Chương 1. TỔNG QUAN NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.6. Các công trình nghiên cứu liên quan
1.6.2. Tình hình nghiên cứu trong nước
Vấn đề nghiên cứu hệ thống các bài tập ứng dụng trong giảng dạy - huấn luyện môn bóng rổ cho các đối tượng nghiên cứu khác nhau ở nước ta đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều tác giả:
Lê Nguyệt Nga (2004), “Nghiên cứu trình độ tập luyện của VĐV bóng rổ nam nữ cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh” [46];
Đặng Hà Việt (2006), với đề tài “Xây dựng hệ thống bài tập phát triển sức bền chuyên môn cho VĐV đội tuyển bóng rổ nam quốc gia” [81];
Lưu Thiên Sương (2004), “Nghiên cứu đánh giá sự mệt mỏi - hồi phục của VĐV đội tuyển bóng rổ nữ Tp. Hồ Chí Minh” [60];
Phạm Văn Thảo, Đinh Quang Ngọc (2006), “Nghiên cứu lựa chọn các bài tập thể lực chuyên môn cho sinh viên chuyên sâu bóng rổ Trường đại học TDTT I theo chương trình đào tạo” [64].
Lê Vũ Kiều Hoa (2007), “Lựa chọn và ứng dụng hệ thống bài tập phát triển sức mạnh chuyên môn cho đội tuyển bóng rổ nữ quốc gia” [29];
Lê Thế Hùng (2004), “Nghiên cứu xác định một số nội dung và chỉ tiêu tuyển chọn VĐV bóng rổ nữ tỉnh Yên Bái lứa tuổi 13 – 14” [32],
Bùi Duy Hiếu (2011), “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ thể lực chuyên môn cho nữ VĐV bóng rổ Hà Nội” [27];
Nguyễn Hữu Thiệp (2011), “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn nữ VĐV bóng rổ trẻ vào giai đoạn huấn luyện ban đầu 9 - 11 tuổi tỉnh Yên Bái” [65].
Nguyễn Văn Hải (2013), “Đánh giá hiệu quả kế hoạch huấn luyện VĐV bóng rổ trẻ lứa tuổi 11 – 13” [21].
Qua tìm hiểu các đề tài nghiên cứu về bóng rổ của các tác giả trong và ngoài nước, có một số nhận xét như sau:
Hầu hết các tác giả trong và ngoài nước có sự tương đồng nhất định trong việc sử dụng hệ thống các bài tập thuộc các nhóm khác nhau nhằm phát triển các năng lực chuyên môn cho VĐV bóng rổ như: Các năng lực về kỹ - chiến thuật, các tố chất thể lực chuyên môn (sức nhanh, sức mạnh tốc độ, sức bền, khả năng phối hợp vận động).
Việc đánh giá trong các giai đoạn huấn luyện cho các đối tượng chủ yếu sử dụng các chỉ tiêu, các test để tuyển chọn và thải loại VĐV. Các test đánh giá chủ yếu dưới góc độ sư phạm, chưa ứng dụng nhiều các test có sử dụng phương tiện kỹ thuật tin cậy. Đối với các đối tượng là VĐV, sinh viên chuyên sâu bóng rổ thì các bài tập, các test sử dụng trọng huấn luyện, kiểm tra kỹ chiến thuật, thể lực có tỷ lệ và mức độ ưu tiên như nhau.
Đối với các đối tượng là sinh viên không chuyên ngành TDTT thì tỷ lệ và mức độ ưu tiên của các bài tập, các test chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn các bài tập bóng rổ để phục vụ huấn luyện kỹ - chiến thuật nâng cao thể lực chung và chuyên môn.
Quá trình huấn luyện VĐV bóng rổ cần kết hợp chặt chẽ giữa các chỉ tiêu, test đánh giá khác nhau và hiệu quả kế hoạch huấn luyện phải gắn liền với rèn luyện các tố chất thể lực. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi loại năng lực và giai đoạn huấn luyện khác nhau, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy - huấn luyện.
Mặc dù lý luận về công tác huấn luyện chung và một số môn thể thao nói riêng đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, song các vấn đề còn tồn tại nêu trên của môn bóng rổ ở Việt Nam thực sự là vấn đề mới và cần được các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện quy trình huấn luyện VĐV bóng rổ trẻ. Đặc biệt là trong giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu.
Môn bóng rổ yêu cầu phát triển hài hoà các tố chất, nếu chỉ dùng một vài chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của một chương trình đơn lẻ thì không hợp lý. Đặc biệt sau khi bước vào giai đoạn huấn luyện ban đầu, giai đoạn mà VĐV phải chuẩn bị một cách toàn diện cho các giai đoạn tiếp sau như: khả năng chức phận cần ở trạng thái tối ưu, chiến thuật đa dạng biến hoá và thành thạo, kỹ thuật ổn định ở mức cao.
Tóm lại, các công trình chủ yếu nghiên cứu theo hướng hoàn thiện hệ thống bài tập, phát triển các tố chất thể lực trong giảng dạy môn bóng rổ hoặc ngoại khoá cho đối tượng sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học. Hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng, mang tính điều tra, đánh giá và định hướng ứng dụng ở một số môn thể thao như bóng đá, điền kinh, bơi lội, bóng chuyền… Tuy nhiên cho đến nay, có rất ít công trình nghiên cứu trên đối tượng VĐV bóng rổ nữ cấp cao.
Tổng kết chương 1:
Bóng rổ thế giới đã trở nên rất phổ biến và chuyên nghiệp cao. Việt Nam những năm gần đây có sự phát triển tương đối tốt, song một thời gian dài bóng rổ Việt Nam tiến bộ chậm và đã dần phát triển qua giải bóng rổ các đội mạnh toàn quốc và một số câu lạc bộ. Chất lượng chuyên môn của các giải đấu chưa cao, mà một trong các nguyên nhân chính là chưa hệ thống huấn luyện và thi đấu chuyên nghiệp. chưa có nhiều các vận động viên giỏi, hệ thống tuyển chọn và đào tạo còn nhiều khó khăn, bất cập. Ở Việt Nam vẫn chưa bắt kịp xu hướng của bóng rổ hiện đại là nắm vững và tinh thông kỹ chiến thuật. Do vậy, cần kế thừa các phương pháp dạy học kỹ thuật vận động rất phong phú, đã được nhiều chuyên gia xây dựng. Sau khi học kỹ thuật, các phương pháp đánh giá kỹ thuật thể thao được ứng dụng với nhiều phương pháp khác nhau. Đồng thời sử dụng phương pháp lập test sư phạm hoặc phương pháp quan trắc video để đánh giá.
Tố chất sức mạnh là một trong những tố chất quan trọng của VĐV. Đối với VĐV bóng rổ, tố chất sức mạnh tốc độ là rất quan trọng. Kết hợp phát triển sức mạnh tốc độ với kỹ thuật ném rổ từ xa rất quan trọng để đem lại hiệu quả thi đấu cao. Đây là phương pháp hợp lý, có hiệu quả nhất định, song ít được chú trọng trong tập luyện và thi đấu bóng rổ.
Kỹ thuật bóng rổ khá phức tạp và phân thành 2 loại chính: kỹ thuật tấn công và kỹ thuật phòng thủ. Trong mỗi phần lại được chia ra làm hai nhóm:
kỹ thuật tấn công gồm kỹ thuật di chuyển và kỹ thuật kiểm soát bóng; kỹ thuật phòng thủ gồm kỹ thuật di chuyển, kỹ thuật cướp bóng và phản công. Ở
mỗi nhóm đều có các động tác và phương pháp thực hiện động tác. Hầu như mỗi một phương pháp thực hiện động tác cũng có một số biến dạng, thể hiện các chi tiết riêng về cấu trúc động tác. Ngoài ra những điều kiện thực hiện thể hiện đặc thù di chuyển, tư thế ban đầu, hướng và khoảng cách của VĐV cũng ảnh hưởng tới cấu trúc động học của phương pháp thực hiện đông tác. Việc
phân tích từng phương pháp thực hiện các động tác kỹ thuật dựa trên cơ sở cấu trúc hệ thống. Trong trường hợp này, phương pháp thực hiện được xem như là một hệ thống, bao gồm nhiều cử động của các bộ phận cơ thể VĐV.
Xuất phát từ điều đó, trong bóng rổ cần phân biệt: các giai đoạn chuẩn bị của động tác (tạo tiền đề để thực hiện thành công động tác), các giai đoạn cơ bản hay các giai đoạn làm việc (đạt được mục đích) và các giai đoạn kết thúc là giai đoạn chuyển từ thực hiện động tác sang trạng thái chuẩn bị cho các động tác tiếp theo. Vì vậy, trong thực tế trong huấn luyện kỹ thuật ném rổ từ xa cần phải biết không chỉ là một động tác thể thao (một thành phần của hệ thống) bao gồm từ những cử động (yếu lĩnh) nào mà còn phải biết các yếu lĩnh đó liên quan tới nhau và tác động qua lại lẫn nhau.
Kết quả tổng hợp và phân tích các công trình nghiên cứu liên quan ở trong và nước ngoài, ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nghiên cứu về hệ thống hóa các bài tập nhằm phát triển sức mạnh tốc độ thực hiện kỹ thuật ném rổ từ xa đối với VĐV nữ bóng rổ Đội tuyển Quảng Ninh.
Lựa chọn bài tập đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, song còn chưa đi sâu nghiên cứu về kỹ thuật ném rổ từ xa và các mối liên hệ với các yếu tố khác. Từ những kết quả nghiên cứu về phát triển sức mạnh tốc độ thực hiện kỹ thuật ném rổ từ xa, cho phép rút ra một số vấn đề có thể phù hợp khi lựa chọn bài tập và ứng dụng trong công tác huấn luyện đối với VĐV nữ bóng rổ Đội tuyển Quảng Ninh. Đặc biệt, khi ứng dụng cần nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tiễn công tác huấn luyện đối với VĐV nữ bóng rổ Đội tuyển Quảng Ninh.