CHƯƠNG 2. TỔNG QUAN THỦY SẢN MIỀN BẮC
2.3. Nguồn lợi thủy sản
Khu hệ sinh vật biển vịnh Bắc Bộ mang đặc điểm của khu hệ sinh vật biển nhiệt đới với thành phần loài đa dạng, phong phú, kích thước các loài nhỏ [27]. Phân bố tự nhiên của các loài thủy sản ở vịnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết với hai mùa rõ rệt. Mùa gió đông bắc nhiệt độ nước biển thấp hơn so với mùa gió tây nam [20], do vậy một số loài thủy sản có sự di chuyển vùng phân bố. Sự thay đổi khu vực phân bố của các loài dẫn đến sự biến động năng suất đánh bắt theo không gian ở từng mùa gió.
+ Thành phần loài tỉ lệ sản lượng đánh bắt: Tổng hợp kết quả từ các chuyến điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản [20] ở vịnh Bắc Bộ đã thống kê được 594 loài thuộc 279 giống nằm trong 127 họ thủy sản khác nhau. Cá chiếm ưu thế về thành phần loài với 525 loài, 267 giống thuộc 114 họ. Ở vịnh Bắc Bộ đã bắt gặp 28 loài tôm, 30 loài mực/bạch tuộc và một số loài/giống cua ghẹ, ốc và sam biển với đặc điểm đáng lưu ý là số lượng loài thủy sản có
24
sự biến động đáng kể theo mùa và theo năm. Thành phần sản lượng đánh bắt được trong các chuyến điều tra biển cũng có biến động mạnh theo thời gian.
Số loài chiếm ưu thế trong sản lượng đánh bắt ở những năm gần đây giảm đi so với những năm trước. Năm 1996, chuyến điều tra ở mùa gió tây nam có 23 loài chiếm tỉ lệ trên 1% trong tổng sản lượng đánh bắt, ở mùa gió đông bắc số loài chiếm trên 1% trong tổng sản lượng khai thác giảm xuống, chỉ có 18 loài.
Các chuyến điều tra sau đó đều có số loài đóng góp trên 1% vào tổng sản lượng đánh bắt ít hơn so với kết quả điều tra năm 1996. Trong sản lượng đánh bắt của chuyến điều tra ở mùa gió tây nam 2001 chỉ có 14 loài chiếm có sản lượng khai thác chiếm trên 1% tổng sản lượng. Như vậy, so với kết quả điều tra ở mùa gió tây nam 1996, số loài ưu thế trong sản lượng khai thác đã giảm 64%.
+ Năng suất đánh bắt chung: Nguồn lợi thủy sản đánh bắt được bằng lưới kéo đáy ở vịnh Bắc Bộ biến động khá mạnh theo thời gian với biên độ dao động lớn. Tổng hợp kết quả nghiên cứu theo thời gian (trước năm 2006) [20] cho thấy, năng suất đánh bắt trung bình chung giảm mạnh. Xét chung cho toàn vùng biển nghiên cứu, năng suất đánh bắt ở mùa gió đông bắc thường cao hơn so với ở mùa gió tây nam. Năng suất đánh bắt trung bình chung cao nhất đạt 150 kg/h ở mùa gió đông bắc 1996. Các chuyến điều tra sau đó năng suất đánh bắt đều thấp, năng suất trung bình thấp nhất ghi nhận được ở mùa gió tây nam năm 2005, khoảng 70 kg/h. Kết quả phân tích thống kê cho thấy sự suy giảm năng suất đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ theo thời gian có ý nghĩa với độ tin cậy 95% (GLM, p<<0,05). Trong xu hướng giảm của năng suất đánh bắt, biên độ dao động khác nhau ở từng thời điểm, tuy nhiên sự khác biệt năng suất khai thác ở một số thời điểm có là ý nghĩa (Post hoc, Tukey test).
25
Theo thời gian, năng suất đánh bắt ở hầu hết các dải độ sâu đều giảm (GLM, p<0,05). Năng suất đánh bắt thấp nhất ở dải độ sâu <20 m nước, dao động trong khoảng 36–92 kg/h. Dải độ sâu 30–50 m và 50–100 m nước có năng suất đánh bắt cao hơn. Ở mùa gió đông bắc 2001, năng suất khai thác cao nhất thuộc dải độ sâu 30–50 m nước. Sau thời điểm đó, năng suất đánh bắt giảm, thay vào đó, năng suất đánh bắt ở dải độ sâu 50–100 m tăng lên. Kết quả phân tích thống kê so sánh năng suất đánh bắt ở các dải độ sâu theo từng mùa gió có độ tin cậy 95%, sự khác biệt về năng suất đánh bắt ở một số dải độ sâu là có ý nghĩa. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, năng suất đánh bắt trung bình ở mùa gió tây nam 2005 thấp ở tất cả các dải độ sâu, dao động trong khoảng 36–91 kg/h.
+ Năng suất đánh bắt và tỉ lệ các nhóm sinh thái: Kết quả nghiên cứu [24] cho thấy, nhóm cá đáy, nhóm cá nổi và nhóm cá rạn là những nhóm chiếm ưu thế trong sản lượng đánh bắt, các nhóm tôm, chân đầu và cua ghẹ đóng góp tỉ lệ sản lượng thấp hơn. Ở các dải độ sâu khác nhau, tỉ lệ sản lượng của các nhóm sinh thái trong sản lượng đánh bắt có sự thay đổi rõ rệt. Nhóm cá đáy, cá rạn và cá nổi luân phiên nhau chiếm ưu thế ở những dải độ sâu nhất định và xu hướng biến động có tính trái ngược nhau. Sản lượng đánh bắt của nhóm cua ghẹ và nhóm chân đầu chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng sản lượng khai thác ở dải độ sâu dưới 20 m nước, dao động trong khoảng 5,7–12,9 % tổng sản lượng đối với nhóm cua ghẹ và 3,9–17,8 % tổng sản lượng đối với nhóm chân đầu. Ở dải độ sâu từ 30 m nước trở lên, nhóm cua ghẹ chiếm tỉ lệ rất thấp trong sản lượng đánh bắt.
Năng suất đánh bắt của các nhóm sinh thái biến động theo dải độ sâu.
Ở vùng biển ven bờ, dưới 20 m nước, năng suất đánh bắt biến động thất thường và chưa thể hiện rõ xu hướng tăng giảm. Năng suất đánh bắt của các nhóm cá đáy, cá rạn và cá nổi giảm rất mạnh ở dải độ sâu 20–30 m nước. Kết
26
quả điều tra ở mùa gió đông bắc năm 1996 cho thấy, năng suất đánh bắt trung bình của nhóm cá đáy khoảng 87 kg/h, nhóm cá nổi khoảng 73 kg/h và nhóm cá rạn khoảng 43 kg/h. Năng suất đánh bắt của các nhóm này giảm rất mạnh theo thời gian, kết quả khảo sát ở mùa gió tây nam năm 2005 cho thấy năng suất đánh bắt của nhóm cá đáy và nhóm cá rạn chỉ còn khoảng 12 kg/h, nhóm cá nổi cao hơn một chút, khoảng 21 kg/h.
Ở dải độ sâu 30–50 m nước, năng suất đánh bắt của nhóm cá nổi giảm mạnh, trong khi đó nhóm cá đáy và nhóm cá rạn năng suất đánh bắt ổn định hơn. Ở dải độ sâu 50–100 m nước, năng suất đánh bắt của hầu hết các nhóm sinh thái biến động rất mạnh, tuy nhiên không thể hiện rõ xu hướng tăng, giảm.
Các nhóm khác bao gồm các loài/nhóm loài ốc, sam, rắn biển… xuất hiện trong sản lượng đánh bắt ở một số vùng nhất định với tần suất thấp. Sản lượng của nhóm này đóng góp tỉ lệ không đáng kể trong tổng sản lượng đánh bắt.