CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.3. Các yếu tố tác động đến pháp luật điều chỉnh về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ở Việt Nam
2.3.4. Yếu tố chính sách
* Đảm bảo nguyên tắc quyền con người
Một xã hội phát triển là một xã hội mà trong đó các quyền con người được đề cao. Trong việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và Luật HN&GĐ nói riêng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và hướng tới việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Đây được xem là nguyên tắc quan trọng và là kim chỉ nam cho các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tiên tiến, đồng bộ, công khai minh bạch, khả thi là một trong những mục tiêu cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một trong những định hướng chiến lược, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.84 Đáp ứng yêu cầu đó, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về HN&GĐ nói riêng cũng đã có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở thực hiện nguyên tắc đảm bảo quyền con người.
Trong đó, quy định về MTHVMĐNĐ được đánh giá là một trong những nội dung thể hiện tính nhân văn của pháp luật, phù hợp với phương hướng đổi mới pháp luật trước những thách thức của thế kỉ XXI. Bởi lẽ, ghi nhận và bảo vệ quyền con người về HN&GĐ đã và đang được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới như là bộ phận cấu thành cơ bản nhất trong nhóm quyền con người về dân sự nói riêng, quyền con
84 Xem Bộ Tư pháp, “Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Trang thông tin hợp tác quốc tế về pháp luật.
http://moj.gov.vn/tctccl/tintuc/Pages/chien-luoc-xay-dung.aspx?ItemID=2
người nói chung. Tôn trọng, thực thi và bảo vệ quyền con người về HN&GĐ đã thực sự là tiêu chí để đánh giá tiến bộ xã hội không chỉ mang tính quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.
Xét dưới khía cạnh bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự, ngoài việc tôn trọng và bảo vệ quyền làm cha, mẹ của các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con, các quy định về MTHVMĐNĐ cũng được cân nhắc, đánh giá trên nhiều phương diện liên quan đến các chủ thể khác nhau như quyền được khai sinh, quyền sống của đứa trẻ sinh ra từ kỹ thuật MTHVMĐNĐ; Quyền xác định quan hệ cha, mẹ, con của các chủ thể có liên quan; Các vấn đề về bảo đảm quyền bình đẳng, quyền ly hôn giữa vợ và chồng khi thực hiện kỹ thuật MTHVMĐNĐ; Quyền quyết định tiếp tục hay từ bỏ thai nhi của người phụ nữ MTH; Quyền nuôi con nuôi và được nhận nuôi con nuôi...Tôn trọng và quan tâm bảo hộ các quyền cơ bản nói trên chính là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam trên tất cả các phương diện về quyền con người nói chung và quyền con người trong lĩnh vực dân sự nói riêng – một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc định hướng xây dựng và ban hành pháp luật hiện nay.
2.3.4.1. Đảm bảo nguyên tắc nhân đạo
Nhân đạo được hiểu là đạo lý làm người, biết yêu thương con người và luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Xuất phát từ quan điểm đó, nhân đạo trong pháp luật chính là việc ghi nhận và đề cao giá trị con người trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, hướng tới việc đảm bảo sự công bằng, bác ái và dân chủ giữa người với người trong các mối quan hệ xã hội. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao tính nhân văn trong việc xây dựng và ban hành quy phạm pháp luật; Xác định rõ nguyên tắc nhân đạo là yếu tố then chốt trong việc điều chỉnh, giáo dục con người nhằm hướng tới xây dựng một xã hội thực sự của dân, do dân và vì dân. Điều này đã được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên.
Trên tinh thần đó, việc thông qua chế định MTHVMĐNĐ trong Luật HN&GĐ năm 2014 thực sự là bước tiến quan trọng thể hiện tính nhân đạo của hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại, MTH đã trở thành nhu cầu có thực của không ít các cặp vợ chồng hiếm muộn. Mặc dù đến thời
điểm hiện tại, quan điểm về vấn đề cho phép hay không cho phép MTH tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng từng gây khá nhiều tranh cãi85. Tuy nhiên, xét dưới phương diện pháp lý, việc lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, MTHVMĐNĐ được ghi nhận và pháp điển hóa tại các Điều 94 đến Điều 100 Luật HN&GĐ năm 2014 được xem như một bước tiến quan trọng trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của pháp luật Việt Nam. Trước đây, khi pháp luật nghiêm cấm thì các cặp vợ chồng có nhu cầu thường đi đến việc lựa chọn MTHVMĐTM với nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Như vậy, việc cho phép MTHVMĐNĐ đã tạo ra hi vọng cuối cùng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn khi họ đã thực hiện tất cả các biện pháp có thể chỉ với một mong muốn có được đứa con có cùng huyết thống với chính mình. Đây là một nguyện vọng chính đáng của một số người kém may mắn trong xã hội không có cơ hội làm cha, mẹ. Tuy nhiên, nhiều quan điểm trái chiều hiện nay cho rằng MTHVMĐNĐ nhưng “chưa nhân đạo”. Lý giải cho quan điểm này, nhiều học giả lập luận rằng không thể coi MTH là một vấn đề bình thường. Nếu MTH vì lý do kinh tế được mang ra để biện minh cho hành vi này thì không thể phủ nhận việc làm này làm tổn thương đến đạo đức xã hội. Nếu MTH được cho phép vì mục đích nhân đạo thì việc làm này có thể nhân đạo với cặp vợ chồng nhờ mang thai bởi kết quả của quá trình MTH là bản thân họ được làm cha, làm mẹ; được có con mang cùng huyết thống; được tận hưởng niềm hạnh phúc khi có thể chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con của chính mình. Nhưng ngược lại, quan hệ pháp luật này là không nhân đạo với chính người phụ nữ MTH và ngay cả với bản thân đứa trẻ được sinh ra bởi kỹ thuật này, cụ thể như sau:
Đối với người phụ nữ MTH:
Một là, suy cho cùng, MTHVMĐNĐ nghĩa là việc một người phụ nữ cho người khác “nhờ” tử cung của mình để cấy phôi thai, nuôi dưỡng thai và sinh con.
Như vậy, cho phép MTHVMĐNĐ đồng nghĩa với việc thừa nhận cơ thể con người cũng là một trong những đối tượng được phép giao dịch hợp pháp. Điều này là không phù hợp, vì cơ thể con người không giống như dạng hàng hóa trong thế giới
85 Tỉ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua chế định MTH chỉ đạt 59,1 % - Hồng Mây, Thừa nhận chế định MTH - cánh cửa mở cho ngững người hiếm muộn, truy cập ngày 25/6/2014
http://www.luattrungnguyen.vn/2014/06/thua-nhan-che-inh-mang-thai-ho-canh-cua.html
vật chất, không thể trở thành đối tượng giao dịch được pháp luật thừa nhận với bất kỳ lí do gì. Do đó, cho phép thực hiện MTHVMĐNĐ xét trên nhiều phương diện vẫn có thể xem là một “hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể”86 – quyền bất khả xâm phạm cơ bản của con người. Do đó, dù là vì lý do gì đi chăng nữa thì cơ thể con người nói chung và người phụ nữ nói riêng vẫn không thể đem ra phục vụ cho một giao dịch để “cho mượn” hay “cho thuê”.
Hai là, việc mang thai và sinh đẻ có thể gây tổn hại đến cơ thể của người phụ nữ MTH vì lợi ích của người khác. Việc mang thai và sinh đẻ liên tiếp cho cả những lần sinh con của họ và sinh con vì MTHVMĐNĐ làm suy yếu cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của người phụ nữ. Nghiên cứu của y học chỉ ra rằng, sinh con sẽ làm rút ngắn telomere, đoạn nhỏ cuối cùng của các nhiễm sắc thể. Telomere dài hơn là dấu hiệu cho thấy quá trình lão hóa của tế bào sẽ diễn ra chậm hơn, sống thọ lâu hơn và sức khỏe tổng thể tốt hơn87. Mặt khác, phụ nữ trong thời kỳ mang thai rất dễ bị tổn thương về sức khoẻ cho cả mẹ và thai nhi, mang thai sẽ làm thay đổi các chức năng hô hấp, tiêu hóa, chức năng gan và thận làm tăng hấp thụ, phân bổ và đào thải các chất độc. Một sốảnh hưởng sức khỏe do thay đổi sinh lý ở phụ nữ mang thai đã được xác định cụ thể như: mệt mỏi, căng thẳng; buồn nôn làm tăng nhạy cảm chất hóa học; tăng chuyển hóa làm tác hại tới gan; tăng dòng máu tới thai nhi gây thiếu ô xy cho thai nhi; tăng kích thích cơ tim làm tăng loạn nhịp tim, tăng huyết áp; tăng đau vùng thắt lưng; khó khăn khi di chuyển, thao tác...Tất cả các vấn đề trên đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người phụ nữ MTH chưa kể đôi khi vấn đề về MTHVMĐNĐ thường đặt ra khi tuổi trung bình của họ đã không còn phù hợp88 dẫn đến các nguy cơ cao về tai biến sản khoa.
Ba là, mặc dù pháp luật cho phép MTHVMĐNĐ với những cơ chế kiểm soát cụ thể nhưng không thể đảm bảo chắc chắn rằng không có nguy cơ cho việc bóc lột và thương mại hóa người MTH. Một số quan điểm cho rằng, pháp luật hiện hành
86 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
87 Xem Quỳnh Anh, “Sinh con có thể làm tế bào phụ nữ già đi 11 năm”, Truy cập ngày 18/6/2018.
https://vtv.vn/suc-khoe/sinh-con-co-the-lam-te-bao-phu-nu-gia-di-11-nam-20180617005330678.htm.
88 Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể người MTH ở giới hạn độ tuổi nào mà chỉ quy định chung chung về điều kiện người người MTH là “ ở độ tuổi phù hợp” (khoản 3 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2014).
quy định bên nhờ MTH phải chi trả một khoản cho phí hợp lí và khoản chi trả này được kiểm soát nhưng đây vẫn là một sự khuyến khích về mặt kinh tế đôi khi có tác động tới sự tự nguyện của người MTH.
Đối với đứa trẻđược sinh ra từMTHVMĐNĐ:
Một là, nhiều quan điểm cho rằng việc chia cắt đứa trẻ sơ sinh với người mẹ MTH có thể gây ra các thương tổn tới sự phát triển của trẻ. Nguồn gốc khác biệt với những đứa trẻ khác có thể gây ra chứng trầm cảm vì nỗi ám ảnh bị bỏ rơi. Thực tế, trước khi kỹ thuật MTH được ghi nhận, việc xác định mẹ cho con dựa trên sự kiện sinh đẻ được thực hiện theo một nguyên tắc duy nhất là người phụ nữ nào sinh ra đứa trẻ người đó được xác định là mẹ hợp pháp của đứa trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, nguyên tắc này không còn là duy nhất khi pháp luật thừa nhận MTHVMĐNĐ, bởi lẽ sau khi thỏa thuận về MTH được thực hiện thì người phụ nữ MTH phải có trách nhiệm chuyển giao con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai. Do đó, hành vi này có thể tạo ra những tác động tâm lý không chỉ đối với bản thân “người mẹ MTH” mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ được sinh ra từ phương pháp này. Đó là mặc cảm về việc bản thân trẻ bị chính người mẹ sinh ra “bỏ rơi”. Sự ám ảnh này thường dẫn đến những rối loạn về mặt tâm lý như trẻ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị trầm cảm, tự kỉ; Sự mặc cảm về việc mình được sinh ra không giống như những đứa trẻ bình thường khác...Ngoài ra, đứa trẻ được sinh ra còn phải đối mặt với một môi trường phức tạp khi vừa tồn tại cha mẹ huyết thống và người MTH đã sinh ra mình. Như vậy, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chịu hậu quả pháp lý và xã hội, một cách hoàn toàn thụ động, chính là đứa trẻ sinh ra từ việc MTH. Những tác động tâm lý đó là tiêu cực đối với trẻ và vì như thế nên MTH là phương thức sinh con không hềmang tính “nhân đạo” với chính đứa trẻđược sinh ra.
Hai là, bên cạnh sự tác động về mặt tâm lý đối với trẻ em được sinh ra từ MTH, nhiều quan điểm cũng cho rằng MTH tức là xem trẻ em như là một món hàng để có thể thỏa thuận, giao dịch trong một bản hợp đồng. Điều này là không phù hợp vì như đã luận giải trên, con người không phải là đối tượng hay kết quả của bất kì một giao dịch dân sự nào. Việc quy định trẻ em là đối tượng của hợp đồng trong
thỏa thuận MTH đương nhiên biến trẻ em thành hàng hóa giao dịch. Điều này làm mất đi ý nghĩa nhân đạo của quan hệ pháp luật này.
Ba là, MTH là một trong những chế định còn rất mới ở Việt Nam. Do vậy, chưa có cơ sở nào để có thể đảm bảo chắc chắn rằng việc quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên không bị xâm phạm; Cơ chế giải quyết về tranh chấp nếu có là triệt để. Trong một số trường hợp, khả năng đứa trẻ được sinh ra nhưng không được nhận vẫn có nguy cơ xảy ra. Như vậy, nếu rơi vào các tình huống chủ quan trên thì quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ sẽ bị xâm hại đầu tiên. Các vấn đề về quyền được khai sinh, quyền được chung sống với cha mẹ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng...có thể không được thực hiện hoặc nếu có thực hiện được cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu cơ chế pháp lý không được đảm bảo thì đứa trẻ được sinh ra từ MTHVMĐNĐ sẽ là đối tượng bị tác động đầu tiên và rất thiệt thòi.
Những lo ngại trên không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đặt trong sự tổng hòa và cân bằng lợi ích của các mối quan hệ xã hội thì chế định về MTH vẫn mang những giá trị tích cực. Song để tránh những tác động tiêu cực như đã đề cập trên thì hệ thống pháp luật cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc với những thiết chế phù hợp và khả thi. Trong đó, bên cạnh quyền lợi của bên nhờ MTH thì quyền lợi hợp pháp của bên MTH luôn phải được tôn trọng và đảm bảo sự hài hòa; Quyền lợi của trẻ em trong mọi hoàn cảnh luôn phải được đặt lên hàng đầu.