Hàng thừa kế thứ nhất

Một phần của tài liệu PHáp luật diện hàng thừa kế áp dụng thực tiễn (Trang 42 - 45)

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ

1.4 Hàng thừa kế theo pháp luật

1.4.1 Hàng thừa kế thứ nhất

Trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, pháp luật quy định rất khác nhau về hàng thừa kế. Giai đoạn trước năm 1945, tư tưởng phong kiến, lễ giáo hủ tục hà khắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng lập pháp thời kỳ này. Hàng thừa kế theo pháp luật và người thừa kế theo trật tự hàng cũng bị những tư tưởng phong kiến chi phối mạnh mẽ.

Quy định về hàng thừa kế cũng như phạm vi những người trong cùng một hàng thừa kế có sự khác nhau ở mỗi thời kỳ. Trước năm 1945, dưới chế độ thực dân, phong kiến, pháp luật về thừa kế quy định về hàng thừa kế trước hết là bảo vệ quyền hưởng di sản của những người trong quan hệ huyết thống nội tộc với người để lại di sản và nhằm củng cố gia đình theo ý thức hệ phong kiến. Bộ luật Hồng Đức quy định hai hàng thừa kế trong đó các con là hàng thừa kế thứ nhất. Đến Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931, diện những người thừa kế không được chia thành hàng cụ thể mà quy định thành năm thứ tự ưu tiên hưởng di sản trong đó thứ tự đầu tiên là con cái của người để lại di sản (bao gồm con đẻ, con nuôi). Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta đã có nhiều đổi mới, trong đó bao gồm cả hệ thống pháp luật.

Những ngày đầu xây dựng đất nước, Sắc lệnh số 97 ra đời quy định chỉ có một hàng thừa kế là vợ góa, chồng góa, các con của người để lại di sản. Những quy định về hàng thừa kế trong các văn bản ở những giai đoạn sau này như Pháp lệnh thừa kế năm 1990, BLDS năm 1995 đều có xu hướng mở rộng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người thân thích, gần gũi nhất với người để lại di sản.

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định ba hàng thừa kế theo pháp luật tại Điều 651. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất dựa trên cả ba mối quan hệ bao gồm quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Trong đó, những người ở bề trên gồm có: ông, bà; ngang bậc gồm có: vợ, chồng và bề dưới bao gồm:

các con. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau, là giám hộ và đại diện đương nhiên của nhau khi thỏa mãn các điều kiện luật định.

Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng là mối quan hệ mang tính đối nhau, nghĩa là bên này chết thì bên kia thuộc hàng thừa kế thứ nhất và ngược lại. Căn cứ để xác định quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng là quan hệ hôn nhân như với các điều kiện như được phân tích tại mục quan hệ hôn nhân ở trên.

Theo quy định tại Điều 651 BLDS năm 2015 thì con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết để lại di sản thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi có thể được thực hiện theo nhiều cách thức với nhiều mục đích khác nhau và chỉ những trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch (theo Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986) hoặc có đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo Luật HN&GĐ năm 2014, Luật Nuôi con nuôi 2010) mới phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật. Hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta không công nhận quan hệ nuôi dưỡng thực tế (quan hệ nuôi con nuôi về mặt xã hội).

Đó là trường hợp nhận con nuôi nhưng không đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc nuôi con nuôi trong thực tiễn đời sống xã hội có thể bắt nguồn từ phong tục tập quán, chẳng hạn như tục nối nòi ở một số vùng miền núi dân tộc thiểu số như dân tộc Ê Đê. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên việc nói nòi theo dòng họ mẹ, để dòng họ mẹ không bị tuyệt tự là một điều quan trọng. Vì vậy, quyền thừa kế cũng được xác định theo dòng họ mẹ nên trong trường hợp một người phụ nữ không có con thì "phải tìm nuôi lấy một đứa con của người chị hay của người em gái mình, không có đứa này thì phải tìm một đứa khác trong cùng một họ với mình" và khi đó, người con được thừa kế mọi của cải của người phụ nữ để lại8. Người Mường, Thái, Dao, Mông đều có phong tục nhận nuôi con nuôi. Các gia đình dân tộc Mường, Thái mà không có con, họ thường nhận một người con của người anh hay người em làm con nuôi và coi như con đẻ của mình.

Những quan hệ nuôi con nuôi theo phong tục tập quán như vậy có thể vì lợi ích của người nuôi, của gia đình dòng họ người nhận nuôi nhiều hơn vì lợi ích của con nuôi. Phong tục tập quán này đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và đến nay vẫn còn tồn tại.

Việc nuôi con nuôi cũng có thể tồn tại dưới dạng danh nghĩa hoặc với mục đích để lấy phúc.

Nuôi con nuôi trên danh nghĩa là việc các bên nhận nhau là cha mẹ nuôi và con nuôi xuất phát từ tình cảm và không gắn với quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con, không nhằm mục đích

8 Điều 106 Luật tục Ê- Đê.

hình thành quan hệ cha mẹ và con trong thực tế. Các bên có thể đối xử, xưng hô là cha mẹ và con nhưng không ràng buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trên thực tế.

Nuôi con nuôi để lấy phúc cũng là trường hợp khá phổ biến xuất phát từ quan niệm nhận một đứa trẻ về nuôi, coi như con của mình để làm phúc, như thế sẽ có thể giảm bớt tai họa, những điều không may mắn cho gia đình. Những trường hợp nuôi con nuôi trên có đặc điểm chung là đều không có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải các hình thức nuôi con nuôi đó đều là nuôi con nuôi thực tế. Nuôi con nuôi thực tế phải thỏa mãn các dấu hiệu sau: giữa người nhận nuôi và con nuôi có mong muốn thiết lập quan hệ cha mẹ và con, đã thật sự coi nhau và đối xử với nhau như cha mẹ và con; người nhận nuôi và người được nhận nuôi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật về độ tuổi, tư cách đạo đức, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng; các bên đã cùng chung sống, gắn bó với nhau trong tình cảm cha mẹ và con, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau. Quan hệ cha mẹ và con giữa hai bên đã được xác lập trên thực tế được họ hàng và những người xung quanh công nhận, việc nhận nuôi không trái với mục đích của việc nuôi con nuôi và đạo đức xã hội.

Những cơ sở để xác định hàng thừa kế thứ nhất tại các văn bản pháp luật trước đây tiếp tục được kế thừa và phát triển tại các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ thừa kế sau này.

Theo quan hệ huyết thống ở hàng thừa kế thứ nhất có cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ được hưởng di sản của nhau. Theo quan hệ hôn nhân thì vợ chồng được hưởng di sản của nhau. Theo quan hệ nuôi dưỡng thì con nuôi, cha mẹ nuôi được hưởng di sản của nhau.

Hàng thừa kế thứ nhất thể hiện quyền ưu tiên hưởng di sản thừa kế theo pháp luật trong số những người thuộc diện được hưởng. Những người được chỉ định trong hàng thừa kế thứ nhất có mối quan hệ gần gũi hơn cả với người để lại di sản

Trình tự hưởng di sản thừa kế theo hàng luôn được thực hiện theo nguyên tắc chia di sản thừa kế theo luật. Ngược lại, nếu quy định những người có quyền thừa kế theo pháp luật hưởng những phần di sản không đều nhau sẽ phá vỡ nguyên tắc hưởng di sản theo trình tự hàng thừa kế. Khi đó những phức tạp vốn có của quan hệ thừa kế càng thêm phức tạp, khó giải quyết và việc hưởng di sản theo trình tự hàng thừa kế sẽ không còn ý nghĩa. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế còn tồn tại những vấn đề phức tạp đó là trường hợp người chồng chết, người vợ gặp phải hoàn cảnh khó khăn trong đời sống và nuôi dạy con cái thì người vợ có quyền hưởng toàn bộ di sản hay không trong khi vẫn còn người cùng hàng thừa kế là bố mẹ

chồng? Luật không quy định người vợ hưởng toàn bộ di sản trong trường hợp này. Theo nguyên tắc, vợ hoặc chồng chỉ được hưởng toàn bộ di sản của nhau khi không còn cha mẹ và các con của người chết. Quy định của pháp luật thừa kế ở nước ta hiện nay là hợp lý, phù hợp với nguyên tắc chia thừa kế theo hàng. Những người thừa kế trong một hàng không thể được hưởng thừa kế nhiều hơn hoặc ít hơn.

Tóm lại, có thể nhận thấy rằng, việc quy định những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết là phù hợp với đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam. Hơn nữa, quy định này còn được xây dựng trên nền tảng gia đình hiện đại, đó là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình để cùng xây dựng một cuộc sống đảm bảo cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, vợ chồng có bổn phận và trách nhiệm cùng nhau duy trì cuộc sống gia đình và nuôi dạy con cái. Con cái có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ lúc đau yếu là những nét văn hóa mang tính nhân văn tốt đẹp trong gia đình Việt Nam ngày nay.

Một phần của tài liệu PHáp luật diện hàng thừa kế áp dụng thực tiễn (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)