3.5.1. Từ kết quả các bài kiểm tra kiến thức của học sinh:
Nhìn vào bảng 3.4 và biểu đồ tổng hợp kết quả các bài kiểm tra, có thể rút ra một vài nhận xét và kết luận sau:
- Tỉ lệ bài đạt điểm khá giỏi của bài thực nghiệm cao hơn bài đối chứng: 5,4 %
- Tỉ lệ bài trung bình - yếu của bài đối chứng cao hơn bài thực nghiệm:
5,4 %
Mặc dù thực nghiệm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, số lượng tiết dạy không nhiều, GV và HS tham gia thực nghiệm không đông,… nhưng với kết quả trên phần nào đã phản ánh được tính khả thi của việc vận dụng LTKT vào dạy học tác phẩm Vợ nhặt nói riêng và dạy học truyện ngắn ở nhà trường phổ
thông nói chung… Và đây cũng chỉ là cơ sở tham khảo để bước đầu khẳng định tính ưu việt và khả thi của thiết kế bài dạy thực nghiệm. Bởi hiệu quả của một giờ dạy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của người thầy, kiến thức đã có của HS, môi trường giáo dục,…
3.5.2. Từ các biên bản dự giờ
Về mặt định tính, giữa hai lớp thực nghiệm và đối chứng cũng có những nét khác biệt rõ nét. Chẳng hạn, không khí học tập cởi mở, tích cực bao trùm cả lớp học thực nghiệm. HS mạnh dạn, tự do phát biểu ý, tranh luận với bạn bè và với cả GV. Và điều này ít khi gặp trong giờ dạy đối chứng. Ở các lớp thực nghiệm, HS tỏ ra quan tâm, chú ý đến các tình huống học tập có liên quan đến những tri thức đã biết, đã học. Ví dụ như, HS tỏ ra tích cực khi trình bày những đức tính cao đẹp của người nông dân qua các tác phẩm đã học. Từ đó, các em có thể phát hiện được những phẩm chất đáng quý của các nhân vật trong truyện Vợ nhặt. Trong quá trình tranh luận, GV sẽ cho điểm khuyến khích, động viên với những ý tưởng hay, độc đáo. Vì thế, các em cảm thấy tự tin, hứng thú trình bày những quan điểm chủ quan của bản thân. Như vậy, trong giờ dạy thực nghiệm, vai trò chủ thể nhận thức của HS đã phát huy tác dụng.
Một ưu thế của giờ học thực nghiệm là HS tích cực hợp tác giải quyết các tình huống học tập. Các em không những tự mình mà còn cùng bạn hợp tác với bạn học tìm đáp án cho các vấn đề GV đưa ra. Đây là một hoạt động học tập cần thiết khi vận dụng LTKT vào dạy học. Bởi từ sự hợp tác với bạn học, kiến thức và kĩ năng của các em được nâng lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành kiến thức mới. Ví dụ như, từ sự hiểu biết của HS về hiện thực xã hội nước ta trong năm Ất Dậu 1945, thông qua sự hợp tác học tập, các em sẽ nêu tìm ra được giá trị hiện thực đặc sắc của tác phẩm. Theo quan sát
của chúng tôi, sự trao đổi giữa GV với HS, giữa HS với nhau được tăng cường nhiều hơn, nhờ đó mà các mối quan hệ trong lớp học cũng trở nên tốt hơn. Khi học tập với phương pháp hợp tác trong các lớp thực nghiệm, HS có hơi ồn một chút so với lớp đối chưng nhưng có chú tâm đáng kể vào vấn đề đặt ra của GV, có một vài HS ít thảo luận chung với nhưng đa số đã có chú ý những vấn đề GV yêu cầu.
Trong các giờ học thực nghiệm, HS hoạt động nhiều hơn, đa dạng hơn nên đã tránh được sự đơn điệu, tẻ nhạt, nhàm chán. Hơn nữa, với việc sử dụng công nghệ thông tin trong giờ học đã tạo nên những hiệu quả tích cực. Chẳng hạn, khi tìm hiểu giá trị hiện của tác phẩm, GV chiếu những hình ảnh, tư liệu về nạn đói năm 1945 và phong trào Việt Minh lên màn hình. Thông qua hoạt động quan sát, HS sẽ có những ấn tuợng, những xúc cảm thẩm mĩ sâu sắc.
Phần lớn kiến thức học tập là do tự HS hình thành nên việc ghi chép được đơn giản hơn. Do đó, cả GV và HS chỉ ghi những nội dung chính của bài học.
Điều cốt yếu là HS nắm vững những kiến thức vừa được xây dựng nên. Nhìn chung, HS hiểu bài tốt hơn, ghi nhớ tốt hơn và giải quyết các tình huống học tập linh hoạt hơn.
Cùng với những thuận lợi là không ít những khó khăn ảnh hưởng không tốt đến giờ dạy học thực nghiệm. Chẳng hạn, GV và HS phải đầu tư và chuẩn bị bài học nhiều hơn. Với việc HS học quá nhiều môn, chương trình học còn nặng nề nên trong thực tế sự chuẩn bị của các em bị hạn chế. Hơn nữa, HS ít có điều kiện ôn lại những kiến thức đã học. Chương trình học cũng chưa dành nhiều thời gian cho GV củng cố, ôn tập kiến thức cho các em. Vì vậy, quá trình kiến tạo kiến thức mới gặp không ít khó khăn.
Về mặt thời gian, với truyện ngắn Vợ nhặt, thông thường GV tiến hành giảng dạy trong thời lượng hai tiết. Nhìn chung, GV dạy thực nghiệm đảm bảo yêu cầu thời gian với các hoạt động học tập phù hợp. Tuy nhiên, nếu có
thời gian nhiều hơn thì sẽ phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học, góp phần nâng cao hiệu quả giờ học.
Hơn nữa, khả năng ghi chép của HS còn hạn chế, đặc biệt là HS yếu kém (các em đã quen với việc ghi chép những điều GV ghi), điều này cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đối với kết quả học tập.
Trong giờ dạy thực nghiệm, GV cố gắng xây dựng môi trường học tập thuận lợi nhằm một mặt đề cao tính chủ thể của người học, đồng thời còn chú trọng đến hoạt động học tập hợp tác nên đôi lúc gây nên bầu không khí mặc dù là “ồn ào có hiệu quả” nhưng đã ảnh hưởng ít nhiều đến các lớp lân cận.
Do tổ chức hoạt động hợp tác, hành vi nổi trội của một số HS còn phổ biến, một số HS ỉ lại vào kết quả học tập của bạn mình. Và vẫn còn nhiều HS chưa có sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong giải quyết các tình huống học tập.
Nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến việc vận dụng các PPDH này là lớp học quá đông và thời gian ít, do vậy còn những nội dung kiến thức chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Thời gian dành cho các nhóm báo cáo kết quả hoặc tranh luận giữa các nhóm quá hạn hẹp, có ít HS và nhóm HS được lên báo cáo kết quả của nhóm mình.
Nhìn chung, những khó khăn, tồn tại trên đây không phải không khắc phục được. Điều đó phụ thuộcc nhiều vào phương tiện dạy học, cơ sở vật chất và năng lực sư phạm của người thầy.
3.5.3. Từ việc tham khảo ý kiến của giáo viên và học sinh (xem thêm phần phụ lục):
Chúng tôi tiến hành tham khảo ý kiến GV dạy văn và HS trong quá trình thực nghiệm. Tổng số phiếu thu nhận được như sau: 27 phiếu của GV, 120 phiếu của HS. Dựa vào ý kiến của GV và HS, chúng tôi đã rút ra một số kết luận.
Thứ nhất, về việc vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học. LTKT là một quan điểm dạy học hiện đại được giới thiệu trong các tài liệu nghiên cứu giáo dục nói chung và các tài liệu hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn nói riêng nhưng không phải GV nào cũng biết, quan tâm đến quan điểm dạy học này.
Cho nên, việc vận dụng lý thuyết này vào dạy học truyện ngắn còn quá mới mẻ với GV dạy văn. Qua khảo sát, chúng tôi thu được kết quả như sau:
Nội dung trả lời Số GV Tỉ lệ
Chưa từng biết đến quan điểm dạy học này 3 11,1 %
Có biết đến nhưng không rõ 12 44,4 %
Có đọc các tài liệu nghiên cứu 7 25,9 %
Có nghiên cứu và vận dụng 5 18,5 %
Thứ hai, về việc kiểm tra các kiến thức đã có của học sinh có liên quan đến bài học. Trong quá trình dạy học, hầu hết các GV đều tiến hành kiểm tra kiến thức cũ của HS nhưng đa phần người dạy cho rằng hoạt động học tập này diễn ra ở đầu giờ học (kiểm tra bài cũ) và số ít GV sử dụng khi củng cố, mở rộng nội dung bài học. Hơn nữa, do hạn chế thời gian nên việc liên hệ, so sánh kiến thức cũ không nhiều. Do đó, kiến thức mới thường được GV cung cấp chứ không phải người học xây dựng nên từ những kiến thức đã biết.
Thứ ba, về việc chuẩn bị bài của giáo viên và học sinh. Đây là một khâu quan trọng của quá trình dạy học. Hiện nay, do yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới, GV có chú ý đến đến vai trò đặc biệt của khâu này. Khi thiết kế bài học, hoạt động chuẩn bị bài học không chỉ là việc GV sưu tầm vài ba tranh ảnh, đồ dùng dạy học có tính minh họa mà là sự chuẩn bị những tri thức cần thiết để thực hiện mục tiêu bài học đặt ra. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động học tập chưa được GV quan tâm, đầu tư thỏa đáng. Với HS, các em cho rằng rất thích thú khi tìm kiếm, chuẩn bị trước các tài liệu học tập có liên
quan. Nhưng công việc này luôn mất nhiều thời gian, GV nên cho điểm khuyến khích, động viên cho những em chuẩn bị bài học tốt.
Thứ tư, về việc sử dụng các phương pháp dạy học. Dạy học TPVC trong nhà trường hiện nay theo hướng đọc - hiểu nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Bên cạnh, những PPDH hiện đại thì những PPDH truyền thống, những PPDH đặc thù của môn học vẫn còn phát huy tác dụng nếu GV biết lựa chọn và vận dụng cho phù hợp. Do hạn chế thời gian, phương tiện dạy học, lớp học quá đông,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc lựa chọn các PPDH. Vì vậy, nhằm tạo môi trường học tập thuận để HS tự hình thành tri thức cho mình, GV phải sử dụng linh hoạt, đa dạng các PPDH.
Sử dụng phiếu học tập trong dạy học Ngữ văn là một cách học tập tương đối mới nhưng mang lại nhiều hiệu quả. Hình thức dạy học này sẽ rèn luyện cho HS nhiều kĩ năng, đồng thời còn giúp GV đánh giá một cách khách quan và thường xuyên quá trình học tập của các em. Thời điểm sử dụng lại rất linh hoạt. GV có thể cho HS làm ở nhà hay tại lớp. Trong đó, chuẩn bị bài theo phiếu học tập đã tạo nhiều thuận lợi cho cả người dạy và người học. Qua câu hỏi tham khảo: Thầy (cô) sử dụng phiếu học tập trong giờ dạy học TPVC ở mức độ nào? Chúng tôi thu được các câu trả lời như sau:
Nội dung trả lời Số GV Tỉ lệ
chưa sử dụng 12 44,4
hiếm khi 8 29,6
thỉnh thoảng 4 14,8
thường xuyên 3 11,1
Như vậy, hình thức sử dụng phiếu học tập trong giờ học TPVC chưa được GV quan tâm đúng mức. Trong khi đó, HS tỏ ra yêu thích hình thức học
tập này. Với 120 HS được hỏi về việc sử dụng phiếu học tập trong giờ học TPVC, có đến 57 HS cho là thích (47,5%), 38 HS không thích (31,2%), 25 HS (20,8%) có ý kiến khác. Yêu cầu đặt ra là GV phải xây dựng các phiếu học tập phù hợp và phục vụ cho bài học. Nếu nội dung phiếu học tập quá dài sẽ làm mất nhiều thời gian, sẽ làm HS bối rối khi xác định câu trả lời, cũng không nên quá đơn điệu vì sẽ không kích thích tính sáng tạo, tự tìm hiểu của HS, không hấp dẫn được các em. Phát phiếu học tập cần đúng lúc, không nên phát trước cho người học để tránh tình trạng HS hay đọc trước, không tập trung vào việc học ngay thời điểm đó, các em sẽ chểnh mảng học tập bởi HS sẽ dễ lầm tưởng mình đã hiểu vấn đề, như vậy hiệu quả giờ dạy sẽ không cao.
Tóm lại, vận dụng LTKT vào dạy học truyện ngắn với các phương pháp, biện pháp học tập mà chúng tôi nêu ra đã phát huy được hiệu quả. Các phương pháp đó không chỉ đáp ứng được yêu cầu về việc giúp HS nắm được các kiến thức trọng tâm của bài, quan trọng hơn còn giúp HS hiểu các kiến thức đó sâu hơn, vững chắc hơn. Ngoài ra, việc vận dụng lý thuyết này vào dạy học đã tạo điều kiện cho HS đạt được một số kĩ năng như: kĩ năng diễn đạt vấn đề trước tập thể, kĩ năng phát hiện - giải quyết vấn đề và kĩ năng học tập hợp tác.