VÀO DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”
2.2. Quy trình tổ chức dạy học truyện ngắn theo quan điểm kiến tạo
2.2.2. Hoạt động học tập trên lớp
Trong giai đoạn này, cả GV và HS cùng thực hiện một số hoạt động học tập sau:
Bảng 2.3 Hoạt động học tập trên lớp Hoạt động học tập trên lớp
- Giới thiệu bài
- Tìm hiểu các yếu tố ngoài văn bản - Đọc - hiểu văn bản
- Xác định tư tưởng chủ đề của tác phẩm:
- Tổng kết, mở rộng kiến thức
GV hướng dẫn, tổ chức, điều khiển cho HS tiếp xúc các tình huống học tập. Dạy học truyện ngắn phụ thuộc rất lớn vào khả năng cảm thụ của người
học. Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, GV nên khuyến khích, động viên mỗi cá nhân trình bày những quan điểm chủ quan của họ;
đồng thời tạo điều kiện cho các em trao đổi, thảo luận, đánh giá về các nhận định được đưa ra và lựa chọn nội dung học tập phù hợp.
2.2.2.1. Giới thiệu bài:
Giới thiệu bài là một hoạt động tiếp tục tạo tâm thế học tập cho HS và đây cũng là một hoạt động không thể thiếu khi vận dụng LTKT vào dạy học truyện ngắn. Lời dẫn của GV sẽ thiết lập một dòng liên tưởng, tưởng tượng nghệ thuật cho HS và định hướng được nội dung bài học. Do đó, lời dẫn càng sáng tạo, càng độc đáo càng có khả năng kích thích hứng thú và gây sự chú ý cho HS. Yêu cầu của lời giới thiệu phải đúng, đủ, nhanh, đảm bảo tính khoa học và tính nghệ thuật. Trong sách giáo khoa, mục Tiểu dẫn được biên soạn ngắn gọn nhưng đề cập tương đối đầy đủ những nét lớn về tác giả, tác phẩm, thể loại, bố cục, hệ thống nhân vật,… là những tri thức rất quan trọng để GV sử dụng giới thiệu bài.
2.2.2.2. Tìm hiểu các yếu tố ngoài văn bản
Mỗi truyện ngắn luôn ra đời trong những bối cảnh lịch sử xã hội văn hóa cụ thể; những yếu tố đó được tái hiện thông qua lăng kính của nhà văn đi vào trong tác phẩm. Do vậy, GV phải chú ý đến những yếu tố bên ngoài văn bản ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm như: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm,…. Định hướng cho HS hình thành những kiến thức về các yếu tố bên ngoài văn bản, GV nên kiểm tra các kiến thức đã có của các em có liên quan đến bài học bằng cách sử dụng các câu hỏi đã chuẩn bị từ trước. Thông thường, nếu có nhiều câu hỏi thì nên in thành các phiếu học tập, yêu cầu HS giải đáp các câu hỏi theo nhóm hoặc cá nhân, sau ít phút GV thu lại và đánh giá nhanh các kết quả thu được. Nếu GV chỉ sử dụng một hoặc hai câu hỏi thì có thể đặt câu hỏi đó trước lớp và yêu cầu HS trả lời.
2.2.2.3. Đọc - hiểu văn bản
Đọc văn bản
Đây là hoạt động cần được thực hiện trong giờ dạy học truyện ngắn theo quan điểm kiến tạo. Tùy nội dung bài học, GV có thể yêu cầu HS đọc tác phẩm với những hình thức và mức độ khác nhau: có thể đọc cả văn bản, đọc từng đoạn, đọc để tạo không khí ấn tượng, đọc để tìm dẫn chứng, có thể đọc đầu giờ, cũng có thể đọc khi kết thúc bài học. Thông thường, trước khi tìm hiểu một truyện ngắn, GV tổ chức hoạt động đọc để HS tiếp cận tác phẩm ở những phương diện: tìm hiểu thể loại, bố cục, tổ chức kết cấu văn bản,…
Tìm hiểu văn bản
Sau khi có những ấn tượng ban đầu về tác phẩm, GV hướng dẫn, tổ chức HS tìm hiểu văn bản. Đặc điểm của truyện ngắn là có rất ít nhân vật, kết cấu câu chuyện xoay quanh một vài biến cố, dung lượng phản ánh hiện thực cũng hạn chế. Tùy mục tiêu, nội dung bài học, GV cần xây dựng các tình huống học tập phù hợp với đối tượng HS: có thể tìm hiểu văn bản theo nhân vật, kết cấu truyện, hay theo biến cố, tình huống,… để từ đó tìm hiểu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Trong đó, tìm hiểu truyện ngắn theo nhân vật và theo kết cấu cốt truyện được sử dụng khá phổ biến.
Đọc - hiểu truyện ngắn theo nhân vật
So với truyện dài, truyện ngắn có ít nhân vật và nhân vật luôn gắn với những biến cố trong tác phẩm. Do vậy, khi tìm hiểu truyện ngắn phải gắn liền với việc đi sâu vào các chi tiết để làm rõ cho hình tượng nhân vật. Trong quá trình giảng dạy, GV cần khai thác những kiến thức đã biết của HS có liên quan để tìm hiểu rõ hình tượng nhân vật thông qua các hoạt động so sánh, liên hệ, mở rộng. Chẳng hạn, để xác định hình tượng các nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân), một mặt phải đi sâu vào việc phát hiện, phân tích các chi tiết giới thiệu về hình dáng, thân phận, hành động, tâm trạng,…
của nhân vật; mặt khác cần phải liên hệ, so sánh với các hình tượng nhân vật người nông dân khác mà các em đã biết như Lão Hạc, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao hay ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân,…. nhằm làm nổi bật hình tượng nhân vật Tràng.
Đọc - hiểu truyện ngắn theo kết cấu cốt truyện
Kết cấu là một yếu tố hình thức của tác phẩm có vai trò thể hiện chủ đề, tư tưởng, cốt truyện và khắc họa tính cách nhân vật. Tìm hiểu truyện ngắn theo kết cấu đòi hỏi phải bao quát toàn bộ tác phẩm mới nắm được tư tưởng chủ đề của câu chuyện. Kết cấu và cốt truyện có mối liên hệ với nhau nhưng không phải là một.
Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện và hành động được phát triển cụ thể của nhân vật, của tình tiết trong tác phẩm. Cốt truyện nhằm thể hiện và phát triển tính cách nhân vật còn kết cấu góp phần khẳng định, nâng cao tính cách nhân vật.
Kết cấu của truyện ngắn thường có hai hướng: có cốt truyện và không có cốt truyện. Chí Phèo của Nam cao là một truyện ngắn có kết cấu theo hướng thứ nhất; cốt truyện đuợc tác giả xây dựng theo diễn tiến hoạt động của nhân vật Chí Phèo. Còn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một truyện ngắn có kết cấu theo hướng thứ hai. Xác định được kết cấu tác phẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn.
Nếu đó là một truyện ngắn có cốt truyện thì chúng ta đi vào tìm hiểu quá trình vận động các sự kiện, biến cố. Khi phân tích nhân vật Chí Phèo cần phải chú ý chặng đường trước và sau khi ở tù của Chí, đến khi gặp và bị thị Nở khước từ. Còn với những truyện ngắn không có cốt truyện hoặc cốt truyện đơn giản, ta cần đi sâu vào tìm hiểu yếu tố trữ tình của tác phẩm.
Dù tìm hiểu truyện ngắn theo nhân vật hay theo cốt truyện thì yêu cầu của cuối cùng của công việc này là xác định cho được giá trị nội dung và nghệ
thuật của tác phẩm. Thông thường, GV thường kết hợp cả hai cách trên nhằm giúp HS nắm bắt được trọn vẹn giá trị của tác phẩm. Khi tìm hiểu các yếu tố trong văn bản truyện ngắn cần chú ý một số công việc sau:
- Đi sâu vào tìm hiểu tư tưởng khái quát, chủ đề của văn bản.
- Phát hiện, tìm hiểu những chi tiết đặc sắc, điểm sáng thẩm mĩ, cách kết thúc tác phẩm.
- Tìm hiểu ý nghĩa nhan đề tác phẩm.
- Cần đi vào tìm hiểu tình huống đặc biệt của truyện ngắn.
2.2.2.4. Tư tưởng chủ đề của tác phẩm:
Sau khi tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật, GV tạo điều kiện cho HS xác định tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. HS trả lời cho câu hỏi: Thông qua truyện ngắn này, nhà văn muốn truyền tải đến bạn đọc điều gì? Công việc này đòi hỏi HS không những phải hiểu rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm mà còn có năng lực tổng hợp, phán đoán, khái quát cao các vấn đề mà nhà văn đã thể hiện thông qua hình tượng các nhân vật, các sự kiện, chi tiết,... Do đó, hoạt động học tập này phù hợp với quan điểm kiến tạo vì từ những kiến thức vừa mới tìm được, cùng với sự nỗ lực tư duy nhận thức của người học thông qua sự hợp tác với GV và với bạn học, kiến thức mới được hình thành ở mức độ cao hơn.
2.2.2.5. Tổng kết:
Từ vốn kinh nghiệm đã có, những kiến thức cụ thể vừa mới tìm hiểu, dưới sự hướng dẫn của GV, HS xây dựng nên những kiến thức tổng hợp, khái quát. Hoạt động học tập này, đòi hỏi người đọc phải có năng lực tổng hợp, phán đoán, khái quát cao để từ các mối quan hệ giữa các nhân vật, sự kiện, chi tiết… trong tác phẩm và thái độ, cách miêu tả của các tác giả, rút ra những kết luận đúng đắn. Đây cũng là hoạt động học tập giúp GV khái quát, tổng kết lại nội dung bài học. Bên cạnh hoạt động tổng kết kiến thức mới vừa kiến tạo,
GV cần liên hệ, mở rộng vấn đề để người học có cái nhìn bao quát, toàn diện kiến thức vừa mới hình thành. Liên hệ, mở rộng là một thao tác có thể được vận dụng một cách linh hoạt trong suốt quá trình dạy học nhằm giúp người học hiểu rõ văn bản một cách sâu sắc hơn.
2.2.3. Kiểm tra, đánh giá kiến thức:
Đây là một khâu quan trọng trong chu trình dạy học, nó kiểm định mức độ đạt được của HS về năng lực nhận thức so với mục tiêu đặt ra, là bước chuẩn bị cho việc tổ chức dạy học kiến thức tiếp theo. GV có thể sử dụng các hình thức như: sử dụng bài kiểm tra ngắn, quan sát, phỏng vấn,… để thu thập các thông tin phản hồi cả về mặt định tính và định lượng, từ đó đưa ra các đánh giá cho phù hợp. Giai đoạn này cần nhiều sự giúp đỡ từ phía GV, ngoài vai trò tổ chức và điều khiển sự thảo luận của HS, GV cần có những chỉ dẫn để quá trình kiểm tra, đánh giá được diễn ra thuận lợi. HS phải huy động các kiến thức đã có và dùng lập luận logic để bác bỏ hoặc khẳng định tính đúng đắn các nhận định, qua đó xác lập tri thức mới. Các em vận dụng tri thức mới vừa xác lập đặt vào tình huống học tập mới hơn để kiểm tra mức độ nắm vững của mình bằng cách sử dụng các kiến thức đó vào giải bài tập, hoặc khái quát hóa kiến thức vừa được xây dựng.