VÀO DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”
2.1. Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào tổ chức dạy học truyện ngắn
2.1.3. Dạy học theo quan điểm tích hợp
Chương trình Ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay được xây dựng theo nguyên tắc tích hợp. Tính tích hợp trong dạy học Ngữ văn được hiểu là sự phối hợp các tri thức gần gũi, có quan hệ mật thiết với nhau để chúng phối
hợp, hỗ trợ và tác động vào nhau nhằm tạo nên kiến thức học tập nhanh chóng, vững chắc. Tích hợp trong dạy học Ngữ văn có hai hướng là tích hợp ngang (tích hợp liên môn) và tích hợp dọc (tích hợp trong nội bộ môn văn).
Tích hợp ngang là hình thức tích hợp những tri thức gần gũi, những mối liên hệ mật thiết giữa ba phân môn Đọc văn – Tiếng Việt – Làm văn, thậm chí là những môn học khác như: Sử, Địa,... Dạy học truyện ngắn theo quan điểm kiến tạo cần chú ý hướng tích hợp này. Với môn Ngữ văn, “Mỗi phân môn là một khâu của quá trình hình thành kiến thức, kĩ năng và nhận cách cho HS. Phân môn này là tiền đề cho phân môn kia và ngược lại, phân môn sau sẽ góp phần hoàn thiện cho phân môn trước” [32, 491]. Bởi kiến thức, kĩ năng đã biết từ những phân môn Ngữ văn và các môn học khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiến tạo tri thức mới. Chẳng hạn, khi dạy học đọc - hiểu truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ (Sơn Nam), dưới sự dẫn dắt của GV, HS dựa vào những hiểu biết về cách sử dụng ngôn từ của người dân Nam Bộ, những hiểu biết về thể loại truyện ngắn, những kiến thức về thiên nhiên, con người ở vùng cực nam của Tổ quốc,… sẽ kiến tạo những hiểu biết về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Tích hợp dọc là hình thức tích hợp giữa những tri thức, kĩ năng văn học trong bài học có liên quan với những tri thức mà HS đã được học tập, thực hành ở bài trước, cấp học trước. Chương trình Ngữ văn ở nhà trường hiện nay được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa; đảm bảo sự phát triển liên tục các mảng kiến thức của môn học từ tiểu học, qua Trung học cơ sở đến bậc THPT.
Do đó, dạy học theo quan điểm kiến tạo cần chú ý khai thác những kiến thức và kĩ năng đã có của HS thông qua hướng tích hợp dọc. Bởi một giờ học truyện ngắn thường liên quan đến nhiều kiến thức, kể cả vốn sống, kinh nghiệm. GV cần khai thác những kiến thức đã biết, đã học của HS để định hướng quá trình học tập của các em. Ví dụ như, truyện ngắn Chiếc thuyền
ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) được học ở lớp 12. Cho nên, những kiến thức đã được học trước đây sẽ định hướng cho HS tìm hiểu cốt truyện, tình huống, nhân vật,… trong truyện ngắn này.
Dạy học truyện ngắn theo LTKT cũng đã thể hiện quan điểm tích hợp trong việc đổi mới PPDH. Dạy học truyện ngắn trước hết phải dựa vào chất liệu ngôn từ, khai thác vẻ đẹp và tác dụng của phương tiện ngôn từ trong văn bản. Bên cạnh đó, cần phải biết vận dụng và phối hợp những hiểu biết về văn học sử, lí luận văn học để soi sáng cho việc khám phá tác phẩm. Vì bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng được sản sinh từ một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, chịu sự tác động và chi phối của những quy luật trong một thời đại lịch sử nhất định, nên liên hệ với hoàn cảnh phát sinh mới hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm. GV tạo điều kiện huy động tối đa vốn sống, vốn kinh nghiệm và sự từng trải của mỗi người học để soi sáng cho việc tìm hiểu văn bản. Chẳng hạn, nếu không biết không khí xã hội thời tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì không thể cảm nhận được những chi tiết nghệ thuật sáng giá trong ý đồ sáng tác của nhà văn ở cuối truyện Vợ nhặt: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
2.1.4. Dạy học theo đặc trưng thể loại
Mỗi TPVC thường thuộc một thể loại nhất định. Tìm hiểu một văn bản, không thể không chú ý tới đặc trưng thể loại của nó. Ý thức về thể loại giúp GV định hướng đúng mục tiêu của việc tìm hiểu tác phẩm. Ví dụ, cần xác định cách thức tìm hiểu truyện ngắn Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan) và Hai đứa trẻ (Thạch Lam). Tinh thần thể dục là một truyện ngắn trào phúng, nên khi đọc - hiểu phải xác định đối tượng trào phúng và mâu thuẫn trào phúng để hiểu rõ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Còn Hai đứa trẻ là một truyện ngắn trữ tình. Một kiểu truyện không có chuyện, tức cốt truyện đơn giản, tình huống truyện là tình huống trữ tình,… Do đó, khi
dạy học truyện ngắn này, GV chủ yếu hướng dẫn HS tìm hiểu tâm trạng của Liên (nhân vật chính) theo diễn biến của truyện.
Thể loại là một trong những trục tích hợp của Sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện nay. Trong chương trình Ngữ văn bậc THPT (cơ bản), HS được học những truyện ngắn Việt Nam hiện đại sau:
Bảng 2.1: Hệ thống truyện ngắn Việt Nam hiện đại học ở bậc THPT
Lớp STT Tên văn bản Tác giả
1 Hai đứa trẻ Thạch Lam
2 Chữ người tử tù Nguyễn Tuân
3 Chí Phèo Nam Cao
4 Vi hành (đọc thêm) Nguyễn Ái Quốc
11
5 Tinh thần thể dục (đọc thêm) Nguyễn Công Hoan
6 Vợ chồng A Phủ Tô Hoài
7 Vợ nhặt Kim Lân
8 Rừng xà nu Nguyễn Trung Thành
9 Những đứa con trong gia đình Nguyễn Thi 10 Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu.
11 Một người Hà Nội (đọc thêm) Nguyễn Khải 12
12 Bắt sấu rừng U Minh Hạ (đọc thêm) Sơn Nam
Có thể nói với số lượng 12 tác phẩm, truyện ngắn là một thể loại văn học chiếm số lượng lớn, được dành nhiều thời gian giảng dạy trong phân môn dạy học TPVC ở bậc THPT. Bởi vậy quan tâm đến những đặc điểm thi pháp của từng loại thể nhất định có ý nghĩa khoa học và thực tiễn không nhỏ đối với việc rèn luyện kỹ năng đọc - hiểu TPVC nói chung và truyện ngắn nói riêng.
Hơn nữa, những truyện ngắn đưa vào giảng dạy trong nhà trường được lựa chọn và sắp xếp theo một trình tự nhất định. Do đó, trong quá trình dạy học truyện ngắn theo quan điểm kiến tạo, GV cần chú ý đến mối liên kết giữa các văn bản. Các kiến thức và kĩ năng đã có của HS về thể loại này khi tìm hiểu tác phẩm trước đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp các em tiếp cận tác phẩm sau được tốt hơn. Trong nhà trường, việc giảng dạy truyện ngắn cho HS được thực hiện thường xuyên, liên tục ở nhiều lớp học, ở các cấp học. Bên cạnh vấn đề thể loại truyện ngắn, kiến thức trong phần lí luận văn học, văn học sử được học sẽ tạo điều kiện để các em tìm hiểu tác phẩm được tốt hơn.
Ví dụ như, khi tìm hiểu tình huống độc đáo truyện Vợ nhặt của Kim Lân, HS cần vận dụng kiến thức về tình huống truyện đã được học ở những tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân),... hay những kiến thức lí luận văn học, văn học sử trong các bài Thể loại văn học, sơ lược về giai đoạn, trào lưu, khuynh hướng văn học,...