Chương 1. TỔNG QUAN NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.5. Đặc điểm phát triển về hình thái, chức năng tâm - sinh lý của vận động viên nữ
Cơ thể phụ nữ so với nam giới có hàng loạt những đặc điểm riêng về hình thái cũng như về chức năng. Khi so sánh những chỉ tiêu về hình thái, có thể nhận thấy chiều cao đứng và cân nặng trung bình của cơ thể phụ nữ thấp hơn của nam. Các số liệu theo dõi của nhiều tác giả đều cho rằng, ở mọi dân tộc, nữ thường thấp hơn nam giới khoảng 10%. Do đó, sự khác biệt chiều cao như vậy, nên hầu như tất cả các chỉ số hình thái khác cũng có sự khác nhau tương tự. Chiều dài các bộ phận cơ thể, chiều dài các chi của phụ nữ đều ngắn hơn nam giới theo tỷ lệ 1/1,1. Tuy nhiên trong các chỉ số dài – rộng thì chiều
rộng vai của phụ nữ nhỏ hơn của nam giới rõ rệt (lớn hơn 1/1,1) trong khi rộng hông lại lớn hơn tỷ lệ bình thường. Các chỉ số vòng đùi, vòng cánh tay, vòng ngực cũng như các số đo các vòng khác, như đường kính cơ, mạch máu, diện tích bề mặt cơ thể, bề mặt phổi… của phụ nữ đều nhỏ hơn của nam giới:
về lý thuyết sự khác biệt đó theo tỷ lệ 1/1,21. Các chỉ số về thể tích, như thể tích phổi, thể tích các buồng tim, thể tích máu lưu thông… của phụ nữ thấp hơn của nam giới theo tỷ lệ 1/1,33. Trọng lượng cơ thể phụ nữ trong những điều kiện tương tự cũng thấp hơn của nam giới khoảng 1,33 lần [2], [10], [25].
Ngoài những khác biệt chung về bản chất do sự khác nhau về chiều cao cơ thể quyết định đã nêu trên, cơ thể phụ nữ còn có một số đặc điểm riêng cần lưu ý. Sự khác biệt giới tính thể hiện rất rõ ở cấu tạo cột sống. Tỷ lệ của đốt sống ngực so với toàn bộ cột sống ngắn hơn ở nam giới, trong khi các đốt sống cổ và thắt lưng lại dài hơn. Do vậy, cột sống của phụ nữ linh hoạt hơn so với nam giới. Độ linh hoạt của cột sống còn được tăng cường thêm do dây chằng và đĩa sụn chêm ở cột sống của phụ nữ có độ đàn hồi tốt hơn [2], [25].
Trọng lượng tổ chức mỡ của phụ nữ chiếm khoảng 25% trọng lượng cơ thể, trong khi ở nam giới mỡ chỉ chiếm khoảng 15%. Ngược lại, phụ nữ có tỷ lệ cơ nhỏ hơn nam giới, ở phụ nữ trọng lượng cơ thể chiếm khoảng 30% trọng lượng cơ thể trong khi ở nam giới là 40%, ở nữ VĐV tỷ lệ này ít hơn rất nhiều so với phụ nữ không tập luyện thể thao. Do mỡ hầu như không chứa nước nên lượng nước trong cơ thể phụ nữ thấp hơn của nam giới rõ. ở phụ nữ lượng nước chỉ chiếm 55%, trong khi ở nam giới là 70% trọng lượng cơ thể.
Bộ xương phụ nữ phát triển kém hơn của nam. Một số xương nhỏ hơn, thành xương mảnh và mềm hơn, bề mặt xương nhẵn. Những đặc điểm cấu tạo xương như vậy làm khả năng chịu trọng tải của phụ nữ kém hơn. Cùng với những hạn chế về mức độ phát triển cơ, dây chằng… phụ nữ dễ bị chấn thương hơn khi mang vác, va chạm trong tập luyện và thi đấu thể thao.
Hô hấp ở phụ nữ mau hơn (20-24 lần/phút), độ sâu hô hấp, không khí phổi và dung tích sống thấp hơn so với nam [25]. Lượng hồng cầu, Hêmôglôbin trong máu ít hơn, nhưng tốc độ lắng máu cao hơn so với nam.
Kích thước tim ở 48% nữ VĐV không thay đổi về hình thái, sự phì đại của tâm thất trái thấy ở 42% và phì đại của cả hai thất là 10%. Tần số co bóp của tim có thể giảm 42-48l/ph (10-12 l/ph thấp hơn so với nữ không tập thể thao).
Huyết áp động mạch tối đa giảm trung bình từ 8-10 mlHg, huyết áp tối thiểu 5-10mlHg. ở các nữ VĐV phản ứng mạch và huyết áp tới thử nghiệm chức năng ít biểu hiện hơn so với những người không tập và thời kỳ hồi phục sau test thử nghiệm ngắn hơn. Do ảnh hưởng của tập luyện, tần số hô hấp giảm từ 6-8 l/ph, dung tích sống tăng từ 1000 - 1500ml, thậm chí ở một số nữ VĐV dung tích sống đạt tới 5000ml [60].
Để xác định nội dung và phương pháp tập luyện, đặc biệt trong các VĐV nữ đỉnh cao, nhất thiết phải tính đến đặc điểm của cơ thể phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Thường kinh nguyệt bắt đầu ở lứa tuổi 12 - 15, cá biệt ở lứa tuổi 16 - 18, và kéo dài từ 2 - 7 ngày. Chu kỳ kinh là 24 - 30 ngày. Tập luyện với lượng vận động lớn, căng thẳng có thể làm kéo dài chu kỳ kinh nguyệt tới 36 - 42 ngày. Đại đa số các VĐV nữ (50 - 70%), kinh nguyệt xảy ra bình thường và không gây ảnh hưởng tới khả năng làm việc. Tuy vậy thời kỳ này vẫn có ở một số phụ nữ phát hiện thấy sự giảm các thông số chức năng như: giảm lưu lượng phút của máu, giảm % sự hấp thụ ôxy tối đa, huyết áp động mạch giảm, hô hấp chậm hơn, làm giảm dung tích sống và có những cảm giác đau đớn vùng bụng dưới, cảm giác bất an, nóng nảy vô cớ, như một căn bệnh mãn tính. Sự ổn định và bất ổn của chu kỳ kinh nguyệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc trong những ngày có kinh cho phép phụ nữ tham gia tập luyện hay không. Đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh ổn định, có cảm giác tốt và sự thích nghi cao với lượng vận động vẫn có thể tập luyện bình thường. Tuy nhiên các nữ VĐV có đẳng cấp thể thao cao, tập luyện có hệ
thống với lượng vận động lớn trong thời gian có kinh, nếu có cảm giác tốt có thể tham gia thi đấu và thi đấu tốt mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ [84].
Về mặt tâm lý, mặc dù khí chất của nam và nữ cùng ở một loại hình, nhưng chúng khác nhau trong khía cạnh biểu hiện tâm lý, khuynh hướng và phản ứng đối với các trạng thái căng thẳng thần kinh - cảm xúc (stress). Theo như nghiên cứu của Đinâyca C. khi lập ra bảng so sánh các phẩm chất tâm, sinh lý của nam và nữ thì thấy rằng đối với mức độ ưu thế về các phẩm chất cả nhân nam thường thiên về sức mạnh và có tư duy logic hơn trong khi đó nữ thường dịu dàng và mang cảm tính nhiều hơn. Về khuynh hướng, theo Đinâyca C. cho thấy nữ giới có xu hướng mang tính nội tâm nhiều hơn, trong khi nam giới thì có xu hướng hướng ngoại nhiều hơn. Còn phản ứng đối với sự căng thẳng (strees) cho thấy khả năng của nam kém hơn so với nữ trong việc thích nghi với môi trường mới [79].
Việc nghiên cứu các đặc điểm tính cách và những nét đặc thù trong đời sống tinh thần của phụ nữ giúp chúng ta đánh giá một cách khách quan khả năng của họ để sử dụng các biện pháp đối đãi cá biệt thích hợp trong tập luyện nhằm nâng cao sức khoẻ cũng như hiệu quả tập luyện cho họ.