CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG RỦI RO TÍN DỤNG TRONG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG - CN NHA
2.2. Thực trạng rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng
2.2.3 Kết quả kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng tại VPBank – CN Nha
Hệ thống quản trị rủi ro trong năm 2018 -2019 của VPBank nói chung và của Chi nhánh Nha Trang nói riêng tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh, tỷ lệ nợ xấu dưới mức kế hoạch, rất ít tổn thất vận hành phát sinh, các rủi ro tiềm năng nằm trong mức chấp nhận được, các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động được duy trì và ngày càng được cải thiện.
2.2.3.1. Chính sách tín dụng
Vào dịp đầu năm, VPBank Nha Trang luôn ban hành chính sách tín dụng để định hướng công tác phát triển tín dụng trong năm đó cho các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên tùy vào điều kiện kinh tế cụ thể của từng năm mà VPBank Khánh Hòa sẽ có những chỉ đạo tín dụng chi tiết hơn theo quý hoặc 6 tháng để giúp các đơn vị kịp thời nắm bắt xu hướng của thị trường, điều chỉnh chính sách bán hàng phù hợp qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trong công tác phát triển tín dụng.
Nhìn chung, trong từng năm Chính sách tín dụng của VPBank Khánh Hòa dựa trên nguyên tắc như tăng trưởng tín dụng trên nguyên tắc có chọn lọc (về đối tượng khách hàng, về lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, khu vực địa lý…) nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác cho vay. Việc phát triển tín dụng phải đi đôi với công tác huy động vốn để đảm bảo việc phát triển kinh doanh bền vững. Việc cấp tín dụng, giải ngân cho khách hàng đều bám sát chỉ tiêu huy động vốn. Phát triển tín dụng phải trên nguyên tắc đo lường và quản trị rủi ro, quy mô dư nợ từng loại khách hàng một cách phù hợp.
Tại VPBank – CN Nha Trang, phát triển tín dụng phải đảm bảo khai thác tối ưu các dịch vụ khác của VPBank cung cấp cho khách hàng, bán chéo sản phẩm nhằm đạt hiệu quả thu nhập tốt nhất, góp phần dịch chuyển tăng thêm doanh thu từ dịch vụ ngoài tín dụng.
Về đối tượng khách hàng: Tập trung phát triển các đối tượng khách hàng có quy mô vừa và nhỏ, các khách hàng cá nhân đảm bảo cơ cấu tín dụng theo đúng định hướng, phát huy lợi thế khách hàng theo từng vùng miền, từng chi nhánh.
Căn cứ theo chính sách tín dụng của VPBank trong từng thời kỳ, VPBank – CN Nha Trang đã và đang tập trung phát triển khai thác sâu, khai thác toàn diện (dư nợ, tiền gửi, bảo lãnh…) vào các đối tượng khách hàng ưu tiên cho vay tiêu dùng như vay mua nhà, mua xe…Đặc biệt, trong năm 2018 , VPBank – CN Nha Trang đã bắt đầu triển khai lĩnh vực cho vay mới là bất động sản. Hạn mức tín dụng đã được cấp cho khách hàng trong lĩnh vực bất động sản là 300 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân từ đầu năm 2018 hứa hẹn sẽ mang lại để có quy mô dư nợ lớn và có khả năng sinh lời cao.
2.2.3.2. Tài sản đảm bảo
Các khoản cấp tín dụng bán lẻ phải được đảm bảo bằng 100% tài sản. Các hình thức bảo đảm được áp dụng tại VPBank – CN Nha Trang bao gồm: thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, ký quỹ, bảo lãnh của bên thứ ba. Tại chi nhánh biện pháp bảo đảm chủ yếu là thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, ký quỹ. Công tác định giá tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân tại chi nhánh thực hiện khá tốt, khách quan. Đối với những tài sản giá trị dưới 1 tỷ đồng do các phòng kinh doanh tự thực hiện, những tài sản giá từ 1 tỷ đến 5 tỷ phải có sự đồng ý của Phó giám đốc Chi nhánh, tài sản trên 5 tỷ đồng thì phải lập Hội đồng định giá bao gồm các thành phần định giá là cán bộ QLKH, lãnh đạo phòng kinh doanh, thành viên phòng QLRR và phó giám đốc Chi nhánh. Ngoài cho vay có tài sản bảo đảm thì VPBank – CN Nha Trang còn có sản phẩm tín dụng không có tài sản đảm bảo, còn gọi là cho vay tín chấp tức được bảo đảm bằng thu nhập của chính khách hàng. Đối với sản phẩm này VPBank – CN Nha Trang luôn duy trì ở một tỷ lệ thấp, trong khoảng 8% đến 12% tổng dư nợ.
2.2.3.3. Mua bảo hiểm tín dụng
Theo quy định hiện hành của VPBank, ngân hàng đẩy mạnh công tác bán bảo hiểm vay vốn, quy định bắt buộc 100% khách hàng vay vốn tín chấp phải mua bảo hiểm.
Đồng thời, trong năm 2019 và 2020 chi nhánh đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất cho các khách hàng tham gia bảo hiểm vay vốn. Theo đó, khách hàng vay vốn mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm tối đa bằng mức tiền vay của khách hàng tại VPBank, nhưng không cao hơn mức trách nhiệm tối đa mà công ty bảo hiểm có thể cấp theo quy định hiện hành tại thời điểm khách hàng được VPBank cấp tín dụng, thời hạn mua bảo hiểm được xác định từ thời điểm khách hàng được cấp tín dụng đến thời điểm khách hàng hoàn tất các nghĩa vụ phát sinh với ngân hàng, đối tượng thụ hưởng bảo hiểm là VPBank.
2.2.3.4. Công tác xử lý các khoản vay có vấn đề
Với những khoản tín dụng có vấn đề như nợ xấu, khách hàng mất khả năng thanh toán, VPBank – CN Nha Trang đã thực hiện các bước quản lý nợ xấu theo đúng quy định của Ngân hành nhà nước và của VPBank như Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cụ thể :
Xử lý nợ xấu trông qua thu hồi trực tiếp và qua phát mãi tài sản đảm bảo.
Trên cơ sở kết quả phân loại nợ định kỳ, VPBank – CN Nha Trang chỉ đạo thực hiện rà soát, xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ xấu theo từng biện pháp cụ thể.
Theo đó, biện pháp thu hồi nợ trực tiếp từ khách hàng, thu hồi nợ thông qua việc phát mãi tài sản đảm bảo được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Khi khách hàng thực hiện bất kì một khoản vay nào tại ngân hàng thì ngân hàng đều yêu cầu khách hàng có một tài sản để đảm bảo khả năng trả nợ của mình. Khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng có quyền mang tài sản này ra phát mại trên thị trường để thu hồi vốn. Do vậy, công tác thẩm định và quản lý tài sản đảm bảo của ngân hàng luôn được chú trọng và là một phần trong quy trình tín dụng. VPBank cũng ban hành những quy định cụ thể về loại tài sản đảm bảo, tỷ lệ dư nợ/giá trị tài sản đảm bảo cho mỗi hình thức cho vay...
Xử lý nợ xấu bằng phương pháp cơ cấu lại nợ
Cơ cấu lại nợ là biện pháp được sử dụng khi một khoản nợ đến kỳ hạn trả nợ nhưng ngân hàng đánh giá khách hàng khó có khả năng thanh toán theo lịch trả nợ đã ký trước do khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên nếu ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn) thì khách hàng hoàn toàn có khả năng thanh toán đúng hạn. Việc cơ cấu lại nợ không chỉ mở cho doanh nghiệp một lối thoát để tiếp tục kinh doanh mà còn đem lại lợi ích cho bản thân ngân hàng.
Xử lý nợ xấu bằng phương pháp pháp lý
Biện pháp pháp lý thường là biện pháp được chi nhánh áp dụng cuối cùng, sau khi các biện pháp khác đã áp dụng mà việc xử lý thu hồi nợ vẫn không hiệu quả. Do vậy, cần sự can thiệp của các cơ quan pháp luật như: Tòa án, Thi hành án nhằm hỗ trợ ngân hàng tận thu hồi nợ vay... Sở dĩ biện pháp này thường được sử dụng sau cùng vì khi có sự can thiệp của cơ quan pháp lý sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông, gây ảnh hưởng tới hình ảnh của VPBank – CN Nha Trang và mối quan hệ của ngân hàng với khách hàng. Ngoài ra chi phí cho một vụ kiện thường không nhỏ, thời gian thường kéo dài và đôi khi cũng không giúp ngân hàng tận thu lãi được. Do vậy, chỉ khi các biện pháp cứng rắn khác không đạt hiệu quả thì chi nhánh mới sử dụng pháp lý để xử lý nợ xấu.
Xử lý nợ xấu bằng phương pháp khác.
Ngoài việc xử lý nợ xấu bằng các biện pháp nêu trên, trong thời gian qua VPBank – CN Nha Trang còn thực hiện biện pháp xử lý nợ xấu trên cơ sở sự giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện của nhiều cơ quan chức năng địa phương
2.3. Đánh giá chung