CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
1.2. Năng lực cạnh tranh của công ty chứng khoán
1.2.3. Nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công ty chứng khoán
Tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong và ngoài nước
TTCK nói chung và các CTCK nói riêng được coi là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nói chung. Do đó một khi cả nền kinh tế không ổn định thì các bộ phận bên trong cũng sẽ không thể hoạt động bình thường. Giai đoạn vừa qua, nền kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động từ đại dịch COVID-19 cho đến cuộc chiến giữa Nga – Ukraine kéo theo sự sụt giảm đáng kể của thị trường kinh tế thế giới nói chung và thị trường trong nước nói riêng.IMF và Ngân hàng Thế giới cùng đánh giá, cuộc xung đột Nga - Ukraine trở thành mối đe dọa mới. Cùng với hậu quả lâu dài của đại dịch COVID-19, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn. Ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều công ty làm ăn thua lỗ, bị phá sản. Các công ty còn chống trụ được qua đại dịch cũng phải cắt giảm lượng lớn nhân viên, đến khi Chính phủ kích thích phục hồi kinh tế thì phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Một hệ quả tất yếu của các tác nhân này là các bộ phận cấu thành bên trong nền kinh tế suy giảm năng lực cạnh tranh. Lẽ dĩ nhiên, TTCK bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chung và các CTCK cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng theo những tác động to lớn này.
Vì vậy, khi tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong và ngoài nước bất ổn thì càng đòi hỏi các CTCK phải có các biện pháp cải thiện, nâng cao năng lực nội tại của công ty để có thể giữ vững vị thế trước các biến động khôn lường.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán
TTCK là một bộ phận quan trọng cấu thành nên thị trường tài chính, là một trong số các kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu của nền kinh tế. Sự phát triển của TTCK có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và hoạt động của các CTCK nói riêng. Có thể thấy rằng, khi TTCK mới thành lập, còn non trẻ thì số lượng
các CTCK được thành lập là không nhiều với số vốn không lớn. Lúc này mức độ cạnh tranh giữa các CTCK cũng còn yếu nhưng khi thị trường đã phát triển vượt bậc như hiện tại, số lượng các nhà đầu tư mới tham gia thị trường liên tục lập kỷ lục, các CTCK cũng ngày càng nhiều, TTCK nhận được nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết đồng nghĩa cạnh tranh lúc này cũng gay gắt hơn rất nhiều. Các CTCK luôn phải tạo được các yếu tố mới khác biệt, các sản phẩm dịch vụ cung cấp phải luôn được nâng cao và chú trọng lợi ích của khách hàng để có thể tăng năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu đứng vững trên thị trường. Đặc biệt là khi Chính phủ đang định hướng nâng hạng TTCK Việt Nam thì việc tận dụng cơ hội tạo lợi thế làm nền tảng cho sự phát triển sau này vô cùng quan trọng.
Đối thủ cạnh tranh
Một quy luật tất yếu trong sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh, đây chính là động lực của sự phát triển. Môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt khi TTCK ngày càng phát triển, đòi hỏi các CTCK phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho mục tiêu tôn tại và phát triển.
Các đối thủ là một nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ lĩnh vực nào. Không có đối thủ thì sẽ không có cạnh tranh, không có cạnh tranh thì sẽ mất đi động lực phát triển. Khi một công ty mới xuất hiện trên thị trường chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các công ty sẵn có khiến các công ty này chú trọng hơn vào việc tìm ra điểm khác biệt, sáng tạo các chiến lược kinh doanh mới, không ngừng đầu tư để phát huy thế mạnh của mình. Chính sự xuất hiện của đối thủ mới đã kích thích khả năng tiềm ẩn của các công ty khác phát triển. Càng có nhiều đối thủ thì mức độ cạnh tranh càng khốc liệt, công ty không muốn bị đào thải thì phải không ngừng nỗ lực nâng cao vị thế.
Nhân tố khách hàng
Khách hàng cũng là nhân tố đóng vai trò then chốt quyết định thành bại của các doanh nghiệp nói chung và CTCK nói riêng. Đặc biệt đối với CTCK thì các nhà đầu tư là trọng tâm sự cạnh tranh và là động lực thúc đẩy việc cạnh tranh giữa các CTCK. Để
tiếp cận khách hàng thì yêu cầu tiên quyết với các CTCK là phải cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt nhất; để giữ chân khách hàng thì cần phải có dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo nhất và đảm bảo hiệu quả tư vấn.
Đối tượng khách hàng của CTCK khá đa dạng, có thể là cá nhân hoặc tổ chức với sự hiểu biết về TTCK hoàn toàn khác nhau. Vì vậy sản phẩm dịch vụ của CTCK không chỉ giúp họ tiếp cận với TTCK để đưa ra quyết định đầu tư mà còn hạn chế được rủi ro.
1.2.3.2. Nhân tố chủ quan Tiềm lực tài chính
Vốn chính là nền tảng cho mọi hoạt động trong công ty. Không có vốn thì không có công ty, không có cơ sở vật chất kỹ thuật, không có đội ngũ nhân sự. Mà không có những yếu tố này thì một công ty cũng không thể hoạt động được. Nếu một công ty có tiềm lực tài chính vững mạnh thì sẽ có điều kiện để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, sản phẩm dịch vụ hay đào tạo và tuyển dụng được nguồn nhân lực trình độ cao. Những yếu tố này tạo nên tính cạnh tranh giữa các công ty. Tuy nhiên không phải công ty nào có tiềm lực tài chính vững mạnh thì cũng có năng lực cạnh tranh cao bởi nếu nguồn vốn đó không được sử dụng hiệu quả thì không thể phát huy được tiềm năng của công ty, thậm chí làm tăng chi phí, thâm hút vốn và kéo công ty đi xuống.
Đội ngũ nhân sự
Nhân tố cốt lõi giúp công ty hoạt động được chính là đội ngũ nhân sự, yếu tố con người lại là nhân tố không thể thiếu, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán thường đòi hỏi cao về chất xám thì nguồn nhân lực này lại càng quan trọng. Nó chính là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của một CTCK. Với một đội ngũ nhân viên môi giới nhiệt tình, trách nhiệm, chu đáo, am hiểu thị trường, chuyên môn cao sẽ tạo nên một lợi thế to lớn trong việc thu hút khách hàng cũng như tạo nên uy tín cho công ty.
Cơ sở vật chất và khoa học công nghệ
Cơ sở vật chất là nền móng tạo nên công ty vì vậy nó cần được tạo đầu tư vững chãi ngay từ ban đầu. Hơn nữa, một trong những điều kiện đầu tiên thành lập một CTCK là phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cơ sở vật chất hiện đại thì công ty hoạt động càng hiệu quả. Cơ sở vật chất chỉ là một phần yếu tố bên ngoài khi xem xét về thực lực của công ty nào đó. Bởi lẽ kinh doanh chứng khoán là một ngành nghề đặc biệt đòi hỏi nguồn thông tin có độ chính xác cao để đưa ra những phân tích và nhận định đúng đắn. Để làm được điều đó thì cần sự hỗ trợ từ khoa học công nghệ hiện đại.
Một công ty đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như có hệ thống công nghệ phần mềm tiên tiến sẽ thực sự tạo ra tính cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Chiến lược kinh doanh
Phương thức quản lý và chiến lược kinh doanh là chìa khóa giúp công ty phát triển. Mỗi một công ty trong những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau lại có những đặc điểm khác nhau, có thể là nguồn vốn, nhân sự hay các sản phẩm dịch vụ. Do đó, mỗi công ty sẽ có một chiến lược kinh doanh riêng biệt chủ động hoặc bị động hoặc kết hợp cả hai. Điều này còn tùy thuộc vào thị trường và đặc điểm kinh doanh của mỗi công ty.
Đặc biệt đối với ngành nghề kinh doanh nhiều rủi ro như chứng khoán thì chiến lược kinh doanh phải mang tính ngắn hạn, linh hoạt, sáng tạo mới có thể đứng vững trước vô vàn biến động của thị trường chung. Một công ty có chiến lược kinh doanh tốt, linh hoạt và phù hợp thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn, thu lợi nhuận cao hơn và có điều kiện để đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh.
Giá phí sản phẩm – dịch vụ
Đây chính là yếu tố quan trọng mà mọi khách hàng đều quan tâm khi tìm đến các CTCK và cũng là nguồn thu của các CTCK. Mỗi một CTCK sẽ có một mức giá phí khác nhau, phụ thuộc vào quy mô công ty hay tình hình biến động của thị trường. Nếu thị trường biến động bất lợi thì việc hạ phí sẽ là một giải pháp phù hợp để thu hút
khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh. Ngược lại, khi thị trường biến động sôi nổi thì việc tăng phí trong một hạn mức cho phép sẽ giúp CTCK có thêm một khoản thu bù đắp cho những chi phí bỏ ra.