VÀO DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”
2.3. Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học truyện ngắn Vợ nhặt
Nhằm mục đích minh chứng cho khả năng vận dụng các quan điểm của LTKT vào quá trình dạy học truyện ngắn để tạo điều kiện cho HS tự khám phá, xây dựng những kiến thức mới cho bản thân, chúng tôi đã chọn truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để tiến hành dạy thực nghiệm.
2.3.1 Định hướng kiến tạo trong dạy học “Vợ nhặt”
2.3.1.1. Tác giả
Kim Lân (1920 – 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài, là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về đề tài nông thôn và hình tượng
người nông dân với cả tấm lòng đôn hậu của người con sinh ra từ đồng ruộng.
Cũng viết về đời sống nông thôn Việt Nam như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan nhưng Kim Lân chủ yếu tiếp cận làng quê từ bình diện phong tục, sinh hoạt văn hóa và những câu chuyện bình dị hàng ngày. Kim Lân sáng tác không nhiều nhưng có đến hai tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn phổ thông: Làng (Ngữ văn 9), Vợ nhặt (Ngữ văn 12). Do đó, khi dạy học truyện ngắn Vợ nhặt, GV nên khai thác những kiến thức về tác giả và phong cách sáng tác Kim Lân mà các em đã được biết, được học là điều tất yếu.
Đồng thời, phần Tiểu dẫn trong sách giáo khoa có giới thiệu khái quát vài nét về nhà văn, HS nên tham khảo thêm để khắc sâu kiến thức. Vì thế, GV xây dựng tình huống học tập với câu hỏi sau:
1. Trong chương trình Ngữ văn bậc THCS, các em đã được biết đến nhà văn Kim Lân qua tác phẩm nào?
2. Căn cứ vào phần Tiểu dẫn trong sách giáo khoa cùng với những ấn tượng về tác phẩm đã học, hãy giới thiệu vài nét về tác giả Kim Lân?
Thông qua câu trả lời của HS, GV chốt lại nội dung và giới thiệu thêm vài nét về nhà văn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông chỉ học hết bậc tiểu học rồi vừa làm thợ (sơn guốc, khắc bình phong) vừa viết văn. Kim Lân là người có hoa tay, vẽ giỏi, từng tham gia đóng kịch, đóng phim với các vai Giuốc - đanh trong hài kịch “Môlie”, Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy,…
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa, văn vật, gắn với những con người tài hoa, nhân hậu, nên phong cách sáng tác của Kim Lân đã ảnh hưởng rất nhiều về vùng đất và con người nơi đây. Một số tác phẩm của ông mang tính cách tự truyện như: Đứa con người vợ lẽ, Vợ nhặt,… Nhiều truyện của ông còn tái hiện cảnh sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê, những thú chơi lành mạnh như đánh vật, chọi gà, thả chim,… Xét phương diện này, nếu Nguyễn Tuân tái hiện những thú chơi tao nhã, cao đẹp
đã làm sống lại những nét son xưa của văn hóa Việt Nam thì Kim Lân giúp người đọc hình dung được những vẻ đẹp của con người quê hương Kinh Bắc qua những thú chơi tao nhã theo kiểu phong lưu đồng ruộng. Đúng như lời nhà văn Nguyên Hồng, người bạn chí cốt của ông đã từng nói: “Ông là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống” [58,tr.91].
2.3.1.2. Tác phẩm
Hoàn cảnh sáng tác và giá trị hiện thực của tác phẩm
Vợ nhặt là một truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp vào mùa xuân năm Ất Dậu 1945 - nạn đói đã cướp mất một phần mười dân số Việt Nam lúc bấy giờ.
Để hiểu rõ hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, GV tiến hành yêu cầu HS trình bày những hiểu biết về hiện thực xã hội nước ta năm 1945. Từ sự hiểu biết của mình, các em xác định giá trị hiện thực của tác phẩm.
Thực tế, HS đã có những hiểu biết nhất định về hiện thực xã hội nước ta năm 1945 qua môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí,… hay từ những kiến thức của cuộc sống. Hơn nữa, các em đã hiểu rõ khá rõ nét về xã hội nước ta trước Cách mạng tháng Tám qua Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh vừa được học ở học kì 1: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.
Do vậy, học Vợ nhặt, các em sẽ có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về hoàn cảnh đất nước ta trước Cách mạng tháng Tám 1945, từ đó các em sẽ cảm thông với nỗi thống khổ của con người và có niềm tin vào cuộc sống.
Viết về nạn đói năm 1945 khi cuộc kháng chiến đã thắng lợi (năm 1954), Vợ nhặt ra đời dựa trên một phần cốt truyện tiểu thuyết Xóm ngụ cư nên tác phẩm đã được nhà văn nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và cách thể hiện. Giá trị hiện thực của tác phẩm là đã phản ánh chân thực và sinh động tình cảnh khốn khổ của nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp và những tư tưởng, tình cảm, hướng về cách mạng của họ. Nạn đói đã được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật cụ thể chân thực, sinh động: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ”, “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người” hay “Dưới những gốc cây đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Bao trùm lên xóm ngụ cư là một bức tranh ảm đạm với hình ảnh lũ trẻ con ngồi ủ rũ, không buồn nhúc nhích, người đói khát nằm ngổn ngang khắp nơi. Đọc tác phẩm, ta thấy không khí chết chóc đã hiện lên thành màu, thành mùi, thành tiếng bao vây cuộc sống con người. Ngoài ra, GV có thể liên hệ đến tác phẩm của các nhà văn khác viết về hiện thực bi thảm này như: Văn Cao (Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc), Tố Hữu (Xuân đến và Đói!
Đói!), Nam Cao (Đôi mắt), ...
Với Vợ nhặt, Kim Lân còn tái hiện hiện thực xã hội qua những tín hiệu về cuộc cách mạng đã xuất hiện qua những lời nói: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy”, “Việt Minh phải không? hay qua hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” hiện lên ở cuối tác phẩm… Cách kết thúc truyện với hình ảnh như thế là một dụng ý sáng tạo của nhà văn. Vì thế, GV yêu cầu HS so sánh cách kết thúc truyện Vợ nhặt với các tác phẩm khác cũng
viết về người nông dân như: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Chí Phèo (Nam Cao), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài),….
Như vậy, muốn xác định giá trị hiện thực tác phẩm, GV cần xuất phát từ những kiến thức đã biết của HS về nạn đói năm Ất Dậu đến việc tìm hiểu hình tượng nhân vật. Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cũng như tận dụng những kiến thức đã biết của các em, tình huống học tập được xây dựng dựa trên PPDH hợp tác. Với hình thức sử dụng phiếu học tập, HS sẽ ghi lại, trình bày những hiểu biết của mình về xã hội nước ta vào đầu năm 1945 (có minh họa bằng những tư liệu hoặc hình ảnh về nạn đói năm Ất Dậu của Võ An Ninh); phát hiện và liệt kê những chi tiết miêu tả hiện thực này trong tác phẩm. Từ đó, các em sẽ trình bày những suy nghĩ, nhận định của mình về giá trị hiện thực của truyện Vợ nhặt. Tình huống học tập này khai thác được những kiến thức đã có của HS, đồng thời tạo môi trường học tập tích cực, chủ động thuận lợi cho việc hình thành tri thức mới.
Vợ nhặt – tác phẩm thấm đẫm giá trị nhân đạo
Dựa vào những kiến thức đã học, thông qua sự hướng dẫn của GV, HS xác định được cách thức để tìm hiểu truyện Vợ nhặt qua ba nhân vật: Tràng, bà cụ Tứ và người vợ nhặt. HS thảo luận nhóm để tìm hiểu hình tượng các nhân vật cùng lúc, do hạn chế thời gian. Với mỗi nhân vật sẽ có từ hai nhóm trở lên tìm hiểu để đảm bảo tính chính xác, khách quan. Thông thường việc chia nhóm này đã được chuẩn bị từ trước. Mỗi nhóm sẽ phát hiện, ghi lại những chi tiết giới thiệu nhân vật rồi cùng nhau đưa ra nhận định, đánh giá về hình tượng nhân vật. Sau đó, HS đại diện sẽ lần lượt trình bày trước tập thể kết quả làm việc của nhóm mình. Lớp học tiếp tục bàn bạc, thảo luận, tranh luận để cuối cùng tìm ra kết quả xác đáng nhất. Trong quá trình này, GV có vai trò hướng dẫn, tổ chức và điều khiển hoạt động học tập của các em đi đúng hướng.
Để việc đánh giá hình tượng nhân vật được xác đáng, HS cần liên hệ, so sánh với những hình tượng nhân vật khác mà các em đã biết. Do hạn chế thời gian, cũng như tránh sự tùy tiện trong việc liên hệ, GV yêu cầu HS chọn các nhân vật với những chi tiết đặc sắc mà em biết rõ để so sánh. Chẳng hạn, có thể liên hệ đến nhân vật ông Hai (Làng); Lão Hạc (Lão Hạc), Chí Phèo (Chí Phèo) … để hiểu rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp của Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt: một người thô kệch, nghèo khổ nhưng có lòng nhân hậu, khát khao hạnh phúc và có niềm tin vào tương lai.
Với người vợ nhặt, người phụ nữ lâm vào tình cảnh đói khát, trở thành người vợ đảm đang, dâu hiền đúng mực nhờ vào lòng ham sống, khát khao hạnh phúc đồng thời nhờ vào tình thương, lòng bao dung của người đàn ông cùng cảnh ngộ, của bà mẹ chồng nghèo nhân từ. Chính cô mang đến một làn gió tươi mát cho cuộc sống tăm tối ngay bên bờ của cái chết. Với nhân vật này, HS có thể liên hệ đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khác như: người phụ nữ trong ca dao dân ca, chị Dậu trong Tắt đèn, người đàn bà trong Một bữa no (Nam Cao), hay với nhân vật Mị vừa được học từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, hoặc với nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu sẽ được học sau này,…
Bà cụ Tứ là một người mẹ già nua, nghèo khó có tấm lòng nhân hậu và rất yêu thương con. Chính bà đã thắp lên ngọn lửa hi vọng vào cuộc sống cho vợ chồng Tràng. Bữa cơm đầu tiên, bà đón tiếp nàng dâu mới rất thảm hại nhưng bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này. Ở bà, ta thấy niềm tin, sức sống to lớn của con người Việt Nam - đặc biệt là người phụ nữ: dù hoàn cảnh sống có bi đát, cái chết có cận kề với sự sống, nhưng họ vẫn yêu thương nhau, vẫn lạc quan tin tưởng, hướng đến ánh sáng cách mạng. Để phát hiện được những phẩm chất tốt đẹp của bà cụ Tứ, HS có thể liên hệ các nhân
vật khác như: người nông dân nuôi gà trong bài ca dao Mười cái trứng, bà Tú (Thương vợ - Tú Xương), Lão Hạc (Lão Hạc), Chị Dậu (Tắt đèn), ...
Từ việc xác định hình tượng các nhân vật, HS sẽ hiểu được những đặc sắc về nội dung của Vợ nhặt. Vượt lên tình cảnh bi thảm của cuộc đời, người dân lao động có niềm khao khát mãnh liệt và niềm tin bất diệt vào sự sống và tương lai. Họ thương yêu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau ngay trên bờ vực thẳm của cái chết. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc, đầy cảm động của truyện ngắn này. Trong nền văn học Việt Nam, nhiều nhà văn đã viết về cuộc sống ngột ngạt, bế tắc ở nông thôn Việt Nam những năm 1930 – 1945 như tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố) hay hình ảnh người nông dân là nạn nhân của sự áp bức bóc lột đến đánh mất cả nhân hình, lẫn nhân tính trong truyện Chí Phèo (Nam Cao). Với Kim Lân, vẫn không gian ấy, nhưng nó không bế tắc, con người vẫn luôn khao khát hạnh phúc, hướng tới ánh sáng, niềm tin vào tương lai.
Bên cạnh đó, GV cũng cần liên hệ với một số tác phẩm văn học khác thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả mà HS được học ở lớp 12 như: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu),… nhằm làm nổi bật giá trị nội dung của truyện Vợ nhặt.
Tóm lại, tìm hiểu giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt là một nội dung trọng tâm của bài học. Vì thế, GV nên kết hợp nhiều PPDH phù hợp với đối tượng HS, trong đó PPDH hợp tác, đọc sáng tạo và so sánh văn học đã mang lại những hiệu quả nhất định. Với các PPDH này không những đề cao được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân mà còn khai thác được những kiến thức đã biết của người học và vai trò tập thể cũng được phát huy tác dụng. Do đó, kiến thức mới được xây dựng nên nhờ vào quá trình cộng tác học tập của tập thể sẽ đảm bảo tính khách quan và bền vững.
Đặc sắc nghệ thuật
Ý nghĩa nhan đề:
Nhan đề Vợ nhặt đã thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng của truyện ngắn này. Khi được hỏi về ý nghĩa của tên truyện, Kim Lân đã trả lời như sau:
“Nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945 người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối của nó phủ xuống mọi xóm làng. Trong hoàn cảnh ấy giá trị một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ - đúng là nhặt được vợ như tôi nói trong truyện” [58, tr.11]. Như vậy, từ nhặt trong nhan đề là một động từ. Hai từ vợ và nhặt tạo một tên truyện rất lạ, tạo ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc. Hai từ Vợ nhặt đi cạnh nhau gợi ra thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm cái rác, có thể nhặt nhạnh bất kì ở đâu, lúc nào. Đây không phải là cảnh lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi, có cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt, mà là “nhặt được vợ”. Nhưng tại sao là Vợ nhặt mà không phải là “vợ theo” hay “nhặt vợ”?
Từ Vợ nhặt không những nói lên cảnh ngộ của người vợ theo (theo không) mà còn thể hiện cái nhìn thương yêu của Kim Lân đối với người phụ nữ này. Người phụ nữ chấp nhận theo người khác vì muốn có cái ăn, muốn được tồn tại còn Tràng đã nhặt được vợ chỉ với bốn bát bánh đúc và vài câu nói đùa. Tác giả đã khắc họa tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp. Từ những hiểu biết về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm dựa và những kiến thức về việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt, thông qua các hoạt động gợi tìm, vấn đáp, đàm thoại với GV, HS sẽ nắm được ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.
Tình huống truyện đặc sắc
Một trong những đặc sắc làm nên thành công của truyện Vợ nhặt là tác giả đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo. Do đó, GV nên đặt HS vào tình huống học tập có vấn đề để tìm hiểu nội dung này. Thông qua hoạt động nhóm nhỏ (2 HS/ nhóm), dựa vào những kiến thức mới vừa học ở những
phần trên cùng với những hiểu biết về thể loại truyện ngắn, HS sẽ phát hiện tình huống độc đáo của tác phẩm.
Có thể nói, toàn bộ truyện ngắn Vợ nhặt xoay quanh một cuộc hôn nhân kì lạ, một đám cưới diễn ra ở giữa đám ma, Tràng lấy được vợ trong những ngày đói khủng khiếp. Khi đọc tác phẩm, HS sẽ có sự liên tưởng, so sánh đến những cuộc cưới xin trong văn học mà các em đã biết như: lời thách cưới và dẫn cưới trong bài ca dao Cưới nàng anh toan dẫn voi, chuyện cầu hôn của chàng Sơn Tinh với nàng Mỵ Nương (truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh), việc Mã Giám Sinh mua Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du), đám cưới của Dần (Một đám cưới - Nam Cao), hay chuyện A Sử cưới Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài),...
Từ những hiểu biết về các cuộc cưới xin trong văn học và phong tục cưới hỏi của con người Việt Nam, HS sẽ phát hiện ra nét lạ, độc đáo trong đám cưới của Tràng. Chuyện lấy vợ gả chồng xưa nay theo quan niệm của nhân dân ta là một vấn đề hệ trọng cả cuộc đời. Vì thế, dân gian có những câu sau: Miếng trầu nên nghĩa, chuyến đò nên duyên; Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Trong ba việc ấy thật là khó thay;.... Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.
Vì vậy, tình huống độc đáo của truyện đã bộc lộ ngay từ trong nhan đề Vợ nhặt, nên sẽ không quá khó để các em phát hiện ra chi tiết nghệ thuật này.
Ở đây có sự đảo lộn về giá trị, một chàng trai nghèo, xấu xí lại là dân ngụ cư bỗng dưng lấy được vợ và vợ theo không hẳn hoi. Hơn nữa, Tràng lại lấy lại lấy vợ vào những ngày đói khát là sự ngược đời. Do vậy, việc lấy vợ của Tràng đã làm cho mọi người sự ngạc nhiên xen lẫn lo lắng. Thoạt tiên là lũ trẻ rồi đến người lớn, cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, bà cụ Tứ ngạc nhiên và chính Tràng cũng ngạc nhiên không tin vào sự thật.