CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN RỒNG VIỆT
2.4. Đánh giá chung về thực trạng năng lực cạnh tranh của Công ty chứng khoán Rồng Việt 55 1. Kết quả đạt được
2.4.1. Kết quả đạt được
NLCT của Rồng Việt có sự cải tiến rõ rệt thể hiện qua những nội dung sau:
Sản phẩm - dịch vụ: Luôn được đầu tư nâng cấp và cải thiện đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng, thường xuyên cập nhật và sửa lỗi trong quá trình vận hành nên hệ thống giao dịch của Rồng Việt được đánh giá cao về tính ổn định, không xảy ra tình trạng sập hệ thống, ít khi gặp lỗi gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Chất lượng các bài phân tích, nhận định của bộ phận chuyên viên phân tích luôn đem lại hiệu quả cũng là nền tảng để đưa công ty bước lên một vị thế mới. Dựa vào các báo cáo đa dạng, chất lượng cao từ các vấn đề kinh tế trong nước cho đến quốc tế, các nhóm ngành và các doanh nghiệp cụ thể, VDSC nhận được nhiều đánh giá cao về mảng phân tích.
Cơ sở vật chất: Được chú trọng cải tạo và đổi mới, kiến tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ đó tăng năng suất lao động và hiệu quả trong công việc thể hiện qua việc tổng mức đầu tư nâng cấp trong năm 2021 là hơn 5 tỷ đồng.
Nguồn nhân lực: Đội ngũ nhân sự trẻ, năng động, sáng tạo, khả năng tư vấn tốt, hiệu quả tư vấn cao. Ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao và có các kế hoạch đào tạo rõ ràng cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là trong năm 2021.
QTRR: Được thực hiện tốt và bài bản trong cả bối cảnh dịch bệnh và thời kỳ chuyển đổi số giúp công ty có kết quả kinh doanh ấn tượng và triển vọng phát triển lớn
trong tương lai. Thành quả nổi bật nhất là Rồng Việt tiếp tục không để phát sinh khoản dự phòng nợ xấu nào.
Phát triển khách hàng: VDS đạt được thành quả ấn tượng khi số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng, tính an toàn và bảo mật cho tài sản của khách được đảm bảo tuyệt đối.
Tiềm lực tài chính: VCSH, tổng tài sản tăng mạnh cùng với khả năng sinh lời cao; doanh thu tăng trưởng tốt và ổn định; mức độ sử dụng chi phí phù hợp, đáp ứng yêu cầu HĐKD.
Cụ thể, năm 2021, VDS đạt được những thành quả kinh doanh sau:
LNST tăng 184,3% so với năm 2020. ROA đạt 12,9%, ROE đạt 30,4%, EPS đạt 4.050 đồng/CP. Hiệu quả kinh doanh tích cực đã giúp giá trị cổ phiếu VDS tăng vượt trội từ mức giá 10.000 đồng lên hơn 35.000 đồng/cổ phiếu và giá trị vốn hóa của Rồng Việt đạt hơn tăng 3,6 lần so với đầu năm 2021.
Năng lực quản trị: Bộ máy tổ chức khoa học, hệ thống quy trình nội bộ ngày càng được củng cố và hoàn thiện, các hoạt động KSNB, KTNB, QTRR được tăng cường,... đã mang lại hiệu quả cho VDS về tính minh bạch và hạn chế được các rủi ro tiềm ẩn.
2.4.2. Tồn tại và nguyên nhân 2.4.2.1. Tồn tại
Tuy rằng NLCT được cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như sau:
Giá phí giao dịch: Cơ chế giá phí của công ty chưa quá hấp dẫn và mang tính cạnh tranh cao cũng là một tồn tại VDS cần cân đối. Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, số vốn nhỏ, phí giao dịch là rào cản khá lớn trong quá trình lựa chọn công ty là nơi giao dịch.
Trình độ công nghệ: VDS còn hạn chế về hệ thống giao dịch trực tuyến, cụ thể là giao diện và tính năng tích hợp với ngân hàng.
Chính sách về nhân lực: VDS chưa có nhiều cơ chế hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài một cách hiệu quả như lương, thưởng,...
Thương hiệu: Mức độ nhận diện thương hiệu, uy tín của Rồng Việt đã được ban lãnh đạo chú trọng, đặc biệt quan tâm nhiều hơn nhưng chưa có chiến lược phát huy tối đa hiệu quả. Đối với các nhà đầu tư, vẫn tồn tại bộ phận những người chưa biết đến thương hiệu hoặc nhầm lẫn với CTCK khác.
Thị phần: thị phần môi giới của VDS còn khá hẹp, ít nhiều cũng tác động đến quy mô công ty, thu hẹp quy mô trong ngắn hạn. Tốc độ gia tăng thị phần kém sẽ dẫn đến hệ lụy là khả năng cạnh tranh của công ty bị ảnh hưởng do không giành được thị phần. Dù chất lượng dịch vụ của công ty tốt nhưng thiếu thị phần để khai thác thì cũng không thể phát huy được những năng lực đó.
Năng lực quản trị: Về quản trị công ty còn tồn tại mặt trái về các quy trình nghiệp vụ. VDS tuy rằng có quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định nhưng đôi khi cũng quá khắt khe, làm giảm đi tính linh hoạt và thuận tiện trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh.
2.4.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này có thể giải thích như sau:
Trước hết, các sản phẩm tuy rằng được áp dụng công nghệ, cải tiến và nâng cấp nhiều tính năng nhưng chưa bám sát theo trải nghiệm thực tế của người dùng. Vì vậy, hệ thống giao dịch còn vướng phải những hạn chế trên. Về vấn đề giá phí, để một CTCK có chất lượng tư vấn hiệu quả thì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí và các môi giới cũng phải đạt trình độ chuyên môn tốt, vậy nên việc giá phí giao dịch chưa mang tính cạnh tranh cao là điều không thể tránh khỏi.
Sau đó, cơ chế thu hút nhân tài chưa hoạt động hiệu quả là do chế độ lương thưởng tại Rồng Việt chưa cao và mang tính cạnh tranh lớn với các công ty cùng ngành, quy mô còn hạn chế và chương trình đào tạo. Tại đây, chương trình đào tạo được thực hiện bài bản, đầy đủ, có mức độ áp dụng vào thực tế cao, tuy nhiên, cách thức truyền tải và giáo trình còn khá khô khan, thiếu hình ảnh, chưa đủ sinh động.
Tiếp đến, do chiến lược của VDS là hướng vào thị trường ngách, lấy thế mạnh sẵn có làm nền tảng để từ đó nâng cao chất lượng về mọi mặt: nhân sự, sản phẩm, tư vấn,... Vậy nên việc không cạnh tranh thị phần, thậm chí chấp nhận giảm hẳn thị phần là chủ đích để công ty có thể giữ nguyên cũng như phát triển những thành quả kinh doanh đạt được trong mảng môi giới và DVCK.
Nguyên nhân của sự hạn chế về thương hiệu là do chiến lược quảng bá chỉ chủ yếu dựa trên kết quả kinh doanh tích cực, các sản phẩm nổi bật và chất lượng của các báo cáo phân tích, tức là mới chỉ chú trọng vào nội dung quảng bá. Trong khi đó, không gian và thời điểm quảng bá lại chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cuối cùng, VDS đã quy định các thủ tục khắt khe, thông qua nhiều quá trình vì mục đích hạn chế rủi ro cho chính mình và các khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty cùng với đảm bảo tính minh bạch trong quá trình vận hành.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Tại chương 02, khóa luận đưa ra các thông tin giới thiệu chung về CTCK Rồng Việt, tiến hành đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của Rồng Việt thông qua hai chỉ tiêu định tính và định lượng và vận dụng thêm một số chỉ tiêu CAMEL để đánh giá chi tiết hơn NLCT của VDSC. Sau quá trình đánh giá từ khái quát đến cụ thể, khóa luận đã nêu lên nhận định về thực trạng, vị thế và triển vọng trong ngành của công ty là rất khá. Qua đó, bài luận có cái nhìn tổng quát và toàn diện về những kết quả Rồng Việt đạt được cũng như những mặt còn hạn chế trong cạnh tranh.