Một số vấn đề lý luận về chính sách xã hội và thực hiện chính sách

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính trị học: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh trong thực hiện chính sách xã hội ở Sơn La hiện nay (Trang 47 - 53)

Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

2.2. Một số vấn đề lý luận về chính sách xã hội và thực hiện chính sách

2.2.1. Quan niệm chính sách xã hội

Tại Việt Nam, khái niệm chính sách xã hội lần đầu tiên được nêu lên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986). Nghị quyết Đại hội VI nêu rõ: “Xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả các chính sách xã hội. Chính sách xã hội nhằm phát huy mọi khả năng của con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất” [26, tr.221]; đây là sự đổi mới tư duy về giải quyết các vấn đề xã hội đặt trong tổng thể hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển đất nước. Từ đó đến nay, lý luận về chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, do tiếp cận ở những góc độ khác nhau nên các tác giả có những nhận thức khác nhau về chính sách xã hội.

Trong cuốn .ã hội học và chính sách xã hội, tác giả Bùi Đình Thanh nhận định: “Chính sách xã hội là sự cụ thể hóa và thể chế hóa bằng pháp luật những đường lối, chủ trương, những biện pháp để giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên những quan điểm và tư tưởng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với bản chất chế độ chính trị của nước ta, phản ánh lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của từng nhóm xã hội nói riêng nhằm mục đích cao nhất là thực hiện chiến lược con người, thỏa mãn những nhu cầu ngày càng tăng về đời

sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân” [136, tr.407].

Cuốn tài liệu Quản l Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do tác giả Đinh văn Mậu, Lê Sỹ Thiệp (đồng chủ biên) cho rằng: “Chính sách xã hội là sự thể chế hóa của Nhà nước các đường lối, quan điểm của Đảng về việc giải quyết các vấn đề xã

hội có liên quan đến con người, nhóm người hoặc toàn thể cộng đồng dân cư nhằm phát triển con người, vì con người thiết lập sự công bằng xã hội, trật tự an toàn xã

hội, phát triển và tiến bộ xã hội” [114, tr.221].

Trong cuốn Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn - thành thị ở Việt Nam hiện nay, tác giả Mai Ngọc Cường cho rằng: “Chính sách xã hội là tổng thể

các hệ thống quan điểm, chủ trương, phương hướng và biện pháp được thể chế hóa bằng pháp luật của nhà nước để giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra trong một thời gian và không gian nhất định, nhằm tăng cường phúc lợi, bảo đảm công bằng xã hội và tạo cơ hội cho người dân hòa nhập vào sự phát triển của xã hội” [21, tr.12, 13].

Như vậy, qua tổng hợp trên chính sách xã hội được quan niệm ở hai cấp độ:

theo nghĩa rộng, chính sách xã hội là quan điểm, đường lối phát triển tổng thể mọi mặt đời sống xã hội con người mà thực chất là phát triển chế độ xã hội. Còn theo nghĩa hẹp, chính sách xã hội là chính sách quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội - trong hệ thống quản lý và phát triển quốc gia, cùng với các chính sách phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, có thể quan niệm: Chính sách xã hội là tổng thể các quan điểm, chủ trương và các giải pháp, công cụ mà nhà nước tác động lên các quan hệ xã hội và hoạt động xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện các mục tiêu nhất định theo định hướng cụ thể.

Theo quan niệm trên, chính sách xã hội bao gồm bốn thành phần cơ bản: chủ thể đặt ra chính sách xã hội là nhà nước; nội dung của chính sách xã hội là tổng thể

các quy tắc và giải pháp; đối tượng là các quan hệ xã hội và hoạt động xã hội; mục tiêu là giải quyết vấn đề xã hội và những mục tiêu khác nhằm vào mục tiêu tổng thể.

Bản chất chính sách xã hội thể hiện ở: (1) là công cụ điều hành mà các chủ thể chính trị (thường trực là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) sử dụng để theo đuổi lợi ích cho số đông, tập thể, toàn dân; (2) là kết quả của việc nhà nước sử dụng

quyền lực chính trị của mình định hướng sự vận động và phát triển của cả hệ thống xã hội; (3) là quá trình thể chế hóa các mục tiêu tổng thể của chủ thể chính trị theo đuổi thông qua nhà nước.

Ở Việt Nam hiện nay, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra những nội dung, phạm vi cụ thể của chính sách xã hội. Chính sách xã hội bao gồm những nội dung sau:

Một là, chính sách việc làm là một trong những chính sách cơ bản của nhà nước để bảo đảm cuộc sống và sự phát triển toàn diện của cá nhân - thành viên xã hội. Chính sách việc làm nhằm giải quyết thỏa đáng nhu cầu việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm, phát triển thị trường lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn.

Chính sách xã hội tạo cơ hội cho mọi người đều có khả năng và nhu cầu lao động có việc làm. Họ được đào tạo kỹ năng lao động và xã hội đón nhận họ vào guồng máy lao động xã hội. Ở địa phương, mỗi năm có hàng nghìn người đến tuổi lao động, có nhu cầu làm việc nhưng vì nhiều lý do khác nhau xã hội chưa đủ năng lực tiếp nhận họ; do vậy vẫn tồn tại tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp trong một bộ phận dân cư. Giải quyết việc làm vừa là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa là biện pháp để nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Hai là, xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng vừa trước mắt, vừa lâu dài để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước. Không thể có xã hội phát triển mà người dân nghèo túng, đói rét; vì vậy trong những năm qua phong trào xóa đói, giảm nghèo đã trở thành cuộc vận động lớn, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

Ba là, giáo dục - đào tạo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao dân trí, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội. Sự phát triển của giáo dục - đào tạo sẽ tạo ra nguồn nhân lực có đạo đức và trí tuệ cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

mặt khác, việc đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo còn góp phần hạn chế bất

bình đẳng trong xã hội. Việc tạo cơ hội cho người dân tiếp cận giáo dục nhằm giúp đỡ người nghèo có khả năng tiếp cận tri thức và thông tin, có cơ hội tìm việc làm và nâng cao thu nhập.

Bốn là, sức khỏe của người dân là biểu hiện tổng hợp của các yếu tố tự nhiên và điều kiện sống của mỗi quốc gia, trước hết đó là điều kiện về lao động, mức sống, vệ sinh môi trường, văn hóa, giáo dục… do đó, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một trong những yếu tố hàng đầu phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phản ánh rõ chất lượng đời sống của nhân dân; mặt khác, sức khỏe là một trong những tiêu chí quan trọng phản ánh mức độ bảo đảm quyền con người, tính nhân văn và mức độ công bằng xã hội. Vì vậy, chăm lo sức khỏe cho người dân là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi lực lượng xã hội.

Năm là, chính sách xã hội quan tâm đến các đối tượng người có công với cách mạng, các thương binh, gia đình liệt sỹ đã hy sinh, cống hiến cho đất nước.

Đây vừa là truyền thống, vừa thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc. Việc chăm sóc họ cùng gia đình, người thân, nạn nhân chiến tranh là bản chất tốt đẹp của xã

hội ta, giúp họ vượt qua những khó khăn để phát triển cùng xã hội.

Ở Việt Nam, chính sách xã hội hướng vào việc nâng cao dân trí, dân sinh, dân chủ, đảm bảo mọi người sống ấm no, hạnh phúc, nhân ái, bình đẳng và công bằng; chính sách xã hội cơ bản phát huy tác dụng trong một thời gian dài và là những chỉ báo cơ bản cho định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ngoài chính sách xã hội cơ bản, bao giờ nhà nước cũng phải có chính sách xã hội cấp bách giải quyết những vấn đề gay cấn, xảy ra ngoài dự liệu, trong một thời điểm nhất định.

2.2.2. Quan niệm thực hiện chính sách xã hội

Thực hiện chính sách xã hội là một khâu (giai đoạn) quan trọng trong chu trình chính sách; là bước duy nhất chuyển ý tưởng chính sách, cụ thể là các ý tưởng về mục tiêu, đối tượng, phương thức can thiệp thành những hành động nhất định trên thực tế của các cơ quan, thiết chế, tổ chức chính quyền ở nhiều cấp khác nhau và những người đại diện cho các cơ quan, thiết chế, tổ chức này để giải quyết các vấn đề xã hội.

Như vậy, có thể hiểu: Thực hiện chính sách xã hội là quá trình mà chủ thể chính sách tổ chức, triển khai, hiện thực hóa các nội dung của chính sách xã hội

vào cuộc sống.

Bản chất của thực hiện chính sách xã hội là hoạt động nhằm biến chính sách thành những hoạt động và kết quả trên thực tế. Các cơ quan nhà nước, trước hết bộ

máy hành chính là chủ thể chủ yếu hoạch định, đồng thời cũng là chủ thể tổ chức thực thi chính sách.

Về bản chất, thực hiện chính sách xã hội là quá trình đưa chính sách xã hội vào thực tiễn đời sống xã hội nhằm hiện thực hóa các nội dung của chính sách xã

hội. Quá trình thực hiện chính sách xã hội được triển khai thông qua hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với sự tham gia của các đối tác. Tùy thuộc vào từng chính sách xã hội, mà chủ thể thực hiện chính sách xã hội xác định các nhiệm vụ cụ thể để

triển khai thực hiện. Ở góc độ chung nhất, quá trình thực hiện chính sách xã hội gồm các nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền chính sách

Các chính sách được ban hành đều tác động đến nhận thức tư tưởng của những người có liên quan, từ đó hình thành nên thái độ của họ đối với thực hiện chính sách. Việc nhận thức đúng đắn vấn đề, tạo sự thống nhất về mặt tư tưởng là yếu tố quan trọng bảo đảm cho thực hiện chính sách thắng lợi. Vì thế, trước khi triển khai thực hiện, cần thông qua các hình thức tổ chức hội thảo, cung cấp sách hướng dẫn, thông tin về chính sách trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng;

đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong xã hội để mọi người ủng hộ và chấp hành.

Công tác thông tin, tuyên truyền nội dung của chính sách cần đầy đủ, rõ ràng và kịp thời tới những đối tượng chính sách, các bên liên quan đến chính sách và nên tiến hành giải thích cho những trường hợp hiểu không đầy đủ, hiểu sai chính sách.

Qua đó, củng cố thêm lòng tin của nhân dân và các đối tượng vào các chính sách.

Hai là, triển khai, phân công, phối hợp thực hiện thực hiện chính sách

Mỗi chính sách thường đề cập đến nhiều phạm vi và chức năng quản lý xã

hội, nên sẽ có nhiều cơ quan đứng ra thực hiện. Để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức, sẽ có một cơ quan được nhà nước ủy quyền chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chính sách (tổ chức có vai trò quản lý chung toàn bộ quá trình thực hiện) xác định nhiệm vụ của các tổ chức và giao trách nhiệm quản lý cho

thủ trưởng tổ chức này.

Các tổ chức thực hiện dựa trên cơ sở nhiệm vụ trên giao, xây dựng phương hướng, kế hoạch và các biện pháp thực hiện của tổ chức mình, trình cấp trên thông qua; đồng thời tiến hành công tác tổ chức nội bộ và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện chính sách.

Hình thành mối quan hệ phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chính sách: phân công và phối hợp trong thực hiện chính sách nhằm phát huy vai trò của từng bộ phận cũng như hiệu quả tổng hợp của toàn hệ thống. Phân công để giữa các cơ quan không có sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; nhưng khi thực hiện lại cần có sự phối hợp nhằm bảo đảm tính tập trung, tạo nên sự liên kết nhịp nhàng và đồng bộ trong hoạt động của hệ thống để đạt mục tiêu chung. Thực hiện tốt phân công và phối hợp sẽ giúp cho tiến trình thực hiện chính sách một cách chủ động, sáng tạo, góp phần sự thành công của chính sách.

Ba là, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách

Kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách xã hội là hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền nhằm làm cho các chủ thể thực thi nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực thi chính sách. Thông qua công tác kiểm tra, đôn đốc sẽ thúc đẩy các chủ thể hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng công việc, đồng thời phòng, chống những hành vi vi phạm quy định trong thực hiện chính sách. Thẩm quyền kiểm tra là các cơ quan cấp trên, cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra nhà nước, thanh tra nhân dân.

Bốn là, điều chỉnh chính sách

Định kỳ các chủ thể thực hiện chính sách xã hội tiến hành đánh giá kết quả

thực hiện. Thông qua việc đánh giá thấy được sự tác động của chính sách đối với đời sống xã hội, được thực thi bởi chủ thể liên quan và được hưởng ứng bởi cộng đồng xã hội; đồng thời thấy được những hạn chế, thiếu sót trong khâu tổ chức, thực thi là lẽ ra khi thực hiện chính sách có thể đưa vào sử dụng.

Sau khi chính sách được đánh giá, trong trường hợp quá trình triển khai chính sách có những biện pháp không thích hợp hoặc kém hiệu quả thì cần tiến hành sửa đổi và bổ sung về kế hoạch, biện pháp thực hiện. Trong trường hợp khác,

được đánh giá là không hiệu quả có thể dẫn đến tạm dừng, hủy bỏ một chính sách.

Điều chỉnh là nhiệm vụ thường xuyên và phổ biến trong quản lý nhằm ứng phó linh hoạt với những chuyển biến mới của tình hình đất nước và thế giới.

Tóm lại, quá trình triển khai thực hiện chính sách xã hội gồm các hoạt động tuyên truyền, vận động, tổ chức nguồn lực, phân công, phối hợp thực hiện, kiểm tra, đôn đốc và điều chỉnh chính sách cùng các biện pháp hỗ trợ khác trong quản lý để

chính sách phát huy được vai trò trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính trị học: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh trong thực hiện chính sách xã hội ở Sơn La hiện nay (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)