Chương 2: Sự thể hiện đặc trưng văn hoá - dân tộc trong thành ngữ so sánh có yếu tố
2.1.1. Đối tượng so sánh chứa yếu tố con người và bộ phận cơ thể người
Số lượng thành ngữ mang đối tượng so sánh có danh từ chỉ con người chiếm tỉ lệ thấp trong hai ngôn ngữ, cụ thể tiếng Anh: 32 thành ngữ, chiếm 9,55 % trong tổng số 335 thành ngữ so sánh Anh; tiếng Việt: 45 thành ngữ, chiếm 10,81 % trong tổng số 416 thành ngữ so sánh Việt chứa tính từ. Từ chỉ con người được đề cập có khi là danh từ chung hoặc là những tên riêng cụ thể. Con người xuất hiện trong thành ngữ so sánh mang những phẩm chất, tính cách và trạng thái tâm lí đặc trưng.
Nếu trong thành ngữ tiếng Anh, đối tượng so sánh chỉ người hầu hết đều là danh từ thì trong thành ngữ tiếng Việt, đối tượng so sánh chứa yếu tố con người có thể tồn tại trong cấu trúc danh từ đơn (lành như Bụt, sướng như tiên, xấu như quỷ,…) hoặc ngữ danh từ (đẹp như tiên Non Bồng, oan như oan Thị Kính,...), hoặc cũng có thể nằm trong cấu tạo một mệnh đề (ví dụ: Khư khư như ông từ giữ oản, lừ đừ như ông từ vào đền, buồn như cha chết, im ỉm như gái ngồi phải cọc,...).
Danh từ chỉ người, đặc biệt là danh từ chỉ tên riêng xuất hiện trong thành ngữ tạo nét đặc trưng ngôn ngữ, văn hoá rất rõ nét. Những nhân vật nổi tiếng đã đi vào lòng người với những phẩm chất tiêu biểu, trở thành thành tố trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của hậu thế. Những nhân vật ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá dân tộc. Muốn hiểu thấu đáo những thành ngữ này, chỉ có con đường thâm nhập vào kho tàng văn hoá lịch sử từng dân tộc để lần tìm lại những trang sử của các nhân vật đó.
Tiếng Việt có tất cả 45 thành ngữ so sánh chứa yếu tố tính từ mà trong vế đối tượng so sánh có hình ảnh con người. Trong đó các đối tượng như hủi, kẹ, ma lem, quỷ, bà chằn, ông từ, bụt, phỗng đất, bà cốt, Hằng Nga, Hộ Pháp, Tào Tháo, Tây Thi, Trương Phi, Thị Kính, Thị Nở,... gắn bó mật thiết tới văn hoá, tư duy dân tộc Việt.
Người Việt thường nói: bẩn như hủi, bẩn như ma (lem), xấu như ma (lem), xấu như quỷ. Hủi là những người bị nhiễm căn bệnh do vi rút Han-xê gây nên, gây lở loét và cụt các đầu tay chân. Do đó, hủigợi lại sự bẩn thỉu, ghê sợ, xa lánh trong lòng người dân. Còn ma lem trong sự tưởng tượng của người Việt là một loài ma xấu xí, nhem nhuốc, bẩn thỉu. Nếu như trong văn hóa phương Tây, quái vật, phù thủy đại diện cho phe ác thì trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, ma, quỷđại diện cho những gì xấu xa nhất, nên người Việt có câu xấu như quỷ, xấu như ma.
Trong văn hoá Việt, bà Chằn là người phụ nữ xấu xí và hung tợn, ta có câu dữ như bà Chằn. Đối lập là hình ảnh ông Bụt, trong niềm tin của người Việt đó là một vị thần hiền lành, tốt bụng, hay xuất hiện bất ngờ để giúp đỡ những ai gặp khó khăn, ta có thành ngữ: hiền như Bụt, lành như Bụt. Cũng để chỉ sự hiền lành, chất phác, ta có thành ngữ hiền như phỗng đất. Phỗng là tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền chùa, miếu mạo, được coi là người đứng hầu nơi thờ tự. Phỗng còn là tượng dân gian hình người bằng đất, bằng sành hay bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình. Tuỳ theo tượng nặn một người lớn hay một trẻ con và tuỳ theo tượng được đặt ở nơi thờ tự hay làm đồ chơi mà dân gian gọi là “ông phỗng” hay “thằng phỗng”.
Thành ngữ so sánh có yếu tố tính từ còn thể hiện được tâm lí, niềm tin dân tộc. Thành ngữ to như Hộ Pháp đề cập tới vị thần Hộ Pháp gắn với tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam. Đó là vị thần bảo vệ pháp giới nhà Phật, có tượng to xây dựng hai bên cửa chính của chùa, gồm hai ông: ông Thiện và ông Ác.
Người Việt tin vào sự tồn tại của linh hồn người chết, nên xuất hiện nghề đồng bóng, gắn với bà cốt, bà đồng, những người có khả năng liên hệ với người cõi âm và có thể chữa trị bệnh bằng phù phép. Ta có thành ngữ liên quan im ỉm như bà cốt uống thuốc. Bà cốt phải giấu giếm, lặng thinh uống thuốc khi bị bệnh để khỏi lộ thói lừa dối thiên hạ về phép thuật chữa bệnh của mình.
Văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Trung Quốc, nên thành ngữ so sánh cũng phản ánh điều đó. Trong thành ngữ so sánh tiếng Việt có một số đối tượng so sánh là các nhân vật có nguồn gốc từ văn hóa, lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn: Hằng Nga, Tây Thi, Tào Tháo, Trương Phi.
Hằng Ngahay còn được gọi là chị Hằng vốn là nhân vật trong truyện cổ tích Trung Quốc, gắn liền với văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Hằng Nga là nàng tiên xinh đẹp sống trên cung trăng, thường được người đời ví như nữ thần của mặt trăng, là linh hồn trong các dịp tết Trung thu. Vì vậy, khi chỉ sắc đẹp của các cô gái, người Việt có câu: đẹp như chị Hằng, đẹp như Hằng Nga. Cũng cùng thể hiện ý nghĩa đó, người Việt còn nói: Đẹp như Tây Thi. Tây Thi là một cô gái rất đẹp thời Xuân Thu, là một trong “tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc.
Tào Tháo (155 – 220) là Thừa tướng cuối cùng của Triều đại Đông Hán trước khi thành lập chính quyền Tào Ngụy trong thời kỳ Tam quốc tại Trung Quốc. Tào Tháo nổi tiếng với tính đa nghi,
ông ta sẵn sàng giết bất cứ ai khi có một chút nghi hoặc họ tạo phản. Một câu nói nổi tiếng của Tào Tháo: “Thà phụ người chứ không để người phụ mình”. Bản chất ấy của Tào Tháo đã đi vào hậu thế.
Người Việt có câu đa nghi như Tào Tháo, ngoài ra còn có thành ngữ bị Tào Tháo đuổi, mới nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã tới. Cũng là nhân vật của thời Tam Quốc, Trương Phi là anh hùng nổi tiếng với bản tính nóng nảy “hữu dũng vô mưu”. Người Việt có câu nóng như Trương Phi, khoẻ như Trương Phi.
Các nhân vật văn học cũng đi vào thành ngữ so sánh có yếu tố tính từ với những đặc điểm nổi bật. Ta có câu oan như oan Thị Kính, xấu như Thị Nở, đẹp như nàng Kiều,… Trong lòng người dân Việt, các tác phẩm văn học đã trở thành một phần trong cuộc sống, biến thành hơi thở trong lời ăn tiếng nói của họ. Có lẽ hậu nhân sẽ còn nhớ mãi các tác phẩm như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều, vở chèo “Quan âm Thị Kính” với nhân vật nữ chính Thị Kính mang nhiều oan trái trong đời, truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao với nhân vật nữ Thị Nở xấu “ma chê quỉ hờn”.
Trong tiếng Anh ta có 23 thành ngữ so sánh với AS chứa từ chỉ con người. Các đối tượng chỉ người được đưa vào thành ngữ so sánh Anh cũng rất quen thuộc với người Anh nói riêng và người phương Tây nói chung. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, vượt qua sự đào thải khắc nghiệt của thời gian, những con người ấy vẫn giữ hình ảnh đặc trưng kiên định trong lòng hậu thế.
Người Anh dùng một hình tượng không có thực nhưng khá phổ biến trong suy nghĩ của người phương Tây nói chung: mụ phù thủy (witch). Ta có thành ngữ as cold as a witch’s tit (lạnh như núm vú mụ phù thuỷ). Ở đây đối tượng so sánh là “núm vú của phù thủy”. Hình ảnh “núm vú của mụ phù thủy” (witch’s tit) chỉ là một hình ảnh ẩn dụ. Mụ phù thủy vốn là liên minh với quĩ dữ, trái tim sắt đá, hay làm điều ác. Bà ta không bao giờ biết đến tình cảm, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng. Do vậy, khi đề cập tới hình ảnh phù thủy cho trẻ con bú sẽ gợi cho người ta cảm giác lạnh lẽo vô cùng.
Núm vú của mụ phù thủy không phải núm vú của một người mẹ nên rất giá lạnh [90].
Nhân vật nổi tiếng thời La Mã cổ đại cũng được người Anh nhắc tới qua thành ngữ as dead as Julius Caesar (chết thật sự như vua Julius Caesar) để khẳng định một cái chết thật sự, một sự vô hiệu hoá, vô hiệu lực hoàn toàn. Julius Caesar (100–44 BC) là một thủ lĩnh kiệt xuất của thời La Mã cổ đại và là người đầu tiên đặt chân tới nước Anh nhằm mục đích thống lĩnh. Caesar đến Anh hai lần, vào năm 55 và năm 54 trước công nguyên, mặc dù nước Anh đã không trở thành thuộc địa của đế chế La Mã cho tới gần 100 năm sau đó. Nhân vật Julius Caesar vẫn tồn tại trong lòng người dân phương Tây nói chung và người Anh nói riêng dù bao thế kỷ đã trôi qua. Trở thành một bộ phận tạo nên thành ngữ, vốn là lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, cái tên Caesar sẽ còn ở lại trong tâm thức cả thế hệ mai sau.
Thành ngữ as happy as a sand-boy (vui vẻ như người chở cát) sẽ gây khó hiểu cho hậu thế, đặc biệt là với những ai không phải người Anh, vốn xa lạ với văn hoá phương Tây. Vấn đề nằm ở từ sand-boy vốn đã không còn phổ biến ngày nay. Từ sand-boy dễ gợi lên trong đầu người nghe hình ảnh những cậu bé (boy) chơi cát (sand), xây lâu đài cát trên bãi biển. Hình ảnh đó gợi lại sự vui vẻ, thích thú của trẻ thơ. Song, thực sự sand-boy lại không có gốc gác từ hình ảnh đó. Sand-boy là những người đàn ông chuyên chở cát đến các ngôi nhà, nhà hát, biệt thự trong thế kỷ 18, 19. Chữ
“boy” được dùng để chỉ những người làm nghề thấp kém trong xã hội, như tea-boy (bồi bàn), barrow-boy (người chở xe ba gac ngoài phố), house-boy (thợ hồ),… Công việc chuyên chở cát này tuy vất vả, bụi bặm nhưng những sand-boy lại sống rất vui vẻ, họ thường vào các quán rượu để ăn nhậu say sưa sau buổi làm việc cực nhọc. Và họ đã đi vào thành ngữ như hình ảnh của sự vui vẻ [93].
Tiếng Anh lại có thành ngữ as happy as Larry (vui mừng như Larry). Thành ngữ này có gốc gác từ Australia hoặc New Zealand. Larry tên đầy đủ là Larry Foley (1847-1917), một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp người Úc, nổi tiếng là bất bại trên võ đài. Ông ta ngừng sự nghiệp vào năm 32 tuổi và thu được 1.000 pounds cho trận thắng cuối cùng. Như vậy với thành tích bất khả chiến bại, Larry được xem như một biểu tượng của hạnh phúc, vui vẻ. Có một giải thích khác, Larry có thể xuất phát từ larrikin (thằng du côn hay bông đùa).
Tại sao người bán mũ(hatter) lại gợi lên sự cuồng trí, điên loạn (mad) trong tư duy người Anh qua thành ngữ so sánh as mad as a hatter (điên như người làm mũ, người bán mũ)? Vào thế kỷ XIX, thuỷ ngân được dùng trong quá trình làm mũ. Chất này có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh của những người làm mũ, gây nên những triệu chứng như run rẩy, lo sợ, và điên cuồng, mất trí. Tác dụng độc hại ấy của thuỷ ngân vẫn còn lưu giữ lại qua cụm từ “mad hatter’s disease” (bệnh điên của người bán mũ) [95].
Nếu trong tư duy của người Việt và người Trung Quốc, ông Bành là người sống lâu năm một cách phi thường, thì người Anh có ông Methusalah. Ta có câu thành ngữ as old as Methusalad (già như ông Methusalah). Trong tri nhận của người phương Tây nói chung, ông Methusalah được nói tới trong Kinh Thánh là người sống lâu nhất, cụ thể là 969 tuổi. Ông ta mất vào năm 1656.
Để thể hiện bản tính kiên trì, nhẫn nại của ai đó, người Anh nói: as patient as Job (nhẫn nại như Job). Job là nhân vật trung tâm của quyển “Sách của Job” (Book of Job) trong Kinh Thánh Do Thái. Đó là một người đàn ông sống đàng hoàng, lương thiện, kính yêu Chúa. Quỷ Satăng muốn thử thách lòng liêm chính, trung thành của Job nên đã đề nghị với Chúa rằng: Job kính trọng Chúa vì Chúa đã luôn bảo vệ Job, nếu Chúa ngừng bảo vệ Job và để cho quỷ Satăng lấy hết của cải, con cái, sức khỏe của Job, Job sẽ nguyền rủa Chúa. Nhưng mặc dù rơi vào tình cảnh rất khó khăn, bị bạn bè dụ dỗ, song Job vẫn một lòng nhẫn nại với lòng tin nơi Chúa.
Người Anh có hai thành ngữ so sánh về nhân vật Punch: as pleased as Punch (hài lòng như lão Punch) và as proud as Punch (dương dương tự đắc như Punch). Punch xuất xứ từ vở kịch rối
“Punch và Judy” vốn rất nổi tiếng trong ngành giải trí nước Anh từ thế kỷ 17. Tên gọi Punch xuất phát từ Punchinello, một nhân vật rối nổi tiếng tàn ác ở Ý. Punch được mô tả là kẻ tự thoả mãn và tự hào với chiến tích tàn bạo của mình. Hắn là kẻ đánh đập vợ và giết trẻ em, với tính cách phản chính trị như vậy nên các vở rối “Punch và Judy” được diễn thưa dần.
Thành ngữ as rich as Croesus (giàu có như Croesus) liên quan tới vị vua cuối cùng của đất nước Lydia (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào thế kỷ thứ VI, VII trước công nguyên. Vua Croesus là vị vua nổi tiếng giàu có lúc bấy giờ. Cũng giàu có như vua Croesus, nhưng vua của người Do Thái sinh vào khoảng năm 974 trước Công nguyên, vị vua thứ 3 của Israel, Solomon lại khắc sâu vào lòng người phương Tây bởi sự thông tuệ, minh anh bậc nhất. Nên người Anh có câu thành ngữ chỉ những người thông thái, khôn ngoan là “as wise as Solomon” (khôn ngoan như vua Solomon).
Nguồn gốc của thành ngữ as thick as thieves (rất thân thiết như những tên trộm) được giải thích là: những tên trộm thường sống tập trung thành nhóm, chúng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong các phi vụ. Sự gắn bó đó gợi lên một sự thân thiết trong tình bạn.
Hình ảnh con người hiện lên sinh động với những tính cách rất tiêu biểu trong thành ngữ so sánh Việt - Anh có yếu tố tính từ. Con người có thể xuất hiện dưới dạng tên riêng như: Hằng Nga, nàng Kiều, Thị Nở, Thị Kính, Trương Phi, Tào Tháo, Solomon, Punch, Job, Julius Caesar, Methusalah, Larry,… hoặc cũng có thể xuất hiện dưới những tên chung như hủi, kẹ, ma lem, bà chằn, ông từ, bụt, phỗng đất, bà cốt, thieves (những tên trộm), hatter (người bán mũ), sand-boy (người chở cát), witch (phù thủy),… Trong cả thành ngữ so sánh Việt – Anh có yếu tố tính từ, đối tượng so sánh chỉ người có thể bắt nguồn từ những con người bằng xương bằng thịt, có thật trong cuộc sống, chẳng hạn như: Tây Thi, Tào Tháo, hủi, ông từ, bà cốt, Solomon, Julius Caesar, Larry,…
hoặc chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, hư cấu, gắn với một niềm tin tôn giáo, văn hóa, văn học ở mỗi dân tộc như: Hộ Pháp, ma lem, bà Chằn, bụt, tiên, Hằng Nga, nàng Kiều, Thị nở, Thị Kính, Job, Methusalah, Punch, phù thủy (witch),…Nhưng một sự thật là dù các nhân vật trong thành ngữ so sánh chứa yếu tố tính từ có thật hay tưởng tượng cũng đều đã, đang và sẽ tồn tại bền vững trong tâm khảm của người dân Việt, Anh.
2.1.2. Đối tượng so sánh chứa yếu tố động vật
Theo Nguyễn Thị Bảo trong luận văn thạc sĩ “Ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ động vật trong thành ngữ tiếng Việt” (2003): Tiếng Việt có 1583 thành ngữ chứa yếu tố động vật, với khoảng 157 loài động vật trong khi tiếng Anh có 463 thành ngữ động vật với khoảng 74 loài, còn về thành ngữ so sánh, theo kết quả thống kê của tác giả Lâm Bá Sĩ, tiếng Việt có 876 đơn vị thành ngữ so sánh,
trong đó thành ngữ so sánh có thành tố động vật chiếm 46% so với thành ngữ so sánh nói chung. [4, tr. 81]
Tiếng Anh có 99 thành ngữ so sánh với AS chứa yếu tố động vật, chiếm 29,55% trong tổng số 335 thành ngữ so sánh tiếng Anh, với 60 loài động vật được đề cập. Trong đó, loài vật được dùng ví von nhiều nhất là: gà (hen, 4 lần; cock, 1 lần); chó (dog, 4 lần); gấu (bear, 3 lần); mèo (cat, 3 lần);
cáo (fox, 3 lần),… Tiếng Việt có 130 thành ngữ so sánh có yếu tố tính từ chứa tên gọi động vật, chiếm 31,25 % trong số 416 thành ngữ so sánh chứa tính từ Việt, với 61 loài động vật được đề cập.
Trong đó loài vật xuất hiện với tần số cao hơn cả là: gà (14 lần); trâu (8 lần); bò (6 lần). Có nhiều loài vật cùng xuất hiện trong hai ngôn ngữ, chẳng hạn như: chó (dog), quạ (crow), cáo (fox), cú (owl), chuột (mouse, rat), gấu (bear), khỉ (monkey), lợn (pig),…Bên cạnh đó, có những loài vật chỉ xuất hiện trong thành ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Việt, ví dụ những con vật chỉ có mặt trong thành ngữ so sánh Việt: cáy, chi chi, cun cút, mài mại, trâu trương, cuốc, đĩa, rươi, ve,… những loài vật chỉ có trong thành ngữ so sánh Anh: rắn vipe (adder), chim cưu (dodo), sa giông (newt), cú (owl), con gián (roach), sói (woft),…
Như vậy, ta thấy cả hai ngôn ngữ đều ưa dùng động vật để ví von so sánh. Không chỉ nói riêng trong thành ngữ so sánh mà trong thành ngữ nói chung, tỉ lệ tên gọi động vật xuất hiện khá cao. Thế giới các loài vật vốn gần gũi, gắn bó với con người ngay từ thưở nguyên thuỷ hoang sơ. Chúng đã trở thành những người bạn không thể thiếu trong cuộc sống loài người. Vì vậy, các con vật được đưa vào lời ăn tiếng nói của con người cũng là lẽ thuận tự nhiên. Qua sự nhìn nhận, quan sát các con vật hàng ngày, loài người đã định hình trong nhận thức của họ những đặc điểm, tính cách đặc trưng về từng loài vật. Những khái quát và liên tưởng ấy đã là cơ sở để hình thành nét nghĩa biểu trưng cho từ ngữ chỉ động vật, tạo một dấu ấn văn hoá đặc trưng cho mỗi dân tộc. Nguyễn Thuý Khanh trong luận án phó tiến sĩ của mình cũng đã nói: “Mỗi con vật (kèm theo tên gọi của nó) thường gợi lên trong ý thức của người bản ngữ một sự liên tưởng nào đó, gắn liền với những đặc điểm, thuộc tính của con vật” [44, tr. 57].
Yếu tố động vật trong thành ngữ so sánh Anh chứa tính từ hầu như nằm trong cấu trúc danh từ đơn (as cunning as Ua foxU, as fat as Ua pig,U...) hoặc là cụm danh từ (as proud as Ua cock on his dunghillU, as happy as Ua clam at high tideU,…). Trong khi đó yếu tố động vật ở thành ngữ so sánh Việt lại nằm trong những cấu trúc đa dạng hơn. Chẳng hạn, bản thân yếu tố động vật nằm trong cấu trúc một danh từ đơn âm (nhanh như UthỏU, dữ như UhùmU,…), nhưng nó cũng có thể là một thành tố trong cụm danh từ (hau háu như mắt Udiều hâuU, ác nhưUcá sấuUVũng Cấm,…), hoặc có thể nó nằm trong cấu trúc một mệnh đề (đẹp như Uphượng múa rồng bayU, lai rai như Uchó nhai giẻ rách,U…).
Dù mang hai đặc trưng văn hoá khác nhau (phương Tây và phương Đông) nhưng giữa thành ngữ so sánh Anh và thành ngữ so sánh Việt lại có những gặp gỡ thú vị trong cách tri nhận về động