệp
Đối với mô hình của biến phụ thuộc ROA biến quy mô doanh nghiệp có hệ số hồi quy là -0.0003564, với giá trị p-value bằng 0.9050 lớn hơn 0.1, còn với ROE mô hình có hệ số hồi quy 0.000145, p-value là 0.9840 lớn hơn 0.1. Kết quả này cho biết quy mô công ty không có mối liên hệ ý nghĩa với HQTC của doanh nghiệp. Kết luận này phù hợp với quan điểm của Falope & Ajilore (2009) và Đỗ Dương Thanh Ngọc (2011).
2.4.6. Thời gian hoạt động
Giả thuyết H6 được chứng minh là chính xác qua kết quả hồi quy hai mô hình của 2 biến thể hiện hiệu quả tài chính là ROA và ROE. Theo đó, giá trị p-value ở cả 2 mô hình đều là 0.0000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 1% chứng tỏ biến thời gian hoạt động có ý nghĩa thống kê. Hệ số hồi quy với ROA và ROE đều dương có nghĩa là tác động của thời gian hoạt động đối với HQTC của các doanh nghiệp ngành nhựa là cùng chiều. Khi thời gian hoạt động của doanh nghiệp càng lâu thì HQTC tương ứng sẽ
66 càng cao. Kết luận này giống với quan điểm trong nghiên cứu của Khalifa & Zurina (2013), Gatsi và cộng sự (2013), Trần Gia Nguyên (2018). Có thể khẳng định rằng điều này là hợp lí bởi vì tuổi của công ty càng cao chứng tỏ công ty đã hoạt động lâu năm trong ngành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, xây dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng. Đa số các doanh nghiệp nhựa được sử dụng làm mẫu trong nghiên cứu đều có lịch sử thành lập từ nhiều năm về trước. Do đó, họ đều đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường cùng với sự ổn định và thay đổi thích hợp với các xu hướng phát triển mới giúp cho các công ty ngày càng củng cố vị trí của mình và hoạt động một cách hiệu quả hơn so với các công ty mới gia nhập.
2.4.7. Tốc độ tăng trưởng GDP
Kết quả của nghiên cứu khẳng định biến GDP có mối liên hệ ý nghĩa với HQTC của doanh nghiệp. Cụ thể, với độ tin cậy lần lượt là 99% và 95% cả 2 mô hình đều cho biết tốc độ tăng trưởng GDP tác động tích cực lên cả ROA và ROE. Khi GDP tăng 1% thì hệ số ROA tăng 0.2864867%, còn ROE tăng lên đáng kể là 0.638669%.
Trong giai đoạn 2015-2019 GDP của nước ta trung bình ở mức cao và đều mặc dù thời điểm 2 năm trở lại đây là năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn duy trì đảm bảo không âm. Điều đó cho thấy nước ta luôn có tốc độ tăng trưởng tốt kể cả khi chịu tác động của dịch bệnh, đảm bảo thu nhập của người dân ổn định và ngày càng cải thiện. Khi đó, họ sẽ có nhu cầu nhiều hơn về các sản phẩm phục vụ cuộc sống, đa dạng hơn về mẫu mã, cao hơn về chất lượng và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của mình, từ đó, tạo điều kiện cũng như kích thích các ngành kinh tế trong đó có ngành nhựa mở rộng và phát triển hơn.
2.4.8. Lạm phát
Về yếu tố lạm phát, giá trị p-value của cả 2 mô hình với 2 biến ROA ROE đại diện cho hiệu quả tài chính lần lượt là 0.1470, 0.4350. Giá trị này đều lớn hơn so với mức ý nghĩa 10% nên biến INF được xác định là không tác động đến HQTC của các doanh nghiệp. Kết quả này cũng củng cố và đồng quan điểm với một nghiên cứu khác cùng đề tài của tác giả Trần Mạnh Dũng và cộng sự (2020). Có thể giải thích điều này là do vấn đề các doanh nghiệp ngành nhựa không chủ động được nguyên liệu đầu
67 vào. Nguồn nguyên liệu chủ yếu từ nhập khẩu nên tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi khi tỷ giá tăng lên đồng nghĩa với chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, trong khi đó giá bán sản phẩm không thể điều chỉnh tăng tương ứng. Điều này có thể gây ra rủi ro rất lớn cho các công ty khi không thể kiểm soát giá cả dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, HQTC cũng giảm sút theo. Ở đây yếu tố lạm phát chỉ tác động ở một mức độ nào đó không đủ lớn để gây nên ảnh hưởng mạnh đến HQTC của ngành nhựa.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Qua chương 2, khoá luận đã đưa ra một cái nhìn tổng quan nhất về các doanh nghiệp ngành nhựa, phân tích khái quát về HQTC cũng như các tác động của các nhân tố đến HQTC. Từ đó, xây dựng được mô hình hồi quy để phân tích tác động thông qua các dữ liệu đã thu thập được. Dữ liệu được chạy trên phần mềm phân tích định lượng Stata với các phân tích tổng quan, các kiểm định và các mô hình hồi quy cũng như mô hình khắc phục để cuối cùng cho ra kết quả đáng tin cậy nhất.